Friday, 27 December 2024

TẤN CÔNG UKRAINE, 'MÓN QUÀ GIÁNG SINH' CỦA PUTIN & TRUMP CHO KIEV (Kalynh Ngô / Người Việt)

 



Tấn công Ukraine, ‘món quà Giáng Sinh’ của Putin và Trump cho Kiev

Kalynh Ngô/Người Việt

December 26, 2024 : 7:02 PM

 https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tan-cong-ukraine-mon-qua-giang-sinh-cua-putin-va-trump-cho-kiev/

 

Không đếm được là bao nhiêu lần, từ giữa Tháng Ba, 2023, đến ngày đắc cử tổng thống, ông Donald Trump đã khẳng định ông “có thể ngừng cuộc chiến Ukraine trong vòng một ngày.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/A1-Tan-cong-Ukraine-Putin-Trump-1536x1022.jpg

Một phụ nữ Ukraine nhìn vào ngôi nhà bị đổ sập của hàng xóm do Nga tấn công bằng máy bay không người lái ở Kharkiv, vào ngày 25 Tháng Mười Hai, ngay trong lễ Giáng Sinh. (Hình: Sergey Bobok/AFP via Getty Images)

 

Tháng Năm, 2023, tại khán phòng của CNN, ông Trump đã hứa nếu được chọn, ông sẽ “kết thúc chiến tranh Ukraine trong vòng một ngày.” Lời hứa này được dùng nhiều lần trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, và là một vũ khí để tấn công chính quyền Tổng Thống Joe Biden và đối thủ ứng cử. Thậm chí là câu nhấn mạnh trong những lần xuất hiện ở các tiểu bang vận động: “Nếu có một ‘tổng thống thực sự’ ở Hoa Kỳ – người được Tổng Thống Nga Vladimir Putin tôn trọng – thì Moscow đã không xâm lược Ukraine vào Tháng Hai, 2022.”

 

Đáp lại tuyên bố “như cơm bữa” của ông Trump, hôm 1 Tháng Bảy, ông Vassily Nebenzia, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, trả lời Reuters: “Cuộc khủng hoảng Ukraine không thể được giải quyết trong một ngày.”

 

Mới nhất là vào Chủ Nhật, 22 Tháng Mười Hai, khi phát biểu tại Turning Point AmericaFest ở Phoenix, Arizona, ông Trump nói: “Tôi sẽ kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Tôi sẽ chấm dứt sự hỗn loạn ở Trung Đông. Và tôi sẽ ngăn cản, tôi hứa, Đệ Tam Thế Chiến. Chúng ta đang tiến rất gần đến Đệ Tam Thế Chiến.”

 

Trong suốt buổi diễn văn, do Fox News trực tiếp, ông Trump cũng nói rằng ông muốn gặp ông Putin để bàn thảo.

 

Lời cam kết lạc quan này đã trở thành một điệp khúc quen thuộc, với việc tổng thống đắc cử khẳng định rằng mình có đủ khả năng để đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán và buộc phải ngừng bắn. Kết quả ông Trump quay lại Tòa Bạch Ốc đã làm dấy lên rất nhiều suy đoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình.

 

Ông Michael Mcfaul, giáo sư Khoa Học Chính Trị, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Nga (2012-2014), tự tin trên tờ Foreign Affairs rằng việc ông Trump tái đắc cử hiện trao cho ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, nhiều quyền tự do hơn để tham gia vào các cuộc đàm phán.

 

Giữa Tháng Mười Một, truyền thông cho biết ông Zelensky có cuộc nói chuyện viễn liên với ứng cử viên Donald Trump, và tổng thống Ukraine đã vui mừng nói “chiến tranh sẽ kết thúc nhanh hơn dưới triều đại của Trump, khi Trump là tổng thống,” CNN trích dẫn.

 

Suốt ba năm qua, Tổng Thống Zelensky đã lặn lội khắp năm châu bốn bể để tìm đường cứu đất nước. Ông mong muốn, khẩn nài thế giới ủng hộ một hiệu lệnh ngừng chiến, lấy lại hòa bình cho dân tộc mình nhưng không phải chấp nhận đầu hàng, bán nước.

 

Tuy nhiên, các điều kiện trên thực địa không có lợi cho một thỏa thuận. Chiến tranh thường kết thúc theo hai cách: một bên chiến thắng, một bên chấp nhận thua, hoặc bế tắc. Ở Ukraine, không bên nào có vẻ gần với chiến thắng, và cuộc chiến vẫn chưa dừng lại.

 

Nếu ông Trump cắt viện trợ cho Ukraine, ông Putin sẽ có “động lực” để tiếp tục chiến đấu, không chấm dứt cuộc xâm lược phi quân sự của mình. “Các đội quân đang tiến công hiếm khi ngừng chiến đấu khi đối thủ của họ sắp yếu đi,” theo quan điểm của Giáo Sư Mcfaul. “Nếu Putin cảm thấy rằng Trump và nội các mới đang cố gắng xoa dịu Điện Kremlin, ông ta sẽ trở nên hung hăng hơn chứ không giảm đi.”

 

“Món quà Giáng Sinh” vô nhân đạo

 

Thực tế là, một ngày không chiến tranh ở Ukraine cũng không có, đừng nói là “chấm dứt chiến tranh trong một ngày” như lời hứa của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump.

 

“Món quà Giáng Sinh của Nga dành cho Ukraine: hơn 70 hỏa tiễn và 100 máy bay không người lái, nhắm vào các gia đình Ukraine đang tề tựu ăn mừng lễ trong nhà của họ và những nhà máy điện giúp họ giữ ấm trong mùa Đông. Trong mùa lễ thứ ba, Nga biến mùa Đông thành vũ khí.” Đây là nội dung tin nhắn đăng trên danh khoản X chính thức của bà Bridget A. Brink, đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine.

 

Các nhà ngoại giao Anh và Hoa Kỳ đã đồng loạt lên án cuộc tấn công lớn của Nga vào Ukraine ngay trong đêm Giáng Sinh. Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hạ 113 mục tiêu. Quân đội Nga đã tấn công các nhà máy điện của Ukraine ở các vùng Kharkiv, Kiev, Dnipro, Poltava, Zhytomyr, Ivano-Frankivsk và Zaporizhzhia. Nhiều gia đình Ukraine ở những thành phố phải bị hạn chế nguồn điện.

 

Bộ Ngoại Giao Anh gọi cuộc tấn công quy mô của Nga vào đêm Giáng Sinh là “vô nhân đạo.”

 

“Putin đã chọn Giáng Sinh để tấn công những thường dân vô tội ở Ukraine. Zelensky nói đúng, điều đó là vô nhân đạo. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ đứng về phía họ trong ngày này và những ngày khác,” Bộ Ngoại Giao Anh cho biết trong một tuyên bố.

 

Cây Giáng Sinh “bất khả chiến bại” ở quảng trường St. Sophia

 

Người dân Ukraine trải qua một mùa Giáng Sinh thứ ba ngập tràn trong chiến tranh. Cuộc chiến phi nhân đạo, phi quân sự của ông Putin như đám mây đen che phủ không khí mùa lễ hội lớn nhất trong năm trên đất nước xinh đẹp này. Có rất nhiều ghế trống cạnh chiếc bàn tiệc gia đình, đó là chỗ ngồi của những người vắng mặt vì đang ở tiền tuyến, hoặc đã chết vì chiến tranh. Những đường phố từng giăng đèn hoa rực rỡ những năm trước đã bị thay bằng đống gạch đá hoang tàn đổ nát vì những trận pháo kích.

 

Ngày 19 Tháng Mười Hai, 2022, ở trung tâm quảng trường St. Sophia, Kiev, một cây Giáng Sinh đơn độc, giản dị với biểu tượng hình đinh ba Ukraine trên đỉnh được dựng lên. Đây là cây thông chính, biểu tượng cho lễ Giáng Sinh của Ukraine.

 

Những năm trước, chỉ ánh sáng từ cây Giáng Sinh này thôi cũng có thể tỏa khắp quảng trường. Năm nay, cây thông Noel không to lớn, không sang trọng, cũng không rực rỡ như những mùa đã qua. Phủ quanh thân cây là sương mù, chỉ hai màu đèn xanh, vàng chạy bằng máy phát điện dầu diesel đặt gần đó. Trên cành cây, vật trang trí (ornament) đơn giản là những chú chim bồ câu trắng – tượng trưng cho hy vọng hòa bình của Ukraine.

 

Các tòa nhà xung quanh quảng trường St. Sophia chìm trong bóng tối, chỉ có một vài ánh sáng đơn độc phát ra từ các cửa sổ nhỏ. Lúc đó, Ukraine hứng chịu đợt mất điện mới nhất do các cuộc tấn công không ngừng bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các nhà máy điện trên khắp đất nước.

 

Như những giọt nước mắt cho Kiev, như sự đồng cảm tuyệt đối hướng về người dân Ukraine, mạng xã hội truyền cho nhau những bức ảnh của nhiều năm trước ở quảng trường St. Sophia và các khu vực lịch sử khác của Kiev. Trong ảnh là không khí lễ hội rộn ràng, náo nhiệt của siêu thị, tụ điểm vui chơi, mua sắm mùa Giáng Sinh. Dây đèn lấp lánh màu sắc giăng khắp các tòa nhà.

 

Tháng Mười Hai, 2022, gần một nửa tổng số nhà máy điện của Ukraine đã bị phá hủy, khiến 6 triệu người dân không có điện trong mùa Đông lạnh giá, nhiệt độ thường xuyên xuống tới âm 10 độ C. Người dân ở thành phố tiền tuyến Kherson, nơi quân đội Ukraine đã giành lại được từ quân Nga, phải di tản vì Nga tiếp tục bắn phá từ bên kia sông Dnipro.

 

Đêm 25 Tháng Mười Hai, 2023, mạng xã hội X lan truyền một video về hai người trong trang phục quân đội Ukraine đến trước quảng trường St. Sophia, người đàn, người hát ca khúc Shchedryk gần nhà thờ St. Sophia ở Kiev. Thời tiết lạnh buốt của mùa Đông và sự hoang tàn do chiến tranh không ngăn được tiếng đàn và tiếng hát của họ, cao vút.

 

Ông Mykola Leontovych, nhạc sĩ người Ukraine, đã viết một giai điệu cách đây hơn 100 năm. Sau chuyến lưu diễn Âu Châu của dàn hợp xướng Ukraine năm 1919 và chuyến lưu diễn tại Mỹ năm 1922, ông Shchedryk nổi tiếng trên toàn thế giới. Một nhạc sĩ người Mỹ đã ghi danh bản quyền và viết lời bài hát của riêng mình, gọi đó là “Carol of the Bells.”

 

Năm 2024, đúng vào đêm 25 Tháng Mười Hai, ông Putin đã “tặng” cho người dân của đất nước xinh đẹp này một “món quà” tang tóc, giữa lúc hàng triệu gia đình đang quây quần bên nhau trong ngày lễ. Giữa lúc đó, cây Giáng Sinh ở quảng trường St. Sophia vẫn kịp thắp lên gam màu xanh lam hy vọng, để người dân Ukraine được quây quần tận hưởng mùa lễ hội thiêng liêng của dân tộc họ.

 

Ông Sebastien Surun, phó đại sứ Pháp ở Ukraine, viết trên X: “Dù cho chiến tranh và báo động xảy ra liên tục, phép màu vẫn hiện hữu nơi này. Quảng trường St. Sophia hình như vẫn cố thủ, như nó đã thế từ năm 1036. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến những người chiến đấu vì chủ quyền và tự do của Ukraine, và những nạn nhân các cuộc chiến tranh của Nga.”

 

Lời hứa “ngừng chiến trong một ngày” của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump vẫn còn xa vời. [qd]

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats