Tuesday, 31 December 2024

ĐOÀN THANH NIÊN, HỘI PHỤ NỮ, HỘI CỰU CHIẾN BINH : VÌ SAO TỒN TẠI CÁC TỔ CHỨC NÀY? (Luật Khoa Tạp Chí)

 



Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh: Vì sao tồn tại các tổ chức này?

Luật Khoa tạp chí
December 28 202412:00 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/12/video-doan-thanh-nien-hoi-phu-nu-hoi-cuu-chien-binh-vi-sao-ton-tai-cac-to-chuc-nay/

 

Việt Nam có năm tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn Việt Nam và Hội Cựu chiến binh.

 

VIDEO : Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh: Vì sao tồn tại các tổ chức này?

 https://www.youtube.com/watch?v=HYWal-EPpoQ

 

Tại Việt Nam, bạn sẽ bị chính quyền cản trở nếu làm những công việc cộng đồng một cách có tổ chức, ví dụ từ thiện, dạy tiếng Anh, hay thậm chí là dọn rác. Đơn giản là vì bạn không có tư cách pháp nhân.

 

Để làm những việc này, trong nhiều trường hợp, bạn sẽ phải hợp tác với những cơ quan như Đoàn Thanh Niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ hay Hội Nông dân, v.v. Những tổ chức này được gọi chung là các tổ chức chính trị - xã hội và hiện diện ở khắp các cấp hành chính, từ trung ương cho đến xã, phường.

 

Tuy nhiên, loại tổ chức này, ngày nay, chỉ có ở vài nước trên thế giới, điển hình như Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên. Nhưng những tổ chức này thật sự có chức năng gì?

 

Theo Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam có quyền lãnh đạo toàn diện, kiểm soát toàn bộ xã hội. Tuy nhiên, đảng chỉ có 5,3 triệu đảng viên, tức khoảng 18 người dân thì mới có một người là đảng viên đảng Cộng sản.

 

Với số lượng này, có người cho rằng làm sao đảng có thể kiểm soát toàn diện xã hội.

 

Tuy nhiên, vấn đề còn nằm ở một hệ thống hội nhóm đồ sộ do đảng lập ra. Và đây là các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Việt Nam có năm tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn Việt Nam và Hội Cựu chiến binh.

 

Và cơ quan giữ vai trò liên minh, liên hiệp các tổ chức này là Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt Nam.

 

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, từ năm 2011 - 2014, các tổ chức chính trị xã hội này có khoảng 42,5 triệu hội viên.

 

Con số này còn chưa kể đến số hội viên của 28 hội được gọi chung là “các tổ chức đặc thù” hoạt động trên phạm vi cả nước, trực thuộc MTTQ Việt Nam.

 

Ví dụ như Hội Nhà báo, Hội Sinh viên, Hội Khuyến học, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, v.v.

 

Số lượng thành viên của “các tổ chức đặc thù” đến nay chưa được công bố đầy đủ, nhưng có thể lên đến hàng chục triệu người. Đơn cử, năm 2022, Hội Người cao tuổi đã có 9,7 triệu thành viên. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh, thành còn có các hội đặc thù khác, ước tính có hơn 71.000 hội hoạt động ở phạm vi địa phương.

 

Tham gia vào hệ thống này, còn có Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, đảng có vai trò đặc biệt hơn hết các tổ chức khác. Đảng vừa là thành viên nhưng cũng vừa là lãnh đạo của MTTQ Việt Nam.

 

Nhắc đến MTTQ Việt Nam, có lẽ độc giả từng nghe đến cụm từ “đại đoàn kết" hay đầy đủ hơn là “khối đại đoàn kết dân tộc”. Vậy cụm từ này có nghĩa gì?

 

Tại các nước cộng sản, chính quyền luôn ám ảnh về sự bất đồng trong xã hội, nhất là bất đồng về chính sách của đảng.

 

Do đó, để giảm thiểu sự bất đồng này, các tổ chức quần chúng được thành lập rộng rãi khắp cả nước, nhằm duy trì sự đồng thuận và đoàn kết của người dân đối với các chính sách của đảng.

 

Đây chính là quan điểm của nhà cách mạng cộng sản Lênin. Năm 1902, trong bài viết “Những gì cần phải làm?”, Lênin cho rằng mục đích của việc xây dựng các tổ chức quần chúng rộng rãi trong xã hội là tạo ra sự liên kết lỏng lẻo giữa các thành viên, khác với tổ chức đảng. Điều này nhằm hình thành những "vòng tròn" kết nối các thành phần dân chúng với nhau.

 

Những tổ chức quần chúng này chính là “cánh tay nối dài” của đảng đến với người dân.

 

Tại Việt Nam, MTTQ và các tổ chức thành viên được Hiến pháp công nhận vai trò: làm cầu nối giữa đảng và người dân, được nhà nước cấp ngân sách hằng năm.

 

Năm 2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ước tính có hơn 330.000 người làm việc cho những tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đặc thù.

 

Trong khi đó, số lượng công chức nhà nước vào cuối năm 2021 là khoảng 230.000 người.

 

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng ước tính rằng chi phí hoạt động của những tổ chức này dao động từ 45.600 tỷ đồng đến hơn 68.100 tỷ đồng trong năm 2014, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 14.000 tỷ đồng.

 

Mặc dù gánh lấy vai trò rất quan trọng là làm cầu nối giữa đảng và dân, tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng là rất mơ hồ.

 

Một phần vấn đề nằm ở ngân sách hoạt động. Tổng ngân sách của các tổ chức quần chúng dù có lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng thì cũng giống như muối bỏ bể, đối với một hệ thống quá khổng lồ của nó.

 

Theo nghiên cứu vào năm 2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, hầu hết các tổ chức không thể hoạt động một cách hiệu quả, do hầu hết ngân sách được ấp đã dùng để trả lương. Có tổ chức tại cơ sở chỉ có đủ kinh phí cho ba tháng đầu năm.

 

Về mặt lý thuyết, MTTQ và các tổ chức thành viên có quyền tham gia phản biện, giám sát, đối với chính phủ và chính quyền địa phương, tham dự vào quy trình làm luật ở Quốc hội. Nhưng đến nay vai trò này cũng khá mờ nhạt.

 

Một phần vì các tổ chức này không có đủ nguồn lực và năng lực để tham gia một cách hiệu quả. Mặt khác, những tổ chức này luôn nghiêng về phía chính quyền hơn là người dân.

 

Việc duy trì bộ máy đồ sộ của các tổ chức quần chúng dường như còn có một vai trò khác là kiểm soát xã hội.

 

Năm 2020, chính quyền công khai danh mục bí mật nhà nước. Theo đó, Hội Cựu chiến binh và Hội Nông dân có vai trò theo dõi, báo cáo các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Hội Phụ nữ có vai trò bố trí thành viên của mình tại các khu vực có điểm nóng về dân tộc và tôn giáo.

 

Một vai trò khác đáng lưu ý của những tổ chức này là cản trở quyền tự do hiệp hội của người dân.

 

Chính quyền quy định rằng sẽ không cấp phép thành lập một hội khi đã có một hội khác đang hoạt động trên cùng một lĩnh vực tại một địa bàn.

 

Các tổ chức quần chúng nhà nước cho đến nay đã tạo ra một hệ sinh thái độc chiếm ở hầu hết các lĩnh vực, tại hầu hết các địa bàn.

 

Hơn mười năm qua, từ khi thông qua Hiến pháp năm 2013, chính quyền vẫn chưa thông qua luật về hội. Trong khi đó, các tổ chức quần chúng thì hoạt động độc quyền ở nhiều lĩnh vực dù hiệu quả hoạt động không thực sự thuyết phục.

 

Cảm ơn bạn đã bạn dành thời gian cho Luật Khoa Tạp chí. Để cập nhật các thông tin phân tích mới nhất về luật, chính trị, mời bạn bấm theo dõi kênh, cũng như đăng ký đọc các bài báo mới nhất qua email tại đường link trên màn hình. Hẹn gặp bạn ở video kế tiếp!

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats