Hiệu
quả của nỗ lực Trung Quốc thao túng truyền thông ở Việt Nam ra sao?
Trường
Sơn
2021-07-26
Cùng với sự tăng trưởng về sức mạnh kinh tế và quân
sự, ảnh hưởng của Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới cũng tăng theo, và
nước này đang ngày càng chú trọng đến việc sử dụng truyền thông để gieo rắc,
tuyên truyền nhằm củng cố ảnh hưởng cũng như chống lại những gì mà Trung Quốc
cho là bất lợi.
*
Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc và có hệ thống
chính trị tương đồng, song song đó có những tranh chấp gay gắt về mặt chủ quyền,
và đang kẹt ở giữa cuộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường. Do đó, Việt
Nam đang phải đối mặt với những thách thức độc nhất trước sự gia tăng ảnh hưởng
của Trung Quốc, kể cả trong lĩnh vực truyền thông.
Ngày 23 tháng 7, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
(ISEAS) có trụ sở ở Singapore tổ chức cuộc hội đàm về nỗ lực của Trung Quốc
trong việc tạo ra ảnh hưởng đến lĩnh vực truyền thông ở Việt Nam.
Cuộc toạ đàm được thực hiện bởi hai diễn giả,
bao gồm ông Drew Thompson từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu, và ông Lương
Nguyễn An Điền từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
Chính quyền Trung Quốc, theo ông Drew
Thompson, đã chi hàng tỉ đô la Mỹ trong những năm vừa qua cho chiến lược tuyên
truyền ở nước ngoài của họ.
Cụ thể, nước này thành lập hàng loạt các hãng
thông tấn và đài phát thanh, trong số đó phải kể đến Tân Hoa Xã (Xinhua) và Đài
phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China International Radio). Những cơ quan truyền
thông này được nhà nước rót kinh phí để mở hàng loạt trụ sở ở nước ngoài, và hoạt
động dưới sự chỉ đạo của cơ quan tuyên giáo Trung Quốc, với mục đích đảm bảo lợi
ích của nước này ở quảng bá chính sách cũng như hình ảnh cá nhân của Tập Cập
Bình.
Ngoài truyền thông dòng chính, Trung Quốc cũng
đầu tư mạnh mẽ vào nỗ lực tạo ảnh hưởng trên truyền thông mạng xã hội, các
trang tin như Hoàn cầu Thời báo (Global Time) hay Trung Hoa Nhật báo (China
Daily) là những trang tin của chính phủ Trung Quốc hoạt động tích cực trên các
nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter, dù cho các mạng xã hội này bị cấm
ở Trung Quốc.
Trung Quốc cũng tích cực đầu tư vào các dự án
làm phim ở Hollywood, thông qua đó quảng bá các thông điệp mà chính phủ nước
này muốn đến toàn thế giới.
Khi nói đến ảnh hưởng của Trung Quốc lên môi
trường thông tin ở Việt Nam, ông Drew Thompson nhấn mạnh, là trước tiên cần phải
hiểu bản chất của môi trường truyền thông ở Việt Nam.
“Internet bị kiểm duyệt, truyền thông thì bị
kiểm soát ngặt nghèo, và giới hạn việc sở hữu, đã ngăn chặn những luồng tư tưởng
mà Đảng Cộng Sản Việt Nam coi là mối hoạ”. Ông Drew Thompson nói.
Việt Nam vốn được biết là quốc gia có môi trường
báo chí bị kiểm soát ngặt nghèo bởi Nhà nước, hầu như tất cả các cơ quan truyền
thông ở trong nước đều thuộc sự chi phối của các cơ quan Đảng và Chính phủ, như
Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Về cơ bản thì giữa
Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng rất lớn về cách quản lý báo chí và truyền
thông.
Hình minh hoạ: Một
sạp báo trên đường phố Hà Nội. Hình: Reuters
Chính vì môi trường báo chí bị kiểm duyệt ngặt
nghèo, nên ông Drew Thompson cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ảnh
hưởng lên hệ thống truyền thông ở Việt Nam là rất hạn chế, bởi Nhà nước Việt
Nam không cho phép bất cứ sự đầu tư hay can thiệp nào từ nước ngoài vào hệ sinh
thái truyền thông ở Việt Nam.
Ngoài nguyên do cơ chế, Trung Quốc còn gặp phải
một lực cản khác khi cố gắng thao túng truyền thông ở Việt Nam, và theo ông
Lương Nguyễn An Điền thì đó chính là tâm lý chống Trung Quốc của người dân Việt
Nam.
Quả vậy, xã hội Việt Nam từ trước đến nay vẫn
duy trì thái độ dè dặt, thậm chí là bài bác gay gắt những gì liên quan đến
Trung Quốc. Điều này, ông Lương Nguyễn An Điền nói, đã tạo ra sự kháng cự trước
những ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nội bộ đội ngũ báo chí ở Việt Nam, và
đóng vai trò răn đe đối với bất cứ nỗ lực tuyên truyền có lợi nào cho nước láng
giềng phía Bắc, bởi điều đó chắc chắn sẽ đón nhận làn sóng phẫn nộ của dân
chúng.
Gặp trở trại trong việc tác động đến truyền
thông dòng chính ở Việt Nam, chính quyền Trung Quốc, thông qua cơ quan ngoại
giao của mình, đã chuyển hướng và nhắm vào các công cụ mạng xã hội để thực hiện
các chiến dịch tuyên truyền.
Theo đánh giá của ông Drew Thompson thì chính
vì Việt Nam và Trung Quốc có hệ thống chính trị tương đồng nhau, đều là các quốc
gia Cộng Sản, nên giữa hai quốc gia có sự liên hệ không giống so với các nước
khác, ở đây là sự liên hệ giữa hai đảng Cộng Sản. Chính quyền Trung Quốc rất nỗ
lực trong việc tạo ảnh hưởng thông qua gây áp lực lên các cơ quan Đảng và chính
quyền ở Việt Nam. Do vậy, chiến lược tuyên truyền của họ trên mạng xã hội ở Việt
Nam, có mục đích rất riêng.
Theo quan sát của ông Lương Nguyễn An Điền,
thì các nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc ở Việt Nam chủ yếu là thông qua cơ
quan ngoại giao của nước này, trong đó có Đại sứ quán của họ tại Hà Nội, và lãnh
sự quán ở TP. Hồ Chí Minh. Cả hai cơ quan ngoại giao này của Trung Quốc đều xuất
hiện trên Facebook, mạng xã hội được hầu hết người Việt Nam sử dụng. Và thông
điệp mà họ tích cực truyền đi nhất, đó là các luận điệu chống Mỹ.
“Nội dung trên trang Facebook của cơ quan ngoại giao
Trung Quốc hàm chứa thông điệp đả kích nhằm phục vụ hai mục đích, một là để bảo
vệ chính sách của Trung Quốc, và hai là để chỉ trích Hoa Kỳ”. Ông Lương Nguyễn An Điền phát biểu.
Hình minh hoạ. So
sánh hai trang Fanpage của Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán
Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh vào 8 giờ tối giờ Việt Nam (ngày 24/11/2020)
Việt Nam đang ở trong tình huống bị kẹt ở giữa
cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, rõ ràng Trung Quốc không
muốn Việt Nam ngả theo Mỹ, nhưng nước này cũng ý thức được là người dân Việt
Nam bài bác họ. Thế nên các thông điệp mà các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc
đưa ra hầu hết tập trung vào việc chỉ trích Hoa Kỳ và tránh động đến các vấn đề
nhạy cảm như tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
Dù vậy, theo đánh giá của ông Lương Nguyễn An
Điền thì Trung Quốc hầu như không gặt hái được thành công nào trong việc tạo ảnh
hưởng đến truyền thông và người dân Việt Nam thông qua mạng xã hội. Thậm chí,
trong nhiều trường hợp, những nỗ lực của cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã tạo
ra làn sóng phản đối của người dân Việt Nam. Đơn cử như hồi tháng 7 năm 2020,
nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam,
trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đăng tải bài báo được viết
bởi Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo, trong đó cảnh báo Việt Nam không không được
ngả theo Mỹ. Bài đăng này sau đó đã nhận phải làn sóng công kích của dân mạng ở
Việt Nam.
Kể từ đó, theo quan sát của ông Điền thì các
cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam đã hạn chế đăng tải phát ngôn trên
mạng xã hội. Bằng chứng là hồi tháng 6 năm 2021, đại sứ quán Trung Quốc đã đăng
tuyên bố phản đối việc phân bổ vắc-xin do Trung Quốc tặng của chính quyền Việt
Nam trên mạng xã hội Weibo, vốn chỉ được người Trung Quốc sử dụng, chứ không
đăng tải trên Facebook.
Theo kết luận của hai chuyên gia, Drew
Thompson và Lương Nguyễn An Điền, thì dù cố gắng nhưng cho đến nay các nỗ lực của
Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng lên truyền thông và mạng xã hội ở Việt Nam
được cho là đã gặp phải thất bại.
No comments:
Post a Comment