Monday, 30 December 2024

VÀI Ý NGHĨ QUANH CHUYỆN GIẢI NOBEL NHÂN BÀI VIẾT CỦA MỘT NHÀ THƠ (Thái Hạo / Facebook)

 



Vài ý nghĩ quanh chuyện giải Nobel nhân bài viết của một nhà thơ  

Thái Hạo

29-12-2024  22:19    

https://www.facebook.com/thai.hao.531046/posts/pfbid0hgXvfwR5xBjqR56iqkCsMB4U1Sb9TYRVWRDZShtqnrXaAUzXn6yMu9fJFan2Jjbol

 

Đêm qua, tình cờ đọc được bài viết “Tấn công” Hội Nhà văn Việt Nam, thù hận hay đố kỵ?" của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đăng trên Website của Hội Nhà văn Việt Nam, mà cứ tủm tỉm cười mãi.

 

Tôi không rõ có ai tấn công HNV hay không, tôi cũng không để tâm đến lối viết mang tính chụp mũ rất quen thuộc kiểu dlv không nên có ở một nhà thơ và cũng chẳng đáng phải nhắc lại, nhưng hơi chú ý đến một số phát biểu khá hài hước về văn học và nhà văn của tác giả Nguyễn Hữu Quý.

 

Ví dụ, ông viết:

 

"Ai đó nữa, cũng đừng ngạo nghễ đem giải Nobel ra để mạt sát hay hù doạ các nhà văn Việt Nam. Giải thưởng ấy dù danh giá thật, lẫy lừng thật nhưng suy cho cùng nó cũng là giải thưởng của một tổ chức, một hội đồng thôi. Người được giải Nobel chưa chắc đã xứng đáng đại diện cho nền văn học của một dân tộc. Nguyễn Du không Nobel mà vẫn rất Việt Nam và nhân loại".

 

Câu này làm tôi nhớ đến phát biểu của Chủ tịch HNV Việt Nam hồi tháng 10 vừa rồi, "Tôi cũng muốn nói với họ rằng giải Nobel không phải là đích đến của một nhà văn. Nhà văn trẻ không nên viết văn vì giải Nobel. Chúng ta viết văn vì đích đến mà chỉ chúng ta mới biết nó cần ở đâu".

 

Đúng thế, chẳng mấy người viết văn mà lại ngớ ngẩn đặt mục đích là giải Nobel cả, vì nó quá xa xôi, quá khó và quá hiếm là một nhẽ, nhẽ khác là người viết như đói thì ăn, khát thì uống, tức một nhu cầu hết sức tự nhiên, thế thôi. Nobel chỉ là một sự công nhận đến sau và dường như chẳng liên quan gì tới động cơ của kẻ viết cả. Nhưng điều đáng nói là dù thế, phải thấy rằng Nobel là một giải thưởng danh giá nhất mà thông qua nó, một nhà văn được định vị trên bản đồ toàn cầu của những người ưu tú và xuất chúng nhất. Cũng qua đó, người ta thấy mức độ trưởng thành của nền văn học một quốc gia.

 

Không mấy người nghĩ hoặc "dám nghĩ" đến giải Nobel cả, nhưng hầu như ai cũng tỏ thái độ ngưỡng mộ và sự thừa nhận đầy lòng tôn trọng. Thái độ của nhà thơ Việt Nam ở trên thì dường như ngược lại, kiểu bĩu môi "nho còn non và xanh lắm!", ta chả thèm!

 

Người ta chỉ coi thường một thứ gì đó khi nó không đáng giá hoặc vì bản thân thừa sức có được mà không thèm nhận. Đằng này... Đó là một thói kiêu ngạo rất trẻ con (xin lỗi trẻ con, vì các cháu thường thật thà chứ hiếm khi kiêu ngạo giả tạo).

 

Những phát biểu trên đây của các vị trong HNV lại làm tôi nhớ tới một nhà văn đương đại nổi tiếng của Hàn Quốc cách đây 12 năm, Kim Young Ha. Ông nói, khát khao Nobel của Hàn Quốc là ước vọng dễ hiểu của một nền văn học muốn được thừa nhận. Bởi, nó phản ánh hy vọng, ngôn ngữ của mình sẽ được ghi nhận trong lĩnh vực đòi hỏi cao nhất là văn chương (dẫn theo VnExpress). Người ta giàu có như thế, phát triển như thế, văn học họ "có số má" như thế, vậy mà vẫn thua xa các nhà thơ VN vì không có được cái thái độ rất oách như các ông da vàng bà con trong khu vực. Ước gì họ có được chút kiêu hãnh như các nhà thơ xứ ta, thì có phải đã sang chảnh hơn không! Nhưng may cho Hàn Quốc, vì cũng có chút an ủi để chuộc lại cái sự "háo danh" rất thô lỗ mà họ từng công khai thèm khát, là 2024 Han Kang đã đoạt giải Nobel, không thì nhục với các nhà thơ VN rồi...

 

À, xin nhắc nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, thể lệ của Nobel là chỉ trao cho các tác giả đang sống. Nguyễn Du chết năm 1820 mà giải Nobel mãi năm 1901 mới ra đời thì trao thế nào được mà trao! Vả lại, ông nói thế dễ khiến người đọc hiểu lầm rằng những người không đoạt giải Nobel đều xứng đáng đại diện cho "tâm hồn dân tộc" cả! Nói về Nguyễn Du thì còn phần nào có thể, nhưng các vị sao lại ngầm đánh đồng mình với ông ấy vì cũng giống nhau là đều không đoạt giải Nobel! Vả lại, Nguyễn Du vào HNV khi nào mà kéo ông ấy vào cùng mâm? Tội nghiệp ông ấy chứ!

 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý còn viết: "Muôn đời văn học mang trong nó tâm hồn và bản lĩnh dân tộc mình, để khi đi đến tận cùng cái đó ta sẽ gặp nhân loại bao la. Ai sẽ làm điều ấy ngoài các nhà văn!". Ôi, người ta làm như nếu không có các nhà văn thì dân tộc đó không có tâm hồn, bản lĩnh và không thể "gặp được nhân loại bao la" vậy! Đúng là "chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng" phát biểu có khác, hùng hồn và tự tin vô song.

 

Làm thơ thì cứ làm, viết văn cứ viết, nếu thấy vui thích, sao phải kiễng chân lên mãi nhỉ. Cứ thù tạc với nhau trong xóm trong thôn, sáng tác ra mấy bài vần vè du dương, đọc vài câu lúc cao hứng rồi cùng uống hết nửa lít cuốc lủi với ổi xanh và lăn ra ngủ, như thế cũng sướng mà, đâu cần phải "anh hùng làng này cóc thằng nào bằng tao"? Nó mất sướng đi chứ...

 

Bài viết của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: https://vanvn.vn/tan-cong-hoi-nha-van-viet-nam-thu-han.../?

 

 T.H.

Tác giả gửi BVN

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats