Saturday, 3 July 2021

NGƯỜI TIÊN PHONG PHÁ RÀO HÔM BẠO LOẠN 06/01/2021 (Kerstin Kohlenberg  -   Die Zeit)

 



Người Tiên Phong Phá Rào Hôm Bạo Loạn 06.01.2021

Kerstin Kohlenberg  -   Die Zeit

Phạm Hồng-Lam dịch thuật

POSTED ON JULY 2, 2021

https://dcvonline.net/2021/07/02/nguoi-tien-phong-pha-rao-hom-bao-loan-06-01-2021/

 

Ngay trong đêm mùng 6 tháng Giêng, đoạn phim, mà nhờ đó FBI sau này để ý tới Randolph, được đưa lên kênh You Tube có tên là Benjamin Report. You Tube đã giúp Stephen trở thành một ủng hộ viên của Trump. Nó có lẽ cũng sẽ đưa Randolph vào tù.

 

https://img.zeit.de/2021/18/die-wahrheit-ueber-stephen-bild-5/wide__1025x577__desktop__scale_2

FBI đã tìm Stephen Randolph trên mạng xã hội trong nhiều tháng nhưng không thành công. Anh ta đã về Kentucky, ở nhà bà ngoại. © Kerstin Kohlenberg cho DIE ZEIT

 

 Người dịch: Sau khi dịch và phổ biến bài phóng sự về những sinh hoạt của các tổ chức Ki-tô giáo[1] mở màn cho cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng, tôi nhận được những phản ứng bất bình và bực bội của một số bạn hữu ở Mỹ . Họ khẳng định, người Ki-tô giáo ở Mỹ hoàn toàn không đóng vai trò nào trong ngày hôm đó, và cuộc bạo loạn là do Antifa và Black Live Matter trà trộn, giật dây tổ chức. Tôi chưa rõ được thật hư, nên vẫn dõi theo câu truyện. Đã có hơn 470 người bị bắt, nhưng chưa có bị can nào thuộc vào hai tổ chức này. Trong khi chờ đợi các kết quả tiếp của FBI, tôi chuyển bài viết này của Kerstin Kohlenberg, để chúng ta hiểu thêm hoàn cảnh và hậu cảnh của một số tham dự viên trong cuộc bạo loạn.

 

Điều gì đã khiến cho anh thanh niên ở Kentucky trở thành người tiên phong phá hàng rào chận biểu tình của cánh sát, để giúp đồng bạn tấn công Capitol?

 

                                                       ***

Lisa gọi điện hỏi tôi, “Chị có biết Stephen giờ ra sao không, sau khi chị ghé thăm anh ở Kentucky?

 

Lisa là bạn gái của Stephen Randolph. Tôi quen Stephen trong ngày 6 tháng Giêng ở Washington, khi anh cùng đứng trước Điện Capitol, môi bị giập chảy máu, theo dõi đám bạo động ùa vào toà nhà Quốc Hội. Tôi đã viết một phóng sự chân dung (Portrait) về anh trên Die Zeit ngày 14 tháng Giêng. Tuần vừa rồi, khi gặp lại anh ở tiểu bang quê hương Kentucky, tôi muốn nghe cảm tưởng của anh về cuộc tấn công Capitol ba tháng trước đây, xem anh có còn thích chính sách của Trump nữa không và anh nghĩ gì về Joe Biden.

 

Trong buổi gặp này tôi có dịp làm quen với Lisa, 25 tuổi, con gái của một mục sư và là một chính khách địa phương thuộc Đảng Dân Chủ. (Lisa không phải tên thật của chị[2].)

 Stephen chỉ vào một chiếc xe kéo (Trailer), bảo đó là nơi ở một thời của anh và bà ngoại. Xe đậu bên một con đường làng, giữa một trong nhiều bãi cỏ xanh vô tận nơi tiểu bang quê hương vừa đẹp vừa nghèo của anh. Tôi cũng làm quen với cha mẹ bạn gái của anh. Chúng tôi hẹn nhau sẽ gặp lại vào ngày 18 tháng Tư. Giọng của có vẻ trách móc, Lisa nói :

“Chị có biết hiện giờ Stephen ở đâu không? Sau khi chị rời chúng tôi, anh đã bị tám nhân viên mật vụ của FBI bắt.”

 

Tâm trí tôi bắt đầu lùng bùng: Phải chăng anh gặp nạn vì bài viết của tôi? Tại sao anh lại bị bắt? Khi đám dân bạo loạn tấn công Capitol, anh và tôi đứng ở bên ngoài tiền đường Quốc Hội. Tôi nghe rõ ràng và nhìn thấy anh lúc đó cảnh cáo những người khác: chớ có tấn công vào toà nhà, vì rất nguy hiểm. Đó chẳng phải là sự thật sao? Trong những ngày sau cuộc bạo loạn tôi đã nhiều lần gọi điện cho anh và vào các trang mạng của giới cực hữu để tìm hiểu thêm. Chẳng thấy dấu vết nào của anh ở trong đó cả.

 

Lúc này thì Lisa muốn biết một điều gì khác cơ, “Chị có phải là nhân viên chìm của FBI không?”

 

Hôm nay tôi hiểu ra, là Stephen trước đây đã nói dối tôi. Giờ đây tôi hiểu môi bị giập của anh không phải do một ai đó gây ra, vì anh đang cố giúp một nữ cảnh sát viên bị đám loạn xô té bất tỉnh, khi họ muốn tràn vào Quốc Hội. (Anh nói, một trong những đồng bạn đã đấm vào mặt anh.) Xem các đoạn phim (Videos) mà lúc này đây tôi có được, thì rõ ràng chính Stephen đã xô người nữ cảnh sát này ngã xuống đất, chính anh đã xô đổ hàng rào chắn bằng sắt, giữa những tiếng la ó động viên của đám loạn: “USA! USA!” Chính anh là người đã để mặc nữ cảnh sát viên bất tỉnh nằm đó, sau khi bà bị xô té, đầu đập vào các bậc thang. Chính anh là người sau đó đã tấn công một nam cảnh sát viên khác. Trên các Videos được FBI thẩm định, thì Stephen là người tiên phong trong đám đông tìm cách phá rào để tấn công Capitol trong ngày 6 tháng Giêng.

 

Stephen là một phần tử của đám người dùng bạo lực để ngăn chặn kết quả bầu cử dân chủ vừa qua. Anh là người hỗ trợ cú đảo chánh chính trị đó.

 

Thế thì tôi còn tin anh thế nào được nữa? Sau cú điện thoại của Lisa, tôi bắt đầu kiểm chứng lại những gì anh đã kể cho tôi về thân thế của anh. Randolph là một mẫu người có sức cuốn hút, có khả năng diễn tả sắc bén những gì mình muốn. Anh có vẻ cởi mở, thích kể lể. Anh to con, người gầy, hơi giống như Keanu Reeves trong cuốn phim Matrix. Anh là típ người dễ lung lạc người khác. Trong văn khố của tờ báo địa phương The Advocat-Messenger tôi có được những tài liệu nói về những biến cố bi thảm nhất của đời anh, mà tôi sẽ đề cập tới sau.

 

Khi gọi điện cho tôi, Lisa đã thừa biết từ lâu, FBI đã biết được Stephen sống trong căn phòng dưới hầm nhà bà ngoại của anh tại thành phố nhỏ Harrodsburg. Các nhân viên FBI đã nói cho Lisa biết điều đó, và điều này cũng đã được ghi trong lệnh bắt giữ. Anh không bị bắt vì bài báo của tôi.

 

https://i.dailymail.co.uk/1s/2021/04/21/14/42036396-9495503-Federal_authorities_say_that_Randolph_is_the_man_pictured_above_-m-44_1619012386053.jpg

Theo FBI, Stephen Chase Randolph, một người ở Harrodsburg, bị cáo buộc đã hành hung một nhân viên cảnh sát trong cuộc bạo động ở Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng 1 năm 2021. Ảnh trong một bản khai hữu thệ của FBI/Daily Mail UK

 

FBI trước tiên nhận ra Stephen trên các Videos do những kẻ tấn công bạo loạn khác đưa lên You Tube. Cuối tháng Giêng họ mở lệnh truy nã anh. Trên bảng danh sách những kẻ bị truy nã khuôn mặt anh được ghi số 168-AFO. Nhưng lúc đó FBI chưa biết tên của anh. Stephen Randolph không có bút khoản riêng trên mạng xã hội; anh cũng không dùng điện thoại di động. Ngày 2 tháng Hai FBI có được thêm những hình ảnh khác của anh trên trang thông tin có tên Sedition Hunters, một tổ chức trực tuyến tập thể tìm cách nhận diện những khuôn mặt bạo loạn ở Capitol. Nhưng vẫn còn thiếu một tên gọi cho tấm hình của Randolph. Chỉ sau khi nhờ một nhu liệu nhận dạng, họ so sánh khuôn mặt này với khuôn mặt trên bút khoản Instagram của Lisa và họ cuối cùng đã có được một tên gọi cho anh.

 

Lisa sống với Stephen từ bảy năm nay.

 

Hình và tên anh xuất hiện không biết bao nhiêu lần trên bút khoản Instagram của Lisa. Một vài tấm hình cũng cho thấy Stephen đội cái mũ len xám như khi anh có mặt tại Capitol. FBI lục lọi bút khoản Facebook của Lisa và tìm thấy tên đầy đủ của anh ở đó: Stephen Chase Randolph.

 

Hai ngày sau khi tôi tới thăm, Stephen bị bắt. Hai nhân viên chìm FBI theo dõi anh từ căn phòng hầm tới chỗ làm của anh ở một trạm bán xăng. Ở đó họ giả bộ bắt chuyện, hỏi anh về biến cố mùng 6 tháng Giêng, và bí mật thu âm toàn bộ cuộc trao đổi. Theo những gì đọc được trong lệnh bắt thì Stephen đã kể giống như những gì anh đã kể cho tôi trước đây. Anh kể, anh thấy một nữ cảnh sát bị thương và chỉ muốn tới cứu giúp nữ cảnh sát đó. Ngày mùng 6 tháng Giêng, nói chung, là một ngày “vui như điên” (irren Spaß) đối với anh.

 

Hôm sau ngày bị bắt, anh được đưa trình toà ở Lexington, Kentucky. Bản luận tội gồm ba điểm: Bạo lực chống lại cảnh sát với một vũ khí nguy hiểm, có lẽ đây muốn nói tới việc anh ghì lên tấm chắn sắt đang đè trên người nữ cảnh sát. Ngăn chận một hành vi công cộng của cảnh sát (bảo vệ Quốc Hội). Và cuối cùng chống phá một hành vi công cộng (chống sinh hoạt của Quốc Hội). Tổng cộng anh có thể bị tù tới 45 năm.

 

https://i.dailymail.co.uk/1s/2021/04/21/14/42036468-9495503-Federal_authorities_allege_that_Stephen_Chase_Randolph_of_Harrod-m-43_1619012375374.jpg

Nhà chức trách liên bang cáo buộc Stephen Chase Randolph ở Harrodsburg, Kentucky (ở trên) đã tham gia vào cuộc bạo động MAGA ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol Hoa Kỳ. Ảnh FBI/Daily Mail UK

 

Từ sau ngày 6 tháng Giêng tới nay FBI đã bắt 410 người ở 45 tiểu bang. Cảnh sát liên bang đang cố chuộc lại cái sai lầm mà họ đã phạm trước ngày bạo loạn. Đã có nhiều cảnh cáo, chẳng hạn như trong báo cáo từ Virginia, về khả năng sẽ có “những người sẵn sàng gây chiến” trong số những kẻ sẽ tới biểu tình. Khi được Thượng Viện hỏi về những thất bại nặng nề của cảnh sát, Christopher Wray, giám đốc FBI, cho hay, các thông tin đã không đưa ra những dữ kiện cụ thể về các nhân vật có thể gây bạo loạn. Sỡ dĩ FBI một phần bất lực cũng là vì có nhiều người như Stephen đã tham dự vào ngày 6 tháng Giêng. Đó là những người cho tới nay chẳng quan tâm gì tới chính trị mà cũng chẳng thuộc vào một nhóm có tổ chức nào cả, để là nguyên cớ cho ông giám đốc phải quan tâm đặc biệt.

 

Luật sư của Stephen, do toà án chỉ định, Charles Gore, từ chối không trả lời qua điện thoại, Ông cho hay, rồi đây ông cũng không còn biện hộ cho Stephen nữa, vì Stephen sẽ được chuyển từ Lexington tới Washington. Ban chống khủng bố của Bộ Tư Pháp sẽ hỗ trợ Viện Công Tố ở đó trong vụ này. Chính quyền Joe Biden muốn cho thấy, những trường hợp như Stephen cũng sẽ bị truy cứu triệt để không thua gì những trường hợp bạo lực từ phía cánh tả. Nhưng theo thống kê của FBI số người bị bắt trong những cuộc biểu tình đập phá sau cái chết của George Floyd lên đến 13.600 người.

 

Niềm tin vào thể chế Dân Chủ đang mất dần cả hữu lẫn tả phái; sự cuồng nộ chống lại thể chế này đang gia tăng. Nhà nuớc pháp trị phải phản ứng lại ra sao? Bằng bắt giam hàng loạt và với những bản án thật nặng ư? Stephen Randolph, người tiên phong phá rào, có thể sẽ là một tấm gương cho lối hành xử đó.

 

Việc Stephen thời đó đi một mình tới Washington là điều ngoài dự phòng. Lisa đã muốn cùng đi. Cô có xe hơi và tiền cho chuyến đi. Sau khi học xong trung học, Lisa về sống chung với Stephen trong căn phòng dưới hầm nhà bà ngoại của Stephen, một căn phòng chất đầy hoa vải, có nhiều chồng báo cũ và hộp đựng thức ăn, nhiều lưu vật và hình ảnh gợi nhớ về một cuộc sống trăm năm. Randolph chăm sóc bà ngoại, Lisa hành nghề tác viên xã hội. Nhưng giờ phút cuối cha mẹ Lisa đã khuyên được cô đừng đi Washington, mà nên ở lại với mẹ của Stephen.

 

Cuối tháng 12 Randolph nghe được lời của Trump kêu gọi những người ủng hộ ông hãy về Washington. Điều này anh kể cho tôi hay hôm cuối tuần gặp nhau trước khi anh bị bắt. Chúng tôi ngồi trong phòng ngủ không có cửa sổ, Lisa cũng có mặt. Ban đầu cô ngồi đó, vừa xếp quần áo vừa xem truyền hình. Một lúc đâm chán, cô tới ngồi bên chúng tôi cùng trao đổi chuyện trò.  

 

Randolph kể, anh muốn một lần tìm cho mình cái cảm giác của một người ủng hộ Trump. Trong suốt tám giờ lái xe xuyên tiểu bang đi Washington anh chỉ nghĩ tới một điều duy nhất: Phải giành lại nước Mỹ cho mình.

 

Phần lớn thời gian Randolph sống và lớn lên với bà ngoại. Anh cũng đã sống trong các gia đình hàng xóm, sống với bà cô và với một người bà con khác. Mẹ anh nghiện rượu, dùng ma tuý, năm đứa con của bà phân tán khắp nơi, và bà mất lúc 29 tuổi trong một vụ cháy nhà. Những điểm này có thể kiểm chứng trong văn khố của báo chí.

 

Nếu phải tìm một hằng số trong gia đình của Randolph, thì đó là ma tuý. Rượu, cần sa, ma tuý và các chất kích thích khác. Khi Stephen hai tuổi, bà ngoại của cậu bắn chết một người đàn ông trước mặt thằng cháu khi đang say. Vì tội giết người bà bị tù năm năm. Tìm đọc trong văn khố của báo Advocat-Messenger  sẽ thấy bà còn bị bắt nhiều lần khác nữa, vì tội có ma tuý và uống rượu nơi công cộng. Văn khố cũng cho hay, bà đã bắn bảy phát súng vào bụng và đùi ông chồng mà ông không chết. Về sau người ta tìm được thi thể bị bắn của ông, nhưng chẳng biết ai bắn. Sau khi bà ra tù, thằng cháu về ở với bà trong một chiếc xe kéo dựng bên con đường dẫn tới thánh phố Liberty. Bà cô ruột đã đuổi đứa cháu ra khỏi nhà, vì không còn chịu nổi nữa. Randolph lúc đó chín tuổi.

 

Stephen Randolph lớn lên trong một giai đoạn nước Mỹ thiếu các cấu trúc xã hội bền vững. Các gia đình đổ vỡ, kéo theo sự tan vỡ luôn những khả năng xã hội cơ bản vốn cần thiết cho một cuộc sống tự lập. Chung quanh Harrodsburg có nhiều công ty như Toyota, Hitachi, một nhà máy giấy. Các bảng quảng cáo tuyển công nhân dán đầy khắp nơi. Nhưng nhiều người trong cái nước Mỹ đó đã quên mất rồi khả năng làm việc theo giờ giấc nhất định.

 

Trước đây Randolph hy vọng chính phủ sẽ có một chính sách chống nghiện ngập hữu hiệu, để gia đình anh có thể nhờ cậy. Ngày nay anh lại cho rằng, nhà nước là đầu mối của mọi sự xấu xa. Hôm tôi tới thăm anh nói, “Những người Dân chủ với nhà nước xã hội của họ biến con người thành hèn yếu.” Anh bảo, những người Dân chủ đã khiến anh chẳng làm nên trò trống gì cả. Anh từ chối tấm ngân phiếu 1.400 đô la do chính quyền Joe Biden giúp người dân trong cơn đại dịch.

 

Đó là mặt trái của một đất nước, mà Stephen Randolph sống trong đó và coi nó là thứ bất lực trước xã hội đổ vỡ. Phiếu ăn và trợ cấp xã hội giúp gia đình anh sống còn. Nhưng Sở Thanh Thiếu Niên chẳng làm gì cả để giải quyết hoàn cảnh sống của những người như anh. Bạn bè và người thân của anh bị bắt đi bắt lại vì dùng ma tuý, nhưng chẳng có ai thoát được bệnh nghiện. 15 tuổi, chính Stephen bị bắt giam một tuần vì tội dùng ma tuý.

Trong trại giam có những buổi tiệc ăn Pizza, có một buổi hoà nhạc Rock nhân dịp lễ Ki-tô giáo và có một sân bóng rổ. Anh kể: Tôi đã có được một tuần “nghỉ hè” trong đó.

 

Trước một hậu cảnh như thế, thì cuộc sống của anh cho tới ngày 6 tháng Giêng vừa rồi gần như được kể là một giai đoạn thành công. Năm 2009 anh tốt nghiệp trung học tại Casey County, mặc dù bà anh nói, học hành chỉ là chuyện hoang phí thời giờ. Rồi anh học nghề chăm sóc người già. Anh không nghiện ma tuý như bà ngoại. Hai năm dài anh hành nghề này và sống chung với bạn gái trong nhà cha mẹ bạn gái. Nhưng rồi bạn gái bỏ anh, và anh cũng vứt luôn nghề nghiệp của mình. Anh lang thang rày đây mai đó suốt hai năm, vừa đi làm vừa bán các loại kích dược, cho đến khi Lisa tới và về sống với anh trong căn phòng dưới hầm nhà bà ngoại.

 

Randolph kể, anh được “huấn luyện chính trị” trong năm năm vừa qua. Lisa đi học, anh có nhiều thì giờ rảnh và hầu như ngày đêm chỉ sống với YouTube. Anh xem đủ loại giải trí và những phim thiên về chính trị, đặc biệt xem các kênh You Tube bảo thủ. Hệ thống số tự động (Algorithmus) cứ giới thiệu cho anh những đoạn phim càng lúc càng gây phấn kích. Vì thế anh ngã dần về phía hữu. Trong tháng 12 xuất hiện nhiều phim thúc dục anh về Washington, để giành lại cuộc chiến thắng bầu cử được cho là đã bị đánh cắp. Một chuyến đi, đối với Randolph, gắn liền với hy vọng không ngừng gia tăng trong anh: sẽ giành lại cuộc sống vào trong tay mình.

 

 

Tin nhắn ngày 20 tháng 4, 2021 của FBI Louisville cho hay đã bắt giữ STEPHEN CHASE RANDOLPH. Nguồn: Twitter.com

https://pbs.twimg.com/media/Ezbf0IeXsAESwMZ?format=jpg&name=small

 

Ngay trong đêm mùng 6 tháng Giêng, đoạn phim, mà nhờ đó FBI sau này để ý tới Randolph, được đưa lên kênh You Tube có tên là Benjamin Report. You Tube đã giúp Stephen trở thành một ủng hộ viên của Trump. Nó có lẽ cũng sẽ đưa Randolph vào tù.

 

 

Tác giả | Kerstin Kohlenberg là phóng viên và là người phụ trách văn phòng tuần báo Die Zeit (Đức) tại Washington. Bà là một trong những ký giả của báo này đã bám sát từ đầu đến cuối cuộc bạo loạn.

 

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: Die Wahrheit über Stephen |  Kerstin Kohlenberg | Die Zeit số 18, ngày 29.04.2021. DCVOnline biên tập và minh họa.

 

[1] Evelyn Finger u.w., Jesus save! Giê-su sẽ gìn giữ chúng ta: https://forumvietnam21/tiengviet/cths/bct20210205-giesusegingiuchungta.


[2] Tác giả không ghi tên thật nhưng hình ảnh và tên thật của bạn gái của Stephen Randolph xuất hiện trên những trang báo khác và mạng xã hội Facebook

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats