Sunday, 29 December 2024

TỪ SQUID GAME TỚI BLACKPINK : CON ĐƯỜNG HÀN QUỐC TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC VĂN HÓA (BBC News Tiếng Việt)

 



 

Từ Squid Game tới BlackPink: Con đường Hàn Quốc trở thành cường quốc văn hóa

BBC News Tiếng Việt

30 tháng 12 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqx8p90r0zeo

 

Evan Barringer mới 14 tuổi khi anh tình cờ xem Full House, một bộ phim hài lãng mạn Hàn Quốc về hai người lạ buộc phải sống chung một căn nhà.

 

Trong ngôi nhà của mình tại thành phố Memphis (Mỹ), Evan bấm xem phim vì tưởng rằng đó là phiên bản châu Á của một sitcom nổi tiếng tại Mỹ thời thập niên 1980.

 

Tới tận tập thứ ba anh mới nhận ra là hai bộ phim ngoài tên ra thì chẳng có gì giống nhau. Đến lúc đó thì Evan đã quá mê Full House rồi.

 

Lựa chọn tình cờ ấy đã thay đổi cuộc đời Evan.

 

12 năm sau đó, Evan đã trở thành giáo viên tiếng Anh tại Hàn Quốc và anh chia sẻ rằng anh rất thích đất nước này: "Tôi được thử tất cả món ăn tôi thấy trong phim Hàn Quốc và được xem nhiều buổi diễn của các ca sĩ K-pop, những người có các bài hát mà khi xưa tôi đã dùng để luyện tiếng Hàn."

 

Khi Evan khám ra Full House vào năm 2012, ngành giải trí Hàn Quốc chỉ như một điểm sáng mờ nhạt trong mắt quốc tế. Bài hát Gangnam Style của Psy là sản phẩm K-pop nổi tiếng nhất ở nước ngoài vào thời điểm đó.

 

Hiện nay, ngành giải trí Hàn Quốc ước tính có hơn 220 triệu người hâm mộ trên khắp thế giới. Con số này lớn gấp bốn lần dân số Hàn Quốc.

 

Squid Game (Trò chơi con mực), bộ phim nổi tiếng nhất từ trước đến nay của Netflix, vừa ra mắt mùa thứ hai được mong đợi lâu nay.

 

Vì sao Hàn Quốc có thể đạt được thành tựu này?

 

Theo một số chuyên gia, thứ gọi là Làn sóng Hàn Quốc đã lan tỏa toàn cầu khi có sự kết hợp giữa thành công của streaming (nền tảng truyền phát trực tuyến) với những giá trị sản xuất lấy cảm hứng từ Mỹ.

 

Ngành giải trí Hàn Quốc, từ âm nhạc, phim tình cảm sướt mướt cho đến các tác phẩm gây tiếng vang với những chủ đề phổ quát, vốn đã sẵn sàng cho điều đó.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/1f03/live/f9992450-c5aa-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.jpg.webp

Các ban nhạc K-pop, như Blackpink, hiện rất được khán giả quốc tế ưa chuộng

 

BTS và Blackpink giờ đã là hai cái tên quen thuộc trên sân khấu nhạc pop thế giới.

 

Người hâm mộ xem những bộ phim truyền hình đầy cảm xúc Hàn Quốc ở khắp nơi, từ Dubai, Ấn Độ đến Singapore.

 

Doanh thu quốc tế từ các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc – gồm cả trò chơi điện tử – hiện lên tới hàng tỷ đô la.

 

Vào tháng trước, sau khi nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Han Kang được trao Nobel Văn chương, các diễn đàn trực tuyến xuất hiện đầy ảnh chế về "Chiến thắng Văn hóa" của Hàn Quốc – một gợi nhắc đến loạt trò chơi điện tử nổi tiếng Civilisation.

 

Ngoài ra cũng có những câu đùa về việc Hàn Quốc đã hiện thực hóa ước mơ của ông Kim Koo, vị cha già lập quốc từng nổi tiếng với câu nói rằng ông mong muốn Hàn Quốc trở thành một quốc gia văn hóa chứ không phải quốc gia có quân lực mạnh.

 

Hóa ra, khoảnh khắc này đã được chuẩn bị trong nhiều năm qua.

 

 

Thời cơ chín muồi

 

Sau khi chế độ độc tài quân sự của Hàn Quốc chấm dứt vào năm 1987, kiểm duyệt được nới lỏng và hàng loạt kênh truyền hình ra đời.

 

Chẳng mấy chốc đã xuất hiện một thế hệ những người sáng tạo trưởng thành với sự ngưỡng mộ Hollywood và hip-hop, theo bà Hye Seung Chung, phó giáo sư khoa Nghiên cứu Điện ảnh Hàn Quốc tại Đại học Buffalo (Mỹ).

 

Cũng trong khoảng thời gian đó, Hàn Quốc nhanh chóng trở nên giàu có nhờ sự bùng nổ của xuất khẩu ô tô và đồ điện tử.

 

Và các tập đoàn khổng lồ, còn gọi là chaebol, đổ tiền vào việc sản xuất phim và sản phẩm truyền hình, khoác lên ngành công nghiệp này vẻ ngoài hào nhoáng của Hollywood.

 

Từ đó, các đại công ty này sở hữu phần lớn ngành công nghiệp, từ việc sản xuất phim cho đến rạp phim. Do đó, họ sẵn lòng đầu tư mạnh vào việc làm phim mà không quá lo lắng về việc thua lỗ, Giáo sư Chung nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/fae7/live/1eefdb90-c5ab-11ef-a0f2-fd81ae5962f4.jpg.webp

Ngành giải trí Hàn Quốc cũng góp phần thu hút khách du lịch

 

K-pop trở thành cơn sốt nội địa vào giữa thập niên 90, góp phần vào sự thành công của những nhóm nhạc như HOT và Shinhwa.

 

Điều này đã thúc đẩy các công ty quản lý nhân tài ở Hàn Quốc mô phỏng hệ thống quản lý nghệ sĩ khắc nghiệt của Nhật Bản.

 

Họ chiêu mộ và ký hợp đồng thời hạn nhiều năm với các tài năng trẻ, thường là thiếu niên, nhằm xây dựng những thần tượng "hoàn hảo" có hình ảnh thuần khiết và danh tiếng được kiểm soát chặt chẽ.

 

Sau khi bén rễ, hệ thống này đã khiến K-pop chuyển mình, tạo ra ngày càng nhiều các thần tượng.

 

Tới những năm 2000, các phim truyền hình Hàn Quốc và K-pop đã trở thành cơn sốt ở Đông Á và Đông Nam Á.

 

Nhưng chính streaming đã mang chúng ra thế giới, biến chúng thành một phần cuộc sống của bất kỳ ai có điện thoại thông minh.

 

Đó là lúc công cụ đề xuất vào cuộc. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt lòng hâm mộ văn hóa Hàn Quốc, để rồi đưa người xem từ chương trình này tới chương trình khác với chủ đề đa dạng và trên khắp các nền tảng khác nhau.

 

 

Cái lạ và cái quen

 

Evan kể rằng mình đã xem một lèo 16 tập phim, với thời lượng mỗi tập một tiếng, của Full House.

 

Evan rất thích cách bộ phim chậm rãi xây dựng mối quan hệ lãng mạn, từ những cuộc cãi vã vui nhộn tới sự thu hút dành cho nhau, khác với những chương trình truyền hình Mỹ mà anh biết.

 

"Tôi hào hứng với từng sự khác biệt văn hóa tôi thấy – tôi nhận thấy họ không đi giày ở trong nhà," anh nhớ lại.

 

Vậy nên Evan tiếp tục xem thử những bộ phim hài lãng mạn của Hàn Quốc do Netflix gợi ý.

 

Không lâu sau, anh nhận ra mình đang ngâm nga nhạc phim Hàn Quốc và say đắm K-pop.

 

Giờ đây, Evan bắt đầu xem các chương trình tạp kỹ, một loại chương trình truyền hình thực tế có diễn viên hài tham gia để cùng nhau vượt qua các thử thách.

 

Khi khám phá những chương trình được đề xuất, người hâm mộ đắm chìm trong một thế giới vừa lạ vừa quen – một thế giới có sự hiện diện của kimchi jjigae, món canh kimchi hầm cay, và kalguksu, món mì ăn cùng hải sản và rong biển.

 

Khi tới Hàn Quốc lần đầu, Mary Gedda đã đi kiếm món kimchi jjigae do đã nhiều lần thấy cảnh các ngôi sao ăn món này trên màn ảnh.

 

"Tôi đã khóc [khi ăn món đó]. Cay khiếp," cô kể. "Tôi đã nghĩ vì sao mình lại gọi món này cơ chứ? Trong các chương trình tôi xem, họ ăn món này một cách dễ dàng."

 

Mary là một cô nàng người Pháp muốn trở thành diễn viên và hiện đang sống ở Seoul. Thoạt tiên là người hâm mộ K-pop, Mary sau đó đã khám phá ra K-drama và học tiếng Hàn.

 

Cô cũng đã đóng một số vai quần chúng. "Tôi đã gặp may và thực sự yêu thích điều đó," cô nói.

 

Đối với Mary, ẩm thực có vai trò quan trọng trong sự hấp dẫn của K-drama do cô đã thấy được rất nhiều món ăn khác nhau trong các bộ phim.

 

Chứng kiến cảnh nhân vật xây dựng các mối quan hệ qua ẩm thực là một điều thân thuộc, Mary nói, giải thích rằng do cô lớn lên tại vùng nông thôn Burgundy của Pháp.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2d65/live/7bfc0c50-c5ab-11ef-a2ca-e99d0c9a24e3.jpg.webp

Mary học tiếng Hàn sau khi khám phá ra K-pop và K-drama

 

Ngoài ra còn là những hứa hẹn lãng mạn - cơn gió đã đưa Marie Namur từ quê hương Bỉ tới Hàn Quốc.

 

Cô bắt đầu xem K-drama một cách ngẫu hứng sau khi thăm Hàn Quốc, nhưng cho biết mình tiếp tục vì "nói chung là bị tất cả những chàng trai Hàn Quốc đẹp trai đó cuốn hút."

 

"[Đó là] những câu chuyện tình không tưởng giữa một anh chàng đại gia và một cô gái, thường là nghèo, và bạn biết đó, anh chàng này luôn xuất hiện để giúp đỡ cô gái. Nó thực sự khiến bạn có một giấc mơ."

 

Tuy nhiên, kịch bản của những phim này chủ yếu là do phụ nữ Hàn Quốc viết – vậy nên chính trí tưởng tượng, hoặc mộng tưởng, của họ đã thu hút sự chú ý (và trái tim) của những người phụ nữ khác trên khắp thế giới.

 

Khi ở Seoul, Marie nói rằng mình "được đối xử như một quý cô", điều mà "đã lâu rồi không xảy ra", nhưng nói rằng trải nghiệm hẹn hò không thực sự giống những gì cô tưởng tượng.

 

"Tôi không muốn trở thành một bà nội trợ. Tôi muốn tiếp tục làm việc. Tôi muốn được tự do. Tôi muốn [có thể] đi hộp đêm với lũ bạn gái của mình nếu muốn, ngay cả khi tôi đã kết hôn hoặc đang trong một mối quan hệ, và đó là điều rất nhiều anh chàng ở đây không muốn."

 

Theo Giáo sư Chung, người hâm mộ quốc tế thường tìm kiếm một thế giới thay thế do thất vọng với xã hội của mình.

 

Những câu chuyện tình yêu thuần khiết, với những người hùng đẹp trai, chu đáo và hào hiệp, đang thu hút một lượng lớn khán giả nữ, khiến họ quay lưng với nền giải trí Mỹ mà họ cho rằng quá phóng khoáng trong vấn đề tình dục.

 

Và khi sự bất bình đẳng xã hội trở thành một chủ đề mạnh mẽ hơn trong các bộ phim và chương trình Hàn Quốc – như Parasite (Ký sinh trùng) và Squid Game – chúng thu hút được những khán giả quốc tế thất vọng với chủ nghĩa tư bản và chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng ở quốc gia của mình.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4383/live/960f0160-c5ab-11ef-aff0-072ce821b6ab.jpg.webp

Một cảnh trong Love Next Door - bộ phim truyền hình Hàn Quốc lãng mạn phổ biến trên các nền tảng streaming

 

Cuộc theo đuổi khán giả quốc tế cũng đem đến thách thức. Việc sử dụng ngày càng nhiều tiếng Anh trong các bài hát K-pop đã nhận về một số chỉ trích.

 

Và giờ đây, mặt trái của ngành công nghiệp này cũng đang bị chú ý, ví dụ như áp lực khổng lồ mà các ngôi sao phải đối mặt để trở nên hoàn hảo hoặc những đòi hỏi mà ngành công nghiệp cực kỳ cạnh tranh này đưa ra.

 

Một số nhà sáng tạo đứng sau những bộ phim đình đám đã lên tiếng rằng mình bị bóc lột và phàn nàn việc không được trả công xứng đáng.

 

Dù vậy, vẫn thật tuyệt vời khi thấy thế giới chú ý đến Hàn Quốc, Giáo sư Chung nói.

 

Bà lớn lên trong một Hàn Quốc ngột ngạt, nơi những người chỉ trích chính phủ thường xuyên bị đe dọa hoặc thậm chí bị sát hạt. Bà đã tìm kiếm lối thoát trong những bộ phim Mỹ.

 

Khi Parasite ra rạp ở thị trấn nhỏ của Mỹ nơi bà Chung sinh sống, bà nhìn thấy sự thích thú trong mắt những người đi xem phim khác, hệt như cảm xúc của bà khi xem phim Hollywood lúc còn nhỏ: "Thật tuyệt khi tình yêu của chúng ta được đáp lại."

 

-------------------------------------

Tin liên quan

·         

Bê bối tình dục K-Pop: Phanh phui và bị quấy rối

20 tháng 5 năm 2024

·         

Từ người đào tẩu Triều Tiên thành nhà thiết kế thời trang: 'Tôi tìm thấy tự do từ những chiếc quần jeans rách'

19 tháng 10 năm 2024

·         

Taylor Swift tác động ra sao tới bầu cử Mỹ?

21 tháng 10 năm 2024

·         

Hương bay ngược gió: Vì sao sách về sư Minh Tuệ bị cấm phát hành?

27 tháng 12 năm 2024

·         

Đăng bài mạng xã hội phải xác thực số điện thoại: không gian biểu đạt bị bóp nghẹt?

25 tháng 12 năm 2024

·         

Vụ nổ khiến 12 quân nhân Quân khu 7 thiệt mạng: do sét hay bất cẩn?

23 tháng 12 năm 2024

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats