Friday, 13 December 2024

CẦN CHẤM DỨT NGAY MỘT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH CAO NGẠO! (Phạm Đình Trọng | Báo Tiếng Dân)

 



Cần chấm dứt ngay một chương trình truyền hình cao ngạo!

Phạm Đình Trọng  |  Báo Tiếng Dân

13/12/2024

https://baotiengdan.com/2024/12/13/can-cham-dut-ngay-mot-chuong-trinh-truyen-hinh-cao-ngao/

 

Không như bản tin thời sự, ghi hình lúc chiều, lập tức gấp gáp cắt cúp hình ảnh, biên tập nội dung thông tin vừa thời lượng bản tin rồi ngay buổi tối được phát lên sóng truyền hình.

 

Những chương trình truyền hình chuyên sâu về đời sống xã hội con người như Vua Tiếng Việt được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp bài bản, chặt chẽ, được thực hiện như một bộ phim tài liệu, có kịch bản, có thời gian làm tiền kì, hậu kì kĩ càng, qua nhiều cửa xét duyệt từ đề tài chương trình đến nội dung kịch bản. Quá trình thực hiện được các ban, bệ nghiệp vụ nhà đài chỉ đạo, được cả hội đồng cố vấn do nhà đài thành lập với những tên tuổi ở các tháp ngà khoa học có học vị, học hàm cao làm cố vấn về chuyên ngành của đề tài, bảo đảm chương trình đúng chính trị, đẹp về văn hoá và bổ ích, lí thú về nội dung.

 

Chương trình Vua Tiếng Việt giúp người yêu tiếng Việt hiểu được đúng ngữ nghĩa tiếng Việt, thấy được sự giầu có, tinh tế của tiếng Việt nhằm tôn vinh tiếng Việt là nội dung giải trí với người chơi nhưng với đài truyền hình quốc gia VTV và với người làm chương trình, tôn vinh giá trị những hạt kim cương tiếng Việt lấp lánh còn là một trách nhiệm chính trị.

 

Chương trình truyền hình của đài truyền hình quốc gia VTV là tiếng nói chính thức của nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.

 

Bản tin thời sự là tiếng nói chính trị của nhà nước về những sự việc xảy ra hàng ngày trong đời sống xã hội ở trong nước và trên thế giới. Dù thời gian làm tin gấp gáp cũng không được phép thông tin sai sự thật, không được thông tin trái với lập trường, quan điểm chính trị của nhà nước. Đó là trách nhiệm chính trị của chương trình thời sự.

 

Chương trình truyền hình quốc gia về đời sống sinh hoạt xã hội là tiếng nói văn hoá của một xã hội, là vóc dáng tâm hồn của một cộng đồng dân cư, của một dân tộc, là nét đặc sắc của một nền văn hoá dân gian, một dòng chảy folklor. Có thời gian dài thực hiện, được những cấp uỷ đảng chỉ đạo về chính trị, được những học hàm, học vị chót vót là quân sư về trí tuệ, chương trình truyền hình về đời sống văn hoá xã hội dù chỉ là một show giải trí nhưng không phải là trò giải trí nôm na mách qué ở đầu đường, xó chợ, ở quán nước vỉa hè, không phải giải trí bằng diễu cợt, hạ thấp đời sống văn hoá tinh thần của một cộng đồng dân cư mà làm đẹp tâm hồn con người và làm phong phú đời sống văn hoá xã hội. Đó là trách nhiệm chính trị của các chương trình văn hoá xã hội, trách nhiệm chính trị của chương trình Vua Tiếng Việt.

 

Nhưng Vua Tiếng Việt đã liên tục, bền bỉ sai sót kéo dài từ năm này sang năm khác, làm thô thiển, nghèo nàn, méo mó tiếng Việt. Người yêu tiếng Việt, am hiểu tiếng Việt bị xúc pham nặng nề. Mang nỗi đau, nỗi xót xa cho tiếng Việt, người yêu tiếng Việt không thể làm ngơ, đã bền bỉ, chân thành lên tiếng nhắc nhở nhưng Vua Tiếng Việt vẫn cao ngạo phớt lờ và vì hiểu biết tiếng Việt nông cạn, hạn hẹp nên vẫn tự tin kiên trì và liên tục phô trương sai sót.

 

Nhiều Facebooker, nhiều bài báo đã chỉ ra những sai sót của Vua Tiếng Việt. Chỉ xin nhắc lại vài bằng chứng về sự hiểu biết quá thiếu hụt, kém cỏi, nông cạn về tiếng Việt làm nghèo, làm thô thiển, làm hỏng nặng nề tiếng Việt của Vua Tiếng Việt.

 

Từ những sai sót rất sơ đẳng chỉ học trò tiểu học kém thông minh lại lơ đãng, lười biếng mới mắc phải. Nhà văn Thạch Lam một đời viết văn là một đời chăm chút tiếng Việt, chăm chút khám phá tâm hồn người Việt trong sinh hoạt, trong đời sống, trong lời ăn tiếng nói người Việt, trong cảnh sắc quê hương đất nước Việt Nam. Chương trình Vua Tiếng Việt can thiệp làm sai chính tả một câu văn của nhà văn Thạch Lam rồi thách thức người chơi sửa lại cho đúng. Chỉ một đoạn ngắn “Mặt trời chiếu rực dỡ rải sông, một buổi chiều êm ả và bao la” trong câu văn Thạch Lam được Vua Tiếng Việt dẫn ra đã chềnh ềnh hai từ sai chính tả là “dỡ” trong “mặt trời chiếu rực dỡ” và “rải” trong “rải sông” nhưng Vua Tiếng Việt chỉ coi “dải sông” mà viết “rải sông” là sai. Còn “rực rỡ” chỉ học trò tiểu học vô tâm, ngọng ngịu mới đến nỗi viết là “rực dỡ” lại được Vua Tiếng Việt coi là đúng, được giữ nguyên. Tiếng Việt thân thiết của người Việt, tiếng Việt óng ả của Thạch Lam bị viết sai tệ hại như vậy là một sự sỉ nhục với nhà văn của hồn Việt, nhà văn Thạch Lam. Một sự sỉ nhục với tất cả những người đang nói tiếng Việt ở Việt Nam và trên thế giới.

 

Đến vốn hiểu biết tiếng Việt ít ỏi, nông cạn của Vua Tiếng Việt đã làm sai lệch, biến dạng, hời hợt, hư hỏng cả ca dao tục ngữ thâm thuý, sâu sắc của dân gian. Sáng tạo câu tục ngữ khái quát việc thợ xẻ thủ công căng sợi dây tẩm mực tàu bật vào cây gỗ, vạch đường thẳng mực tàu cho lưỡi cưa xẻ vào lòng gỗ: “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”, dân gian lại liên tưởng giữa đường thẳng mực tàu và lời nói ngay để triết lí, suy ngẫm về lẽ đời:

 

Nét mực thẳng, hay đau lòng gỗ

 

Lời nói ngay, trái lỗ tai người

 

Lưỡi cưa theo vạch mực thẳng xẻ vào lòng gỗ, vì vậy phải là “Nét mực thẳng”. “Nét mực thẳng” ở hàng trên tiếp liền đến “Lời nói ngay” ở hàng dưới đã tạo ra cặp đối xứng đẹp cổ điển. Đẹp đến sững sờ. Đẹp như những cặp câu đối sơn son thếp vàng trong ngôi đền thiêng văn hoá dân gian. Nhưng vốn văn hoá nhân văn không đủ sâu, không đủ tinh tế tương xứng với sự tinh tế của tiếng Việt, hiểu tiếng Việt hời hợt, nông cạn, thô thiển, Vua Tiếng Việt đã biến “Nét mực thẳng” thành “Nét mực chẳng”, biến câu tục ngữ dân gian mang triết lí thâm trầm thành một câu xộc xệch, chủng chẳng, ngớ ngẩn, phá vỡ cả tiết tấu uyển chuyển, nhịp nhàng của cặp ngôn từ tiếng Việt lung linh:

 

Nét mực chẳng hay đau lòng gỗ

 

Lời nói ngay, trái lỗ tai người.

 

Làm hỏng câu tục ngữ dân gian có triết lí thâm trầm, có vẻ đẹp cổ điển thành câu ngớ ngẩn và chương trình truyền hình VTV đã đưa cái sai ngớ ngẩn của Vua Tiếng Việt lên sóng truyền hình quốc gia phủ sóng cả nước! Đó là một thảm hoạ văn hoá âm thầm nhưng vô cùng to lớn vì nhân danh đài truyền hình quốc gia, Vua Tiếng Việt đang truyền bá, đang rao giảng thứ tiếng Việt méo mó, thô thiển, nghèo nàn. Làm hỏng tiếng Việt rồi Vua Tiếng Việt lan truyền, gieo vãi thứ tiếng Việt thương tật tả tơi vào nhận thức của người dân cả nước!

 

Thảm hoạ văn hoá của Vua Tiếng Việt cứ bền bỉ diễn ra không phải chỉ do vốn hiểu biết tiếng Việt nông cạn, nghèo nàn ở người trực tiếp làm chương trình, không phải chỉ ở kịch bản, đạo diễn, không phải chỉ ở người dẫn chương trình cao giọng phán quyết cái sai mà còn do vốn hiểu biết tiếng Việt hạn hẹp, hời hợt, thiếu hụt của cả bộ não của chương trình là những giáo sư, tiến sĩ, là những danh xưng cao sang nhà nọ, nhà kia trong hội đồng cố vấn Vua Tiếng Việt.

 

“Nếm mật nằm gai” là một điển tích xa xưa trong sử sách Trung Hoa đã được Việt hoá trở thành thành ngữ quen thuộc chỉ ra những gian khổ, nguy nan phải vượt qua của những người theo đuổi sự nghiệp chính trị, những chông gai, gập ghềnh trên chặng đường xa đi đến một lí tưởng xã hội. “Mật” trong “Nếm mật, nằm gai” là mật đắng động vật không phải mật ngọt của mía. “Nằm gai” chỉ nỗi gian khó trên dặm đường sương gió, bụi bờ, gai góc đi đến mục tiêu cuộc đời và “nếm mật” nhắc đến cay đắng phải trải qua của người theo đuổi một lí tưởng xã hội. “Nếm mật nằm gai” là thử thách ý chí, tinh thần trong sự nghiệp lớn, không phải là thử thách về sức lực cơ bắp trong công việc hàng ngày. Là ý chí của đấng nam nhi, không phải là phẩm hạnh của phụ nữ. Không phải là nỗi khổ sở, khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống đời thường của người nông dân. Thành ngữ về nỗi khổ sở, khó khăn, cực nhọc của người nông dân là “Đầu tắt, mặt tối”, “một nắng, hai sương”, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” chứ không phải “Nếm mật nằm gai”.

 

Nhưng một nhà thơ trong hội đồng cố vấn cao sang của Vua Tiếng Việt không hiểu thấu đáo tiếng Việt đã giảng giải sai câu thành ngữ rất quen thuộc: “Cái câu nếm mật nằm gai lại theo một nghĩa khác. Tức là nói đến cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc trong cuộc đời. Có thể nói những người nông dân cực khổ nếm mật nằm gai trong một hoàn cảnh nào đó”. Một nhà thơ khác trong hội đồng cố vấn của Vua Tiếng Việt giải thích câu tục ngữ dân gian “Liệu cơm gắp mắm” rất quen thuộc, rất quê kiểng Việt Nam còn nông cạn, ngớ ngẩn hơn nữa. Nhưng thôi, khỏi phân tích thêm càng thê ngán ngẩm!

 

Than ôi, hội đồng trí tuệ cố vấn của Vua Tiếng Việt hiểu biết sai lệch, nông can về tiếng Việt như vậy làm sao có thể giúp Vua Tiếng Việt hiểu được đúng ngữ nghĩa tiếng Việt, làm sao thấy được sự giầu có, tinh tế của tiếng Việt, làm sao có thể tôn vinh được tiếng Việt!

 

Những cái sai hiển nhiên, sơ đẳng và kéo dài không có điểm dừng của Vua Tiếng Việt cho thấy cả ê-kíp đang thực hiện chương trình Vua Tiếng Việt trên VTV không đủ tầm với chương trình, không đủ hiểu biết với tiếng Việt lại quá tự tin đang cao ngạo và hăm hở làm ngược với tiêu chí tôn vinh tiếng Việt là đang hạ thấp, đang làm hỏng tiếng Việt, đang làm sai lệch, thô thiển, méo mó tiếng Việt.

 

Những nhà ngôn ngữ học uyên thâm, những người thầy cả đời miệt mài nghiên cứu tiếng Việt và giảng dạy tiếng Việt ở các trường đại học trong nước và trên thế giới như giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, giáo sư Cao Xuân Hạo cũng không dám nhận là Vua Tiếng Việt. Mang tiếng Việt ra làm trò chơi trong chương trình giải trí bình dân trên truyền hình mà tự xưng Vua Tiếng Việt là quá cao ngạo. Hiện thực đang diễn ta của chương trình Vua Tiếng Việt càng cho thấy tên chương trình Vua Tiếng Việt là sự cao ngạo đến lố bịch!

 

Cao ngạo phớt lờ những lời chân thành của người yêu Tiếng Việt chỉ ra những sai trái, Vua Tiếng Việt của đài truyền hình quốc gia cứ bền bỉ duy trì cái sai và phủ sóng cái sai trên cả nước thực sự là thảm hoạ của tiếng Việt. Cần chấm dứt ngay sự cao ngạo làm hỏng tiếng Việt trong chương trình Vua Tiếng Việt của đài truyền hình quốc gia VTV!

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats