“Siêu
ông ngoại” Vingroup và những người không thích công bằng ở Việt Nam
TAM
NGUYÊN - LUẬT KHOA
28/07/2021
Khi người giàu cướp
đi cơ hội sống của người nghèo.
Ảnh gốc: Báo Giao thông, goodrx. Đồ họa: Luật Khoa
Ngày 22/7, hình ảnh văn bản Sở Y tế thành phố
Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho Vingroup “mượn” vaccine lan truyền khắp mạng xã hội.
Theo văn bản, Vingroup mượn Sở Y tế khoảng 5.000 liều vaccine Moderna để
tiêm cho người lao động. Đáng chú ý, văn bản nêu rõ việc mượn này được thực hiện
theo công văn mật 653/UBND-VX.
Đến ngày 25/7, trả lời báo chí, ông Dương Anh
Đức – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố – xác thực công văn và đánh giá vụ
việc này là “hợp tình, hợp lý”. Lý do cho mượn: Vingroup đã hỗ trợ không chỉ
kinh phí và nhân lực trực tiếp chống COVID-19, tập đoàn này mượn trước để tiêm
cho lực lượng tham gia hỗ trợ thành phố chống dịch.
Ông Đức không nói rõ đâu là “lý”, đâu là
“tình” trong giải thích của mình. Chúng ta hãy tạm chia ra “lý” là góc độ pháp
lý, tức tính hợp pháp của hành động mượn và cho, còn “tình” là mọi khía cạnh
khác bên cạnh luật pháp, ở đây bước đầu có yếu tố đạo đức, dịch tễ và sau nữa –
như mọi người hay nhắc – mức độ khả thi và tính kinh tế.
Công văn của Sở Y tế
TP.HCM về việc cho Vingroup “mượn” vaccine. Ảnh: Chưa rõ nguồn/Báo Tiếng Dân.
Hợp lý ở chỗ nào?
Trên bề mặt, phần giải trình của ông Đức trước
báo chí không tương thích với chất vấn của dư luận và văn bản bị rò rỉ trước
đó. Văn bản ghi là “cho Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park mượn để tổ
chức tiêm cho người lao động của tập đoàn Vingroup”, còn lúc được báo chí hỏi về
văn bản, ông Đức nói rằng 5.000 liều vaccine này là Vingroup mượn để
“tiêm cho lực lượng tham gia hỗ trợ TP.HCM”. [1]
Nếu theo văn bản, vaccine được dành cho “người
lao động của tập đoàn Vingroup”, tức không thuộc bất kỳ nhóm nào trong 15 nhóm ưu tiên tiêm chủng đợt 5 của thành phố, việc
cho mượn vaccine theo văn bản rõ ràng là một quyết định không hợp pháp. [2] Còn
nếu theo lời của ông Đức vào ngày 25/7, 5.000 liều vaccine là để tiêm cho đội
ngũ chống dịch của Vingroup góp sức cùng thành phố, và đội ngũ này thuộc một
trong 16 nhóm đối tượng ưu tiên của Bộ Y tế. Nhưng nếu đã nằm trong danh sách
chờ tiêm thì việc gì Vingroup phải đi mượn, mà lại còn mượn qua một công văn “mật”?
Việc này có khác gì cô phóng viên – được cho
là người nằm trong danh sách ưu tiên tiêm chủng – lại được tiêm nhờ “ông ngoại”
đăng ký chứ không phải xếp hàng trong danh sách theo cơ quan? Vingroup không
khác gì một “ông ngoại” dựa vào tiền và thế lực của mình để nhờ tiêm vaccine
cho “cô cháu gái”.
Nói cách khác, việc 5.000 người chống dịch của
Vingroup được tiêm có thể là một việc hợp pháp, nhưng cách thức để có mũi tiêm
thì lại bất hợp pháp. Nó đi ngược lại các quy trình, và cũng là một sự “chen
lên”, dù họ có thể thuộc nhóm được xếp hàng trước số đông. Xét rộng ra, nó cũng
cho thấy TP.HCM đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng trong việc phân bổ vaccine theo
nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. [3]
Thành phố sẵn sàng “xé rào” để lén lút trao
vaccine – một tài sản công – cho một doanh nghiệp mà không hề có sự thảo luận với
người dân. TP.HCM không sở hữu số vaccine này. Họ được giao quyền để đi tiêm
theo danh sách ưu tiên. Nếu làm một việc khác – “cho mượn” – thì việc này dựa
trên cơ chế và luật lệ gì? Nếu công văn mật trên không bị rò rỉ, chính quyền liệu
có nghĩ đến việc giải thích minh bạch chuyện sử dụng tài sản công trái luật định
này?
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/139687_aid.jpeg
Một hoạt động tài
trợ của Vingroup cho hoạt động nghiên cứu, bào chế vaccine của Bộ Y tế, ngày
27/2/2021. Ảnh: VNA/VNS Photo.
Các “cháu ngoại”
nói gì?
Điều kỳ lạ là trên mạng xã hội không thiếu những
bình luận biện minh cho hành động “có vẻ khuất tất” của Vingroup bằng những lập
luận như: thêm người tiêm thì càng tốt, hoặc đóng góp nhiều thì được tiêm, tệ
hơn cả là những người theo chủ nghĩa thực dụng cho rằng bất công trong phân phối
vaccine là không thể tránh khỏi. Ta hãy thử phân tích các lập luận của họ.
Lập luận 1: “Thêm
người tiêm thì thêm sự bảo vệ cho mọi người”
Lập luận này sổ toẹt vào tất cả các chính sách
vaccine của nhà nước lẫn khuyến cáo của giới khoa học.
Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine phòng
chống COVID-19 đã quy định rõ về đối tượng ưu tiên tiêm chủng. Những quy định
này, dù tôi không đồng ý hoàn toàn, phần nào được xây trên nguyên tắc về đối tượng
ưu tiên vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – vốn được giới khoa học đồng
ý. Nó là hướng dẫn quan trọng để các quốc gia bảo vệ sinh mạng người dân, tăng
cường hiệu quả chống dịch.
Khi dịch chưa lan rộng, có nhiều điều chúng ta
có thể tính, như chính phủ Việt Nam đã tính: mục tiêu kép, vừa phát triển kinh
tế vừa chống dịch, vừa bảo vệ người ốm đau vừa bảo vệ sản xuất. Vì thế, cách
phân phối vaccine có thể đi theo nhiều hướng khác nhau. Trên thực tế, Việt Nam
đã gây tranh cãi với thứ tự ưu tiên của đợt tiêm vaccine thứ tư tại TP.HCM khi
tiêm cho công nhân các khu công nghiệp trước người cao tuổi, người có bệnh mãn
tính, bệnh nền.
Nhưng khi số ca nhiễm tăng không kiểm soát được,
gần chạm đến giới hạn hệ thống y tế của thành phố, [4] ưu
tiên được thu gọn lại trong việc cứu người (các lãnh đạo của TP.HCM và Bộ Y tế
cũng thừa nhận việc này). [5] Giữ lại mạng sống là giữ lấy
cơ hội để làm lại tất cả, để chạy theo các mục đích kinh tế đã bị bỏ lỡ hoặc
đơn giản là để được chết trong vòng tay người thân. Theo một biểu đồ trên trang
thông tin của Bộ Y tế – dù không đưa ra con số cụ thể – người trên 50 tuổi có tỷ
lệ tử vong cao trong số 370 người chết vì COVID-19. [6] Đến nước này, chính quyền
đã nói rõ chúng ta nên cứu những người có nguy cơ cao đó hay cứu nhà cung cấp
máy thở.
Nếu bạn không tin vào lý do đạo đức của việc cứu
lấy những người dễ chết nhất, hãy nói về mặt dịch tễ. Nguy cơ nhập viện đối với người từ 65 tuổi trở lên giảm
được 94% nếu họ đã được tiêm vaccine đầy đủ (hai mũi). [7] Tức là, bảo vệ những
người già, người có nguy cơ cao đồng thời sẽ bảo vệ chiếc máy thở không bị quá
tải, giảm thiểu công việc cho các y bác sĩ tuyến đầu, làm nhẹ gánh cho công cuộc
chống dịch nói chung. Tất cả những lợi ích này sẽ trở thành khoản chi phí mà việc
tiêm chủng đúng người, đúng nơi tiết kiệm được cho xã hội.
Trong một thế giới lý tưởng nơi có đủ vaccine
cho mọi người trong cùng một thời điểm, có thể chúng ta sẽ được tận hưởng việc
tiêm chủng không cần quan tâm đối tượng (nhưng đây là điều xa xỉ ngay cả với nước
Mỹ trong giai đoạn đầu). Còn khi vaccine khan hiếm, cần phải tiêm đúng đối tượng
để bảo vệ người dân có nhiều nguy cơ. Khi những người cần được bảo vệ chưa được
tiêm hết, TP.HCM mang vaccine tiêm cho một doanh nghiệp thì chỉ có doanh nghiệp
đó an toàn, còn sinh mạng của những người nguy cơ ở trong thế lơ lửng. Việt Nam
hiện chỉ mới nhận được 12 triệu liều vaccine, [8] trong khi số người cần tiêm chủng là 75 triệu, [9] tức trong 6 người thì hiện
chỉ có 1 người có thể tiếp cận vaccine. Giành tiêm một liều vaccine có thể là
giành mất cơ hội sống của một người khác.
Nhưng nếu chỉ trích Vingroup một thì TP.HCM cần
giải trình mười. Mới tuần trước đó, chính thành phố cũng đã chuyển trọng tâm chống
dịch sang “giảm số ca F0, giảm thiểu tử vong”, tức là đặt mục tiêu bảo vệ sinh
mạng lên hàng đầu. Một tuần sau, thành phố trao 5.000 liều vaccine cho một
doanh nghiệp. Việc 5.000 người lao động của Vingroup được tiêm chẳng có giá trị
gì lúc này ngoài lợi ích cho chính tập đoàn.
Tập đoàn Vingroup
trao tặng 100 máy thở VFS-510 (trị giá 18,5) tỉ đồng cho thành phố Đà Nẵng. Ảnh:
Báo Thanh Niên.
Lập luận thứ hai:
“Vin dư sức mua vaccine”, “Vin góp tiền phát triển vaccine”, “Vin góp quỹ
vaccine”, “Vin tặng chính phủ vaccine nên chỉ mượn trước”
Những cư dân Sài Gòn trải qua nửa tháng sống
dưới Chỉ thị 16 hẳn sẽ hiểu cảm giác cầm tiền đến siêu thị nhưng không còn một
bó rau để mua. Tiền lúc đó không giúp được gì. Thị trường vaccine cũng vậy,
không phải cứ có tiền là mua. Người khách bên cạnh thò tay bốc bó rau cuối cùng
khỏi giỏ của bạn không khác gì ăn cướp cả, dù cho họ sẽ trả tiền bó rau đó tại
quầy. Giật rau khỏi giỏ người khác là sự ăn cướp cơ hội mà một người khác có thể
xứng đáng hơn mình. Tương tự, khi vaccine khan hiếm, giật lấy vaccine trước những
người cần được bảo vệ hơn chính là ăn cướp cơ hội được bảo vệ của họ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn tiếng có tiền ở
Việt Nam đã có ai thử xách giỏ ra siêu thị để xem có mua được liều vaccine
Moderna nào không? Hãng này đã tuyên bố nguồn cung cho Đông Nam Á sẽ hết đến cuối năm nay. [10] Nó cũng khan hiếm như rau ở siêu
thị và như nguồn cung nhiều loại vaccine khác. Thực tế thì Moderna (và Pfizer,
AstraZeneca, v.v) chỉ bán vaccine cho các chính phủ. Trong số vaccine đã về Việt
Nam, phần nhiều là thông qua COVAX, một số nước viện trợ, Công ty Cổ phần
Vacxin Việt Nam mua, chưa có liều vaccine nào là do Vingroup thương lượng được.
Vingroup có thể là một doanh nghiệp mạnh trong nước, nhưng cuộc chiến vaccine
không thiếu những quốc gia có tiền, và trong cuộc chiến đó không hề có doanh
nghiệp nào của Việt Nam có thể làm kẻ mạnh.
Việt Nam cho biết đã được cam kết 5 triệu liều Moderna do công ty này ủy quyền cho
Zuellig Pharma phân phối. [11] Cứ cho là trong số đó, sẽ có 5.000 liều dành cho
Vingroup để công ty này trả lại TP.HCM, nhưng bao giờ vaccine đó mới về? Cũng
như bó rau mùa dịch, giá trị một liều vaccine vào thời điểm thành phố đang ghi
nhận hơn gần 6.000 ca mắc mới mỗi ngày (27/7) khác với giá trị của liều vaccine
trong một ngày bình yên năm sau.
Và liệu những người dễ tổn thương hơn trước đại
dịch có đợi được đến lúc đấy để được trả vaccine không?
Nhân viên của
Vingroup nên được tiêm vaccine trước những người già này? Ảnh: Bộ Y tế.
Người dân P.3, Q. Gò Vấp, TP.HCM xếp hàng chờ
lấy mẫu xét nghiệm trưa 30/5/2021. Ảnh: Báo Thanh Niên
Lập luận thứ ba:
“Đóng góp nhiều thì nên được vaccine”
Cách giải thích này đồng nghĩa “ai nhiều tiền,
người đó có vaccine”.
Rất nhiều người sẽ nói thế, rằng công bằng nói
chung, và công bằng vaccine nói riêng, là một điều viển vông; rằng đó là ảo tưởng
về một “utopia” (thế giới lý tưởng trong mơ) chứ không phải thực tế về thế giới
chúng ta đang sống, càng không phải thế giới bất công mà đại dịch COVID-19 chỉ
phô bày ra thêm chứ không làm giảm bớt.
Rất nhiều người viện dẫn bản chất bất bình đẳng
của thị trường để biện minh cho sự hợp lý của việc vaccine về tay Vingroup,
nhưng họ quên nhìn rộng ra: trong một thị trường toàn cầu và cạnh tranh hoàn hảo,
liệu Việt Nam có cơ hội được tiếp cận vaccine hay không?
Cơ chế COVAX, các khoản viện trợ, giá vaccine
ưu đãi – tất cả đều không hoàn hảo và phi thị trường – vẫn đang là cần câu
vaccine về Việt Nam. Nếu không có những người có ý tưởng về việc những nước
nghèo, nước đang phát triển cũng xứng đáng có vaccine – vì chính họ và vì thế
giới – thì không chắc Việt Nam có hàng triệu liều Moderna viện trợ. Chúng ta
đang hưởng lợi từ lòng bác ái và những suy tính phi thị trường của thế giới, để
rồi nhiều người mang giọng lưỡi kim tiền ra để biện minh cho việc được hưởng
vaccine trước cả người già.
Nhiều doanh nghiệp muốn sử dụng tiềm lực tài
chính hoặc tầm quan trọng kinh tế để làm lợi thế mặc cả về vaccine, có chắc
vaccine sẽ đến tay họ? Nếu những liều vaccine viện trợ từ Mỹ hoặc Nhật có kèm
điều kiện chích cho các đối tượng họ ưu tiên, đối tượng đó liệu có phải là các
công ty bất động sản hoặc dịch vụ không, hay trước hết sẽ là công dân các nước
đó tại Việt Nam, công nhân các nhà máy gia công cho doanh nghiệp Mỹ, Nhật?
Chúng ta có xu hướng nói về chủ nghĩa thực dụng,
chấp nhận sự bất công trong lúc nghĩ rằng mình là kẻ mạnh trong cuộc chơi này.
Những người ủng hộ cơ chế thị trường và Vingroup hẳn cũng tin thế. Hãy thử đứng
sau một bức màn vô minh (veil of ignorance), bỏ đi tất cả lợi thế mà chúng ta
tin rằng mình đang sở hữu, lựa chọn lại xem bạn có muốn một thế giới sát phạt
nơi người có tiền sẽ cướp đi cơ hội sống của những người vừa nghèo, vừa già yếu
hay không?
Lý do để chúng ta theo đuổi sự công bằng trong
vaccine là vì phần lớn mọi người, trong đó có bản thân, sẽ hưởng lợi từ nó. Lý
do để chúng ta chất vấn chính quyền TP.HCM trong quyết định trên là vì nó vừa bất
công, vừa trái pháp luật, chứ không phải “hợp tình, hợp lý” như cách họ giải
thích.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Chú thích:
1. Hằng T. (2021, July 25). “Cho
Vingroup mượn 5.000 liều vaccine là hợp lý, hợp tình.” ZingNews.vn.
https://zingnews.vn/cho-vingroup-muon-5000-lieu-vaccine-la-hop-ly-hop-tinh-post1242958.html
2. Anh P. (2021, July 24). TP HCM:
15 nhóm đối tượng nào được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 trong đợt 5? https://nld.com.vn.
3. Thanh H. D. T. Y. H. D. N.-. (2021,
July 22). Yêu cầu công bằng, minh bạch trong tiêm vắc-xin Covid-19.
https://nld.com.vn.
4. Hằng T. (2021a, July 22). TP.HCM
tính đến kịch bản 60.000 ca nhiễm nCoV, điều trị F0 tại nhà.
ZingNews.vn.
https://zingnews.vn/tphcm-tinh-den-kich-ban-60000-ca-nhiem-ncov-dieu-tri-f0-tai-nha-post1239552.html
5. Nga L. (2021, July 22). Bộ
trưởng Y tế: “Ưu tiên hàng đầu là giảm tỷ lệ tử vong.” vnexpress.net.
https://vnexpress.net/bo-truong-y-te-uu-tien-hang-dau-la-giam-ty-le-tu-vong-4328456.html
6. Website: https://ncov.moh.gov.vn
7. Coronavirus Disease 2019.
(2021). Centers for Disease Control and Prevention.
https://www.cdc.gov/media/releases/2021/p0428-vaccinated-adults-less-hospitalized.html
8. Trong tháng 7, sẽ chuyển khoảng
12 triệu liều vaccine cho các địa phương đang có dịch. (2021).
Baodientu.Chinhphu.Vn.
9. Anh L. (2021, July 22). Quỹ
vaccine đã nhận 7.960 tỷ đồng. ZingNews.vn.
https://zingnews.vn/quy-vaccine-da-nhan-7960-ty-dong-post1233361.html
10. Reuters. (2021, June 29). Moderna
SE Asia partner says regional vaccine supplies booked to year-end.
11. Hiệp, L. (2021, July 16). Mỹ
hỗ trợ Việt Nam thêm 3 TRIỆU LIỀU vắc xin moderna. Báo Thanh Niên.
https://thanhnien.vn/thoi-su/my-ho-tro-viet-nam-them-3-trieu-lieu-vac-xin-moderna-1415673.html
No comments:
Post a Comment