Sunday, 29 December 2024

TỔNG THỐNG JIMMY CARTER, NGƯỜI KÝ ĐẠO LUẬT THAY ĐỔI 'SỐ PHẬN' NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN (Người Việt Online)

 



NỘI DUNG :

 

* Cựu Tổng Thống Jimmy Carter từ trần, thọ 100 tuổi


* Tổng Thống Carter, người ký đạo luật thay đổi ‘số phận’ người Việt tị nạn


* TT Jimmy Carter, đại ân nhân của hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt

 

* TT Jimmy Carter hy sinh vận mệnh chính trị chọn giải cứu thuyền nhân

 

 

=========================================================

 

Cựu Tổng Thống Jimmy Carter từ trần, thọ 100 tuổi

Người Việt Online
December 29, 2024 : 5:25 PM

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cuu-tong-thong-jimmy-carter-tu-tran-huong-tho-100-tuoi/#google_vignette

 

PLAINS, Georgia (NV) – Cựu Tổng Thống Jimmy Carter vừa từ trần tại nhà riêng vào chiều Chủ Nhật, 29 Tháng Mười Hai, 2024, thọ 100 tuổi.

 

Con trai của ông, Chip Carter, xác nhận vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 39 trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 45 phút.

 

Ông Carter, người sống lâu hơn bất cứ vị tổng thống Hoa Kỳ nào khác, được chăm sóc cuối đời tại quê nhà ở Plains, Georgia từ Tháng Hai năm 2023 sau mấy lần ngắn ngủi nằm bệnh viện.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/GettyImages-1043567870-1536x1024.jpg

Cựu Tổng Thống Jimmy Carter hôm 30 Tháng Chín, 2018 ở Atlanta, Georgia. (Hình: Scott Cunningham/Getty Images)

 

Là cư dân tiểu bang Georgia duy nhất từng được bầu vào Tòa Bạch Ốc, ông Carter rời chức vụ sau một nhiệm kỳ duy nhất với thành tích nổi bật là tạo lập hòa bình giữa Israel và Ai Cập, nhưng ánh hào quang này đã bị lu mờ vì cuộc khủng hoảng con tin Mỹ tại Iran.

 

Trong nhiều thập niên sau đó, danh tiếng của vị cựu tổng thống Mỹ đã gia tăng nhờ thành tích công việc của ông và phu nhân Rosalynn Carter tại Trung Tâm Carter ở Atlanta và các hoạt động từ thiện của ông, mà nổi bật nhất là qua tổ chức từ thiện Habitat for Humanity.

 

“Mọi người sẽ tôn vinh Jimmy Carter trong hàng trăm năm. Thanh danh của ông sẽ chỉ tăng lên mà thôi,” giáo sư môn lịch sử Douglas Brinkley của đại học Rice University viết trong cuốn “The Unfinished Presidential of Jimmy Carter.”

 

Cậu James Earl Carter Jr. sinh ra ở Plains vào ngày 1 Tháng Mười năm 1924 và là con đầu lòng trong số bốn người con của ông Earl Carter, một nông dân và doanh nhân, và bà Lillian Gordy Carter, một y tá chính ngạch.

 

Ông Carter được nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, rồi tốt nghiệp và gia nhập ngành tàu ngầm Hải Quân, nơi sau bảy năm ông được tuyển vào đoàn “Rickover’s boys,” một đơn vị tinh nhuệ trẻ trung của hạm đội tàu ngầm nguyên tử Mỹ do Đô Đốc Hyman Rickover sáng lập.

 

Sau khi thân phụ Earl qua đời, ông Carter rời Hải Quân và các nhiệm sở xa quê nhà như Hawaii để cùng phu nhân Rosalynn và gia đình quay lại Georgia vào năm 1953, kế tục công việc kinh doanh nông nghiệp của gia đình. Đây chính là nơi, lần đầu tiên, ông tranh cử vào hội đồng quản trị nhà trường, và sau đó là thượng nghị sĩ tiểu bang.

 

Ông được bầu làm thống đốc Georgia vào năm 1970, rồi sau đó được Đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử tổng thống và đánh bại Tổng Thống Cộng Hòa Gerald Ford vào Tháng Mười Một năm 1976.

 

Vào dịp lễ nhậm chức, ngày 20 Tháng Giêng năm 1977, thay vì ngồi xe limousine diễn hành qua đám đông dân chúng đón mừng, gia đình vị tân tổng thống, gồm ông bà Jimmy và Rosalynn cùng với ái nữ Amy, đã bước ra khỏi xe để cùng nhau đi bộ xuống Đại Lộ Pennsylvania, bắt tay và vẫy tay chào mọi người.

 

Sau khi Chiến Tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, hàng trăm ngàn người Việt Nam tìm cách vượt thoát chế độ Cộng Sản đi tìm tự do. Năm 1978, Tổng Thống Carter lúc bấy giờ ra lệnh cho chiến hạm Mỹ phải vớt các thuyền nhân lênh đênh trên biển. Khi con số người tỵ nạn tăng lên theo thời gian, Carter cho nhận vào Hoa Kỳ gấp đôi số người theo quy định hàng năm.

 

Quyết định này không được công chúng ủng hộ nhiều, theo cuộc thăm dò CBS và The New York Times lúc đó. Có tới 62% người Mỹ chống đối việc nhận thêm người tỵ nạn từ Đông Nam Á. Đến năm 1980, Tổng Thống Carter ký ban hành Đạo Luật Người Tỵ Nạn (Refugee Act), tạo nền tảng luật pháp giúp đỡ cho những người trốn chạy các chế độ bạo tàn khắp thế giới đến định cư tại Hoa Kỳ, trong đó có hằng trăm ngàn người Việt Nam vào những năm sau biến cố Tháng Tư năm 1975.

 

Từ những việc làm từ thiện qua Trung Tâm Carter cùng tổ chức Habitat for Humanity sau khi hết làm tổng thống và trở về đời sống dân dã, cựu Tổng Thống Carter đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình, Giải Thưởng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều giải thưởng đáng chú ý khác từ các quốc gia, tổ chức và các nhà lãnh đạo thế giới. Ngoài ra, cả hai vợ chồng nhà Carter còn được Tổng Thống Bill Clinton trao tặng Huy Chương Tự Do của Tổng Thống.

 

Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Rosalynn Carter, người vợ 77 năm của vị cựu tổng thống, qua đời vào Tháng Mười Một năm 2023. Hai vợ chồng nhà Carter giã từ trần thế, để lại các con, là Amy, Chip, Jack và Jeff, cùng với 11 cháu; và 14 chắt. (TTHN) [kn]

 

 

=============


Tổng Thống Carter, người ký đạo luật thay đổi ‘số phận’ người Việt tị nạn

Người Việt Online

December 29, 2024 : 5:20 PM

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/jimmy-carter/jimmy-carter-ky-dao-luat/#google_vignette

 

Lời Tòa Soạn: Dưới đây là bài phát biểu của Tổng Thống Jimmy Carter vào ngày 28 Tháng Mười, 1977, trước khi ký ban hành Đạo Luật HR 7769, cho phép những người Đông Dương (Việt Nam, Lào, và Cambodia) được thay đổi tình trạng “tạm dung” để trở thành “thường trú nhân,” chính thức định cư tại Hoa Kỳ, và là bước khởi đầu để họ được nộp đơn thi quốc tịch Mỹ.

 

Chào buổi sáng mọi người.

 

Hôm nay là một trong những ngày và là một trong những dịp mà đất nước chúng ta cố gắng tốt nhất để tiến về phía trước. Một trong những điều khó nhất đối với một quốc gia mạnh mẽ và đầy tự hào phải làm là thừa nhận sự cam kết của mình đối với một nguyên tắc chính trị khó khăn, ví dụ như cuộc đấu tranh cho con người.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/03/TS-Carter-Ky-Ban-Hanh-Luat.jpg

Tổng Thống Jimmy Carter ký một đạo luật hồi thập niên 1970. (Hình minh họa: Jimmy Carter Presidential Library)

 

Rất dễ để chúng ta rao giảng luân lý với các quốc gia khác, chỉ trích Nam Phi, chỉ trích Tiệp Khắc, quan tâm đến Đông Âu và Liên Xô, và nói về các tù nhân ở Chile.

 

Thế nhưng, khi chuyện đó xảy ra với đất nước chúng ta, chúng ta vô cùng tự hào với những thành tích quá khứ và thường là khó cho chúng ta thừa nhận sự cần thiết của lòng thương người cho chính chúng ta.

 

Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ thấy có bất cứ nhóm người tị nạn nào mà tôi biết, bị chiến tranh ảnh hưởng dữ dội, như những người Việt Nam, Lào, và Cambodia.


Và có những tranh cãi trong nước về việc chấp nhận những người này vào Mỹ.

 

Họ là những người không biết tiếng Anh, vì nó không phải là tiếng mẹ đẻ của họ. Họ phải tự bươn chải khi mới đến Mỹ, và họ sẽ phải học ngôn ngữ, học nghề, học văn hóa, tìm những việc làm vô cùng cạnh tranh và hiếm hoi.

 

Thế nhưng, Quốc Hội, một lần nữa, cho thấy chúng ta là một đất nước vĩ đại, không chỉ về quân sự và kinh tế, mà về cam kết thực hiện những nguyên tắc của chúng ta.

 

Dự luật này của Hạ Viện, mang số 7769, thừa nhận sự biết ơn cũng như sự chịu ơn của chúng ta. Hơn nữa, đây cũng là cam kết của chúng ta giúp người tị nạn có một cuộc sống tốt hơn. Họ là những người từ Đông Nam Á, đã ở đây trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và cả những người mới đến trong năm nay.

 

Dự luật này cho họ thêm cơ hội để học ngôn ngữ, học nghề, học văn hóa căn bản, được cố vấn, để tìm việc làm.

 

Dự luật cũng cho họ quy chế thường trú nhân hợp lệ sau hai năm. Hầu hết họ đã ở Mỹ lâu rồi và bắt đầu có thể nộp đơn xin nhập tịch.

 

Tôi nghĩ dự luật này là một bước tiến lớn. Mặc dù phải mất năm năm mới được xin nhập tịch, dự luật này đặt người tị nạn căn bản là ngang hàng với những người đến đất nước chúng ta để làm lại cuộc đời.

 

Thêm vào đó, tôi rất mừng là dự luật cung cấp cho chúng ta một phương tiện, với sự hỗ trợ lớn lao của Bộ Tài Chính, Bộ Ngoại Giao, và chính quyền địa phương, những cơ quan đã cung cấp ngân sách một cách đặc biệt giúp những người tị nạn này.

 

Và bây giờ, dự luật này tạo ra căn bản tài chính được bảo đảm, để cuối cùng có thể hoàn tất chương trình này, trong lúc những người tị nạn hội nhập vào xã hội chúng ta, và để họ sẽ được chăm sóc một cách đúng mức.

 

Vì thế, với một niềm hoan hỷ vô cùng lớn, tôi sẽ ký ban hành Dự Luật Hạ Viện HR 7769.
Đây là dự luật cung cấp nhân quyền cho người tị nạn Đông Nam Á.

 

Tôi xin đặc biệt cảm ơn những thành viên Quốc Hội sau lưng tôi đây. Họ là những người làm việc cật lực cho dự luật này. Tôi không có ý định nêu tên tất cả, nhưng tôi vô cùng biết ơn họ.

 

Và tôi tin rằng, dự luật này là một ví dụ điển hình, trong tinh thần tốt đẹp, về những gì đất nước chúng ta đại diện.

 

[Sau đó, Tổng Thống Carter ký ban hành Đạo Luật HR 7769]. (Đ.D.)

 

 

=========================

 

 

TT Jimmy Carter, đại ân nhân của hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

December 29, 2024 : 2:32 PM

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tt-jimmy-carter-dai-an-nhan-cua-hang-tram-ngan-thuyen-nhan-viet/

 

WESTMINSTER, California (NV) – Hiện tại, trong số hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt từng là thuyền nhân có bao nhiêu người còn nhớ hoặc biết được rằng chính cựu Tổng Thống Jimmy Carter đã nỗ lực vận động, khẩn nài người dân, và thuyết phục các chính trị gia đối lập mở rộng vòng tay đón nhận họ vào định cư tại Mỹ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hồi thập niên 1970.

 

Chính Tổng Thống Jimmy Carter là người ra lệnh tăng gấp đôi số thuyền nhân gốc Việt được nhập cảnh hồi Tháng Sáu, 1979, và cũng chính ông là người đã ký Đạo Luật Refugee Act of 1980 mở rộng cửa đón người Việt vượt biên vào Mỹ.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/TS-carter-1.jpeg

Cựu Tổng Thống Jimmy Carter trong một lần tranh cử năm 1976. (Hình: Central Press/Getty Images)

 

Quyết định tăng gấp đôi số thuyền nhân Việt nhập cảnh

 

Tối Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 1979, Tổng Thống Carter thông báo trước quốc dân quyết định tăng gấp đôi số thuyền nhân Đông Đương nhập cảnh vào Mỹ. Đây là một phần trong thỏa thuận đạt được tại Tokyo, Nhật, với bảy quốc gia khác trong nỗ lực cứu vớt người vượt biên.

Và Mỹ là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh thực hiện, các quốc gia còn lại khác là Nhật, Canada, Anh, Pháp, Tây Đức, và Ý.

 

Như vậy, nước Mỹ mỗi tháng sẵn sàng “rước” 14,000 thuyền nhân lúc đó đang sống lây lất tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

 

Quyết định nhân đạo trên của Tổng Thống Carter đòi hỏi chính phủ của ông phải tìm ra thêm nguồn tiền khoảng $150 triệu/năm trước mắt để thực hiện, vào thời điểm mà ngân sách Mỹ vốn đã phải chi ra khoảng $200 triệu/năm cho chương trình cứu thuyền nhân sẵn có.

 

Để có được ngân sách này, một loạt vận động khác cần phải tiến hành để Quốc Hội thông qua luật mới, tiếp tục duy trì chính sách cứu thuyền nhân. 

 

Các phần sau của bài viết sẽ đề cập hoàn cảnh ai vận động, ai là người ký ban hành đạo luật này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/TS-vuot-bien-2-1536x1002.png

Cảnh thuyền nhân Việt được chiến hạm USS Durham vớt. (Hình: USNA)

 

Dù đang tranh cử, Carter vẫn vận động cứu thuyền nhân

 

Trong thời điểm chỉ còn khoảng hơn một năm đến ngày bầu cử năm 1980, giữa lúc người Mỹ quan tâm đến công ăn việc làm vì nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng suy thoái từ hậu quả chiến tranh Việt Nam, ông Carter khi đi vận động phải liều lĩnh thuyết phục cử tri bỏ qua lo lắng mà tỏ lòng nhân từ đón nhận thuyền nhân Việt đang bơ vơ “vô tổ quốc” tại các trại tị nạn.

 

“Tôi muốn nhắc nhở quý đồng bào rằng Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ là một xứ sở di dân. Chúng ta là một đất nước di dân,” cựu Tổng Thống Carter mở lời với cử tri trong một buổi vận động tại vùng nông thôn tiểu bang Iowa vào ngày 23 Tháng Tám, 1979, theo bài viết “President Makes Appeal for Asian Boat People” (Tổng thống khiếu nại dùm thuyền nhân Châu Á), đăng trên nhật báo Washington Post.

 

Trong lúc đang tìm cách thuyết phục các nông gia Iowa chấp nhận chính sách đón thuyền nhân Việt, một sinh viên tên Scott Kelsay trong số cử toạ đặt vấn đề “di dân lấy mất việc làm,” cựu tổng thống kiên nhẫn trả lời: “Những thuyền nhân Đông Nam Á này là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ phải rời bỏ đất nước đã tước đi các quyền cơ bản của họ. Đây là những người tin vào giá trị cá nhân, sáng kiến cá nhân, và tự do cá nhân. Những thuyền nhân này cùng nhân sinh quan với chúng ta hơn chế độ cộng sản đã tước đi đất nước họ.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/TS-carter-2-1536x1081.jpeg

Tổng Thống Jimmy Carter cùng gia đình trong ngày tuyên bố tái tranh cử. (Hình: Consolidated News/AFP via Getty Images)

 

“Vì vậy, tôi hy vọng tất cả người Mỹ sẽ nhận ra rằng chính gia đình của quý vị đã đến đất nước này nhiều năm trước để mưu cầu cuộc sống, đây cũng chính xác là điều mà những người tị nạn Việt Nam đang tìm kiếm hiện nay,” Tổng Thống Carter nói.

 

Trong buổi vận động này, ông Carter tìm cách lập luận tiếp nhận thuyền nhân không phải là vấn đề quá lớn mà người Mỹ khó lòng vượt qua.

 

Ông nói: “Hiện chỉ có 220,000 người tị nạn (số liệu thời điểm 1979), tỉ lệ là 1/1,000 so với dân số Mỹ. Có nghĩa là có tới 1,000 người Mỹ giúp đỡ một người tị nạn Việt Nam trong vài tuần lễ mà thôi.”

 

Vị tổng thống ca ngợi người tị nạn gốc Việt rằng: “Họ là những người đi tìm tự do, dân chủ. Những người Việt đi trước đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng họ là những người khao khát học ngôn ngữ của chúng ta để hoà nhập. Đặc biệt phải nói là họ đã chứng minh rằng đây là những người muốn tự lực cánh sinh.”

 

 

Đạo Luật Tị Nạn 1980

 

Tổng Thống Carter ký ban hành Đạo Luật Tị Nạn (Refugee Act of 1980) ngày 17 Tháng Năm, 1980.

 

Đạo luật này ra đời trong hoàn cảnh có cuộc khủng hoảng do làn sóng người vượt biển và đường bộ từ Việt Nam và Cambodia đến các quốc gia láng giềng trong vùng Đông Nam Á.

 

Theo ước tính, vào thời điểm 1979, có khoảng hơn 300,000 thuyền nhân và người đi đường bộ có mặt tại các trại tị nạn.

 

Những sắc lệnh của tổng thống ban hành từng đợt để đưa thuyền nhân Việt nhập cảnh vào Mỹ có những hạn chế, chẳng hạn như vấn đề ngân sách, quy chế di trú, và chương trình hội nhập, khiến các cơ quan hành chánh gặp nhiều trở ngại. Do đó, cần một đạo luật có hiệu lực lâu dài để giới chức hành pháp linh hoạt giải quyết.

 

Đặc biệt, Đạo Luật Tị Nạn cho phép gia tăng gần gấp ba lần số thuyền nhân vào Mỹ, từ 17,500/năm lên 50,000/năm.

 

Tác giả của đạo luật cứu giúp thuyền nhân này là cố Thượng Nghị Sĩ Ted Kennedy (Dân Chủ-Massachusetts).

 

Đồng bảo trợ đạo luật là 11 thượng nghị sĩ Dân Chủ và ba thượng nghị sĩ Cộng Hoà.

 

Đạo luật được lưỡng viện Quốc Hội với đại đa số là Dân Chủ thông qua.  Trước đó, đạo luật được thông qua ở Hạ Viện ngày 4 Tháng Ba, 1980 và ở Thượng Viện ngày 6 Tháng Chín, 1980.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/TS-kennedy-1536x1028.jpeg

Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy hồi thập niên 1970. (Hình: Washington Bureau/Getty Images)

 

Khi nói đến cố Thượng Nghị Sĩ Kennedy về vấn đề liên quan đến người tị nạn Việt Nam, không thể không nhắc đến chính ông cũng là người vận động cho dự luật HR 6755 cho phép người tị nạn Đông Dương vào Mỹ và cung cấp nửa tỷ đô la giúp họ hội nhập.

 

Đặc biệt, đáng lưu ý nữa là chính Thượng Nghị Sĩ Kennedy là người vận động đạo luật HR 7769 để thay đổi quy chế nhập cảnh “Tạm Dung” (parole status) thành quy chế “Tị Nạn” (refugee status) cho người “di tản” Việt năm 1975, được trở thành “thường trú nhân” chính thức để có cơ hội nhập quốc tịch Mỹ.

 

Uống nước nhớ nguồn?

 

Nước Mỹ không tự nhiên đón nhận hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt vượt biển sống lây lất tại các trại tị nạn ở vùng Đông Nam Á vào thời điểm cuối thập niên 1970, như nhiều người Mỹ gốc Việt sau này ngộ nhận.

 

Để cho người Việt “di tản” hay “thuyền nhân vượt biển” vào nước Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ phải linh hoạt, uyển chuyển áp dụng luật cho từng giai đoạn, nhưng phương cách đó chỉ là tạm thời. Cần phải có luật quy định rõ ràng cho trường hợp người tị nạn Việt nhập cảnh và định cư.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/02/TS-carter-4-1536x1024.jpeg

Các cựu tổng thống (từ trái), George HW Bush (cha), George W Bush (con), Jimmy Carter, Bill Clinton, và Barack Obama nhân dịp gây quỹ cứu trợ bão năm 2017. (Hình: Jim Chapin/AFP via Getty Images)

 

Để có được một đạo luật như thế phải có các chính trị gia có lòng với người tị nạn Việt dùng mọi nỗ lực vận động, thuyết phục đồng viện và dân chúng Mỹ đồng ý.

 

Nhưng lại càng khó khăn hơn, khi cần phải đưa ra một dự luật mà phải chi thêm tiền trước mắt, để cưu mang người tị nạn giữa lúc kinh tế Mỹ khó khăn như giai đoạn cuối thập niên 1970 . 

 

Như vậy mới biết công khó của những người vận động cho những đạo luật nhân đạo cứu thuyền nhân Việt.

 

Đặc biệt, tấm lòng của cựu Tổng Thống Carter, dù đang tranh cử vẫn phải cố thuyết phục cử tri chấp thuận chính sách tiếp đón người tị nạn Việt giữa lúc người Mỹ đang sợ di dân lấy mất việc làm họ trước thời điểm kinh tế bị suy thoái thời hậu chiến cuộc Việt Nam. [đ.d.]

 

-----------------


TT Jimmy Carter hy sinh vận mệnh chính trị chọn giải cứu thuyền nhân

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

December 29, 2024 : 5:22 PM

 https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tt-jimmy-carter-hy-sinh-van-menh-chinh-tri-chon-giai-cuu-thuyen-nhan/#google_vignette

 

WASHINGTON, DC (NV) – Hiếm có tổng thống Mỹ nào chọn một chính sách nhân đạo nhưng bất lợi về mặt chính trị, đặc biệt trong thời điểm tranh cử. Cựu Tổng Thống Jimmy Carter là nhân vật hiếm hoi này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-jim-carter-1-1536x1024.jpeg

Cựu Tổng Thống Jimmy Carter có mặt tại Violet, Louisiana, nhân ngày tổ chức từ thiện Habitat for Humanity do ông sáng lập xây căn nhà thứ 1,000 cho nạn nhân bão lụt hồi năm 2007. (Hình: Chris Graythen/Getty Images)

 

Chính sách mà ông Carter tin là nhân đạo và lẽ phải nhưng không được lòng cử tri Mỹ, trong thời điểm kinh tế khó khăn, đó là tiếp nhận di dân.

 

Thời điểm mà ông Carter cần vận động tái tranh cử lại là lúc toàn thế giới chú ý đến khủng hoảng thuyền nhân gốc Việt vượt biên bỏ nước ra đi và sống bơ vơ ở những trại tị nạn ở các quốc gia vùng Đông Nam Á.

 

Vận động cử tri Mỹ chấp nhận thuyền nhân Đông Nam Á giữa lúc kinh tế suy thoái

 

Nửa cuối thập niên 1970, kinh tế Mỹ trong tình trạng khó khăn vì hệ quả cuộc chiến Việt Nam, với giá gần 60,000 quân nhân tử trận.

 

Nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Carter (1977-1981) nằm trong giai đoạn khốn đốn này.

 

Khi tranh cử cho nhiệm kỳ thứ nhì (1980-1984), thử thách lớn nhất tại nội địa nước Mỹ là nền kinh tế yếu kém, kéo theo tình trạng thất nghiệp và lạm phát.

 

Người Mỹ cần việc làm và không muốn nhận thêm di dân khiến tranh mất việc làm của họ.

 

Dù trước tình cảnh khó khăn như thế, Tổng Thống Carter khi tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ nhì vẫn cố thuyết phục cử tri Mỹ chấp thuận nhận thêm “thuyền nhân” tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-jim-carter-2-1536x1061.jpeg

Tổng Thống Jimmy Carter hồi năm 1976. (Hình: Central Press/Getty Images)

 

Ông Kai Bird, người viết tiểu sử cho Tổng Thống Carter, tác giả cuốn sách “The Outlier: The Unfinished Presidency of Jimmy Carter,” nhận định rằng ông Carter rất hiểu việc mình phải trả giá về mặt chính trị vì những quyết định trái với ý muốn cử tri. Thế nhưng ông Carter không ngần ngại làm những gì ông ấy cho là đúng.

 

Điều này thể hiện rõ nhất vào mùa Hè năm 1979, khi ông đưa ra các chính sách mà các cuộc khảo sát cho thấy rằng đa số người Mỹ không tán thành.

 

Tuy nhiên nhờ những đạo luật của ông Carter, hàng trăm ngàn người chạy trốn khỏi các quốc gia đàn áp chính trị, như người miền Nam Việt Nam không chấp nhận chế độ Cộng Sản Bắc Việt, có cơ hội đến nước Mỹ. Để rồi có hàng triệu người được định cư ở Mỹ khi ông mãn nhiệm.

 

Người Mỹ phản đối, ông Carter vẫn làm

 

Cuối thập niên 1970 giữa lúc nước Mỹ vật vã vì lạm phát và thất nghiệp, cảnh tượng ở phía bên kia bán cầu thật tàn khốc.

 

Làn sóng “thuyền nhân” với hàng trăm ngàn người ở Đông Nam Á tìm cách chạy trốn các chính phủ độc đảng bằng đường biển. Người Việt chiếm đại đa số trong số những “thuyền nhân” này.

 

Cuộc khủng hoảng thuyền nhân này bắt đầu trước khi ông Carter nhậm chức. Trong nhiệm kỳ của ông, làn sóng vượt biên càng trầm trọng thêm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-jim-carter-3-1536x1002.png

Cảnh thuyền nhân Việt được chiến hạm USS Durham vớt. (Hình: USNA)

 

Năm 1978, Tổng Thống Carter ra lệnh cho các tàu Mỹ đón những người tị nạn vượt biển bằng thuyền. Một năm sau, số lượng các cuộc chạy trốn như vậy tăng lên, theo CNN.

 

Tối Thứ Sáu, 29 Tháng Sáu, 1979, Tổng Thống Carter thông báo trước quốc dân quyết định tăng gấp đôi số “thuyền nhân” Đông Nam Á nhập cảnh vào Mỹ, đây là một phần trong thoả thuận đạt được tại Tokyo, Nhật, với bảy quốc gia khác trong nỗ lực cứu vớt người vượt biên. Và Mỹ là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh thực hiện, các quốc gia còn lại khác là Nhật, Canada, Anh, Pháp, Tây Đức, và Ý.

 

Như vậy, nước Mỹ mỗi tháng sẵn sàng “rước” 14,000 “thuyền nhân” đang phải sống lây lất tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

 

Các bản tin hồi đó nhận định rằng nhờ hành động mạnh mẽ của Tổng Thống Carter mà khiến thúc đẩy các quốc gia hàng đầu khác thực hiện tương tự.

 

Đây là quyết định không được ủng hộ về mặt chính trị

 

Tác giả Hà Thu Hương trong bài viết năm 2016 trên trang tin Quartz dẫn chứng một khảo sát từ CBS và The New York Times cho thấy 62% người Mỹ không tán thành quyết định của Tổng Thống Carter.

 

Một cuộc thăm dò khác từ Gallup cho thấy 57% người Mỹ phản đối việc chính phủ nới lỏng chính sách nhập cư cho những người tị nạn từ Đông Nam Á.

 

Bất chấp những ý kiến này, ông Carter vẫn thực hiện chính sách của mình.

 

Trong bài phát biểu của Tổng Thống Jimmy Carter vào ngày 28 Tháng Mười, 1977, trước khi ký ban hành Đạo Luật HR 7769, cho phép những người Đông Dương (Việt Nam, Lào, và Cambodia) được thay đổi tình trạng “tạm dung” để trở thành “thường trú nhân,” chính thức định cư tại Hoa Kỳ.

 

Ông nói: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ thấy có bất cứ nhóm người tị nạn nào mà tôi biết, bị chiến tranh ảnh hưởng dữ dội, như những người Việt Nam, Lào, và Cambodia.”

 

Ông Carter biết rõ thực tế là: “Và có những tranh cãi trong nước về việc chấp nhận những người này vào Mỹ,” nhưng vị tổng thống vẫn quyết định: “Chúng ta sẵn sàng thể hiện lòng trắc ẩn đặc trưng của người Mỹ khi đối mặt với những cuộc khủng hoảng nhân đạo như vậy. Hàng ngàn người đang bị đe dọa tính mạng.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-jim-carter-4.jpeg

Cảnh hàng chục người vượt biên trên con thuyền mong manh. (Hình: Vietnamese Heritage Museum)

 

Câu chuyện gia đình thuyền nhân gốc Việt được tự do nhờ ‘hy sinh chính trị’ của ông Carter

 

Bà Bee Nguyễn, cựu dân biểu Georgia, kể với CNN rằng quyết định của ông Carter là điều mà gia đình bà không bao giờ quên.

 

Bà kể rằng mẹ mình là người phi chính trị, còn cha là người bảo thủ. Ở nhà họ, Tổng Thống Carter là chính trị gia duy nhất mà cha mẹ mình đều nhắc đến với sự tôn trọng và quý mến, vì hành động của ông làm thay đổi cuộc đời họ. Điều này vẫn kéo dài cho đến ngày nay.

 

Năm 1978, thân sinh bà Bee Nguyễn vượt biên bằng đường biển, sau đó họ được một ngư dân Thái Lan cứu và ở trong trại tị nạn Thái Lan nhiều tháng. 

 

Nhờ chính sách tiếp nhận thêm “thuyền nhân” của ông Carter, gia đình này được đi Mỹ, đến Iowa vào năm 1979. 

 

Vài năm sau, bà Bee Nguyễn chào đời. 

 

Những gì nghe được về ông Carter, hay về ông Robert Ray, thống đốc đảng Cộng Hòa lúc đó của Iowa, người cũng ủng hộ chính sách chào đón người tị nạn, hình thành nên quan điểm của bà Bee Nguyễn về nước Mỹ.

 

Đối với bà Bee Nguyễn, ở thời điểm hiện nay, lập trường của ông Carter và các chính trị gia khác cũng quan trọng không kém thời điểm cha mẹ bà mới đến Mỹ ngày đầu.

 

“Chúng ta cần nhớ và cần nhìn nước Mỹ từ góc độ giá trị và luật lệ. Chúng ta từng nghe hứa hẹn rằng nước Mỹ là điểm đến an toàn cho những người đang trốn chạy tìm tự do, những người bị đe dọa mạng sống,” bà Bee Nguyễn cho hay.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-jim-carter-6-1536x1025.jpeg

Cựu Dân Biểu Tiểu Bang Bee Nguyễn (phải) (Dân Chủ), Địa hạt 89 Georgia. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

 

Hàng trăm ngàn “thuyền nhân” được vào Mỹ và trở thành công dân nhờ ông Carter

 

Vào thời điểm 1979, có khoảng hơn 300,000 thuyền nhân và người đi đường bộ có mặt tại các trại tị nạn.

 

Những sắc lệnh của Tổng Thống Carter ban hành từng đợt để đưa thuyền nhân Việt nhập cảnh vào Mỹ có những hạn chế, chẳng hạn như vấn đề ngân sách, quy chế di trú, và chương trình hội nhập, khiến các cơ quan hành chánh gặp nhiều trở ngại. Do đó, cần một đạo luật có hiệu lực lâu dài để giới chức hành pháp linh hoạt giải quyết.

 

Tổng Thống Carter ký ban hành Đạo Luật Tị Nạn (Refugee Act of 1980) ngày 17 Tháng Năm, 1980, đạo luật này cho phép gia tăng gần gấp ba lần số thuyền nhân vào Mỹ, từ 17,500/năm lên 50,000/năm.

 

Trong lần đi tranh cử tại vùng nông thôn tiểu bang Iowa vào ngày 23 Tháng Tám, 1979, theo bài viết “President Makes Appeal for Asian Boat People” (Tổng thống khiếu nại dùm thuyền nhân Châu Á), đăng trên nhật báo Washington Post.

 

Cử tri chất vấn ông Carter về vấn đề “di dân lấy mất việc làm,” cựu tổng thống cố thuyết phục: “Những thuyền nhân Đông Nam Á này là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ phải rời bỏ đất nước đã tước đi các quyền cơ bản của họ. Đây là những người tin vào giá trị cá nhân, sáng kiến cá nhân, và tự do cá nhân. Những thuyền nhân này cùng nhân sinh quan với chúng ta hơn chế độ cộng sản đã tước đi đất nước họ.”

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-jim-carter-5-1536x1016.jpeg

Một nhóm người Việt tị nạn biểu tình kêu gọi cứu “thuyền nhân” tại New York năm 1979. (Hình: FPG/Archive Photos/Getty Images)

 

Trong buổi vận động này, ông Carter tìm cách lập luận tiếp nhận thuyền nhân không phải là vấn đề quá lớn mà người Mỹ khó lòng vượt qua.

 

Ông nói: “Hiện chỉ có 220,000 người tị nạn (số liệu thời điểm 1979), tỉ lệ là 1/1,000 so với dân số Mỹ. Có nghĩa là có tới 1,000 người Mỹ giúp đỡ một người tị nạn Việt Nam trong vài tuần lễ mà thôi.”

 

Vị tổng thống ca ngợi người tị nạn gốc Việt rằng: “Họ là những người đi tìm tự do, dân chủ. Những người Việt đi trước đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng họ là những người khao khát học ngôn ngữ của chúng ta để hoà nhập. Đặc biệt phải nói là họ đã chứng minh rằng đây là những người muốn tự lực cánh sinh.”

 

Phần lớn di sản cứu giúp di dân trong nhiệm kỳ của ông Jimmy Carter, vị tổng thống thứ 39, không nhận được chú ý, ngay cả cộng đồng “thuyền nhân” đã được ổn định và thành công tại Mỹ.

 

Các chính sách cứu di dân của cựu Tổng Thống Carter vẫn đang định hình đường lối của nước Mỹ sau nhiều thập niên ông rời Tòa Bạch Ốc.

 

Tuy nhiên các chính sách nhân bản đó lại không giúp ông tái đắc cử. [kn]

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats