Thursday 5 September 2024

TỔNG THỐNG NGA THÁCH THỨC TÒA ÁN HÌNH SỰ QUỐC TẾ QUA CHUYẾN THĂM MÔNG CỔ (Thanh Phương / RFI)

 



Tổng thống Nga thách thức Tòa án Hình sự Quốc tế qua chuyến thăm Mông Cổ

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 04/09/2024 - 12:21

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240904-tt-nga-thach-thuc-cpi-qua-chuyen-tham-mong-co

 

Tối qua, 03/09/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở về Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga, sau khi được tiếp đón rất trọng thể tại Mông Cổ trong chuyến thăm ngắn 24 tiếng đồng hồ. 

 

HÌNH :

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) được đồng nhiệm Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp đón tại Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 03/09/2024. AP - Kristina Kormilitsyna

 

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế - CPI phát lệnh bắt giữ ông vào tháng 03/2023, tổng thống Putin đến thăm một quốc gia thành viên của tòa án này. Lẽ ra với tư cách thành viên CPI, Mông Cổ đã phải thi hành nghĩa vụ bắt giữ chủ nhân điện Kremlin ngay khi ông vừa đặt chân xuống sân bay Ulan Bator tối thứ Hai, 02/09. Nhiều nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền trước đó đã lên tiếng kêu gọi Mông Cổ phải tuân thủ nghĩa vụ này.

 

Trên kênh truyền hình France 24, ông Emmanuel Daoud, luật sư thuộc Luật sư đoàn Paris và cũng là luật sư của CPI, cho rằng khi đến thăm Mông Cổ, Vladimir Putin “thách thức toàn thể cộng đồng quốc tế”. Luật sư Daoud xem chuyến thăm của ông Putin là một cử chỉ “chế nhạo CPI”.

 

Trên mạng xã hội X, chưởng lý Ukraina Andrii Kostin đã tỏ thái độ bất bình đối với quốc gia đã đón tiếp tổng thống Nga : “Bảo đảm an ninh cho một tên tội phạm chính là gây phương hại cho hệ thống tư pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng các giá trị của những nước dân chủ”. Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố “lấy làm tiếc” là Mông Cổ đã không tuân thủ nghĩa vụ thi hành lệnh bắt giữ của CPI.

 

Hoa Kỳ thì có phản ứng chừng mực hơn, trông chờ Mông Cổ “tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế”, nhưng tỏ vẻ thông cảm với một quốc gia “vẫn kẹt giữa hai láng giềng lớn” là Nga và Trung Quốc. Cần nhắc lại là Hoa Kỳ vẫn chưa phải là thành viên của CPI, một tòa án quốc tế mà họ không hề tin tưởng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến thăm Mông Cổ vào tháng 08/2023 để thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với một đối tác mà họ xem là có vai trò “trọng yếu”.

 

Có hai lý do chính khiến ông Putin không hề ngần ngại khi đặt chân đến Mông Cổ. Thứ nhất, tổng thống Nga thừa biết là khi một nước thành viên không tuân thủ nghĩa vụ bắt giữ một người theo lệnh của CPI, tòa án này không thể ban hành bất cứ trừng phạt nào, ngoài việc khiển trách bằng lời nói. Thành ra Mông Cổ không có gì phải lo ngại khi để cho ông Putin tự do đi lại ở Ulan Bator. Thật ra theo lời ông Reed Brody, công tố viên chuyên về các tội ác chiến tranh, CPI không thể buộc các nước thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình và cũng không có lực lượng cảnh sát để thi hành lệnh bắt giữ, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ hợp tác hay không hợp tác của các nước thành viên.

 

Theo nhà phân tích Emmanuel Daoud, Tòa án Hình sự Quốc tế là một cơ chế còn khá non trẻ và còn đang trong quá trình khẳng định quyền lực của mình. Vấn đề ở đây cũng là xem các nước tuân thủ như thế nào các cam kết quốc tế.

 

Trong quá khứ, nhiều cá nhân bị CPI phát lệnh bắt giữ, như nhà cựu độc tài Sudan Omar el-Bechir, từng đến các nước thành viên CPI mà không gặp rắc rối gì. Tuy vậy, từ gần một năm rưỡi nay, tổng thống Putin đã tránh đặt chân đến một số quốc gia, chẳng hạn ông đã không đến dự thượng đỉnh của nhóm BRICS ở Nam Phi vào tháng 08/2023 và thượng đỉnh nhóm G20 ở Ấn Độ vào tháng 9 năm đó. Chuyến đi Mông Cổ lần này có lẽ là nhằm trắc nghiệm phản ứng của quốc tế.

 

Thứ hai, mặc dù nay đã là một nước theo thể chế dân chủ, kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 đến nay, Mông Cổ vẫn giữ quan hệ rất chặt chẽ với Nga. Trả lời hãng tin AFP, nhà phân tích chính trị Bayarlkhagva Munkhnaran nhận định “Đối với Ulan Bator, tai tiếng liên quan đến lệnh bắt giữ của CPI là chuyện không đáng kể so với sự cần thiết duy trì quan hệ với điện Kremlin”. Quốc gia mênh mông chỉ có 3,5 triệu dân này phụ thuộc rất nhiều vào láng giềng Nga, nguồn cung cấp 20% lượng điện và 80% lượng dầu hỏa.

 

Mông Cổ chưa hề lên án Nga về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina và đã không tham gia bỏ phiếu trong các cuộc biểu quyết của Liên Hiệp Quốc về chiến tranh Ukraina. Theo đánh giá của thẩm phán Reed Brody, Mông Cổ “bị buộc phải là đồng lõa với Putin”, nhưng nước này "không thoải mái chút nào với vị thế này".

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

MÔNG CỔ - TRUNG QUỐC - NGA

Mông Cổ và chiến lược giữ cân bằng giữa Nga và Trung Quốc

 

ĐÔNG BẮC Á - CHÍNH TRỊ

Bất chấp lệnh bắt của CPI, tổng thống Putin chính thức thăm Mông Cổ

 

Tạp chí Kinh tế

Tài nguyên : Mông Cổ trước những tham vọng của Nga và Trung Quốc

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats