Saturday 31 July 2021

GIỮA ĐẠI NẠN COVID-19 : NHÌN VÀO ĐẢNG và NGHĨ VỀ MÌNH (Quốc Bảo)

 


Giữa đại nạn Covid-19 : Nhìn vào Đảng và nghĩ về mình

Quốc Bảo

29/07/21

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22256-gi-a-d-i-n-n-covid-19-nhin-vao-d-ng-va-nghi-v-minh

 

Dành những lời oán thán lúc này cho một chế độ đã thất bại toàn diện như Đảng cộng sản là điều không cần thiết. Để đương đầu với thảm kịch do Covid-19 gây ra thì tất cả người Việt Nam phải là một. Tuy nhiên nếu không nhân lúc này mà nhìn lại cơ đồ "chưa bao giờ có" như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng nói thì quả là thiếu sót. Nếu Việt Nam là một quốc gia khá giả và văn minh, mọi sự có thể đã khác đi rất nhiều trước đại họa Covid-19. Từng người chúng ta, cũng nên qua đây mà nhìn lại bản thân mình, xét lại trách nhiệm với tổ quốc và thái độ đối với chính trị. Chúng ta đã rất sai khi xem chính trị không phải là việc của mình.

 

Đảng cộng sản vừa chống dịch vừa đốt lò ?

 

Dĩ nhiên là Đảng cộng sản sẽ hô hào toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch nhưng họ không có nhiều lựa chọn và mọi giải pháp đều dở như nhau. Dịch bệnh đang tàn phá miền Nam với trọng điểm lây nhiễm ở Sài Gòn. Mỗi ngày có chừng 7000-8000 ca bệnh và toàn hệ thống chính trị đều đã quá tải, không chỉ mỗi y tế. Biện pháp "cách ly tập trung" thực hiện từ tháng 3/2020 đã không còn hữu hiệu. Từ đó đến nay, vaccine và các giải pháp đối phó khác đã không hề được chuẩn bị. Ngày 30/4 người dân cả nước vẫn đi du lịch khắp nơi và biên giới vẫn mở cửa giao thương dù khi đó đại dịch đã bùng phát ở Ấn Độ. Ngày 23/5/2021 Đảng cộng sản vẫn tổ chức rầm rộ "ngày hội toàn dân" khi kêu gọi người dân cả nước đi bầu cử quốc hội khóa XV... Đại dịch bùng lên, tất cả, từ người dân đến chính phủ đều choáng váng và không kịp trở tay.

 

Chính phủ Việt Nam đã không hề có kế hoạch mua vaccine, đến khi dịch bùng phát thì đi xin khắp thế giới và may mắn là đã có hồi đáp. Mỹ, Nhật Bản tặng không cho Việt Nam nhiều triệu liều vaccine và khi đó các đơn đặt hàng mới được gửi đi. Việt Nam đồng thời tích cực đàm phán để nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ Nga, Mỹ, Nhật. Dự kiến nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022. Đó là kế hoạch, còn kết quả thế nào thì phải chờ xem. Việt Nam đang rất lúng túng trước tình thế lưỡng nan : mở cửa và để dịch bệnh lây lan hay tiếp tục phong tỏa và nhiều người sẽ chết vì đói ?

 

Dù vậy, trong lúc này, Đảng cộng sản vẫn tiếp tục thực thi "công lý" để thu hồi nguồn vốn bị thất thoát. Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Nam, cựu bí thư tỉnh ủy Bình Dương vì những sai phạm kéo dài, từ thời ông Nam còn là Phó chủ tịch tỉnh năm 2012. Tội danh nêu ra là "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương. Thông tin này có thể khiến dư luận ít quan tâm giữa lúc Covid-19 tàn phá miền Nam nhưng nó cũng cho chúng ta một dấu hỏi, dù không bất ngờ về việc thanh trừng nhau trong nội bộ Đảng, là ông Trọng sẽ đẩy chiến dịch đốt lò lùi đến tận thời điểm nào trong quá khứ.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51344494395_3400e89d99_m.jpg

Ông Trần Văn Nam, cựu bí thư tỉnh uỷ Bình Dương vừa bị ném vào lò chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Đảng chắc chắn phải tận thu, từ người dân tới quan chức. Những ai không ở phe cánh có liên kết đủ mạnh, sẽ đứng trước rủi ro rất cao. Mục đích thật rõ ràng: Đảng đang cần tiền và tiền thì nằm rất nhiều ở quan chức tham nhũng. Nặng thì bỏ tù, châm chước hơn thì cho khắc phục hậu quả. Nhưng tất cả đều phải trả tiền để giữ lại sinh mạng.

 

Phần lớn sai phạm của lãnh đạo địa phương ở tất cả các tỉnh thành toàn quốc sẽ nằm ở chuỗi quản lý, thu hồi và sử dụng đất. Đây là một hệ quả tất yếu trong điều 53, Hiến pháp của Đảng cộng sản: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Có gì giúp cho tăng trưởng chung và kiếm tiền riêng nhanh hơn bán đất?

 

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có hàng loạt quan chức bị bắt vào thời kỳ 2006-2014. Chúng ta có thể thấy, lùi lại 5 năm hoặc lâu hơn một chút, đó là thời kỳ "vàng son" của việc quan chức "biết làm ăn". Các doanh nghiệp cũng thành thạo trong việc "kết hợp" với chính quyền và dòng vốn từ nước ngoài, qua cả doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam. Đây là thời kỳ mà luật doanh nghiệp hoàn thiện hơn, ngân hàng biết cách cho vay "khống" dự án hơn với việc khối tư nhân trỗi dậy và có thế đứng khá vững chắc. Đây cũng chính là thời kỳ mà nhà nước bắt đầu cổ phần hóa và nhiều quan chức biết cách "góp cổ phần" bằng chữ ký. Đất đai có thanh khoản nhanh và cao hơn bao giờ hết. Xây dựng công bùng nổ và quan chức giàu lên, sân sau cũng phất theo.

 

Việc "đốt lò" không khó về kĩ thuật vì quan chức nào cũng có sai phạm. Uỷ ban kiểm tra trung ương Đảng luôn như một lò lửa nóng, bất cứ củi nào đưa vào cũng đều bị cháy. Sai phạm về đất đai có ở mọi nơi. Giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc áp dụng giá đất lệch mốc thời gian, khi mức giá đất còn thấp hơn mức chuẩn bị giao là những sai phạm tiêu biểu. Thất thoát là tất yếu và dễ phát hiện. Chỉ là phe ông Trọng muốn "tính sổ" lúc nào, đụng đến những ai, không đụng đến những ai và những hậu quả mà nó gây ra.

 

Chính sách đất đai của Đảng cộng sản đang giết chết chính họ. Một mặt, các địa phương không đủ vốn để phát triển hạ tầng, doanh nghiệp thì có tiền và cũng cần đầu tư để kiếm lời. Sự kết hợp không minh bạch nhưng "đôi bên cùng có lợi" đương nhiên phải đến. Lửa gần rơm và thổi bùng lên đám cháy. Khi mà quyền có trong tay và chưa ai thạo việc lẫn chưa ai bị bắt về sai phạm đất đai thì sự khang trang của hạ tầng và tiền túi riêng đầy lên là lựa chọn tất yếu của quan chức địa phương. Khi "cái lí" đủ mạnh và cái tình đủ cảm thông rằng cơ chế này phải vậy thì các quan chức cứ thế mà làm.

 

Tuy nhiên dưới chế độ cộng sản thì luật pháp luôn co giãn tùy tiện "nay đúng, mai sai", các quan chức cộng sản cũng chưa ăn được trọn vẹn hai đời. Khái quát hóa việc tham nhũng, chúng ta có thể thấy họ hưởng được 30% phần đời cha và 70% phần đời con nhưng rồi đời con họ đã và đang là nạn nhân từ những gì họ đã làm. Con họ có nhiều tiền nhưng chưa thể dùng nó để tạo ra đủ thanh thế. Hậu quả "đời cháu" của họ bị các phe cánh khác đánh khi cha họ không còn tại vị và họ thì không kịp nhận ra thế nào là làm chính trị trong chế độ toàn trị. Chủ các doanh nghiệp sân sau, cũng nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ về số phận của họ. Trong lúc đó Covid-19 vẫn tiếp tục tàn phá tận gốc rễ cấu trúc xã hội Việt Nam, từ những gia đình nghèo tới thể chế chính trị độc tôn của Đảng cộng sản.

 

Phút nhìn lại mình

 

Lịch sử dân tộc Việt Nam có cái gì đó thật u uất. Chúng ta luôn phải chấp nhận các biến cố lớn một cách bị động. Và lần nào, chúng ta cũng vượt qua. Chúng nói lên khả năng "phi thường" của một dân tộc luôn đủ cam chịu và nhẫn nhục để vượt qua thử thách. Chúng ta chưa thấy được khả năng của chính mình nên không tạo dựng được hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể phản ứng nhanh và mạnh trước biến cố để sinh tồn chứ chưa chủ động xây dựng tương lai.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51130017055_1162e2b5cb_m.jpg

Người Việt Nam muốn tương lai nào cho bản thân và cho con cháu ? Hãy cùng chia sẻ Giấc mơ Việt Nam với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

 

Trong giờ phút đau thương này, giữa muôn trùng khó khăn, những người còn có thể ngồi yên trong nhà và còn có miếng ăn, hãy sám hối để nhìn lại mình. Thay vì chỉ động viên nhau rằng cố lên rồi ngày mai sẽ khác, rồi tất cả sẽ trở lại bình thường thì chúng ta hãy dành thì giờ để nghĩ về hiện tại lẫn tương lai. Vì sao cũng là đại nạn chung của thế giới nhưng chúng ta lại khổ đến thế ? Những đất nước giàu có và dân chủ thì họ khác ta nhiều lắm, người dân họ được chăm sóc tốt và không phải nhọc nhằn lo toan cho cái ăn cái mặc như chúng ta trong đại dịch. Chúng ta có hận Đảng cộng sản trong lúc này cũng không ích gì cả. Hãy một lần nhìn lại chính mình. Chúng ta đã thờ ơ với chính trị, không quan tâm đến chính trị, nhất là trí thức Việt Nam. Hầu như tất cả đều xem đó là việc riêng của Đảng cộng sản và các tổ chức chính trị khác chứ không phải trách nhiệm của bản thân mỗi người. Chúng ta thậm chí cũng không nghĩ đến việc hòa giải để có hòa hợp dân tộc, chúng ta chia rẽ hơn chúng ta tưởng bởi những vết thương lòng từ các cuộc nội chiến triền miên trong lịch sử, nhất là cuộc nội chiến mới đây (1954-1975). Chúng ta nghĩ rất đơn giản rằng dân chủ và tự do là một điều gì đó không cần thiết và cứ để mọi việc cho "Đảng và nhà nước lo". Sự đời không phải như vậy. Chẳng ai lo được cho mình nếu mình còn không biết mình là ai, mình có khả năng gì, mình muốn cái gì và định làm cái gì...

 

Các biến cố lớn đang dồn dập xảy ra trên khắp thế giới. Nhân loại đang đứng trước những thay đổi sâu rộng chưa từng có. Việt Nam sẽ không là ngoại lệ. Đã đến lúc mọi người dân Việt Nam nên dành thì giờ để suy ngẫm về triết lý và mục đích của cuộc sống. Hãy suy nghĩ về tương lai. Chúng ta phải cố gắng trả lời câu hỏi là chúng ta muốn tương lai nào cho mình và con cháu mình ?

 

Quốc Bảo

(29/07/2021)

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats