Trung
Quốc: Giành huy chương vàng bằng mọi giá
Hiếu Chân
29 tháng 7, 2021
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/trung-quoc-gianh-huy-chuong-vang-bang-moi-gia/
Cử tạ nữ là môn thể
thao mà Trung Quốc kỳ vọng giành bốn huy chương vàng. Minh họa Gursimrat Ganda/
Unsplash.com
Mục đích duy nhất của guồng máy thể thao Trung Quốc
là giành nhiều huy chương vàng nhất, bằng mọi giá. Hệ thống của Trung Quốc đặt
hàng chục ngàn trẻ em vào các trung tâm huấn luyện thể thao do nhà nước điều
hành và rất nhiều lực sĩ trẻ được đưa vào các môn thể thao ít nổi bật mà Bắc
Kinh hy vọng sẽ thống trị.
Sáu ngày một tuần kể từ khi lên 12 tuổi, mỗi
năm chỉ được nghỉ vài ngày, Hầu Chí Huy (Hou Zhihui) được thúc đẩy bởi một nhiệm vụ duy
nhất: Nâng lên không trung quả tạ nặng hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể của cô.
Và hôm Thứ Bảy, tại Thế Vận Hội Tokyo, sự cống hiến của Hầu – tách biệt khỏi
gia đình, và chịu đựng cơn đau gần như liên tục – đã được đền đáp. Cô giành được
huy chương vàng môn cử tạ nữ ở hạng cân 49kg và phá vỡ ba kỷ lục Olympic. “Đội
tuyển cử tạ Trung Quốc rất gắn bó và sự hỗ trợ của toàn đội rất tốt. Điều duy
nhất mà các lực sĩ chúng tôi nghĩ đến là tập trung tập luyện,” Hầu, 24
tuổi, nói sau khi giành huy chương vàng.
Hệ thống thể thao của Trung Quốc được thiết kế
cho một mục đích duy nhất: Giành nhiều huy chương vàng nhất vì vinh quang của
quốc gia. Huy chương bạc và huy chương đồng hầu như không được tính. Đưa tới Tokyo 413 lực sĩ,
đoàn thể thao lớn nhất từ trước đến nay, Trung Quốc đặt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu về số huy
chương vàng, ngay cả khi công chúng Trung Quốc ngày càng lo lắng về sự hy sinh
của cá nhân các lực sĩ.
Cổ Trọng Nhân (Gou Zhongwen), người đứng đầu Ủy ban Olympic Trung Quốc cho biết vào đêm trước lễ
khai mạc Thế Vận Hội Tokyo: “Chúng tôi phải cương quyết bảo đảm rằng
chúng tôi là hạng nhất về số huy chương vàng”.
***
Có nguồn gốc từ mô hình Liên Xô, nhà nước
Trung Quốc tuyển chọn hàng chục nghìn trẻ em để đào tạo toàn thời gian tại hơn
2,000 trường thể thao do chính phủ điều hành. Để tối đa hóa số huy chương vàng,
Bắc Kinh tập trung vào các môn thể thao kém nổi bật, thường không được tài trợ
đầy đủ ở phương Tây hoặc các môn thể thao có nhiều bộ huy chương Olympic.
Không phải ngẫu nhiên mà gần 75% số huy chương
vàng Olympic mà Trung Quốc giành được kể từ năm 1984 chỉ nằm trong sáu môn thể
thao: Bóng bàn, bắn súng, lặn, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ. Hơn 2/3 số
huy chương vàng của Trung Quốc là của các nhà vô địch nữ và gần 70% phái đoàn
Trung Quốc tại Tokyo là phụ nữ.
Cử tạ dành cho nữ, trở thành môn thể thao có
huy chương tại Thế Vận Hội Sydney 2000, là mục tiêu lý tưởng cho chiến lược
giành huy chương vàng của Bắc Kinh. Môn thể thao này bị hầu hết các cường quốc
thể thao coi nhẹ, nghĩa là các nữ lực sĩ cử tạ ở phương Tây khó giành được tài
trợ. Và bộ môn này có nhiều hạng cân, có tiềm năng mang lại bốn huy chương
vàng.
Các thủ lĩnh thể thao của Bắc Kinh không coi
là vấn đề chuyện môn cử tạ nữ không có sức hấp dẫn lớn với công chúng Trung Quốc,
hoặc chuyện các cô gái tuổi mới lớn bị đưa vào hệ thống đào tạo mà không hề biết
trên đời có tồn tại một môn thể thao như vậy. Tại trung tâm huấn luyện đội tuyển
quốc gia môn cử tạ ở Bắc Kinh, một lá cờ Trung Quốc khổng lồ phủ kín cả một bức
tường, nhắc nhở những người tập tạ rằng nghĩa vụ của họ là đối với quốc gia chứ
không phải với bản thân.
***
Hầu hết các quốc gia đều háo hức với vinh
quang Olympic. Hoa Kỳ và Liên Xô đã sử dụng Thế Vận Hội như một chiến trường ủy
nhiệm của Chiến tranh Lạnh. Nhưng nỗi ám ảnh về huy chương vàng của Bắc Kinh gắn
liền với sự thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, mà những người
cộng sản được coi là một lực lượng cách mạng có thể đảo ngược hàng thế kỷ suy
tàn và thất bại trước các thế lực ngoại bang của đất nước Trung Quốc.
Bài báo đầu tiên của Chủ tịch Mao Trạch Đông,
nhà lãnh đạo của cuộc cách mạng Cộng sản, là viết về nhu cầu của một quốc gia bị
coi là “Đông Á bệnh phu” phải phát triển cơ bắp của mình.
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, chính trị đã cản
trở thành tích Olympic. Vì đối thủ của họ là Đài Loan thi đấu tại các Thế Vận Hội
dưới quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc, Bắc Kinh đã tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Hè cho
đến tận năm 1984, khi đoàn thể thao Đài Loan tại Olympic bị đổi tên thành Đài Bắc
Trung Hoa.
Năm 1988, Trung Quốc đã giành được năm huy
chương vàng Olympic. Hai thập niên sau, khi Bắc Kinh đăng cai Thế Vận Hội 2008,
nước này đã vượt qua Hoa Kỳ để đứng đầu danh sách huy chương vàng.
Tuy vậy, Thế Vận Hội London 2012 là một thất bại
và Thế Vận Hội Rio 2016 là một thất vọng lớn hơn, khi Trung Quốc đứng thứ ba
sau Hoa Kỳ và Anh quốc.
***
Ở quê nhà, các quan chức thể thao đã nỗ lực gấp
đôi, ngay cả khi ngày càng có nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu không muốn
giao con cái cho nhà nước đào tạo thành lực sĩ. Trung Quốc không còn là một quốc
gia nghèo đói tuyệt vọng, nơi các trường thể thao của chính phủ có sức quyến rũ
nhờ cung cấp được những bát cơm đầy.
Và ngày càng có nhiều sự công nhận rằng để có
một nhà vô địch Olympic, hàng chục nghìn trẻ em khác đã bị loại. Đối với những
lực sĩ bị thải ra này, cuộc sống thường khó khăn: Học hành ít, cơ thể bị hư hỏng,
ít có triển vọng nghề nghiệp bên ngoài hệ thống thể thao.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục với các kế hoạch,
các chương trình sản xuất lực sĩ trong các môn Taekwondo, bơi xuồng, chèo thuyền
và hơn thế nữa. Những đứa trẻ có thể xếp đạn trên lòng bàn tay được cử đi bắn
cung. Những cô gái thôn quê có những cú vẩy cánh ấn tượng đã hướng đến việc cử
tạ.
Lý Hạo (Li Hao), một
quan chức thể thao Bắc Kinh, nói về một lực sĩ cử tạ lý tưởng: “Những đứa
trẻ từ các vùng nông thôn hoặc những gia đình không quá dư dả về kinh tế thường
thích nghi tốt với những khó khăn gian khổ.”
Bắc Kinh tập trung vào các môn thể thao có thể
được hoàn thiện bằng các thói quen thuộc lòng thay vì các môn thể thao đòi hỏi
sự tác động lẫn nhau bất ngờ giữa nhiều vận động viên. Ngoài bóng chuyền nữ,
Trung Quốc chưa bao giờ giành huy chương vàng Olympic trong một môn thể thao đồng
đội lớn.
Tại Thế Vận Hội Tokyo, cho đến giữa ngày Thứ
Năm 29 Tháng Bảy, chiến lược của Bắc Kinh đã mang lại 14 huy chương vàng, vượt
qua Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trung Quốc đã giành được huy chương vàng đầu tiên của
Thế Vận Hội ở nội dung 10 mét súng trường hơi nữ và ghi được chiến thắng đấu kiếm
đầu tiên. (Các môn thể thao mà Trung Quốc có thế mạnh được tập trung
vào tuần đầu tiên của Thế Vận Hội, trong khi thế mạnh của Hoa Kỳ được trải rộng.)
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/07/Untitled-40.jpg
Bảng huy chương TVH Tokyo lúc cuối ngày 28 Tháng Bảy.
Ảnh NYT
Nhưng ở một số môn sở trường truyền thống của
Trung Quốc như bóng bàn, lặn và nâng tạ, hy vọng càn quét huy chương vàng đã
không thành hiện thực. Có những nỗi thất vọng khác trước khi Thế Vận Hội bắt đầu.
Một vận động viên bơi lội hàng đầu của Trung Quốc đã bị cấm vì sử dụng chất
kích thích (doping). Các đội bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ nam của Trung Quốc
không vượt qua được vòng loại.
Sự
hy sinh của các lực sĩ Olympic Trung Quốc là rất khủng khiếp. Việc giảng dạy kiến thức văn hóa trong các trường thể thao là rất hạn
chế, và một số nhà vô địch thế giới chia sẻ phòng ký túc xá với những người
khác. Họ may mắn được gặp gia đình một vài lần mỗi năm.
Sau khi lực sĩ cử tạ Trung Quốc Liêu Thu
Vân (Liao Qiuyun) thi đấu ở hạng cân 55kg vào Thứ Hai, cô mới nhận được một
tin nhắn của cha mẹ cô, do một nhà báo từ tỉnh nhà của cô chuyển cho.
Những vận động viên cử tạ nữ phải hy sinh nhiều
hơn các môn khác. Mặc dù các thợ lặn và lực sĩ thể dục phải chia sẻ với nhà nước
số tiền thu được từ các hợp đồng thi đấu hoặc quảng cáo, nhưng ít nhất họ có thể
tận dụng thành công của mình sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó các nhà quảng cáo
không có xu hướng đổ tiền vào các nữ lực sĩ cử tạ.
Trong một trường hợp, một cựu Vô địch Quốc gia
đã rất nghèo khổ sau khi giải nghệ, đến nỗi cuối cùng cô ấy phải làm việc quét
dọn cho một nhà tắm công cộng. Cô bị mọc râu, mà cô nói là kết quả của một chế
độ sử dụng doping mà cô bị ép buộc khi còn là một lực sĩ trẻ.
Năm 2017, sau khi kiểm tra lại các mẫu xét
nghiệm cũ, ba trong bốn huy chương vàng môn cử tạ nữ mà Trung Quốc giành được tại
Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 đã bị thu hồi vì các xét nghiệm phát hiện có chất cấm.
Việc sử dụng chất cấm doping tràn lan trong
lĩnh vực cử tạ và Trung Quốc hầu như không phải là quốc gia duy nhất bị bắt quả
tang. Nhưng một cá nhân quyết định dùng thuốc thì đó là một việc làm có chủ ý,
không giống như một em bé được người lớn hướng dẫn làm như vậy.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/07/john-arano-h4i9G-de7Po-unsplash-640x427.jpg
Sự hy sinh của các
nữ lực sĩ cử tạ Trung Quốc là rất khủng khiếp. Minh họa John Arano
/Unsplash.com
Đối với bộ máy thể thao Trung Quốc, tất cả những
nỗ lực nhiều năm trời đầy thử thách đó vẫn có thể bị hủy hoại trong sức nóng của
các cuộc tranh tài Olympic. Hôm Thứ Hai tại Tokyo, Liêu Thu Vân, lực sĩ
cử tạ hạng 55kg, đã bắt đầu thi đấu với tư cách là nhà đương kim vô địch thế giới.
Hai ngày trước, ở hạng cân nhẹ hơn, đồng đội của Liêu là Hầu Chí Huy đã
đoạt huy chương vàng. Liêu đã bước lên bục huy chương vào Thứ Hai với vẻ mặt
phân vân giữa quyết tâm và thất vọng. Trong những phút thi đấu cuối cùng, đối
thủ người Philippines đã vượt qua cô để đoạt huy chương vàng, còn cô chỉ được
huy chương bạc.
Sau đó, Liêu, 26 tuổi, đứng khóc, hơi thở đứt
quãng. Huấn luyện viên của cô ấy choàng tay quanh vai Liêu và cũng khóc nức nở.
Cuối cùng, Liêu, mắt đỏ hoe, trả lời câu hỏi từ các phóng viên Trung Quốc. “Một
giải bạc là một thành tích tuyệt vời,” một nhà báo nói. Liêu nhìn xuống
sàn nhà. “Hôm nay, tôi đã làm hết sức mình,” cô nói. Nước mắt
lại chảy dài.
Chấn thương của ngần ấy năm chống chọi với trọng
lượng của quả tạ và lực hấp dẫn không khoan nhượng của trái đất đã đè nặng lên
cơ thể Liêu.“Chúng đã ở đó trong nhiều năm,” cô nói về các vết
thương của mình. “Cứ lặp đi lặp lại.”
Nhưng không giống như Simone Biles hay Naomi
Osaka, những lực sĩ Olympic nổi tiếng từng nói về sự căng thẳng cảm xúc với quá
nhiều áp lực của các lực sĩ đỉnh cao, Liêu không đề cập đến những tổn hại tinh thần
của cô, ngày này qua ngày khác, kể từ khi cô còn là một đứa bé.
Liêu thở dài. Cô lấy tay áo đồng phục lau mắt.
Cô nói, Đại hội Thể thao Quốc gia Trung Quốc sắp diễn ra và cô sẽ đại diện cho
tỉnh Hồ Nam, quê hương cô. Tiền tài trợ thể thao cho các tỉnh của Trung Quốc phụ
thuộc một phần vào thành tích của mỗi tỉnh trong Đại hội Thể thao toàn quốc.
Thế Vận Hội đã kết thúc đối với cô. Cô đã có một
công việc mới để làm.
(theo Hannah Beech / The
New York Times)
-------------------------
Đọc thêm:
·
Tổng
thống Biden đề nghị tặng $100 cho mỗi người Mỹ đã tiêm chủng đủ
·
Tổng
thống Biden: ‘Mọi trường học đều nên mở cửa’ vào mùa Thu
·
Dùng
bao cao su sửa thuyền kayak, xong đoạt huy chương vàng Olympic
No comments:
Post a Comment