Mỗi
nơi một kiểu chống đại dịch khiến doanh nghiệp kiệt quệ!
Thanh
Trúc
2021-07-28
Các địa phương tại Việt Nam áp dụng những biện pháp
chống dịch khác nhau khiến doanh nghiệp làm ăn liên tỉnh không biết theo hướng
nào. Trong khi đó các lãnh đạo tỉnh không muốn bàn tới vấn đề này.
Hình minh hoạ: Công an đứng canh tại một nơi chắn đường
ở Hà Nội hôm 24/7/2021
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 25/7 vừa
qua ở Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung
ương, cũng là đại biểu tỉnh Thái Bình, nêu vấn đề về sự khác biệt giữa các biện
pháp phòng, chống COVID-19 ở các địa phương hiện nay.
Báo chí trong nước số ra thứ hai, ngày 26/7,
đăng lời đại biểu Thái Bình Phan Đức Hiếu rằng chống dịch là chuyện cần
thiết nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp dẫn tới ách tắc lưu thông vận chuyển
hàng hoá, con người.
Trên nhiều tuyến cao tốc hay quốc lộ trong nước,
ông nói, tình trạng ùn tắc, ứ đọng hàng hóa đang diễn ra vì những qui định
khác nhau trong phòng, chống dịch giữa các địa phương.
Để giúp doanh nghiệp bớt gánh nặng chi phí, bớt
tình trạng ách tắc lưu thông hàng hoá, ông Phan Đức Hiếu đề nghị các địa phương
phối hợp, giảm tối đa những điều kiện và biện pháp khác biệt không cần thiết,
áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai áp dụng công nghệ thông tin
trong phòng, chống dịch bệnh.
Cùng quan điểm với đại biểu Quốc hội Phan Đức
Hiếu, đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình
Dương, góp ý rằng chống dịch kiểu "ngăn sông cấm chợ" ở một số
nơi trong nước khiến những đường vận chuyển hàng hoá bị tắc nghẽn.
Rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng đáp ứng
phương thức, mô hình chống dịch của các địa phương, vẫn lời ông Phạm Trọng
Nhân, thế nhưng thực tế thì họ đang gặp khó khăn.
Trong lúc Quốc hội công khai bàn thảo thì các
quan chức đã hay đang ngồi trong Ủy Ban Nhân Dân các tỉnh lại không muốn đụng tới
vấn đề. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói:
“Tôi thì sắp hết nhiệm kỳ rồi, không còn
làm chủ tịch nữa, tôi không theo dõi thông tin một cách chính xác được cho nên
không tiện đưa ra ý kiến bình luận của mình về câu chuyện đó”.
Đài RFA liên hệ ông Nguyễn Văn Thu,
nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và nhận được trả lời:
“Báo nào? Cái này tôi không tham gia, tôi
xin phép thôi nha…”.
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh văn phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa từ chối trả lời RFA:
“Xin lỗi mình nghỉ hưu rồi nên không bình luận gì
nghen…”.
Người dân bị yêu cầu
phải quay xe tại một điểm vào TP Hà Nội hôm 24/7/2021 khi Hà Nội thực hiện 15
ngày phong toả do dịch bệnh. AP
Trao đổi với RFA, kinh tế gia Ngô Trí Long,
chuyên về giá cả thị trường, nhận định nếu phòng chống dịch một cách cực đoan
và để kéo dài thì suy kiệt là chuyện tất nhiên thôi:
“Trên bảo nơi nào để xảy ra dịch thì nơi đó
phải chịu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả một là cực đoan, quá sợ dịch, hai là sợ
trách nhiệm. Cách làm cực đoan của từng địa phương đã gây cản trở hoạt động sản
xuất, lưu thông của người dân mà chủ yếu là các doanh nghiệp”
“Phải nói thật COVID đã làm nhiều doanh nghiệp khó
khăn và cuối cùng phải rút khỏi thị trường. Nếu mà tiếp tục kiểm soát dịch bệnh
một cách cực đoan thì số doanh nghiệp bị phá sản sẽ còn nhiều. Vấn đề này
thực tế Chính phủ đã nhìn thấy, Quốc hội cũng bắt đầu bàn các biện pháp xử lý,
đồng thời khuyến cáo là không được thực thi những việc làm quá mức như vừa qua.
Làm được hay không còn đòi hỏi những biện pháp rất là hữu hiệu, chứ còn để kéo
dài cũng là điều đáng báo động”.
Trong lúc kinh tế gia Ngô Trí Long dùng những
từ “cực đoan, quá mức, khác nhau” để nói về những bất cập của công tác chận dịch
tại từng địa phương, mà đầu mối bị cho là những tuyến cung cấp vận chuyển liên
tỉnh, thì Viện trưởng Viện Kinh Tế và Quản Lý TPHCM, Tiến sĩ Trần Quang Thắng,
sử dụng những từ “cứng rắn, căng thẳng’ khi mô tả tình hình kiểm dịch hiện nay:
“Như TPHCM về Nhà Bè và các tỉnh miền Tây,
bây giờ xe đi gần tới ranh giới Nhà Bè phải quay trở về hết, hàng hóa đưa vô bị
đứt đoạn. Tình trạng bây giờ phải thấy là là quá tải, quá mệt mỏi”
“Các doanh nghiệp do chấp hành Chỉ Thị 16
mà phải hạn chế lưu thông. Giấy phép chỉ có giá trị 72 tiếng thôi, những ai được
phép chạy hàng hóa thì người ta không đủ thời gian. Những chuyến đi dài thì phải
đi xét nghiệm, mà xét nghiệm là phải mất thời gian chứ không phải có kết quả liền,
chạy không được lại nảy sinh ách tắc nữa”
“Hướng ở đây là xiết chặt, quản lý sát, vừa bảo đảm
chống dịch vừa phải cố gắng phát triển kinh tế, tức là tối thiểu phải hơn 6%.
Khi dịch xảy ra mà 6% đã là một điều may mắn thần ký, nói chung vẫn phải quyết
liệt, chấp hành một cách nghiêm túc”
VIDEO : Hàng trăm
công nhân xô rào chạy khỏi công ty Billion Industrial #Shorts
https://www.youtube.com/watch?v=9bZeeHCvCvc
Nhưng mà phản ứng quá cứng rắn, quá căng thẳng
thì chuyện giải quyết nhanh trở thành vô cùng khó trong bối cảnh nhân lực kém,
Tiến sĩ Trần Quang Thắng nói tiếp:
“Đây là vấn đề nhân lực và trình tự bảo đảm
an toàn. Cái quản lý của Nhà nước một số nơi làm đúng, nhưng một số nơi
chưa thật tốt lắm. Ở đây là cuộc đấu tranh giữa những phản ứng nhanh của con
người trước tốc độ lây lan của virus. Các doanh nghiệp muốn bảo đảm hoạt động sản
xuất phải chịu thêm chi phí về ăn, ở, sinh hoạt của công nhân nữa. Chỉ một vài
tập đoàn lớn có thể làm chuyện đó, những tập đoàn chừng cỡ bảy tám chục ngàn
công nhân đành phải đình trệ thôi vì kham không nỗi. Những con đường vận chuyển
bằng xe tải hay bằng tàu nếu quản lý với quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt như vậy
không phải là lời giải tốt. Kéo dài quá thì thành phố cũng đuối sức luôn, rồi
đình trệ sản xuất khắp nơi nữa. Doanh nghiệp sản xuất bình thường cỡ nhà hàng,
du lịch, khách sạn là bị phá sản luôn”.
Cũng tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, hiện
trạng gọi là cát cứ của mỗi địa phương khi thực thi biện pháp chống dịch cũng
được Phó chủ nhiệm Uỷ Ban Tư Pháp Nguyễn Thị Thủy nhắc tới.
Bà khuyến cáo việc áp dụng biện pháp thái quá
tại một số tỉnh, thành, thí dụ không cho nông sản đi qua dù có giấy xác
nhận an toàn, đã gây trở ngại cho dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, Phó chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp trình
bày tiếp, nhiều doanh nghiệp còn phản ánh là có xe hàng được qua chốt kiểm
soát nhiều tỉnh nhưng khi tới địa phương cuối cùng cần giao hàng thì phải quay
xe trở ra do mỗi nơi một quy định khác nhau.
Không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất
cả đường lưu thông vận chuyển với các nơi khác, bà Nguyễn Thị Thủy khẳng định,
làm sao để việc cách ly chống dịch không tách rời, gây đứt gãy nền kinh tế.
Cũng may là Quốc hội ít nhất đã lên tiếng để
báo chí đưa tin về những điều dân ta thán lâu nay, là cái nhìn của blogger
Tuấn Khanh:
“Tiếng nói từ các đại biểu Quốc hội có ai
nghe không? Cách đây nửa tháng, tức vào dịp phong tỏa Sài Gòn lần thứ hai, ông
Bí thư Sài Gòn Nguyễn Văn Nên có nói ‘Đã đến lúc ông phải lắng nghe các chuyên
gia khoa học và y tế để biết nên đối phó dịch như thế nào’. Câu nói khiến mọi
người sững sờ, ngỡ ra là lâu nay mọi chỉ thị đưa xuống chỉ là những quyết định
mang tính chính trị từ trên cao, bất chấp thực tế như thế nào. Sài Gòn đâu phải
là không có những bác sĩ, những chuyên gia y tế đâu”
“Người ta không lượng được những tính toán khoa học
cho địa phương, cho sự phát triển hay sự sống chết của người dân hay các doanh
nghiệp. Có những tỉnh quyết định đóng cửa, có những tỉnh quyết định mở cửa. Thậm
chí như Kiên Giang chẳng hạn, chủ tịch thành phố nói ‘bây giờ tôi cho người dân
buôn bán, ai ngăn cản tôi cách chức’. Rõ ràng là lo tập trung quyền lực vào một
số cá nhân không có khả năng lãnh đạo trong bối cảnh dịch bệnh đa dạng và phức
tạp trong lúc này”
Cách thức mà Nhà nước đang làm, bắt buộc vừa bảo
đảm sản xuất vừa chống dịch lây lan, là một mệnh lệnh mâu thuẫn, đẩy tất cả
mọi khó khăn về phía nhân dân và các doanh nghiệp là nhận định tiếp của blogger
Tuấn Khanh:
“Thí dụ các doanh nghiệp phải tự nuôi công
nhân của mình, phải tự bỏ tiền xét nghiệm công nhân 3.000/lần, số tiền khủng
khiếp cho những doanh nghiệp hàng chục ngàn người. Không thể nào những khu chế
xuất hàng trăm ngàn công nhân vừa bảo đảm sản xuất mà vừa không cho lây lan. Điều
đó không thể”
“Một ngày Sài Gòn ngưng sản xuất thì kiệt
quệ không chỉ đến cho Sài Gòn mà đến cho cả nước vì Sài Gòn là trái tim của nền
kinh tế cả nước này. Ngày hôm nay lúc đợt giãn cách một tuần gọi là phong tỏa
thành phố nghiêm nhặt 12 tiếng/ngày, dẫn đến chuyện các doanh nghiệp nhỏ phải
ngừng, nhưng những doanh nghiệp lớn cả trăm ngàn người ở khu công nghiệp vẫn phải
đi làm. Rốt cuộc ở đây chính quyền tự mâu thuẩn với các mênh lệnh của
mình”.
Một nhóm y bác sĩ chuyên môn ở TPHCM, không muốn
nêu danh, nói với RFA rằng mọi cái sai đều có thể sửa nếu có thiện chí, thế
nhưng cứu cánh cho dân và cho doanh nghiệp bây giờ là vắc-xin ngừa COVID-19, điều
không được Quốc hội nhắc tới trong phiên thảo luận hôm 26/7.
Theo tin mới nhất trên báo chí trong nước ngày
27/7, Bộ Công Thương vừa đề xuất thủ tướng cho hàng hóa lưu thông bình thường.
Đây là văn bản hỏa tốc từ Bộ Công Thương, đề
nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành ‘Danh Mục Hàng Hóa Cấm Lưu Thông’ thay
vì liệt kê ‘Danh Mục Hàng Hóa Thiết Yếu’, đã làm phát sinh khá nhiều tranh cãi
thời gian gần đây.
--------------------------
Tin, bài liên quan
·
Người
khốn cùng trong dịch COVID-19 phải lên mạng xã hội cầu cứu
·
Ái
nữ KTS Ngô Viết Thụ chết oan do cách ly, phong tỏa!
·
Bí
thư Nguyễn Văn Nên nhận khuyết điểm, rồi sao nữa?
·
Người
dân mong gì nơi Chính phủ trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư?
·
Đói
khổ thêm trầm trọng khi phong tỏa kéo dài trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư
·
Vì
sao chính quyền lại đưa quân đội ra kiểm soát dân trong thời gian giới nghiêm?
·
Thấy
gì qua vụ Vingroup ‘mượn’ vắc-xin?
·
Giá
giao hàng trong TPHCM tăng vì ảnh hưởng của COVID-19
·
WHO
sẽ tiếp tục chuyển vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam
·
Tiêm
dịch vụ vắc-xin ngừa COVID-19: dân nghèo bị đẩy ra bên lề!
No comments:
Post a Comment