27/07/2021
Có lẽ việc đưa ra được một chính sách phù hợp
được với mong muốn của các thành phần trong xã hội, từ đó nâng cao mức thực thi
chính sách là mục tiêu của hầu hết các chính quyền quan tâm đến dân.
Trong quản trị nhà nước (Public Governance) hiện
đại, cơ chế lắng nghe ý kiến các thành phần trong đời sống kinh tế xã hội mà từ
đó nhà lãnh đạo ra quyết định/ban hành chính sách được định nghĩa là quản trị hợp
quần hay quản trị phối hợp (Collaborative Governance).
Để chính sách được đồng thuận ở mức cao nhất
và được thực thi hiệu quả thì các chính quyền không thể không quan tâm và thực
hiện cơ chế quản trị phối hợp này, dù là vô tình hay hữu ý. Tuy nhiên, khi chủ
động thực hiện thì các chính quyền sẽ dễ đạt được mục tiêu của mình hơn.
Có thể lấy hai đợt chống dịch Covid 19 của Việt
Nam làm minh họa cho việc có hay không việc áp dụng cơ chế quản trị này, từ đó
đánh giá hiệu quả của nó và đưa ra những đề xuất trong quản trị nhà nước ở Việt
Nam và các nước đang phát triển.
Đợt I (1/2020
– 4/2020): Đó là giai đoạn Việt Nam chống coronavirus Vũ Hán khi Vũ Hán, Trung
Quốc thất thủ và virus tràn lan trên khắp thế giới (1/2020 – 4/2020). Trong làn
sóng virus này, thế giới chưa có vaccine, hầu hết các quốc gia đều bị động
trong việc chống chọi dịch bệnh, Việt Nam nổi lên như một điển hình của việc kiểm
soát dịch bệnh.
Đợt II (làn sóng Covid 19
biến chủng hiện nay, thế giới đã có vaccine) Việt Nam là nước đang chống chọi
cuối cùng của làn sóng Covid thứ tư trên thế giới. Việc chống chọi của Việt Nam
lần này dù có sự trợ giúp của vaccine đặc biệt cho khu vực y tế, vẫn tỏ ra
không đơn giản, thậm chí có thể nói còn căng thẳng hơn nhiều với các biến chủng
Covid. Việt Nam tỏ ra lúng túng hơn chứ không chủ động như đợt thứ nhất. Tại
sao?
Nếu sử dụng cơ chế quản trị phối hợp để giải
thích, chúng ta có thể có những gợi ý cho việc cải cách cai quản công hay quản
trị nhà nước hiện nay.
Cụ thể, trong cơ chế cai quản phối hợp nhà nước
đóng vai người điều phối ý kiến và ra quyết định. Các bên tham gia trong quản
trị phối hợp là đại diện các thành phần trong nền kinh tế (xã hội) được mời ngồi
lại một cách cầu thị trong một diễn đàn (forum), và được trông đợi chia sẻ những
góc nhìn của mình, cùng hướng đến một quyết sách vì lợi ích chung.
Trong tình hình dịch bệnh, một quyết sách được
đưa ra sẽ dễ được tôn trọng và thực thi hơn khi nó thể hiện được trí tuệ và tiếng
nói của nhiều thành phần xã hội. Có thể hình dung gồm chính quyền các cấp, đội
ngũ y bác sĩ và quản trị bệnh viện, các nhà nghiên cứu dịch tể, kinh tế xã hội,
truyền thông và báo chí, an ninh, doanh nghiệp và các tổ chức dân sự, tôn giáo.
Lãnh đạo chính quyền đóng vai trò một nhà điều phối và ra quyết định cuối cùng
(facilitative leadership).
Nhà lãnh đạo điều phối ý thức được rằng, các
bên đến diễn đàn với các hoàn cảnh và tâm thế ban đầu khác nhau. Vì vậy việc
xây dựng một cam kết chung là một điều không đơn giản. Sự khác nhau đó thể hiện
ở nhiều khía cạnh. Các nghiên cứu chỉ ra những khác biệt đáng quan tâm là cảm
nhận của các bên về trọng lượng tiếng nói của mình, các bên có thể không cảm thấy
được hiểu biết và ý kiến của mình được tôn trọng. Lịch sử xung đột hay hợp tác
trước đó của các bên cũng quyết định tiềm năng hợp tác ở hiện tại, động cơ lợi
ích của các bên khi tham gia cũng là yếu tố cần được nhà lãnh đạo thấu hiểu.
Vì vậy, việc xây dựng lòng tin giữa các bên với
nhau là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Có được lòng tin đó, cam kết
chung mới có thể đạt được, từ đó giúp lãnh đạo đưa ra những quyết sách phù hợp
nhất với lợi ích của các nhóm dân cư.
Khi cam kết chung đạt được, các bên nhận thấy
được sự liên thuộc giữa họ, nhận thấy sự cần có nhau; các bên cùng cảm nhận là
đồng tác giả của nội dung chính sách của chính quyền cũng như nhận thức được lợi
ích của mình trong cam kết và chính sách đó. Từ đó họ sẽ chia sẻ một tầm nhìn
chung, những vấn đề cần được xác lập và giải quyết cho lợi ích chung của họ –
cũng chính là lợi ích của thành phần mà họ đại diện, lợi ích của toàn xã hội.
Điều tốt đẹp là lòng tin giữa các nhóm cũng sẽ
chính là lòng tin của toàn xã hội. Khi đó chính sách được đưa ra sẽ được đảm bảo
tính thực thi cao nhất.
***
Đánh giá việc chống dịch của Việt Nam qua hai
làn sóng Covid 19 dựa trên cách tiếp cận cai quản phối hợp:
Đối phó với làn sóng Covid 19 thứ nhất (1/2020
– 4/2020): chính quyền Việt Nam đã chứng tỏ khả năng điều phối lợi ích của các
nhóm xã hội mà mấu chốt là tạo được lòng tin giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là
sự tin cậy giữa nhà nước và người dân. Từ đó các chính sách được tuân thủ một
cách nhất quán và chặt chẽ. Đây là nền tảng cốt yếu của thành công trong ngăn
chặn được dịch bùng phát, giảm thiểu con số nhiễm và tử vong trong điều kiện thế
giới chưa có vaccine ngừa Covid.
Trong khi một số nước dùng chính sách chuyên
chế áp đặt nhưng bưng bít thông tin, ngăn cấm những tiếng nói trung thực về dịch
bệnh đã không ngăn chặn được dịch bùng phát và lây nhiễm, các nước khác lại
hoàn toàn thoải mái, tôn trọng tự do cá nhân của người dân cũng dẫn đến lây nhiễm
tràn lan và con số tử vong tăng đột biến.
Chính quyền Việt Nam, như tác giả đã phân tích
trong một số bài viết, đã nới lõng các kênh thông tin và mạng xã hội, lắng nghe
ý kiến của người dân từ nhiều phía. Ngay cả việc công khai thông tin nhiễm
Covid 19 của cả quan chức và người dân vi phạm việc cách ly hay di chuyển có thể
đã khiến nhiều người phê phán là vi phạm quyền riêng tư nhưng lại tạo một cảm
giác bình đẳng mọi thành phần trước luật pháp, từ đó càng củng cố lòng tin giữa
dân và chính quyền.
Tuy không có một cơ chế đầy đủ của cai quản phối
hợp, nhưng việc chính quyền điều phối lợi ích của các bên, tạo điều kiện cho
các tổ chức tự nguyện dân sự hỗ trợ người dân khi ra các quy định tiến hành
giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Sự nhất quán của chính quyền trong công
khai thông tin và giải trình cũng là yếu tố khiến dân chúng dễ dàng ủng hộ các
thông điệp của chính quyền trong vận động cách ly xã hội, từ đó các quy định được
tuân thủ, thực thi.
***
Với làn sóng Covid thứ tư trên thế giới và Việt
Nam đang trãi qua hiện nay (từ tháng 4/2021), có thể nói chính quyền Việt Nam
đã không tận dụng được thời gian khá dài trước dịch để xây dựng một cơ chế quản
trị phối hợp nhằm tạo lập lòng tin xã hội và huy động trí lực của các bên. Khi
dịch bệnh bùng phát thì chính quyền bị động trong việc đưa ra những chính sách
nhất quán càng khiến cho các bên đều cảm thấy bị động và ngoài cuộc.
Doanh nghiệp với chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt
gãy; các nhóm yếu thế tức khắc như bị gạt ra khỏi xã hội với lựa chọn sống còn
giữa chết đói hay chết vì dịch bệnh; các nhóm thiện nguyện tự phát, xã hội dân
sự (vốn không được công nhận) gặp trở ngại trong việc tiếp cận các nhóm yếu thế;
các nhà khoa học, y bác sĩ tâm huyết, những nhà chuyên môn cũng cảm thấy không
được lắng nghe, không được thuyết phục bởi những chiến lược và chiến thuật chống
dịch của chính quyền.
Các chiến lược chống dịch, cụ thể hóa qua các
quy định vốn không dựa trên cơ chế quản trị phối hợp vì lẽ đó không phản ánh được
tiếng nói chung của các nhóm xã hội nêu trên. Thậm chí nhiều lúc còn được thực
thi không nhất quán bởi chính lực lượng chấp pháp của chính quyền. Khi lo ngại
sức chịu đựng của một bên tới hạn có thể nảy sinh bất ổn, các điều chỉnh của
chính quyền lẽ ra là tích cực, lại càng làm cho sự thiếu nhất quán lộ rõ. Các
doanh nghiệp lên tiếng, các phê phán của nhân sĩ trí thức, các nhà chuyên môn
xuất hiện, sức chịu đựng của hệ thống y tế bị đe dọa, các nhóm yếu thế càng
mong manh… Chính quyền bị động hơn nên các thông điệp đến người dân trở nên thiếu
nhất quán. Điều đó càng làm chênh vênh hơn niềm tin giữa chính quyền và dân.
Bí thư thành phố HCM lên tiếng gặp mặt các nhà
khoa học tạo ít nhiều niềm tin nhưng cũng đặt ra câu hỏi về sự tham vấn lẽ ra
nên có từ trước. Và sự tham vấn đó lẽ ra dành cho các bên chứ không chỉ các nhà
khoa học trong một cơ chế quản trị phối hợp. Rõ ràng thiếu sự phối hợp ban đầu
đã khiến cho các chính sách và quy định trở nên khó tuân thủ tự nguyện. Khi đã
bỏ mất cơ hội là lãnh đạo điều phối (facilitative leadership), chính quyền ngày
càng phải kiểm soát thông tin và càng phải tỏ ra cứng rắn. Điều đó như một vòng
lẩn quẩn, càng làm xoáy mòn lòng tin.
Sự tàn phá của dịch bệnh là điều trước mắt.
Khi có được lòng tin của công chúng, thì những con số thông tin thực cũng sẽ
không làm người dân hoảng loạn. Khi thiếu vắng niềm tin trong một hệ thống kiểm
soát thông tin thì càng làm hoảng loạn và người dân càng dễ tin vào tin đồn hơn
vì tin đồn nhiều khi chính là tin thật bị rò rỉ.
Vấn đề đặt ra là chính quyền phải phá v ỡ cái
vòng lẩn quẫn này, lấy lại niềm tin và hạn chế tổn thất cho tất cả các bên.
***
GIẢI PHÁP:
A. Những việc
chính quyền địa phương cần làm ngay lúc này nên là:
Triệu tập và thiết lập ngay một cuộc gặp (diễn
đàn chính thức) gồm đại diện của tất cả các bên trong cộng đồng. Đây là thời khắc
mà các bên (dễ dàng) gạt qua những lợi ích nhóm cá nhân của nhóm mình hướng đến
một chính sách nhất quán vì lợi ích sống còn là sinh mạng của người dân. Các
bên phải gồm các nhà chuyên môn, trí thức, doanh nhân, giáo hội, truyền thông
báo chí, an ninh, những người có uy tín trong xã hội kể cả trên mạng xã hội, những
nhà hoạt động xã hội, các tổ chức thiện nguyện, dân sự. Thông báo kết quả làm
việc cho mọi người dân để mọi người có thể tin rằng các chính sách đưa ra có
quan tâm đến lợi ích của mình. Vì cuộc phối hợp trong tình thế cấp bách nên các
cam kết có thể phải nhắm đến những chiến thuật tình thế nhằm giải quyết các vấn
đề cấp thiết sau:
1. Giải quyết vấn đề nhân lực, tài lực, vật lực
cho ngành y tế. Quy định chế độ tri ân, hậu thưởng sau dịch đối với lực lượng
đang ngày đêm – và có thể hy sinh trong chống dịch.
2. Giải phóng nhân lực và điều kiện cho các
nhóm thiện nguyện, tổ chức xã hội dân sự tham gia ngay vào hai việc. Đó là hỗ
trợ ngành y tế và tiếp cận các nhóm yếu thế, cụ thể là các khu vực cách ly và
không cách ly nhưng thiếu thực phẩm thuốc men. Cấp tốc tiêm chủng cho thành phần
thiện nguyện. Cấp phép mau chóng cho thành phần này, tin tưởng và động viên, xiển
dương tinh thần.
3. Kêu gọi các nguồn lực xã hội đóng góp cho
(1) và (2).
4. Thông tin trung thực, công khai và minh bạch
các thông tin dịch bệnh. Không khoa trương hay bưng bít để trấn an dư luận mà
nên thực tế, khiêm tốn, minh bạch để tạo lòng tin trong dân và sự đoàn kết chống
dịch. Chính sách truyền thông từ đó nhất quán không làm bất ổn xã hội.
5. Đường phố sẽ được ưu tiên sử dụng bởi những
nhóm cứu trợ đến mọi ngõ ngách của khu dân cư đang kiệt quệ, thiếu đói.
6. Cho phép các doanh nghiệp sản xuất đã chuẩn
bị tốt các phương án chống dịch trở lại hoạt động.
7. Truyền thông chuyển từ tuyên truyền 5k sang
các biện pháp xử lý, các thuốc cơ bản dùng để tăng sức đề kháng hay khi bị nhiễm
(có rất nhiều người không biết sử dụng ngay cả thuốc giảm sốt và vitamin C để
phòng, chống dịch bệnh và có thể chết oan vì chờ thuốc của y bác sĩ).
***
B. Chiến lược lâu
dài:
1. Chính quyền nên quen dần với vai trò lãnh đạo
điều phối hơn là lò dò và áp đặt. Cụ thể, cần lấy tiếng nói của mọi thành phần
dân cư, trước mắt qua cơ chế đại diện của họ khi ban hành chính sách trong điều
kiện bình thường chứ không chỉ cấp bách. Là lãnh đạo điều phối, chính quyền cần
đặc biệt quan tâm việc xây dựng lòng tin giữa các nhóm vì đó cũng là lòng tin
xã hội. Ngoài việc lắng nghe các bên trong xây dựng chính sách, chính quyền cần
thể hiện trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch để củng cố lòng tin đối với
dân chúng mà mình là đại diện chung.
2. Chấp nhận các tổ chức xã hội dân sự (XHDS):
Đây là bên sẽ thấu hiểu được lợi ích và xung đột lợi ích của các thành phần
kinh tế xã hội và đóng vai trò đại diện tốt nhất cho nhóm yếu thế, mắc xích
quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Trông chờ vào trách nhiệm
của chính quyền địa phương hay mặt trận tổ quốc đối với thành phần yếu thế là đặt
hai nhóm này vào thế lưỡng nan giữa lợi ích cá nhân họ (chức vụ, quyền lợi
trong hệ thống nhà nước) và lợi ích của chính thành phần yếu thế. Hơn nữa, có
thể nói chính quyền địa phương và mặt trận tổ quốc không hẳn đã lắng nghe được
hơi thở của thành phần yếu thế được như các tổ chức thiện nguyện, tôn giáo và tổ
chức XHDS nói chung.
3. Truyền thông và báo chí cần độc lập, chịu
trách nhiệm, trung thực khách quan, phát huy chức năng nghề nghiệp là thúc đẩy
công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền, bóc tách các
xung đột lợi ích giữa các nhóm.
No comments:
Post a Comment