Wednesday, 18 December 2024

BỘ NỘI VỤ VÔ TRÁCH NHIỆM (Nguyễn Thông / Facebook)

 



Bộ Nội vụ vô trách nhiệm

Nguyễn Thông

17 tháng 12, 2024  lúc 22:01  · 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0i9HQVq6FyFjyGwNndmcxPgwtJGCJpFtVpbWWVotnEUh4m77p4m9HrwMtJJiZEa8Ll&id=100024722048900

 

Trên Facebook của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện hôm qua (17.12) có bài rất dài phản đối quyết định của chính phủ (do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký) về việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh làm Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

 

Thực ra ông Hà cũng đâu tự ý ra quyết định làm trái chỉ đạo của Tổng bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc “tạm dừng bổ nhiệm, dừng tuyển công chức cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy từ trung ương tới địa phương“. Nguyên do có đề nghị của Bộ Nội vụ, đứng đầu là bà Phạm Thị Thanh Trà. Không có lửa sao có khói, các cụ bảo vậy.

 

Cái Bộ Nội vụ này, từ khi nó được phục hồi chức năng, tôi thấy nó là dạng thêm mâm thêm bát cho một bộ máy vốn đã kềnh càng, kém hiệu quả. Việc lớn việc nhỏ đều “có vấn đề”. Ví dụ:

 

Sự kiện quốc hội sáng 30.11 chấp thuận nâng cấp tỉnh Thừa Thiên-Huế lên thành TP. Huế trực thuộc trung ương (ngang hàng với các TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) cũng là chuyện thường. Khi đã thỏa mãn được những điều kiện về “tầm vóc” đô thị thì lên thôi.

Nhưng điều liên quan tới quyết định ấy lại là chuyện khác.

 

Bao lâu nay, cái tên tỉnh Thừa Thiên-Huế (địa danh, danh từ riêng) bị viết rất lộn xộn, đủ kiểu, không ra làm sao. Các văn bản của nhà nước, của tỉnh, của báo chí, mỗi anh một phách, lúc thì Thừa Thiên Huế, khi thì Thừa Thiên – Huế, lúc thì Thừa Thiên-Huế, tùm lum tà la. Bộ Nội vụ không hề quan tâm, hoặc cứ mặc kệ, chẳng thèm có ý kiến, chẳng chỉ đạo phải viết sao cho nhất quán, cho đúng, mặc dù đó là nhiệm vụ của bộ.

 

Theo tôi, cách viết đúng nhất, chuẩn nhất cái tên ấy phải là Thừa Thiên-Huế, tức là dùng dấu gạch ngang nhưng không có khoảng trắng. Một số địa danh khác cũng cần như vậy, ví dụ Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Rang-Tháp Chàm, Tân Kỳ-Tân Quý, hoặc trước kia có Quảng Nam-Đà Nẵng… Phải không có khoảng trắng để phân biệt trong trường hợp có dùng dấu gạch ngang, ví dụ bản tin dự báo thời tiết của ngành khí tượng thủy văn luôn có câu “Từ Thanh Hóa – Thừa Thiên – Huế”, cứ như từ Thanh Hóa tới Thừa Thiên, rồi tới Huế, chứ nếu viết “Từ Thanh Hóa – Thừa Thiên-Huế” sẽ chính xác về văn bản và nội dung.

 

Bộ Nội vụ chỉ chăm chú việc tách ra nhập vào các địa phương, chứ cái tên của vùng đất cần phải viết sao cho đúng thì họ rất vô trách nhiệm.

 

Ở xứ này, có cả tỉ tỉ những lỗi/sai như vậy, nhưng cơ quan có trách nhiệm cứ nhắm tịt mắt, chả bao giờ thấy.

 

Chưa khi nào tiếng Việt lộn xộn, vô chuẩn như lúc này, mà thủ phạm là Trung ương.

 

 

59 BÌNH LUẬN

 

 

______

QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM DẬY SÓNG VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM  

Cường Phạm

16 tháng 12, 2024  lúc 23:51  · 

https://www.facebook.com/phamcuongcao88/posts/pfbid035mfovT5To1e2VQh9aj7qhGM7LBCjx6tmjq9TDCQRiNu32BrjrDoNWLaz3MhByYUMl

 

 

QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM DẬY SÓNG VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

 

ĐỀ NGHỊ: Thu hồi Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024 về việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

Kính gửi:

 

– Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

 

Tôi xin trình bày với đồng chí một việc như sau:

 

Ngày 6/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký thay Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam quyết định số 1526/QĐ-TTg về việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữa chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi xem xét các quy định của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, tôi thấy rằng việc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà quyết định bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh là chưa đúng vì:

 

A. Ông Đặng Xuân Thanh không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm lại theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 

1. Chưa thu hồi Quyết định số 1468/QĐ-KHXH bổ nhiệm sai đối với ông Đặng Xuân Thanh vào ngạch nghiên cứu viên chính do “không trung thực”

 

Ông Đặng Xuân Thanh không gương mẫu, gian dối, thiếu trung thực trong kê khai lý lịch tại kỳ thi kỳ thi nâng ngạch Nghiên cứu viên chính năm 2011 (kỳ thi thứ 2) ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ và sau đó được bổ nhiệm vào ngạch nghiên cứu viên chính bằng Quyết định số 1468/QĐ-KHXH ngày 23/9/2013. Vấn đề này đã được kết luận tại Thông báo kết luận số 343-TB/UBKTTW ngày 27/9/2022 của UBKTTW là “không trung thực”. Theo điểm c khoản 1 Điều 9 Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị: “Huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ”. Do đó, về nguyên tắc, phải triệt để xử lý sai phạm theo kết luận của tổ chức Đảng cấp trên trong đó phải thu hồi ngay các quyết định bổ nhiệm sai phạm đối với ông Đặng Xuân Thanh. Nếu thực hiện nghiêm việc này sẽ không có cơ sở pháp lý để thực hiện quy trình, thủ tục và ký bổ nhiệm lại đối với ông Đặng Xuân Thanh (Quyết định số 1526/QĐ-TTg).

 

2. Ông Đặng Xuân Thanh đã bị kỷ luật Cảnh cáo và là đối tượng xem xét miễn nhiệm

 

Ông Đặng Xuân thanh có hành vi tiêu cực (gian dối trong kê khai hồ sơ) nhằm được vị trí, chức vụ quyền lợi và Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã xác nhận, chứng thực không đúng về hồ sơ nhân sự để ông Đặng Xuân Thanh được dự kỳ thi nâng ngạch và sau đó bổ nhiệm ông Thanh vào ngạch nghiên cứu viên chính là vi phạm khoản 6 Điều 10, khoản 4 Điều 11 Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị. Ông Đặng Xuân Thanh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là vi phạm những điều đảng viên không được làm, không trung thực, vi phạm trách nhiệm nêu gương, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. Do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, ông Đặng Xuân Thanh bị thi hành kỉ luật bằng hình thức Cảnh cáo tại Quyết định 715-QĐ/UBKTTW ngày 30/9/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Quyết định 1377/QĐ-TTg ngày 9/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2022, ông Đặng Xuân Thanh được xếp loại Không hoàn thành nhiệm vụ tại Thông báo số 1262-TB/ĐU ngày 24/02/2023 của Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm.

 

Theo điểm c khoản 1 Điều 13 Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019: “Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp uỷ, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp uỷ, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra” và căn cứ theo Điều 5 Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thì cần phải xem xét miễn nhiệm đối với ông Đặng Xuân Thanh. Theo điểm b khoản 1 Điều 14 Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị: “Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra”. Tuy nhiên, suốt thời gian tháng 9/2022 đến tháng 8/2023 ông Thanh không bị miễn nhiệm. Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm không thực hiện đúng chức trách theo Quy định số 41-QĐ/TW. Đến nay, ông Đặng Xuân Thanh tiếp tục lại có Quyết định bổ nhiệm số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024 là không đúng quy định.

 

3. Thời điểm, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh không đúng quy định

 

Do đã bị kỷ luật Cảnh cáo, căn cứ theo Mục 16.4.1 của Quy định số 24-QĐ/TW, ông Đặng Xuân Thanh không được tham gia cấp ủy (bao gồm cả Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy và ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ). Theo Quy định số 41-QĐ/TW ông Đặng Xuân Thanh phải bị “miễn nhiệm”. Theo điểm b khoản 1 Điều 11 Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023: “Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm”. Do vậy, việc Viện Hàn Lâm thực hiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại ông Thanh vào tháng 8/2023 là không đúng vì lúc này ông Thanh vẫn đang thi hành kỷ luật cảnh cáo của Đảng và chính quyền. Đến ngày 20/9/2023, ông Đặng Xuân Thanh không được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bổ nhiệm lại chức vụ trước thời điểm hết nhiệm kỳ (theo Điều 49, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ) do vậy ông Đặng Xuân Thanh trở thành cán bộ làm chuyên môn bình thường.

 

4. Ông Đặng Xuân Thanh hiện đang bị nhiều đảng viên, viên chức tố cáo; cấp có thẩm quyền cũng đã có yêu cầu, kiến nghị xử lý sai phạm trong công tác cán bộ, trong đó có trường hợp ông Đặng Xuân Thanh.

 

Ông Đặng Xuân Thanh, cùng ban lãnh đạo Viện Hàn lâm, Ban Thường vụ Đảng ủy đang bị nhiều đảng viên, viên chức trong Viện Hàn lâm tố cáo và các đơn thư này đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 2/5/2023 bản thân tôi cũng đã có đơn tố cáo gửi đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nội chính Trung tương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của cá nhân và tổ chức tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, trong đó có sai phạm của cá nhân ông Đặng Xuân Thanh. Những sai phạm này liên quan tới nhiều nội dung khác nhau đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xử lý, trong đó có việc cần phải thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai trái với quy định của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024 bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữa chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là chưa đúng vì ông Thanh vẫn đang trong thời gian xem xét xử lý các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

 

5. Vi phạm Điều lệ Đảng, Hướng dẫn số 02-HD/TW, Quy định số 114-QĐ/TW

 

Theo Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban chấp hành Trương về thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021: “đảng viên bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì không được cơ cấu vào cấp ủy, bố trí làm cán bộ chủ chốt, bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu bầu vào các chức vụ cao hơn khi quyết định kỷ luật chưa hết hiệu lực”. Còn theo điểm b khoản 1 Điều 14 Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị: “Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra”.

 

Với quy định như vậy, ông Đặng Xuân Thanh: (i) Mặc nhiên, đương nhiên thôi tham gia cấp ủy đương nhiệm, thôi giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm, thôi tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy, thôi là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ; (ii) Không được bố trí làm cán bộ chủ chốt, cụ thể là Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Viện Hàn lâm. (iii) Không được bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã không thực hiện nghiêm Điều lệ, quy định này của Đảng.

 

Tính đến ngày 16/12/2024, ông Đặng Xuân Thanh vẫn đang giữ chức Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, tức là đang làm 01 cán bộ chủ chốt, vẫn được tham gia các cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy. Suốt từ tháng 9/2022 đến nay, ông Đặng Xuân Thanh vẫn tham gia thẩm định, đánh giá, tham mưu về công tác cán bộ; ký rất nhiều văn bản của Đảng ủy Viện Hàn lâm không đúng quy định. Ngày 24/4/2024, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương mới ra Quyết định số 1501-QĐ/ĐUK về việc cho ông Đặng Xuân Thanh thôi giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhưng chưa cho thôi cấp ủy viên và chưa chỉ đạo cho thôi giữ chức Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy là sai trái.

 

B. Về Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024

 

– Điều 2 của Quyết định số 1526/QĐ-TTg ghi rằng: “Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2023”. Vào thời điểm này, ông Đặng Xuân Thanh vẫn đang thi hành kỷ luật Đảng và chính quyền. Do vậy, việc bổ nhiệm cán bộ vẫn đang trong thời gian thi hành kỷ luật Đảng và chính quyền là không đúng. Ông Thanh vẫn đang bị cấp có thẩm quyền yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai. Hơn nữa, quyết định này do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký vào ngày 6/12/2024, tức là ký lùi tới tận 15 tháng là không phù hợp. Theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, nếu được bổ nhiệm lại thì quyết định đó phải được ký trước 01 ngày trước khi hết hạn bổ nhiệm. Ngày 20/9/2023, ông Đặng Xuân Thanh không có quyết định bổ nhiệm lại của Thủ tướng Chính phủ tức là đã trở thành viên chức bình thường, không giữa chức vụ trong chính quyền.

 

Ông Đặng Xuân Thanh sinh ngày 27/3/1965 và sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào tháng 10/2026 (theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2020). Nếu bổ nhiệm mới ông Đặng Xuân Thanh vào ngày 6/12/2024 thì không đúng vì theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, ông Thanh thuộc diện kéo dài chức vụ (vì còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu).

 

Tuy nhiên, từ ngày 20/9/2023, ông Đặng Xuân Thanh không còn là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nữa mà chỉ là viên chức bình thường, nên không thể kéo dài chức vụ của ông Thanh nữa vì ông còn chức vụ đâu mà kéo dài. Phải chăng vì lý do này mà Quyết định bổ nhiệm lại ông Thanh được kỳ “hồi tố” tới hơn 15 tháng để biến “quyết định kéo dài” thành “quyết định bổ nhiệm”, biến người “không còn chức vụ” thành “có chức vụ”? Nếu muốn xem xét bổ nhiệm ông Đặng Xuân Thanh giữ chức vụ quản lý thì phải thực hiện lại quy trình bổ nhiệm mới (vì đã quá 15 tháng) nhưng ông Đặng Xuân Thanh không đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện để tiếp tục được bổ nhiệm. Bộ Nội vụ không thể căn cứ vào hồ sơ, quy trình bổ nhiệm cũ 15 tháng trước đó, để đề xuất bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh (theo mục 24, sửa đổi Điều 44: Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm của Nghị định số 85/2023/NĐ-CP).

 

– Tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 28 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP có quy định về quy trình bổ nhiệm phải thực hiện trong thời hạn 90 ngày trước khi hết thời hạn bổ nhiệm. Trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải có văn bản thông báo để đơn vị và viên chức biết. Trường hợp của ông Đặng Xuân Thanh đã thực hiện quy trình bổ nhiệm (mặc dù là quy trình, thủ tục sai) và đến ngày 20/9/2023 đã không được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại (không có quyết định trước thời 01 ngày). Điều này đồng nghĩa với việc ông Đặng Xuân Thanh không được bổ nhiệm lại tại thời điểm hết nhiệm kỳ và đã trở thành viên chức bình thường trong suốt 15 tháng qua. Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lại tiếp tục có Tờ trình số 412/TTr-BNV ngày 21/11/2023 và tiếp đến là Tờ trình số 631/TTr-BNV ngày 20/11/2024 đề nghị bổ nhiệm lại đối với ông Đặng Xuân Thanh – nhân sự không đủ điều kiện tiêu chuẩn, không đảm nguyên tắc, quy trình, quy định về bổ nhiệm lại?

 

Nghị định 85/2023/NĐ-CP (tại mục 27, sửa đổi khoản 5 và khoản 7 Điều 48 như sau): Kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị đối với trường hợp bổ nhiệm lần đầu hoặc bổ nhiệm, bầu vào chức vụ cao hơn hoặc bổ nhiệm lại nhưng có tình tiết mới làm thay đổi kết luận trước đây”. Vậy ai là người đã kết luận tiêu chuẩn chính trị đối với ông Đặng Xuân Thanh trước thời điểm ngày 20/9/2023 (khi ông đang trong thời gian thi hành kỷ luật cảnh cáo) và từ ngày 21/9/2023 đến ngày 6/12/2024 (khi ông đang bị nhiều đảng viên, viên chức tố cáo; cấp có thẩm quyền cũng đã có yêu cầu, kiến nghị xử lý sai phạm trong công tác cán bộ)

 

– Quyết định 1526/QĐ-TTg ghi rằng: “xét ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc bổ nhiệm lại Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam”. Quyết định không ghi rõ là các cơ quan có liên quan nào: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Nội chính Trung ương và cũng không nêu thời điểm xin ý kiến đối với ông Đặng Xuân Thanh là trước hay sau ngày 20/9/2023.

 

Hiện nay, ông Đặng Xuân Thanh bị tố cáo ở nhiều nội dung sai phạm nghiêm trọng khác nhau. Những đơn này đã được gửi tới Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã nhận được đơn tố cáo. Chính Bộ Nội vụ cũng phải xem xét xử lý và cho ý kiến về việc ông Đặng Xuân Thanh gian lận thâm niên công tác để thi nâng ngạch lên nghiên cứu viên chính và việc xử lý sai phạm của ông Thanh từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Mặc dù đã biết được những sai phạm của ông Đặng Xuân Thanh đã được cấp có thẩm quyền kết luận và có đơn thư tố cáo về dấu hiệu sai phạm, tái phạm mới của ông Đặng Xuân Thanh, thì tại sao Bộ trưởng Bộ Nội vụ vẫn tiếp tục làm tờ trình đề xuất xin bổ nhiệm lại đối với ông Đặng Xuân Thanh?

 

– Theo Điều 4 Quy định 97-QĐ/TW năm 2023 quy định thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, 01 Phó Thủ tướng làm Phó Bí thư Ban cán sự đảng. Tham gia Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào tháng 11/2024 gồm nhiều đồng chí mới. Vì vậy, phải chăng Ban Cán sự Đảng Chính phủ mới đã không được báo cáo, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, cập nhật về những vi phạm của ông Đặng Xuân Thanh, trong đó những sai phạm cũ đang chờ để xử lý (thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai trái) và những nội dung tố cáo về sai phạm mới đối với ông Đặng Xuân Thanh từ sau ngày 20/9/2023. Tháng 8/2023, Viện Hàn thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với ông Đặng Xuân Thanh nhưng không được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm lại. Đến ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lại tiếp tục có Tờ trình số 631/TTr-BNV đề xuất bổ nhiệm lại đối với ông Đặng Xuân Thanh. Tại sao Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại “quyết liệt” trong việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh đến như vậy, mặc dù trong các cuộc họp tại Viện Hàn lâm chính ông Thanh nói rằng mình không còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nữa? Tại sao khi có chủ trương của Bộ Chính trị về sắp xếp lại 2 Viện Hàn lâm và tổ chức Đảng của 02 đơn vị này thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại trình đề xuất bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh? Động cơ của việc này là gì, đề nghị làm rõ và xem xét kĩ lưỡng, khách quan.

 

Quy định 114/QĐ-TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị chỉ rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tại Điều 3 đã nêu rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn:

 

3. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

 

4. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

 

5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

 

– Ngày 1/12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng của năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế để phát triển. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt: “Bộ Chính trị đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn. Với chỉ đạo như vậy, tại sao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà lại có Tờ trình số 631/TTr-BNV để rồi đến ngày 6/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ lại ký Quyết định số 1526/QĐ-TTg bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam?

 

– Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024 về việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dù đã được ký vào ngày 6/12/2024 (quyết định đã bị sửa chữa tháng) nhưng lại không được công khai trên hệ thống văn bản điều hành của Chính phủ theo quy định vào thời điểm ban hành quyết định. Tất cả các văn bản của Chính phủ thường ký ngày nào thì đều được công khai, minh bạch trên hệ thống văn bản điện tử của Chính phủ. Đây là một điều cực kỳ bất bình thường. Phải chăng, việc bổ nhiệm này không đúng với quy định nên không công khai cho mọi người biết? Rất nhiều cán bộ, đảng viên của Viện Hàn Lâm đặt câu hỏi rằng liệu quy trình để Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1526/QĐ-TTg theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất đã đúng hay chưa? Đã xin ký kiến của các cơ quan ban Đảng Trung ương vào tháng 11 và tháng 12 năm 2024 hay chưa?

 

Trong thời gian qua, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khủng hoảng nghiêm trọng về hậu quả của các về sai phạm nhiều nhiệm kỳ tích tụ lại. Những sai phạm này đã được chỉ ra tại Thông báo kết luận số 570-TB/UBKTTW ngày 08/1/2019, Thông báo kết luận số 343-TB/UBKTTW ngày 27/9/2022 và Thông báo kết luận 975-TB/UBKTTW ngày 14/10/2024 và nhiều kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và buộc phải chấp hành. Tuy nhiên, người đứng đầu (ông Đặng Xuân Thanh giai đoạn từ 13/10/2022 đến 07/01/2023, ông Phan Chí Hiếu giai đoạn từ 07/01/2023 đến nay), Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm, lãnh đạo Viện Hàn lâm không thực hiện nghiêm, không thực hiện đầy đủ, không xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm đã được cấp có thẩm quyền kết luận, thậm chí còn bất chấp các quy định, cố ý làm sai trái, với động cơ không trong sáng: thu hồi hủy bỏ quyết định vi phạm của người này nhưng lại không thu hồi hủy bỏ quyết định vi phạm của người khác, cùng là đối tượng có quyết định về công tác cán bộ sai phạm và chưa được xử lý xong nhưng người này thì bị trì hoãn, cản trở không giải quyết thay đổi vị trí công tác, còn người kia thì được điều động bổ nhiệm chức vụ cao.

 

Việc Thủ tướng Chính phủ không ký quyết định bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh trong năm 2023 đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết đối với những sai phạm của tập thể, cá nhân tại Viện Hàn lâm. Điều này đã củng cố lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên của Viện Hàn lâm đối với Đảng và Chính phủ, đồng thời cũng thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị liêm chính, vững mạnh, nâng tầm vị thế quốc tế của Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và một số nội dung quan trọng đã nhấn mạnh rằng: “Cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để “nâng mình lên” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, nếu không đáp ứng được thì tự nguyện đứng sang một bên để người khác làm”.

 

Các nhà khoa học, đội ngũ trí thức rất tin tưởng, nghiêm túc quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư nhất là trong việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư đang tạo ra một sức sống mới để thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và rất cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thế nhưng, việc ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024 bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn là trái nguyên tắc, quy định của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, gây bất ổn trong đơn vị là đi ngược lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, chủ trương của Bộ Chính trị.

 

Ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, chúng ta đang đề cao bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Việc Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý tham mưu, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ nhiệm lại nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đang bị kỉ luật Cảnh cáo, không trung thực trong kê khai hồ sơ dự thi nâng ngạch, thuộc diện miễn nhiệm, phải cho thôi giữ chức vụ trong Đảng ủy và lãnh đạo Viện Hàn lâm theo quy định của Đảng sẽ để lại nhiều hậu quả lớn, phức tạp:

 

1. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Chính phủ và việc cải hành chính, cải cách tư pháp. Đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh sai phạm, tạm dừng việc công bố, triển khai quyết định này để xem xét toàn diện, khách quan, đảm bảo quy định.

 

2. Đối với những sai phạm lớn của cá nhân và hậu quả mà những sai phạm của cá nhân ông Đặng Xuân Thanh để lại đối với Viện Hàn lâm, việc bổ nhiệm lại Đặng Xuân Thanh kéo lùi sự phát triển của Viện Hàn lâm thêm nữa, gây bất ổn, mất đoàn kết kéo dài, nghiêm trọng hơn, tạo ra sự phẫn nộ trong dư luận; vì việc này củng cố thêm quyền lực, dung túng cho sự lộng quyền, lạm quyền tác oai tác quái của nhóm lợi ích, lợi ích nhóm, dẫn đến hậu quả tiêu cực khó lường hơn nữa, đặc biệt là việc trả thù, trù dập các đảng viên, viên chức có tiếng nói đấu tranh chống tiêu cực, phê bình những khuyết điểm, hành vi sai phạm, tái phạm của ông Đặng Xuân Thanh.

 

3. Quyền lực trong công tác cán bộ không được kiểm soát tương ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao dẫn đến sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực… làm suy thoái, biến chất và băng hoại đội ngũ cán bộ, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ (như chính ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định).

 

4. Gần 500 quyết định về công tác cán bộ của Viện Hàn lâm sai trái đã được xác minh, báo cáo, kết luận nhưng chưa được xử lý triệt để, dứt điểm; một trong những tác nhân gây ra hậu quả này và việc không khắc phục hậu quả là vai trò, trách nhiệm của ông Đặng Xuân Thanh ở cả cương vị người đứng đầu Viện Hàn lâm (10/2022-01/2023), Phó Bí thư, Phó Chủ tịch và Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy.

 

5. Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng bộ Viện Hàn lâm và việc điều hành quản lý đơn vị này, quyết định sự thành bại của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ. Cần ngăn chặn tình trạng sai phạm kéo dài, có tính hệ thống, có tổ chức, có lợi ích nhóm trong công tác tổ chức cán bộ tại Viện Hàn lâm diễn ra suốt hơn 10 năm qua.

 

6. Ngày 24/4/2024 tại Quyết định số 1501-QĐ/ĐUK Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã cho ông Đặng Xuân Thanh thôi giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy. Thực tế này càng cho thấy, việc Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất, tham mưu Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 631/TTr-BNV ngày 20/11/2024 về việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữ chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm là không phù hợp, bên cạnh việc không đúng nguyên tắc, quy định.

 

Chính vì vậy, tôi kính mong có sự chỉ đạo tạm dừng việc bổ nhiệm, thu hồi Quyết định số 1526/QĐ-TTg ngày 6/12/2024 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký về việc bổ nhiệm lại ông Đặng Xuân Thanh giữa chức Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

 

Trân trọng

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2023497011489542&set=pcb.2022781358227774

Quyết định bổ nhiệm ông Đặng Xuân Thanh do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký. Nguồn: Cường Phạm

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2023501344822442&set=pcb.2022781358227774

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2023501378155772&set=pcb.2022781358227774

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2023501421489101&set=pcb.2022781358227774

Ông Đặng Xuân Thanh

 

.

5 BÌNH LUẬN  

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats