Trong mấy ngày qua, dư luận Việt Nam trong và ngoài
nước cũng như cả cộng đồng quốc tế xôn xao về việc ông Trịnh Xuân Thanh bị mật
vụ Việt Nam bắt cóc tại Đức. Sau đó, ông Thanh đã được đưa lên truyền hình Việt
Nam nói là ông "tự thú" vì không muốn tiếp tục "chốn chánh"
(chữ viết của chính ông). Dĩ nhiên là màn kịch diễn tồi tệ này không qua mặt được
ai. Và đặc biệt là chính quyền Đức đang bực mình lại càng thấy bị nhà nước Việt
Nam xúc phạm và khinh thường quá mức.
Bắt cóc là một hành vi phạm phát luật hình sự của Đức
và luật quốc tế. Do đó, Đức đã có phản ứng mạnh mẽ. Trước hết là trục xuất trùm
mật vụ Nguyễn Đức Thoa. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết là họ cũng
đang cân nhắc một số biện pháp trả đũa. Họ muốn trừng phạt chế độ nhưng sợ người
dân Việt Nam bị thiệt thòi. Phải nói là người Đức bây giờ thật là nhân đạo,
trái với những hình ảnh tội ác chiến tranh và diệt chủng của thời Đức Quốc Xã.
Trong khối Liên Âu, Đức là quốc gia có chỉ số giao
thương cao nhất với Việt Nam. Trị giá mậu dịch hai chiều lên tới 9 tỷ Mỹ kim
vào năm 2016. Trong một phiên họp gần đây nhất tại Hội Nghị Thưởng đỉnh G20 ở
Hamburg, hai Thủ Tướng Angela Merkel và Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến cảnh ký
kết hàng loạt hợp đồng trị giá tới 1.7 tỷ Mỹ kim. Điều làm cho Đức rất tức giận
là trong phiên họp G20, phái đoàn Việt Nam đã nêu trường hợp của ông Trịnh Xuân
Thanh và ngỏ ý xin dẫn độ. Bên Đức trả lời là ông Thanh đã nộp đơn xin tỵ nạn
và Việt Nam nên chính thức tiến hành hồ sơ dẫn độ để tòa án có thể cứu xét theo
đúng hệ thống luật pháp của Đức. Hơn nữa, Đức đã tài trợ cho một vài dự án giúp
Việt Nam xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền. Do đó, bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh có thể được xem là một sự bội tín, tráo trở và là cái tát vào mặt của
Angela Merkel, một nữ chính khách quyền lực nhất và được coi là có thể thay thế
Trump trong vai trò lãnh tụ đại diện cho thế giới tự do.
Đức cũng là một trong những nước viện trợ nhiều và
thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD
cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính.
Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 220 triệu Euro trong giai
đoạn 2015 - 2017 để thực hiện các dự án trong 3 lãnh vực gồm có phát triển năng
lượng, đào tạo nghề gắn với phát triển kinh tế bền vững và chính sách môi trường
cùng với sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, Việt Nam đang trông chờ Liên Âu phê chuẩn
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên Âu (EVFTA) sau khi TPP bị Trump khai
tử. Đức là thành viên lãnh đạo của Liên Âu. Chắc chắn là đề tài này nằm trong
chương trình nghị sự khi ông Phúc gặp bà Merkel. Hai bên có ý định đẩy mạnh tiến
trình phê chuẩn để hoàn tất trong năm 2018. Chỉ cần một trong 27 thành viên
Liên Âu không phê chuẩn là Việt Nam không có cơ hội xâm nhập thị trường xuất cảng
lớn thứ hai sau Mỹ. Không xâm nhập được thị trường Liên Âu thì Việt Nam càng
lún sâu và bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Câu hỏi là kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân
Thanh có dính líu tới bàn tay lông lá của tình bào Hoa Nam hay không?
Thủ Tướng Merkel đang chuẩn bị cho cuộc tranh cử vào
tháng 9 sắp tới với cam kết là tiếp tục giương cao ngọn cờ duy trì truyền thống
trật tự pháp trị toàn cầu trong một thế giới tự do và hòa bình. Việt Nam đang cần
rất nhiều đồng minh khi Bắc Kinh chọn phớt lờ phán quyết 'Đường 9 đoạn'' của
Tòa Trọng Tài ban hành ngày 12/7/2016. Bây giờ mà Việt Nam mở miệng nhờ Đức và
các nước khác ủng hộ cho vấn đề Biển Đông thì chẳng khác gì một tên tội phạm
trơ tráo kêu gọi mọi người khác hãy tôn trọng luật pháp? Cũng thật khôi hài là
Hà Nội đang tranh giành chức vụ Tổng Giám đốc Tổ Chức Giáo dục, Khoa học và Văn
hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trong khi Việt Nam đang là nhà tù lớn nhất của những
nhà văn, nhà báo, bloggers và những nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Chưa bao
giờ trong lịch sử dân tộc mà lòng tự trọng và tính liêm sỉ của người Việt lại bị
thách thức ghê gớm như vậy.
Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên thực hành kế
hoạch bắt cóc. Vào năm 1960, tổ chức tình báo của Do Thái Mossad đã bắt cóc
Adolf Eichmann tại Argentina. Eichmann là thiếu tá mật vụ SS của Đức Quốc Xã.
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Eichmann chỉ huy công tác chuyên chở hàng triệu người
Do Thái đưa vào phòng hơi ngạt và lò thiêu để thực hiện kế hoạch xóa sổ dân tộc
Do Thái của Hitler. Eichman bị truy tố tội ác chống nhân loại và tội phạm chiến
tranh. Phiên xử kéo dài 8 tháng và có tới 99 nhân chứng là nạn nhân ra tòa làm
chứng. Cũng nhờ vậy mà thế giới biết được thảm họa diệt chủng Holocaust dưới
tay đồ tể Hitler. Eichmann không phủ nhận vài trò đao phủ của mình nhưng biện bạch
rằng hắn chỉ thi hành mệnh lệnh. Luật quốc tế không chấp thuận luận cứ biện hộ
thi hành mệnh lệnh khi vi phạm tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại.
Eichmann bị xử tử và treo cổ vào năm 1962.
Bắc Hàn là một nhà nước nổi tiếng với chính sách bắt
cóc. Từ 1977 tới 1983, Bình Nhưỡng bắt cóc ít nhất 17 người Nhật đa số là trong
tuổi 20. Trẻ nhất là Megumi Yokota một bé gái 13 tuổi. Mục đích là để cưỡng
bách họ dạy tiếng Nhật cho điệp viên Bắc Hàn. Các thiếu nữ thì bị ép vừa làm vợ
của điệp viên Bắc Hàn và vừa làm con tin. Vào tháng 9 năm 2002 nhân dịp Thủ Tướng
Nhật Junichiro Koizumi ghé thăm Bình Nhưỡng, Kim Chánh Nhật chính thức thú nhận
là có bắt cóc 13 người Nhật và ngỏ lời xin lỗi. Kim cũng cho biết là 8 người đã
chết và cho phép 5 người còn sống về Nhật thăm gia đình với điều kiện là họ
quay trở lại. Nhưng không có người nào muốn trở lại. Kim tức giận cho rằng Đông
Kinh bội ước và cắt đứt mọi đàm phán ngoại giao với Nhật. Vào năm 2013, Liên Hiệp
Quốc thành lập Ủy Ban Điều Tra về Nhân quyền tại Bắc Hàn. Các nạn nhân bị bắt
cóc của Nhật đã xuất hiện trước Ủy Ban cung cấp lời khai về tội ác của chế độ cộng
sản Bình Nhưỡng.
Tổ chức tình báo CIA của Mỹ cũng bị cáo buộc là có
liên quan tới vụ bắt cóc trên đất Ý. Chính sách bắt cóc khủng bố hoặc những kẻ
bị tình nghi là khủng bố được áp dụng sau vụ tấn công vào hai tòa cao ốc ở New
York ngày 11/9/2001. Vào năm 2003, một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Abu Omar đã bị
bắt cóc tại thành phố Milan và chuyển cho nhà nước Ai cập để điều tra. CIA nghi
rằng Abu Omar là một tay khủng bố nguy hiểm. Một cựu nhân viên CIA Sabrina de
Sousa cùng với 22 người khác đã bị tòa án Ý truy tố và tuyên án tù.
Chính sách bắt cóc được nhà nước cộng sản Trung Quốc
thi hành một cách tinh vi hơn. Chỉ trong 2 tháng từ tháng 10 đến tháng 12 năm
2015, 5 nhân viên của một tiệm sách ở Hồng Kông bị mất tích. Tới tháng 2 năm
2016 thì chính quyền Quảng Đông xác nhận là cả 5 người đã bị bắt về đại lục vì
có dính líu tới một vụ ''tai nạn giao thông''. Hồng Kông đã được Anh trả lại
cho Trung Quốc nhưng dưới điều kiện là Hông Kông tiếp tục tự trị dưới Đạo Luật
Hồng Kông (Hong Kong Basic Law) trong 50 cho tới năm 2047. Trong số 5 người bị
bắt cóc này thì có ông Lý Ba (Ly Bo) đã có quốc tịch Anh. Một người khác là ông
Quế Dương Hải (Gui Min-hai) bị mật vụ Trung Quốc bắt cóc tại Thái Lan đã có quốc
tịch Thụy Điển. Những người này đều được đưa lên truyền hình Trung Quốc phát biểu
là họ ''tự nguyện'' trở về đại lục để ''giúp đỡ cảnh sát điều tra'' một vụ tai
nạn giao thông.
Chủ nhân và nhân viên của tiệm sách này không phải
là tội phạm hoặc khủng bố gì mà họ chỉ đang chuẩn bị in sách nói về đời tư của
lãnh tụ Tập Cận Bình. Một trong những quyển sách có tựa đề là ''6 người phụ nữ
của Tập Cận Bình''. Một quyển khác có đoạn mô tả cảnh Đệ nhất Phu nhân Bành Lệ
Viên ''mất trinh như thế nào''. Đây là các loại sách tạp nhạp vừa tiểu sử vừa
tiểu thuyết. Mục đích là đăng những chuyện giật gân để câu khách. Trong một xã
hội dân chủ, pháp trị, tác giả và nhà xuất bản có thể bị kiện và bồi thường dân
sự dưới luật phỉ báng nhưng không có liên quan tới tội phạm hình sự. Khách hàng
chính của tiệm sách này là những du khách từ Trung Quốc. Họ thèm thuồng muốn biết
về đời tư của lãnh tụ. Ngay cả việc ông Tập Cận Bình đã từng có vợ và ly dị trước
khi lấy Bành Lệ Viên mà họ cũng không biết.
Cũng như ở Việt Nam là vào năm 1992, báo Tuổi Trẻ đã
đăng nguyên bài ''Thư Bác Hồ gửi vợ (Tăng Tuyết Minh)'' bằng chữ Hán do chính
tác giả Hồ Chí Minh chấp bút cùng với bản dịch Hán Việt. Vì vậy mà Tổng Biên Tập
Vũ Kim Hạnh được cho là ''phạm khuyết điểm'' vì dám tiết lộ ''Đệ Nhất Phu
Nhân'' của Việt Nam (Bắc Việt) là một người Trung Quốc và cho bị nghỉ việc. Cho
tới bây giờ, có nhiều học sinh trong nước và tập thể dư luận viên vẫn tin
là''Bác'' hãy còn trinh vì chưa bao giờ lấy vợ.
Tóm lại, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên
thi hành chính sách bắt cóc nhưng lực lượng an ninh Việt Nam đã chứng tỏ tư duy
đàn em xuất sắc khi bắt chước công an Trung Quốc đưa nạn nhân lên truyền hình
diễn màn tự thú. Nó cũng xác nhận lại một sự thật không thể chối cãi là chủ
nghĩa và con người cộng sản tồn tại dựa trên bạo lực, bưng bít và dối trá. Căn
bệnh ung thư này đã ăn sâu vào xã hội và những người cộng sản Việt Nam. Sau này
khi chế độ độc tài toàn trị có ra đi thì vẫn phải mất ít nhất một vài thế hệ mới
mong có thể tẩy sạch hết những di lụy độc hại mà ông Hồ Chí Minh đã du nhập về
ra khỏi con người và đất nước Việt Nam.
19/8/2017
No comments:
Post a Comment