Tuesday, 31 December 2024

VÌ SAO ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VIỆT NAM KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC? (Luật Khoa Tạp Chí)

 



Vì sao đại biểu Quốc hội Việt Nam không có quyền lực?

Luật Khoa tạp chí
December 30 202412:00 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/video-vi-sao-dai-bieu-quoc-hoi-viet-nam-khong-co-quyen-luc/

 

Một số lượng lớn các đại biểu Quốc hội hiện đang đảm nhiệm các nhiệm vụ khác.

 

Như có 19 đại biểu thuộc ngành công an, 32 đại biểu thuộc quân đội, cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, lãnh đạo các tổ chức quần chúng, và cán bộ công tác tại các đơn vị sự nghiệp.

 

VIDEO :  Vì sao đại biểu Quốc hội Việt Nam thiếu quyền lực?

               https://www.youtube.com/watch?v=ecu-P_V9r_k

 

Lời Thoại

 

5 năm một lần.

 

Hơn 2.000 tỷ đồng tiền thuế.

 

64 triệu người gác lại công việc để bầu chọn 499 đại biểu Quốc hội.

 

Tuy nhiên, những đại biểu tạo nên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, trên thực tế lại có rất ít quyền lực.

 

Họ không thể soạn thảo, đệ trình dự án luật.

 

Không có quyền lực thực tế tại địa phương.

 

Và nhiều quyền lực đáng ra phải có đối với một đại biểu dân cử, họ cũng không có.

 

Đó là những quyền gì, và vì sao đại biểu Quốc hội Việt Nam không có quyền lực?

 

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đã có 5 bản hiến pháp được ban hành.

 

Tất cả đều có một điểm chung.

 

Đại biểu Quốc hội Việt Nam không có quyền làm luật.

 

Quyền làm luật được quy định chung cho Quốc hội.

 

Trong khi đó, Hiến pháp năm 1956 và Hiến pháp năm 1967 của chế độ Việt Nam Cộng hòa thì quy định rất rõ: dân biểu, nghị sĩ có quyền làm luật trực tiếp. Ngoài ra, cả hai bản hiến pháp này đều hạn chế dân biểu, nghị sĩ kiêm nhiệm các công vụ hoặc chức vụ dân cử khác.

 

Trong khi đó, chỉ có 38% đại biểu Quốc hội hiện nay là hoạt động chuyên trách.

 

Một phần lớn các đại biểu Quốc hội vừa làm nhiệm vụ khác. Như công an 19 người, quân đội 32 người, và nhiều đại biểu là lãnh đạo chính quyền trung ương và cấp tỉnh, lãnh đạo các tổ chức quần chúng, công tác trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước.

 

Do kiêm nhiệm nhiều chức vụ nên họ không có thời gian và không có đủ nguồn lực tài chính, nhân sự để tập trung cho công việc của mình tại Quốc hội. 

 

Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm nhiều chức vụ của các đại biểu làm giảm đi tính độc lập của Quốc hội - vốn là một yếu tố rất quan trọng trong thể chế dân chủ.

 

Mặt khác, đại biểu Quốc hội do người dân bầu trực tiếp tại địa phương của mình, nhưng tại địa phương thì họ không có quyền lực thực sự.

 

Đại biểu Quốc hội Việt Nam hiếm khi can thiệp trực tiếp vào các vụ việc xâm phạm quyền công dân của chính quyền.

 

Dưới thời Việt Nam Cộng hòa (Đệ nhị), các dân biểu Hạ viện từng can thiệp để phóng thích những người bị bắt trong Chiến dịch Phượng hoàng để bảo vệ quyền cơ bản của người dân. Chiến dịch Phượng hoàng nhằm tìm bắt Việt Cộng tại miền Nam. Họ cũng thu thập các bằng chứng để cáo buộc công khai các quan chức tham nhũng. Điều này chưa bao giờ thấy ở Quốc hội Việt Nam.

 

Tại miền Nam, hầu hết các dân biểu Hạ viện của Việt Nam Cộng hòa (Đệ nhị) đã liên kết thành các khối. Có bảy khối đã được hình thành là Dân chủ, Dân tiến, Đoàn kết, Thống nhất, Độc lập, Dân tộc và Xã hội. 

 

Các khối thường họp hai lần mỗi tuần, tổ chức hội thảo, tranh luận chính sách, phát hành thông cáo báo chí và tham gia đối thoại với khối hành pháp.

 

Còn các đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay không liên kết theo khối, và cũng không phát ngôn với tư cách đại diện cho đoàn đại biểu tỉnh, thành của mình. Họ chỉ phát biểu dưới tư cách một đại biểu Quốc hội đơn thuần.

 

Tuy nhiên, vì sao đại biểu Quốc hội Việt Nam lại khác so với thời Việt Nam Cộng hòa và các nước?

 

Câu trả lời nằm ở thể chế chính trị của Việt Nam.

 

Dưới thể chế cộng sản, quyền lực tập trung vào tay của Đảng Cộng sản, tức là một nhóm thiểu số.

 

Số lượng đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay là đảng viên đảng cộng sản sắp gần đạt mức 100%.

 

Quốc hội khóa I là Quốc hội đa đảng với 15% là đại biểu thuộc đảng Việt Quốc và Việt Cách, 49% không có đảng phái. Chỉ có 36% là đảng viên cộng sản.

 

Nhưng từ Quốc hội khóa II, số lượng đại biểu Quốc hội là đảng viên cộng sản tăng lên đến 65%.

 

Đến Quốc hội khóa VII, số lượng đảng viên cộng sản là 88%. 

 

Tỷ lệ này tại Quốc hội các khóa tiếp theo lần lượt 94%, 92%, 85% 90% và 91%.

 

Quốc hội khóa XIII là 92% và khóa 14 có 96% đại biểu là đảng viên cộng sản.

 

Và Quốc hội khóa XV là có tỷ lệ đảng viên cộng sản cao nhất là 97%.

 

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ: Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.

 

Do đó, dù đại biểu Quốc hội được người dân bầu trực tiếp, tạo nên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhưng đại biểu Quốc hội trước hết phải phục tùng đảng.

 

Mặt khác, đảng không cho phép đại biểu Quốc hội quyền hành động độc lập như làm luật, hay liên kết thành các khối khác nhau trong Quốc hội.

 

Tại các nước dân chủ, đại biểu dân cử có nhiều cơ hội thăng tiến chính trị lành mạnh bằng chương trình hành động, tranh đấu bằng các dự án luật mà họ nghĩ là có lợi cho cử tri của mình.

 

Tại Việt Nam, việc không trao quyền lực cho đại biểu Quốc hội khiến việc thăng tiến chính trị bằng năng lực thực sự là vô cùng khó khăn. Người dân rất khó đánh giá được đại biểu nào hoạt động năng nổ, thực sự có năng lực.

 

Trên thực tế, đại biểu Quốc hội Việt Nam được đảng chú trọng lựa chọn theo hướng đảm bảo các tiêu chí đại biểu nữ, đại biểu trẻ, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu là chức sắc tôn giáo, chứ không chú trọng đến năng lực thực sự.

 

Sau hơn 80 năm, Bộ Tư pháp Việt Nam gần đây đề nghị đại biểu Quốc hội nên có quyền làm luật.

 

Điều này được đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Điều 33 của dự thảo đề nghị “đại biểu Quốc hội, nhóm đại biểu Quốc hội được cơ quan lập pháp hỗ trợ lập đề nghị, soạn thảo luật, pháp lệnh”.

 

Trên thực tế, ý tưởng này đã được thử nghiệm gần đây với dự thảo Luật chuyển đổi giới tính.

 

Dự thảo này do Ủy ban thường vụ giao cho đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí làm trưởng ban soạn thảo cùng với một ủy ban gồm 15 người, trong đó có các thành viên chính phủ, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Tuy nhiên, việc trao quyền làm luật cho đại biểu Quốc hội sẽ không mang lại thay đổi đáng kể.

 

Vì Bộ Tư pháp đề xuất vẫn giữ nguyên điều 31 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tức là các dự án luật phải được làm ra dưới sự chỉ đạo của đảng. Điều này tiếp tục thui chột tính độc lập Quốc hội.

 

Thêm vào đó, luật Việt Nam không cung cấp đầy đủ nguồn lực về tài chính, nhân sự để đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu quả.

 

Từ năm 2021, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành bị sáp nhập với văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm suy yếu các hoạt động tham mưu cho các đại biểu Quốc hội.

 

Vai trò của đại biểu Quốc hội hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn trong hệ thống chính trị Việt Nam khi họ không được trao cho quyền lực tương xứng.

 

Quốc hội Việt Nam được thế giới gọi là Quốc hội “rubber-stamp”, tức là Quốc hội không độc lập, không có chính kiến, chỉ là nơi để đảng, chính phủ hợp thức hóa các văn bản luật. Ở Việt Nam, người dân gọi đại biểu là “nghị gật”, tức là ai đưa gì cũng gật đầu, cũng bấm nút thông qua.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats