Friday 30 July 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/07/2021 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 30/07/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

30/07/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/07/30/the-gioi-hom-nay-30-07-2021/

 

Lạm phát giá tiêu dùng hàng năm ở Đức đạt 3,8% vào tháng 7, cao nhất kể từ năm 1993. Tỷ lệ này cũng cao hơn mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu trên toàn khu vực đồng euro. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết nguyên nhân đơn giản do giá năng lượng tăng và việc chính phủ ngưng giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời được đặt ra hồi đầu năm.

 

Tamim bin Hamad al-Thani, tiểu vương Qatar, đã thông qua luật bầu cử cho phép nước này tổ chức cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên vào tháng 10 tới. Được thông qua lần đầu trong một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp năm 2003, đạo luật này cho phép người Qatar bầu hai phần ba số đại biểu của Hội đồng Shura, một cơ quan tham vấn. Mặc dù Qatar cấm thành lập đảng phái chính trị, nước này vẫn tổ chức các cuộc bầu cử khu vực.

 

Trong tuần tới Tổng thống Andrés Manuel López Obrador sẽ ký sắc lệnh phóng thích hàng nghìn tù nhân khỏi các nhà tù liên bang Mexico vào giữa tháng 9. Những người này bao gồm các nạn nhân tra tấn, những người trên 75 tuổi không mắc tội nghiêm trọng và những người đã bị giam giữ mười năm mà không có bản án, cùng các trường hợp khác. Trước đây các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc Mexico sử dụng tra tấn để ép cung.

 

Lãnh đạo phe đối lập của Malaysia, Anwar Ibrahim, đã đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Muhyiddin Yassin, sau khi cáo buộc ông này hành động “vi hiến.” Nhà vua đã chỉ trích chính phủ Muhyiddin gây hiểu lầm cho quốc hội vì thông báo chấm dứt tình trạng khẩn cấp mà không đợi nhà vua chấp thuận. Ông Muhyiddin đang đứng trước áp lực từ chức ngày càng tăng từ phe đối lập.

 

SoftBank có kế hoạch bán 2 tỷ USD cổ phiếu Uber, con số đủ bù đắp một nửa khoản tiền 4 tỷ USD thiệt hại từ Didi. Năm 2019, tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản đã mua 20,1% cổ phần của Didi, một ứng dụng gọi xe Trung Quốc, với giá 11,8 tỷ USD (12% còn lại thuộc về Uber.) Số cổ phần này giờ chỉ trị giá 7,8 tỷ USD, sau khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

 

Mưa gió mùa và lở đất ở Bangladesh đã phá hủy nhà cửa tại trại tị nạn Cox’s Bazar, nơi đang chứa hàng nghìn người Rohingya. Kể từ năm 2017, ít nhất 800.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở Myanmar và đến khu trại này, vốn là một trong những khu vực chịu nhiều thiên tai nhất của Bangladesh. Trời mưa nhiều ngày qua trong khi gió mùa còn kéo dài hàng tháng trời nữa. Đến nay có ít nhất 11 người đã thiệt mạng.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Trung Quốc xây hàng trăm hầm chứa tên lửa ở Tân Cương và Cam Túc

Những tuần gần đây các nhà nghiên cứu hình ảnh vệ tinh thương mại bỗng nhiên tìm thấy một khu vực có tới 110 hầm (silo) chứa tên lửa đang được xây dựng ở phía đông Tân Cương, Trung Quốc. Trước đó một tháng, một nhóm nghiên cứu khác cũng tình cờ tìm thấy 120 silo đang xây ở sa mạc Cam Túc. Đây là đợt xây dựng silo lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chúng làm dấy lên lo ngại rằng kho vũ khí hạt nhân khiêm tốn của Trung Quốc – ước tính khoảng 100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và khoảng 200 đầu đạn – sẽ mở rộng đáng kể.

 

Một số chuyên gia nghĩ Trung Quốc chỉ muốn đánh lừa, đảo qua đảo lại một số ít tên lửa giữa các hầm chứa để khiến các nước không thể đoán được vị trí của chúng. Song Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nghĩ vậy. Họ nói Trung Quốc “đang đi chệch khỏi chiến lược hạt nhân hàng thập niên dựa trên răn đe ở mức tối thiểu”. Trong khi đó mối quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục nguội đi. Cuộc họp hôm thứ Hai giữa các thành viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc và thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã kết thúc tệ hại.

 

Hai bang Ấn Độ xung đột ranh giới

Các cuộc pháo kích giữa Ấn Độ và Pakistan thường xuyên giết chết binh lính và dân thường ở Kashmir. Gần đây quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cũng xung đột ở địa điểm này, như vẫn xảy ra ở phía đông dãy Himalaya, dù không căng thẳng bằng. Tuy nhiên, giờ đây căng thẳng leo thang ngay giữa các khu vực của Ấn Độ. Hôm thứ Hai đã xuất hiện tiếng súng tự động dọc theo ranh giới giữa hai bang đông bắc Assam và Mizoram. Vụ việc khiến sáu cảnh sát Assam bị phía cảnh sát Mizoram giết hại.

 

Hầu hết các bang của Ấn Độ được xác định theo sắc tộc và mỗi bang có nền chính trị riêng. Nhiều ranh giới cũng không được xác định rõ ràng, bao gồm ít nhất ba trong số các ranh giới của Assam. Cuộc đổ máu hôm thứ Hai đã khiến các chính trị gia từ cả hai bang đua nhau đến Delhi. Mizoram nói cảnh sát của họ đang bảo vệ bang nhà trước những kẻ xâm lấn; Assam cũng nói tương tự. Và thật đáng kinh ngạc là hai bên đều cùng thuộc chính phủ liên minh cầm quyền. Ít nhất thì họ đã đồng ý để lực lượng bán quân sự quốc gia thay thế cảnh sát bang làm nhiệm vụ ở ranh giới.

 

Kinh tế châu Âu tăng trưởng tốt và không quá nóng như Mỹ

So với lịch sử thì khu vực đồng euro đang phục hồi nhanh sau đại dịch, nhưng chậm hơn so với Mỹ. Dữ liệu lạm phát và GDP được công bố hôm nay sẽ cho thấy cái nhìn cận cảnh hơn về khoảng cách giữa hai bờ Đại Tây Dương.

 

Kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh tích cực của các nhà sản xuất làm dấy lên hy vọng tăng trưởng tốt. Như những nơi khác, các nhà máy và chuỗi cung ứng châu Âu đang nỗ lực bắt kịp nhu cầu. Dù vậy tăng trưởng tiền lương vẫn còn yếu. Và lạm phát chỉ ở mức 1,9% trong tháng 6, thậm chí 0,9% khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng nhiều biến động — thấp hơn mục tiêu lạm phát 2% mới của Ngân hàng Trung ương Châu Âu và khác xa mức tăng giá đáng kể đang xảy ra ở Mỹ.

 

ECB dự kiến lạm phát giảm trở lại 1,5% vào năm 2022 và 1,4% vào năm 2023, thấp hơn mục tiêu đã sửa đổi. Nhiều nhà kinh tế ngờ rằng đây là do chính sách tiền tệ đã hết tác dụng. Vì vậy ngân hàng trung ương có thể chỉ đạt được các mục tiêu của họ nếu các chính phủ thực hiện nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn.

 

Chính trường Mỹ sắp nóng lên về vấn đề trần nợ công

Trong một khoảnh khắc thoáng qua, chính trường Mỹ bỗng chứng kiến ​​một điều hiếm có: hợp tác lưỡng đảng. Hôm thứ Tư Thượng viện bỏ phiếu để xem xét một dự luật cơ sở hạ tầng sẽ cung cấp kinh phí 550 tỷ đô la cho đường sá, băng thông rộng và các hạ tầng khác. Điều này giúp vượt qua một rào cản thủ tục quan trọng, cho thấy kế hoạch của chính quyền Biden có thể sẽ được thông qua.

Nhưng hôm nay mọi chuyện lại trở về như cũ: đấu đá đảng phái. Một thỏa thuận kéo dài hai năm để đình chỉ việc áp dụng trần nợ công của Mỹ sẽ hết hạn vào cuối tháng 7. Nếu không có thỏa thuận nâng trần hoặc đình chỉ nó một lần nữa, các thị trường sẽ lại phải cân nhắc rủi ro chính phủ vỡ nợ. Tuy nhiên cũng không quá vội vàng. Bộ Tài chính sẽ có 450 tỷ đô la trong tay vào cuối tháng 7; và họ luôn có thể dự phòng bằng cách giữ lại số tiền đáng lẽ ra sẽ được đầu tư thường kỳ vào quỹ hưu trí của nhân viên liên bang. Nhưng bộ trưởng Janet Yellen cảnh báo khó có thể thực hiện “các biện pháp bất thường” như vậy vì đại dịch đã làm gián đoạn dòng tiền bình thường của chính phủ.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats