Saturday, 3 July 2021

CÁC CÔNG TY CÓ LỜI SẼ PHẢI ĐÓNG THUẾ! (Ngô Nhân Dụng)

 



Các công ty có lời sẽ phải đóng thuế!   

Ngô Nhân Dụng

03/07/2021

https://www.voatiengviet.com/a/bezos-musk-cong-ty-phai-dong-thue/5951344.html

 

Hồi tháng Tư, 2021, Viện Nghiên cứu Thuế và Chính sách Kinh tế (Institute on Taxation and Economic Policy) cho dân Mỹ biết có 55 công ty thuộc hàng lớn nhất nước Mỹ không phải đóng đồng thuế nào cho chính phủ liên bang cho tài khóa 2020. Hai mươi sáu công ty trong số này giỏi hơn nữa, họ không đóng xu thuế nào trong ba năm liền; mặc dù vẫn kiếm lời tổng cộng $77 tỷ mỹ kim. Không những không phải đóng thuế, nhiều công ty còn được chính phủ trả lại tiền thuế “đóng dư” trong các năm trước.

 

Công ty Duke Energy đứng đầu sổ, trong ba năm khai lời gần $8 tỷ, nhưng được bồi hoàn hơn 15 phần trăm trên con số đó. FedEx lời gần $7 tỷ, được trả lại gần 13%. Công ty giày thể thao Nike ai cũng biết tiếng, khai lời hơn $4 tỷ, được công quỹ trả lại thuế lớn bằng 18%.

 

Các công ty càng lớn càng thuê được những chuyên viên thuế vụ để tìm ra những điều khoản trong luật cho phép họ không phải đóng thuế.

 

Một phương pháp thông dụng nhất là các đại công ty hoạt động trên toàn cầu thay đổi địa chỉ. Họ đi ra khỏi nước Mỹ, qua những nước đánh thuế nhẹ hơn. Họ có thể chuyển “tài sản” qua những nước đó mà vẫn đặt trụ sở chính ở Mỹ. Có những tài sản “vô hình” muốn đem đi đâu cũng được. Tài sản lớn nhất của Nike là nhãn hiệu, nhờ quảng cáo lôi cuốn sở thích của người mua giày. Nếu “nhãn hiêu Nike” thuộc quyền sở hữu của một công ty con ở Ái Nhĩ Lan, thì mỗi năm công ty mẹ sẽ trả bản quyền cho công ty con, để tiền lời được đánh thuế 12.5% thay vì 21% ở Mỹ.

 

Công ty mẹ trả công ty con bao nhiêu tùy ý họ; trả rất nhiều thì sẽ giảm mức lời ở Mỹ, để tiền thuế xuống dưới số không!

 

Những công ty làm chủ các “tài sản tinh thần,” từ các bản quyền, bằng sáng chế các món thuốc mới, đến các nhu liệu vi tính (software), vân vân, cũng chuyển nhượng như vậy. Theo viện nghiên cứu Tax Justice Network, chính phủ các nước mỗi năm bị mất đến $436 tỷ mỹ kim tiền thuế vì các thủ thuật này. Các đại công ty có thể tránh đóng thuế tại chỗ. Thí dụ, họ bán hứa phiếu (options) cho các nhà quản trị với giá thấp hơn giá thị trường. Các hứa phiếu này cho phép các vị quản đốc trong tương lai được mua cổ phần của công ty với giá cố định dù giá trị của công ty tăng lên. Nhưng công ty sẽ khai lỗ, vì bán các hứa phiếu đó dưới giá thị trường.

 

Ireland là nước có nhiều trụ sở của các công ty kỹ thuật cao ở Mỹ nhờ suất thuế đánh trên lợi nhuận rất thấp. Vì vậy đó cũng là quốc gia phản đối mạnh mẽ khi 130 quốc gia trên thế giới đồng ý sẽ cùng đánh một suất thuế tối thiểu trên các công ty liên quốc – sau một buổi họp trên mạng ngày Thứ Năm 1 tháng Bảy, 2021. Tổng Sản Lượng Nội Địa của 130 quốc gia này chiếm 90% kinh tế thế giới.

 

Đây là một thắng lợi của bà Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh Mỹ. Bà đã đề xướng “suất thuế tối thiểu” này từ tháng Tư, 2021. Hội nghị các bộ trưởng G-7, bảy nước kinh tế lớn, đã đồng ý nguyên tắc từ tháng trước. Các công ty sẽ phải đóng thuế cho chính phủ những nước mà họ thu được tiền từ người tiêu thụ. Trước đây, tiền thuế thường đóng cho những nước họ đặt cơ sở sản xuất, dù bán được nhiều hay ít.

 

Ireland và hai nước khác ở Âu châu, Hungary và Estonia được nhiều công ty đến đặt trụ sở vì thuế rất nhẹ. Suất thuế đánh trên lợi nhuận các công ty tại Ireland chỉ là 12.5 phần trăm, ở Hungary là 9% so với 33% ở Pháp, 21% ở Mỹ (sẽ tăng lên 25%).

 

Theo tổ chức các nước kinh tế phát triển (OECD) thì các quốc gia đã thất thu $100 tỷ mỹ kim mỗi năm vì các thủ thuật tránh thuế của các đại công ty. Nếu các nước đồng ý một suất thuế tối thiểu 15% trên lợi nhuận thì các công ty lâu nay vẫn tránh thuế sẽ đóng thêm từ $50 tỷ đến $80 tỷ mỹ kim vào ngân sách các quốc gia.

 

Thỏa hiệp giữa 130 nước cùng đánh thuế tối thiểu 15% sẽ còn phải được bàn thảo thêm về chi tiết. Thí dụ, phải xác định những loại công ty nào sẽ bị áp dụng suất thuế tối thiểu. Những công ty không sản xuất, không bán thứ hàng hóa nào cả, nhưng vẫn kiếm lời, trong số này có các quỹ đầu tư, các công ty địa ốc, họ sẽ phải đóng thuế bao nhiêu?

Mặc dù một số nước trong tổ chức OECD và khối G20 còn chưa đồng ý về suất thuế tối thiểu nhưng họ sẽ bị áp lực của các nước khác rồi sẽ phải nhượng bộ.

 

Dù tới lúc thỏa hiệp được ký kết, chính phủ các nước vẫn tự do đánh thuế các công ty theo nhu cầu của họ. Nếu một công ty Mỹ được hưởng một suất thuế thấp hơn 15% nhờ đặt địa chỉ ở một nước khác, thì chính phủ sẽ đánh thuế thêm để họ vẫn phải đóng thuế 15% trên lợi nhuận. Nếu họ chỉ đóng 5% cho nước chủ nhà thì chính phủ Mỹ sẽ thâu thêm 10%! Tất nhiên, suất thuế đó còn thấp hơn con số 21% hay 25% ở Mỹ.

 

Suất thuế đánh trên lợi nhuận công ty ở Mỹ thay đổi tùy theo đảng cầm quyền. Các tổng thống Cộng Hòa đều cắt giảm thuế cho người lợi tức cao và các công ty. Năm 2017 Tổng thống Donald Trump đã hạ thấp thuế suất đánh trên lợi nhuận các công ty từ 35% xuống 21%. Tổng thống Joe Biden đã nói sẽ tăng lên 28%, hy vọng chính phủ liên bang sẽ thâu thêm $2 ngàn tỷ đô la trong 15 năm, dư dùng cho chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở. Đảng Cộng Hòa phản đối, có thể ông Biden sẽ hạ xuống, chỉ đánh thuế 25% để chiều ý một số đại biểu đảng Dân chủ. Ông Biden cũng muốn tăng thuế đánh trên tiền lời của các công ty thu được ở nước ngoài, từ 10.5% lên 21%.

 

Một lý luận của các đại biểu Cộng Hòa khi chủ trương cắt giả thuế là muốn khuyến khích các công ty đầu tư và tạo việc làm bên trong nước Mỹ. Nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump ký đạo luật cắt thuế năm 2017 thì người ta không thấy các công ty Mỹ đầu tư nhiều hơn, tỷ lệ kinh tế tăng trưởng trong các năm sau cũng không cao hơn. Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thì sau năm 2017 số tiền đầu tư của các công ty Mỹ chỉ lớn bằng một phần năm số thuế được cắt giảm. Phần còn lại, 4 phần 5, được trả lại cho chủ nhân các công ty qua hình thức mua lại các cổ phần trên thị trường, hoặc tăng cổ tức (dividend).

 

Dân Mỹ đã đọc các tin tức thấy có những tỷ phú như ông Jeff Bezos, trong những năm từ 2014 đến 2018, chỉ đóng thuế trung bình dưới 1% lợi tức và có hai năm không phải đóng đồng thuế nào, mặc dù tài sản của ông đã tăng thêm $99 tỷ. Tỷ phú Elon Musk, công ty Tesla, không phải đóng đồng thuế nào trong năm 2018. Ông Bezos được Công ty Forbes đánh giá là người giàu nhất thế giới, tài sản $189 tỷ. Ông Musk đứng hàng thứ nhì, $153 tỷ! Họ giàu có nhờ cổ phần trong các công ty họ làm chủ. Nhưng khi họ chưa bán các cổ phần thì chưa phải đóng thuế trên tiền lời!

 

Dân Mỹ giờ cũng biết các công ty Nike, FedEx không được trả lại tiền thuế trong ba năm. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy đa số dân Mỹ đồng ý nên tăng suất thuế đánh trên các công ty và những người lợi tức cao.

 

Các dự án tăng thuế của ông Joe Biden sẽ còn phải được quốc hội Mỹ thông qua. Thỏa hiệp về sắc thuế tối thiểu 15% cũng phải đi qua cửa quốc hội Mỹ. Trong năm nay, hai đảng sẽ tranh luận về chuyện này, cho đến mùa tranh cử 2022!

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats