NỘI
DUNG :
Việt Nam trong thế cờ mới của Mỹ
Hiếu Chân/Người Việt
.
Đi tìm lời giải cho cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc
Hiếu Chân/Người Việt
.
===================================================
.
.
Việt Nam trong thế cờ mới của Mỹ
Hiếu
Chân/Người Việt
July 27, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/viet-nam-trong-the-co-moi-cua-my/
Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang có bước phát
triển mới đáng chú ý. Nhưng tương lai của mối quan hệ này như thế nào vẫn chưa
biết trước được. Có điều, hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sẽ khó khăn
hơn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/A1-Viet-Nam-the-co-moi-My-1068x807.jpg
Thêm ba triệu liều
vaccine Moderna do Mỹ trao tặng về tới Việt Nam, theo thông cáo báo chí của Đại
Sứ Quán Mỹ tại Việt Nam hôm 25 Tháng Bảy. (Hình: Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại Sài
Gòn cung cấp)
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ đến
thăm Việt Nam trong hai ngày, từ Thứ Tư, 28 Tháng Bảy. Ông là giới chức cao cấp
đầu tiên trong nội các của chính phủ Biden đến thăm “quốc gia cựu thù.”
Mỹ đẩy mạnh viếng
thăm và hỗ trợ Việt Nam
Trước khi lên đường, Bộ Trưởng Austin cho báo
chí biết chuyến đi của ông có mục đích thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng giữa
Mỹ và các đối tác Đông Nam Á, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ tự
do hải hành, chống lại cái mà ông gọi là “những yêu sách chủ quyền vô căn cứ và
không có ích lợi gì” của Trung Quốc trên vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.
Phó Tổng Thống Mỹ Kamala Harris được biết cũng
sẽ đến Việt Nam vào giữa Tháng Tám, chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của bà từ
khi nhậm chức phó tổng thống. Reuters cho biết bà Harris sẽ đến thăm Việt Nam
và Singapore nhưng chi tiết của chuyến đi chưa được công bố, chỉ biết bà sẽ tập
trung bàn vấn đề kiểm soát đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở Đông Nam Á.
Về COVID-19, có lẽ để tạo thuận lợi cho chuyến
viếng thăm của Phó Tổng Thống Harris, chính phủ Mỹ mới đây đã gia tăng rất
nhanh việc viện trợ vaccine cho Việt Nam giữa lúc Hà Nội choáng váng vì đại dịch
hoành hành dữ dội, cả nước đã ghi nhận hơn 100,000 ca nhiễm virus. Cuối tuần
qua Việt Nam đã nhận được ba triệu liều vaccine Moderna do Mỹ hỗ trợ thông qua
cơ chế COVAX, nâng tổng số
vaccine mà Mỹ viện trợ cho Việt Nam lên đến năm triệu liều, theo thông
tin từ Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội hôm 24 Tháng Bảy. Đại Sứ Việt Nam tại Mỹ Hà
Kim Ngọc cho biết Mỹ cũng đang xem xét viện trợ cho Việt Nam thêm nhiều vaccine
nữa trong thời gian tới, trang web của chính phủ Việt Nam đưa tin hôm 25 Tháng
Bảy.
Mặc dù hoạt động viện trợ vaccine của chính phủ
Mỹ chỉ thuần túy mang tính chất nhân đạo, không kèm theo bất kỳ điều kiện chính
trị hoặc kinh tế nào, nhưng sự hào phóng mà Mỹ dành riêng cho Việt Nam giữa lúc
nguồn cung cấp vaccine trên toàn cầu bị khan hiếm trầm trọng là điều rất có ý
nghĩa.
Nên để ý, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam
Á bị Trung Quốc gạt ra ngoài chương trình “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh;
Trung Quốc có viện trợ cho Hà Nội nửa triệu liều vaccine COVID-19 do Trung Quốc
sản xuất nhưng chỉ để chích cho công dân Trung Quốc làm ăn sinh sống ở Việt Nam
và những người Việt sinh sống gần biên giới Trung Quốc, có nhu cầu qua lại
Trung Quốc để làm ăn chứ không nhằm giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch.
Sự viện trợ vaccine hào phóng của Mỹ, cùng với
các nền dân chủ khác như Nhật và Úc, là hết sức ý nghĩa trong thời điểm hiện
nay; nó cho người dân Việt Nam nhìn thấy rõ, ai thực sự là bạn của Việt Nam
trong lúc nguy nan.
Cũng trong chuỗi hoạt động viện trợ của Mỹ
dành cho Việt Nam, báo chí trong nước cho biết tàu Cảnh Sát Biển CSB 8021,
nguyên là tàu USCGC John Midgett của Lực Lượng Tuần Duyên Mỹ được Washington
chuyển giao cho Hà Nội, đã về tới Việt Nam hôm 23 Tháng Bảy. Con tàu sẽ được bổ
sung vào lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, “chứng minh cho hợp tác an ninh hàng
hải chặt chẽ giữa hai nước và giúp bảo đảm trật tự dựa trên luật lệ ở Biển
Đông,” theo thông tin từ Đại Sứ Quán Mỹ.
Trong lĩnh vực thương mại và tiền tệ khá phức
tạp và tế nhị, Mỹ dường như cũng ưu ái với Việt Nam khi quyết định không trừng
phạt Hà Nội về hành vi thao túng tỷ giá tiền tệ để giành lợi thế cho hàng hóa
xuất cảng vào Mỹ. Do giá trị hàng hóa Việt Nam nhập cảng vào Mỹ tăng nhanh,
chính quyền Trump trước đây đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước “thao túng
tiền tệ” cùng với Trung Quốc và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt như tăng thuế
lên hàng hóa Việt Nam bán sang Mỹ.
Nhưng mới đây Bộ Trưởng Tài Chính Mỹ Janet
Yellen và Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đàm phán và
đi đến thỏa thuận “một giải pháp ổn thỏa cho vấn đề bị điều tra và do đó không
có hành động thương mại nào được tiến hành vào lúc này.”
Hôm 23 Tháng Bảy, Đại Diện Thương Mại Mỹ
Katherine Tai (Đới Kỳ) ra thông báo tán thành thỏa thuận của Bộ Tài Chính, và sẽ
phối hợp với Bộ Tài Chính để theo dõi việc thi hành của Việt Nam trong những
ngày tới thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại. Báo chí quốc tế
bình luận rằng đây là một “thắng lợi” của Hà Nội và Việt Nam có thể tiếp tục xuất
siêu vào Mỹ mà không lo bị trả đũa do cán cân thương mại mất cân bằng.
Trong một sự việc khá bất ngờ, báo Công An
Nhân Dân tường thuật chi tiết buổi tiếp Đại Biện Lâm Thời Đại Sứ Quán Mỹ
Christopher Klein. Bài báo có tiêu đề “Hợp tác an ninh giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ
ngày càng chặt chẽ,” cho biết “Thứ Trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Bộ Công An
Việt Nam tiếp tục là đối tác tin cậy, quan trọng của nhiều cơ quan hữu quan Hoa
Kỳ như Bộ Ngoại Giao, Bộ An Ninh Nội Địa, Bộ Nội Vụ, Bộ Tư Pháp, Cơ Quan Điều
Tra Liên Bang (FBI), Cơ Quan Phòng, Chống Ma Túy (DEA), Cơ Quan Tình Báo Trung
Ương (CIA)…”
Nên để ý từ trước đến nay, bộ máy công an Cộng
Sản Việt Nam luôn luôn coi các cơ quan tình báo Mỹ như CIA là những kẻ thù nguy
hiểm, không đội trời chung vì cho rằng các cơ quan này âm mưu kích động các cuộc
nổi dậy ở trong nước để lật đổ chế độ Cộng Sản.
Những động tác ngoại giao và viện trợ dồn dập
như vậy chứng tỏ Việt Nam đang là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của
chính quyền Biden vốn đang rất bận rộn với rất nhiều bài toán cả trong nước và
quốc tế. Nó cũng cho thấy vị trí của Việt Nam ngày càng được coi trọng trong
các tính toán địa chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam là đối
tác quan trọng ở Đông Nam Á
Những hoạt động như vậy cũng báo trước một biến
chuyển mới trong quan hệ Mỹ-Việt, khi chính quyền Biden nỗ lực lôi kéo Việt Nam
xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và nếu Việt Nam chưa có thể tham gia liên minh
các nền dân chủ chống lại chế độ độc tài đảng trị của Trung Quốc thì ít ra cũng
không là vật cản trong cuộc cạnh tranh địa chính trị nóng bỏng hiện nay ở khu vực
Đông Nam Á.
Nỗ lực đó đã được xác định trong văn kiện Hướng
Dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời (Interim National Security Strategic
Guidelines) mà chính quyền Biden công bố hồi Tháng Ba; trong đó Việt Nam và
Singapore được xác định rõ là đối tác quan trọng mà Washington cần hợp tác
trong cuộc đối đầu với Trung Quốc – “đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết
hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đặt ra một thách thức
lâu dài cho một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.”
Nhìn lại thời kỳ từ khi Mỹ xóa bỏ cấm vận và
bình thường hóa quan hệ với Việt Nam từ năm 1995 đến nay, quan hệ Việt-Mỹ đã có
nhiều bước tiến, nhất là từ sau năm 2009 khi Trung Quốc bắt đầu gia tăng áp lực
lên Việt Nam trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Lo sợ trước sự bành trướng ngày càng hung hăng
của Trung Quốc, nhất là sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu khổng lồ Hải Dương
981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam hồi Tháng Năm, 2014, làm dấy lên những
cuộc biểu tình bạo động ở trong nước và một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Việt-Trung
thì Hà Nội bắt đầu gia tăng cảnh giác với Bắc Kinh, đồng thời thắt chặt thêm mối
quan hệ về an ninh quốc phòng với Washington.
Có những lúc dư luận trong nước đã xôn xao về
chuyện Hải Quân Mỹ có thể quay lại hải cảng Cam Ranh, lập căn cứ quân sự để
theo dõi các căn cứ mới của Trung Quốc ở Trường Sa; tin đồn lan truyền mạnh nhất
là sau chuyến viếng thăm bất ngờ tới Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon
Panetta giữa năm 2012.
Nhưng vẫn hoài
nghi dai dẳng
Tuy nhiên, Việt Nam và Mỹ khó có thể tiến xa tới
mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như quan hệ hiện thời giữa Việt Nam với
Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn và một số nước Đông Nam Á. Có nhiều nguyên
nhân cản trở mối quan hệ Việt Mỹ, chẳng hạn như sự khác biệt về thể chế chính
trị, thiếu sự tin cậy lẫn nhau do quá khứ chiến tranh chưa xa và thành tích
nhân quyền kém cỏi của chính thể công an trị tại Hà Nội.
Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định, cho đến
nay giới lãnh đạo Hà Nội vẫn nghi ngờ Mỹ có mưu toan chấm dứt sự độc quyền quyền
lực của đảng Cộng Sản Việt Nam thông qua “diễn biến hòa bình,” tiến tới một thể
chế đa đảng theo mô hình phương Tây.
Những năm gần đây, Washington đã có những động
tác làm dịu nỗi hoài nghi của Hà Nội. Tổng Thống Barack Obama đã chính thức
tuyên bố Mỹ không có ý định làm việc để thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam
và ông đã đón tiếp Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm
Tòa Bạch Ốc – một việc phá vỡ nghi thức ngoại giao quốc tế vì ông Trọng chỉ là
lãnh đạo của một đảng chính trị, không phải là một nguyên thủ quốc gia được người
dân bầu lên trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Trong nỗ lực gác lại quá khứ, Mỹ cũng đã thực
hiện nhiều chương trình hợp tác với Việt Nam để giải quyết những di sản buồn của
chiến tranh như giúp nhau tìm kiếm hài cốt quân nhân tử trận của hai bên, tẩy rửa
chất độc dioxin ở Biên Hòa và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, nỗi lo sợ “theo Mỹ mất đảng,” mất
quyền lực độc tôn đã làm cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thận trọng trước mọi
hành động hợp tác của Mỹ cho dù các cuộc khảo sát dư luận cho thấy đa số người
dân Việt Nam có thiện cảm với Mỹ. Cuộc khảo sát thường niên năm 2020 của Viện
Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore công bố đầu năm nay ghi nhận 84% người Việt
Nam được hỏi trả lời rằng họ tin tưởng vào Mỹ, tỷ lệ cao nhất ở khu vực.
Nỗi hoài nghi đối với chính phủ Mỹ, cộng với bệnh
hoang tưởng Cộng Sản đã làm nảy sinh cái quan niệm về “thế lực thù địch,” liên
kết “thù trong giặc ngoài” luôn chực chờ để lật đổ chế độ; và từ đó dẫn đến
chính sách đàn áp dã man những người hoặc có tư tưởng chống đối, hoặc cổ vũ cho
tự do, dân chủ, nhân quyền dù Việt Nam đã tham gia các công ước Liên Hiệp Quốc
về quyền dân sự và chính trị.
Chính quyền Biden
sẽ chú trọng hợp tác về an ninh
Chính quyền Biden đặt dân chủ, nhân quyền làm
trọng tâm trong chính sách đối ngoại với các nước và sự tiếp cận của Washington
đối với các vấn đề toàn cầu. Trong trường hợp Việt Nam, chính quyền Biden đứng
trước một lựa chọn khá tế nhị: hoặc gây sức ép buộc chính quyền Cộng Sản ở Hà Nội
phải tôn trọng tự do và nhân quyền của người dân như đã ghi trong hiến pháp của
họ, hoặc làm ngơ với những vi phạm nhân quyền để tăng cường hợp tác về an ninh
quốc phòng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Điều trần trước Thượng Viện Mỹ hôm 13 Tháng Bảy,
ông Marc Knapper, người được Tổng Thống Biden đề cử làm tân đại sứ Mỹ ở Việt
Nam, cam kết sẽ thúc đẩy mối quan hệ an ninh với Hà Nội nhưng ông cũng đồng thời
thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền, theo tin của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Tuy nhiên trong bốn mục tiêu mà ông Knapper nêu ra thì hợp tác về an ninh vẫn
là ưu tiên hàng đầu. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc Mỹ mở rộng hợp tác an ninh
và giúp tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam giữa bối cảnh hai nước “cùng
quan tâm đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế, chống lại hành vi khiêu khích ở
Biển Đông và khu vực sông Mekong.”
Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ thái độ thù địch
với Mỹ, như những cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai nước gần đây cho thấy. Và Mỹ
cũng đang đẩy nhanh tiến trình hình thành khối liên minh dân chủ để chống lại ảnh
hưởng của Bắc Kinh. Trong hoàn cảnh đó, việc Mỹ quan tâm nhiều tới hợp tác an
ninh với Việt Nam và có phần “ưu ái” cho Hà Nội là điều dễ hiểu. Suy cho cùng,
quyền lợi quốc gia vẫn là tối hậu.
Các chính trị gia có thể đưa ra nhiều lời cam
kết về tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng khi phải xử lý những tình huống cụ thể
trong thực tiễn chính trị, đa phần họ đều hành động theo lợi ích chiến lược của
đất nước. Phong trào đấu tranh của các nhà dân chủ, người bất đồng chính kiến ở
trong nước Việt Nam do vậy sẽ phải “đơn thương độc mã” đối đầu với những cuộc
đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền Cộng Sản mà không hy vọng có sự hỗ trợ hoặc
bênh vực của chính phủ Mỹ trong thời gian tới.
Sự mở rộng hợp tác về an ninh Việt-Mỹ góp phần
quan trọng vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đồng thời có lợi
ích sống còn cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông – sinh lộ
của dân tộc. Nhưng Hà Nội có vượt qua được nỗi hoài nghi cố hữu để nắm lấy cơ hội
và thoát ra khỏi vòng kim cô của anh láng giềng “16 chữ vàng, 4 tốt” hay không
là điều chưa biết chắc được. [qd]
=================================================
.
.
Đi tìm lời giải cho cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc
Hiếu
Chân/Người Việt
July 23, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/di-tim-loi-giai-cho-cuoc-doi-dau-my-trung-quoc/
Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, chính quyền
Biden có cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn chính quyền Trump. Và phản ứng
của Bắc Kinh cũng toàn diện và quyết liệt hơn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/A1-Doi-dau-My-Trung.jpg
Một nông dân hái
bông trên cánh đồng ở Hami thuộc vùng Tân Cương phía Tây Bắc Trung Quốc. Bông vải
là một trong các sản phẩm chính phủ Mỹ cấm nhập cảng từ Tân Cương do tình trạng
cưỡng bách lao động. (Hình: STR/AFP via Getty Images)
Những người quan sát mối bang giao giữa Mỹ và
Trung Quốc không thể không chú ý đến những sự kiện ngoại giao và kinh tế dồn dập
ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian gần đây: Ngoại Trưởng Hoa Kỳ
Antony Blinken sắp thăm Ấn Độ vào tuần tới, chỉ vài ngày sau khi Bộ Trưởng Quốc
Phòng Lloyd Austin thăm Singapore, Philippines và Việt Nam.
Hoa Kỳ gia tăng đối
phó Trung Quốc
Chuyến thăm Ấn Độ của ông Blinken, theo Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ, là nhằm thúc đẩy “sự gắn bó Ấn Độ-Thái Bình Dương, chia sẻ những lợi
ích an ninh khu vực, chia sẻ các giá trị dân chủ và xử lý cuộc khủng hoảng khí
hậu” cũng như ứng phó với đại dịch COVID-19.
Nói văn hoa là như vậy, song trong chốn riêng
tư, các nhà phân tích đều cho rằng mục đích chính của ông Blinken là vận động Ấn
Độ – nước được coi là nền dân chủ lớn nhất thế giới – ủng hộ các nỗ lực của Hoa
Kỳ ứng phó với hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Châu Á và nhiều nơi
khác.
Mục đích này có vẻ không khó đạt bởi vì Ấn Độ
đang tự coi mình là nạn nhân của chính sách bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh
sau khi quân đội hai nước đụng độ với nhau ở biên giới trên vùng núi cao Hy Mã
Lạp Sơn mùa Hè năm ngoái mà cả hai bên đều bị thương vong nặng nề.
Ông Blinken được biết cũng sẽ thảo luận với Ấn
Độ về việc chuẩn bị cho cuộc họp trực tiếp, mặt đối mặt, của các nguyên thủ quốc
gia nhóm Quad – còn gọi là Bộ Tứ, gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật và Úc – một diễn đàn
an ninh đa phương chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trước khi đi Ấn Độ, Ngoại Trưởng Blinken đã chủ
trì hội nghị trực tuyến các bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ-ASEAN hôm 13 Tháng Bảy, ở
đó ông tuyên bố: “Sự bác bỏ của Hoa Kỳ đối với các tuyên bố chủ quyền hàng hải
bất hợp pháp của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (PRC) ở Biển Đông và nhắc lại rằng
Hoa Kỳ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền của Đông Nam Á đối mặt với sự cưỡng
bức của Trung Quốc. Ông cam kết Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ một khu vực sông Mekong
tự do và rộng mở theo Quan Hệ Đối Tác Mekong-Hoa Kỳ,” theo thông cáo của người
phát ngôn Bộ Ngoại Giao, Ned Price.
Nếu để ý lịch trình của Ngoại Trưởng Blinken,
người ta thấy ông rất bận rộn với những chuyến đi liên tục tới Châu Âu, Trung
Đông, Đông Bắc Á… nhưng chưa hề tới Trung Quốc – việc mà người phó của ông, Thứ
Trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman sẽ thực hiện trong tuần sau, sau khi bà đã viếng
thăm Đông Nam Á trong thời gian gần đây.
Cũng nên lưu ý rằng từ khi lên nhậm chức cách
đây sáu tháng, Tổng Thống Joe Biden chưa hề tiếp xúc trực tiếp với Chủ Tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình dù ông đã trực tiếp thảo luận với một đối thủ cạnh
tranh khác là Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Trên mặt trận kinh tế xã hội, chính quyền
Biden vừa tiếp tục thực hiện các chính sách thuế khóa và cấm vận dưới thời Tổng
Thống Donald Trump, vừa ban hành những biện pháp trừng phạt mới như cấm nhập cảng
hàng hóa từ Tân Cương vì các hàng hóa đó được lao động cưỡng bức của người Hồi
Giáo Uighur ở xứ này làm ra, đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc vào sổ bìa đen để
hạn chế giao dịch với các công ty Mỹ, cấm công dân Mỹ đầu tư vào cổ phần của
nhiều công ty Trung Quốc có liên hệ với quân đội nước này hoặc công ty làm ra
những sản phẩm công nghệ dùng để theo dõi và đàn áp những cộng đồng thiểu số,
người bất đồng chính kiến…
Hôm Thứ Hai, 19 Tháng Bảy, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ
buộc tội bốn công dân Trung Quốc – ba quan chức an ninh và một tin tặc đánh
thuê – đã nhắm mục tiêu vào hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính
phủ ở Hoa Kỳ và các nước khác nhằm đánh cắp các thông tin thương mại và tài sản
tri thức từ năm 2011 đến 2018. Các cơ quan tình báo và an ninh Hoa Kỳ đã vạch
ra hơn 50 kỹ thuật và thủ tục mà “các nhân tố do nhà nước Trung Quốc bảo trợ” sử
dụng để chống lại các mạng điện toán của Hoa Kỳ.
Mới đây nhất, hôm 23 Tháng Bảy, Bộ Tư Pháp buộc
tội các công tố viên Trung Quốc hoạt động lén lút và phi pháp ở Mỹ để cưỡng ép
những người gốc Trung Quốc lưu vong phải trở về nước “chịu án.”
Có thể liệt kê hàng trăm biện pháp nho nhỏ như
vậy mà chính quyền Biden đã dùng để đối phó với Trung Quốc trong thời gian gần
đây. Khi ông Donald Trump thất cử, nhiều chính trị gia Trung Quốc đã thở phào
nhẹ nhõm vì nghĩ rằng chính quyền Joe Biden sẽ “nhẹ tay” với Bắc Kinh hơn,
nhưng bây giờ họ đang thất vọng sâu sắc.
Một liên minh ngoại
giao mới
Theo quan điểm của Bắc Kinh, các chính phủ Hoa
Kỳ từ xưa đến nay luôn thù địch với Trung Quốc, luôn là “bàn tay bí mật” hoạt động
nhằm thay đổi thể chế của Trung Quốc, xóa bỏ sự cai trị độc tài của đảng Cộng Sản
và ngăn chặn sự phát triển mọi mặt của Trung Quốc. Nhưng so với người tiền nhiệm
Donald Trump, ông Joe Biden đã có cách tiếp cận mang tính chiến lược nhiều hơn,
tập trung vào việc lôi kéo các đồng minh vào chiến dịch chống lại hành vi của
Trung Quốc.
Không dừng lại ở những biện pháp trừng phạt
nho nhỏ, chính quyền Biden nhắm tới một chiến lược toàn diện hơn, không đơn
thương độc mã đấu với Bắc Kinh theo kiểu “American First” thời ông Trump mà
tích cực làm việc để thiết lập một khối đồng minh và đối tác “cùng chí hướng”
(like-minded) trong việc chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, và
càng ngày “vòng vây” càng siết dần chung quanh biên giới nước này.
Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy các chuyến
đi vận động đồng minh của chính quyền Biden bắt đầu có hiệu quả. Trong việc lên
án hành vi “diệt chủng” của đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Tân Cương, đã có nhiều
nước như Canada, Anh và Liên Minh Châu Âu đứng cùng với Hoa Kỳ. Trong việc tố
cáo Trung Quốc bảo trợ các hoạt động tấn công điện toán gần đây vào hệ thống
Exchange của hãng Microsoft cũng như các hành vi tội phạm mạng khác, Hoa Kỳ có ủng
hộ của NATO – một liên minh 30 quốc gia, Liên Minh Châu Âu, Úc, Anh, Canada, Nhật
và New Zealand.
Tuy vậy, nhà cầm quyền Trung Quốc đã không ngồi
yên chịu trận như nhận định của một số quan sát viên tại Mỹ. Báo The New York
Times ngày 20 Tháng Bảy nhận định, sáu tháng sau ngày ông Biden nhậm chức, lãnh
đạo đảng Cộng Sản vẫn chưa tìm ra một chiến lược hữu hiệu để đối phó với các
hành động của Mỹ mà chỉ hành xử theo bản năng là đưa ra những lời phản đối cay
độc hoặc chế giễu. Nhận định này không chính xác, nếu không nói là quá coi nhẹ
chiến lược sinh tồn của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trung Quốc ăn miếng
trả miếng
Với các hành động ngày càng mạnh mẽ của Hoa Kỳ,
Trung Quốc đã không ngại ăn miếng trả miếng. Nếu Hoa Kỳ mở rộng hợp tác với các
đồng minh Châu Âu và Đông Á để bao vây Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng nỗ lực lôi
kéo các nước Châu Phi, Arab, Châu Mỹ La Tinh, các đảo quốc Thái Bình
Dương và Đông Nam Á để kháng cự lại.
Ngay sau cuộc va chạm nảy lửa giữa phái đoàn
ngoại giao cao cấp của hai nước tại Alaska hồi cuối Tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh
đã nhận ra sách lược bao vây của Hoa Kỳ và nhanh chóng cử Bộ Trưởng Quốc Phòng
Ngụy Phượng Hòa đi tới vùng Đông Âu, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị đi Trung
Đông để xây dựng vây cánh. Hiệp định hợp tác chiến lược 25 năm ký kết với chính
phủ Iran, cam kết đầu tư $400 tỷ vào đất nước Hồi Giáo là một điểm sáng của
chuyến đi đó.
Ở trong nước, Trung Quốc mời bộ trưởng ngoại
giao các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đến Trùng Khánh bàn
việc hợp tác chiến lược. Đáng chú ý nhất là sự hợp tác Trung Quốc-Nga, hai
chính thể chuyên chế mạnh nhất, để chống lại cái gọi là chính trị hóa các vấn đề
nhân quyền, thúc đẩy mô hình chuyên chế thay thế cho chế độ dân chủ tự do trên
toàn cầu.
Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đang nỗ lực
xây dựng khối đồng minh riêng của mình để đối chọi với liên minh các nước dân
chủ, lấy “hợp tung” đấu với “liên hoành” theo binh pháp của Trương Nghi và Tô Tần
trong lịch sử của đất nước họ.
Khi chính quyền Trump cấm vận 14 quan chức cao
cấp của Hồng Kông vì đàn áp các chính trị gia dân chủ, Trung Quốc trả đũa bằng
cách cấm vận 28 quan chức Mỹ, kể cả cựu Ngoại Trưởng Mike Pompeo và Cố Vấn Tòa
Bạch Ốc Peter Navarro. Khi Châu Âu cùng với Hoa Kỳ tố cáo Trung Quốc phạm tội
diệt chủng ở Tân Cương, Bắc Kinh đã ngay lập tức trả đũa bằng lệnh trừng phạt
10 nghị sĩ trong Nghị Viện Châu Âu cùng với các tổ chức nghiên cứu của châu lục
này, dẫn tới việc Nghị Viện Châu Âu quyết định đình chỉ vô thời hạn việc phê
chuẩn Hiệp Định Đầu Tư Toàn Diện EU-Trung Quốc (Comprehensive Agreement on
Investment – CAI).
Việc cấm vận các nghị sĩ Châu Âu không mang lại
hiệu quả thực tế nào, còn việc đình chỉ hiệp định CAI gây thiệt hại lớn cho
Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh bất chấp, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích thương mại để
chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc, cần được tôn trọng và kính nể.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập
đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 1 Tháng Bảy vừa qua, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản
Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí cảnh báo, những thế lực can thiệp vào nội tình
Trung Quốc, thách thức chủ quyền của Trung Quốc “sẽ bể đầu đổ máu khi chạm vào
bức trường thành bằng thép dựng nên từ máu thịt của 1.4 tỷ dân Trung Quốc.”
Đi xa hơn, để đối phó với xu hướng “tách rời”
(decoupling) khỏi nền kinh tế Trung Quốc, giảm phụ thuộc vào thị trường, vốn liếng
và công nghệ của Hoa Kỳ và phương Tây, đảng Cộng Sản Trung Quốc đề ra chiến lược
“lưu thông kép” (dual circulation) được hội nghị của đảng thông qua hồi Tháng
Năm, 2020: mở rộng thị trường nội địa để giảm phụ thuộc vào thị trường xuất cảng,
thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ bản địa thay cho công nghệ nhập cảng từ
Mỹ và Châu Âu.
Thành công của Bắc Kinh trong việc phát triển
công nghệ viễn thông 5G, chế tạo hàng không mẫu hạm, máy tính lượng tử
(quantum) hoặc đưa tàu vũ trụ lên Hỏa Tinh đang củng cố niềm tin vào năng lực
khoa học công nghệ của Trung Quốc hiện nay và tương lai.
Ngay trong lĩnh vực tài chính vốn đang do Hoa
Kỳ và đồng đô la thống trị, Trung Quốc có kế hoạch đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng
nhân dân tệ (renminbi) và từ năm ngoái đã bắt đầu thử nghiệm việc sử dụng đồng
tiền kỹ thuật số (digital currency) ở các thành phố lớn; nếu thành công, Trung
Quốc và các đối tác thương mại của họ có thể giao dịch với nhau bên ngoài hệ thống
thông tin SWIFT do Hoa Kỳ kiểm soát.
Sự đối lập khó hóa
giải
Kể ra như trên không phải là để ca ngợi tài
năng của đảng Cộng Sản và chính quyền Trung Quốc mà để thấy, thế giới tự do
đang đối mặt với một đối thủ không chỉ đông dân nhất, giàu mạnh và có tham vọng
bá chủ thế giới – một đối thủ “xứng tầm,” nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Bang
Xô Viết thời Chiến Tranh Lạnh.
Hướng dẫn Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Tạm Thời
(Interim National Security Strategic Guidelines) mà chính quyền Biden công bố
ba tháng trước đây nhận định Trung Quốc “là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả
năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đặt ra một
thách thức lâu dài cho một hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở.” Trong cuộc đối
đầu với một đối thủ như vậy không có chỗ cho sự ảo tưởng và tự mãn.
Tổng Thống Biden từng nhiều lần nói rằng, cuộc
cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là cạnh tranh về ý thức hệ, giữa thể chế
dân chủ tự do và chế độ độc tài đảng trị, phần thắng sẽ thuộc về thể chế nào
mang lại công bằng và hạnh phúc cho người dân trong thế kỷ 21.
Chế độ dân chủ tự do Hoa Kỳ hướng tới bảo vệ
“quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc,” trong đó người dân có quyền được chọn ra
người đại diện cho mình trong guồng máy quản trị đất nước, quyền tự do về ngôn
luận, hội họp và tín ngưỡng trong khi chế độ toàn trị Trung Quốc đề cao sự thịnh
vượng trong đời sống kinh tế, an toàn trong đời sống xã hội cho dù phải bị hạn
chế về tự do cá nhân để duy trì sự thống trị của đảng Cộng Sản.
Lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình còn nhiều lần
công khai tuyên bố “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn” khiến
cho người Trung Quốc càng tin rằng, thắng lợi của chế độ toàn trị kiểu Trung Quốc
với tư cách là hình thái chính trị xã hội thay thế cho chủ nghĩa tư bản tự do
trong lịch sử loài người chỉ còn là vấn đề thời gian!
Washington cho rằng những hành vi của Bắc Kinh
đàn áp tự do của người dân trong nước và chèn ép, đe dọa ở nước ngoài là nguyên
nhân dẫn tới tình trạng căng thẳng, mất ổn định hiện nay nhất là ở khu vực Châu
Á, từ Ấn Độ sang Nhật, Đài Loan xuống tới Biển Đông. Trong khi đó, Bắc Kinh cho
rằng những hành động thù địch của chính quyền Biden, can thiệp vào nội tình
Trung Quốc là thủ đoạn kiềm chế sự phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự của
Trung Quốc. Những quan điểm đối lập với nhau như nước với lửa, khó mà dung hòa
được; có nguy cơ dẫn tới xung đột bằng vũ lực.
Biến đối đầu thành
cạnh tranh
Bây giờ thì các chính khách cao cấp, các học
giả Hoa Kỳ đều thừa nhận rằng không thể dùng áp lực bên ngoài để thay đổi thể
chế chính trị của Trung Quốc hay thay đổi cách hành xử của đảng Cộng Sản Trung
Quốc.
Ông Thi Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư về
quan hệ quốc tế Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh, nhận định chính phủ Trung Quốc biết
họ đang chịu áp lực và thách thức chưa từng thấy nhưng họ sẽ không thay đổi. “Vấn
đề là họ biết thay đổi có nghĩa là Trung Quốc phải thay đổi nền tảng chính sách
mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng không thể làm được, hoặc ít ra là không
đáng làm,” ông nói.
Trong hoàn cảnh như vậy, phương cách tốt nhất
cho các nước dân chủ, kể cả Hoa Kỳ, có lẽ là tập trung giải quyết những khuyết
tật của xã hội tư bản như bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân chúng, sự phân cực
về chính trị, xung đột về sắc tộc và văn hóa… và đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng
kỹ thuật lẫn nguồn nhân lực của nền kinh tế để có những xã hội vừa tự do vừa vững
mạnh. Thay vì đối đầu với Trung Quốc và các chế độ chuyên chế khác, hãy biến cuộc
đối đầu thành cuộc cạnh tranh nâng cao năng lực quản trị quốc gia và trình độ
phát triển của đất nước. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh lớn nhất, sâu rộng nhất của
thế kỷ.
Chính quyền Biden dường như đã bắt đầu công việc
này bằng các đề nghị về đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, có chi phí lên
tới $3,500 tỷ, song vẫn còn nhiều trở ngại phía trước. [qd]
No comments:
Post a Comment