Friday, 13 December 2024

TOÀN CẢNH VỤ DẠ THẢO PHƯƠNG TỐ LƯƠNG NGỌC AN CƯỠNG HIẾP (Lam Hồng, Trọng Phụng | Luật Khoa tạp chí)

 



Toàn cảnh vụ Dạ Thảo Phương tố Lương Ngọc An cưỡng hiếp

Lam HồngTrọng Phụng  |  Luật Khoa tạp chí

Dec 12, 2024  2:01 PM

 https://www.luatkhoa.com/2024/12/luat-khoa-360-toan-canh-vu-da-thao-phuong-to-luong-ngoc-an-cuong-hiep/

 

Sau gần ba năm bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ Lương Ngọc An được điều động giữ chức phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/12/Tua--n-tin-va--360.png

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trao quyết định bổ nhiệm chức vụ mới cho ông Lương Ngọc An, ngày 5/12/2024. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam.

 

 

Làm phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống

 

Ngày 5/12/2024, tại Văn phòng tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao quyết định điều động ông Lương Ngọc An giữ chức phó tổng biên tập tạp chí Nhà văn và Cuộc sống. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 28/11/2024.

 

·        Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống là một ấn phẩm thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên đăng các bài sáng tác, lý luận, phê bình văn học và các hoạt động văn học nghệ thuật. Hiện tạp chí này do nhà thơ Trần Đăng Khoa làm tổng biên tập.

 

·        Ngay lập tức, sự kiện này thu hút sự quan tâm của cộng đồng văn học và công chúng, bởi cách đây gần ba năm, cụ thể là vào tháng 4/2022, ông Lương Ngọc An khi đương chức phó tổng biên tập báo Văn nghệ đã bị nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo cưỡng hiếp. Sau đó, ông An bị điều động đi nhận “nhiệm vụ mới”.

 

·        Nhà thơ Dạ Thảo Phương tên thật là Phan Thị Thanh Thúy, hiện sinh sống ở nước ngoài, từng công tác tại Ban Văn nghệ trẻ, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996 đến 2003.

 

·        Ngày 8/12, bà Phương đăng tải bài viết với tựa “Kẻ hiếp dâm tôi lại làm phó tổng biên tập”. Trong bài viết, bà bày tỏ quan điểm rằng việc bổ nhiệm ông Lương Ngọc An là “một thái độ công khai xúc phạm nỗi đau của nạn nhân, khinh bỉ sự bất bình của dư luận”. Bà Phương cũng dẫn lại thư tố cáo của mình vào ngày 6/4/2022 về việc ông An đã cưỡng hiếp bà.

 

·        Cùng ngày, trang “trích diễm” - một diễn đàn chuyên về văn chương với hơn 300.000 lượt theo dõi - tuyên bố sẽ “xóa toàn bộ tác phẩm của những ai công khai ủng hộ kẻ hiếp dâm Lương Ngọc An” kèm theo hashtag: #đứngbênPhương #standbyPhương.

 

·        Viết trên trang cá nhân, Tiến sĩ khoa học Dương Tú đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm giải trình về quyết định điều động này: “Dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng hành vi cưỡng hiếp của ông An có nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật hay không, hành vi đó đã ‘bảo vệ uy tín của Hội’ như thế nào, cũng như ông An đã được ‘tín nhiệm’ ra sao [...] Sự im lặng và vô trách nhiệm sẽ chỉ khiến vụ cưỡng hiếp mà nhà thơ Dạ Thảo Phương đã can đảm tố cáo trở thành di sản đáng xấu hổ của cá nhân ông Thiều nói riêng và Hội Nhà văn Việt Nam nói chung mà thôi”.

 

·        Ngày 12/2, nhà giáo Thái Hạo viết: “[...] bất cứ ai giữ im lặng trước sự việc nghiêm trọng này đều đáng bị coi thường”.

 

Nội dung cáo buộc

 

Cách đây gần ba năm, cụ thể là vào ngày 6/4/2022, nhà thơ Dạ Thảo Phương đã đăng tải một bài viết dài trên trang Facebook cá nhân, tố cáo Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng hiếp và vu khống bà.

 

·        Theo bà Phương, trưa ngày 14/4/2000, khi bà đang ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ thì ông Lương Ngọc An (lúc này ông An đã trở thành phóng viên của tờ báo sau nhiều năm làm nhân viên phòng hành chính) xông vào cưỡng hiếp bà. Tuy nhiên, hành vi của ông An bất thành vì có đồng nghiệp khác bắt quả tang, can thiệp.

 

·        Ngày 20/4/2000, ông Nguyễn Lê Tâm (lúc đấy là họa sĩ trình bày của đơn vị) cùng những nhân chứng hôm đó tường trình với lãnh đạo đương nhiệm là ông Hữu Thỉnh, tổng biên tập và ông Trương Vĩnh Tuấn, phó tổng biên tập.

 

·        Theo bà Phương, suốt thời gian từ tháng 7/1999 đến tháng 4/2000, bà đã bị ông An nhiều lần thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức như một nô lệ tình dục. Tuy nhiên, do thiếu vốn sống và sợ hãi, bà chưa dám nói ra cho gia đình, cơ quan hay. Bà Phương cũng kể rằng bà từng bỏ thai.

 

·        Sau sự việc ngày 14/4/2000, bà Phương đã viết đơn tố cáo ông An, tuy nhiên lại bị ông An vu khống ngược lại. Ông An cho rằng giữa hai người có mối quan hệ tình cảm và do mình muốn chia tay nên cả hai mới xảy ra “xô xát”.

Bà Phương bác bỏ luận điệu về một mối quan hệ tình cảm, tình dục đồng thuận mà ông An đưa ra. Bà cho biết dù đã tường trình, khiếu nại, v.v trong một thời gian dài nhưng bà vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

 

·        Báo Văn nghệ chỉ kết luận ông An “gây lộn xộn ở cơ quan”. Phó Tổng Biên tập Trương Vĩnh Tuấn khi đó là người trực tiếp giải quyết vụ việc này, cho rằng “hai người đánh nhau, làm mất trật tự nơi làm việc”. Bà Phương cũng cáo buộc ông Trương Vĩnh Tuấn nhiều lần ngăn cản quyền tố cáo, khiếu nại của bà, đồng thời trù dập, vu khống, cấm in bài, đe dọa đuổi việc bà.

 

·        Sau vụ việc, ông Lương Ngọc An vẫn chính thức trở lại làm việc tại báo Văn nghệ và vào ngày 6/9/2021, ông được bổ nhiệm giữ chức phó tổng biên tập báo này.

 

·        Trong bài đăng, bà Phương bộc bạch: “Tội ác cưỡng dâm, vu khống của Lương Ngọc An cùng những trù dập, vu cáo của Trương Vĩnh Tuấn cho đến nay vẫn chưa một lần được nhìn nhận công khai, công bằng. Bóng tối của cái ác đè nặng lên sự thật năm xưa luôn âm thầm ám ảnh cuộc sống hiện tại của tôi”, “tôi đã nhiều lần tự tử không thành”, “tôi từng phải vật vã trải qua những năm tháng dài sợ hãi giao tiếp, có những thời điểm thậm chí nói chuyện bình thường với chồng con cũng là việc rất khó khăn”, “tôi mất kết nối với ngôn ngữ, né tránh xuất hiện lại trong giới văn chương”, v.v.

 

·        Bà Phương cũng lý giải bà lên tiếng là vì bà nhân thấy xu hướng tấn công, đổ lỗi nạn nhân bị tấn công tình dục vẫn còn hiện diện và bà không muốn có bất cứ nạn nhân nào phải chịu đựng trải qua những nỗi thống khổ bà từng trải.

 

 

Dư luận phản ứng ra sao?

 

Thời điểm tháng 4/2022, bài viết của nhà thơ Dạ Thảo Phương làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.

 

·        Sự việc này cũng một lần nữa khơi dậy làn sóng tố cáo quấy rối, xâm hại tình dục #MeToo và là một trong những vụ việc nổi tiếng nhất tại Việt Nam liên quan tấn công tình dục vào thời điểm đó.

 

·        Có hàng trăm ngàn lượt tương tác trên bài viết của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Những hashtag như #dungbenphuong, #standbyphuong, #justice4Phuong ngập tràn các kênh mạng xã hội.

 

·        Điều đáng nói, không chỉ nhà thơ Dạ Thảo Phương, nhà văn Bùi Mai Hạnh cũng công khai cáo buộc Lương Ngọc An cưỡng hiếp mình.

 

·        Một số người từng làm ở báo Văn Nghệ thời điểm đó như nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nhà văn Dạ Ngân, cũng bày tỏ nguyện vọng cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị - xã hội, điển hình là Hội Phụ nữ, Hội Nhà văn, vào cuộc xử lý. Hoạ sĩ Lê Tâm - người đã viết bản tường trình liên quan sự việc của Dạ Thảo Phương ngày 14/4/2000 - cũng đã chia sẻ với báo giới rằng “ở thời điểm đó vụ việc chưa được xử lý đầy đủ, thấu đáo”. Hay họa sĩ Thành Chương, nhân chứng vụ việc, cũng nêu ý kiến “'bằng nhiều chứng cứ, bằng nhiều thứ khác, tôi tin Dạ Thảo Phương về những lời trình bày trong thư ngỏ tố cáo đó”.

 

·        Nhà thơ Dạ Thảo Phương có đăng tải thêm các bài viết lần lượt vào các ngày 8/410/418/4 và 26/4 trong năm 2022, để làm rõ mối quan hệ của mình và Lương Ngọc An, sau khi có một luồng dư luận cho rằng giữa hai người có mối quan hệ tình cảm, tình dục đồng thuận. Bà cũng cho hay sẵn sàng về Việt Nam giải quyết vụ việc.

 

·        Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ, tại thời điểm xảy ra vụ việc, có nhiều cá nhân đăng tải hình ảnh của bà Phương kèm theo nhiều lời bình luận như “em bị hấp diêm này cũng nhảm, ngày đó không tố cáo đến cơ quan pháp luật”, “hồi đó tôi từng gặp hai người họ dung dăng dung dẻ, giờ nghe thấy lạ ghê”, “khéo tự dâng ý”, v.v. Các diễn ngôn này cũng được đem ra thảo luận và bị nhiều bên chỉ trích là đang “đổ lỗi nạn nhân”.

 

 

Phản ứng của lãnh đạo báo Văn Nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam

 

Trước sự việc hồi tháng 4/2022, lãnh đạo báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam đồng loạt im lặng.

 

·        Bốn ngày sau thư ngỏ tố cáo, phía gia đình của bà Phương nhận được một email có tựa đề của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam gửi bà Dạ Thảo Phương. 

 

·        Thư này có nội dung rằng vụ việc của bà Phương xảy ra từ năm 2000 và đã được báo Văn nghệ giải quyết căn cứ theo những chứng cứ tại chỗ, trong phạm vi quyền hạn hành chính của cơ quan. Ở thời điểm đó, các đương sự đều không có đơn thư gửi các cơ quan hữu quan để đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật. Do đó, vụ việc đã được giải quyết về mặt hành chính trong nội bộ báo Văn nghệ.

“Ban Chấp hành Hội Nhà văn nhận thấy không có cơ sở thỏa đáng cũng như thẩm quyền để xử lý hành chính lại vụ việc xảy ra năm 2000 tại báo Văn nghệ, [...] bà nên gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền pháp lý để được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật. Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm cao nhất với các cơ quan pháp luật trong trường hợp được yêu cầu để bảo vệ danh dự, uy tín và quyền lợi hợp pháp của những người có liên quan”, thư nê

 

·        Đây chỉ là một email điện tử, không có chữ ký, con dấu; không có dấu hiệu nào chứng minh nó là của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo đưa tin, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xác nhận (qua tin nhắn) với phóng viên Infonet (Vietnamnet) là hội đã có thư phản hồi nhà thơ Dạ Thảo Phương.

 

 

Ông Lương Ngọc An đi báo công an

 

Sau khi bị bà Phương tố cáo, ông Lương Ngọc An khóa trang Facebook cá nhân và sau đó mở lại vào ngày 14/4/2022.

 

·        Ông An đăng tải bài viết kèm theo hình ảnh đơn thư gửi trưởng phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA03) TP. Hà Nội, trưởng phòng An ninh mạng sử dụng công nghệ cao (PA05) TP. Hà Nội và giám đốc Công an TP. Hà Nội.

 

·        Ông An cũng đăng bài “xin lỗi những người bạn đã vì tôi mà bị xúc phạm những ngày qua. Xin lỗi cơ quan, gia đình đã vì chuyện này mà xáo trộn, vất vả. Tôi xin được giải quyết việc này theo cách tôi cho là cần thiết”.

 

Điều động ông Lương Ngọc An

 

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỳ họp thường lệ thứ 4 khóa X vào ngày 15/4/2022, do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều chủ trì. Cuộc họp này được cho là không có sự tham gia của báo đài.

 

·        Tới sáng ngày 16/4/2022, trên website của đơn vị này cập nhật thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về kỳ họp nói trên.

 

·        Trong thông báo nêu rõ rằng cuộc họp có sự tham gia của ông Lương Ngọc An, nhà thơ Hữu Thỉnh - cố vấn Ban Chấp hành.

 

Ngoài ra, thông báo cũng có nội dung “điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ phó tổng biên tập, thư ký tòa soạn báo Văn Nghệ để nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1/5/2022”. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ lý do cũng như “nhiệm vụ mới” của ông Lương Ngọc An là gì.

 

 

Vụ việc bị chìm cho tới khi ông An giữ chức mới

 

Theo quan sát của phóng viên Luật Khoa tạp chí, sau thông báo điều động ông Lương Ngọc An, vụ việc bị chìm vào quên lãng cho tới khi có thông tin mới nhất về chức vụ của ông Lương Ngọc An trong những ngày gần đây.

 

·        Dư luận cũng đặt ra nhiều tình huống pháp lý khác nhau. Ví dụ, đối chiếu theo Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tối đa là 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nên vụ việc của bà Phương đã hết thời hiệu, người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hoặc, đối chiếu Bộ luật Dân sự năm 2015 thì vụ việc của bà Phương cũng đã hết thời gian khởi kiện yêu cầu bồi thường các thiệt hại về tinh thần cho nạn nhân.

 

 

Luật Khoa viết gì về vấn đề tấn công tình dục?

 

Hồi giữa năm 2024, Luật Khoa đăng tải loạt ba bài của tác giả Hồng Hoa về chủ đề quấy rối, tấn công tình dục:

 

·        7 khái niệm liên quan đến tội phạm tình dục

 

·        Quấy rối tình dục có phải vì ham mn tình dục?

 

·        Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì và quy trình xử lý ra sao?

 

Qua phân tích Bộ luật Lao động năm 2019, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và đặc biệt là “Sổ tay hướng dẫn về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” do Vụ Pháp chế của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành năm 2019, tác giả Hồng Hoa cho rằng Việt Nam đã thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý tương đối tiệm cận với các cam kết quốc tế về quyền con người và các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc về cơ bản là đầy đủ.

 

Tuy nhiên, theo tác giả, trên thực tế, các cơ quan thực thi không quyết liệt và thiếu đồng bộ. Thế nên, những kết quả đạt được hiện nay về phòng chống quấy rối tình dục ở Việt Nam, nếu có, hầu hết đến từ sự thay đổi về văn hóa, lối sống và nỗ lực nâng cao nhận thức xã hội chứ không phải từ quy trình pháp lý.

 


 

Đính chính: Bài viết được chỉnh sửa thông tin vào sáng 13/12/2024, ở đoạn "lúc này ông An vẫn còn là tài xế, nhân viên phòng hành chính của báo Văn nghệ" thành "lúc này ông An đã trở thành phóng viên của tờ báo sau nhiều năm làm nhân viên phòng hành chính".

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats