Ông Tô Lâm tại Đại
học Columbia: Ông đã nói gì? Đâu là điểm đáng chú ý?
BBC News Tiếng Việt
25
tháng 9 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cvglp4rnl4zo
Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Đại học Columbia ở thành phố
New York. Ông cũng đã trả lời một số câu hỏi từ giáo sư và sinh viên của trường.
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia hôm 23/9. Ảnh chụp
màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.
Buổi trò chuyện của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra
vào lúc 22 giờ ngày 23/9 theo giờ Việt Nam, nằm trong chương trình Diễn đàn
Lãnh đạo Thế giới do Đại học Columbia tổ chức.
Sự kiện mở
đầu với bài phát biểu giới thiệu của Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Phó Chủ tịch Trung
tâm Columbia Toàn cầu (Columbia Global) thuộc Đại học Columbia.
Bà Wafaa
El-Sadr cho biết trong vòng 20 năm qua, hơn 300 nhà lãnh đạo trên toàn cầu đã tới
nói chuyện tại Diễn đàn Lãnh đạo Thế giới.
"Việc
Ngài (ông Lâm) có mặt ở đây hôm nay thể hiện sự tham gia của ngài trong một
truyền thống lâu đời, được thiết lập nhằm thúc đẩy sứ mệnh của chung tôi ở Đại
học Columbia để dạy, để học, để nâng cao kiến thức và đóng góp vào việc tìm ra
giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Và điều gắn kết khán giả tại đây là sự
cam kết chung đối với sứ mệnh này," Tiến sĩ El-Sadr phát biểu.
Kết thúc
phần giới thiệu, bà El-Sadr nhường bục phát biểu cho vị lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam.
Tổng
Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu gì?
Tiến
sĩ Wafaa El-Sadr (trái) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi trò chuyện
ở Đại học Columbia. Ảnh chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học
Columbia.
Bài phát
biểu của ông
Tô Lâm kéo dài khoảng 22 phút.
Ông đánh
giá cao về đóng góp của Đại học Columbia vào việc thúc đẩy sự phát triển của Việt
Nam cũng như mối quan hệ giữa hai nước.
"Tôi
được biết nhiều cựu sinh viên Đại học Columbia hiện giữ các cương vị lãnh đạo,
quản lý cấp cao tại Việt Nam," ông Lâm phát biểu.
Có một điểm
trùng hợp là nhà
vận động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng từng được chọn tham gia
chương trình Học giả Quỹ Obama khóa đầu tiên tại Đại học Columbia vào năm 2018.
Bà Hồng là một nhà vận động chính sách môi trường nổi tiếng, từng bị bắt và
lãnh án tù 3 năm vào năm 2023 và vừa được đặc xá ngay trước chuyến đi Mỹ của
ông Tô Lâm.
Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập các cột mốc trong ngoại giao giữa hai nước
như kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam và 30 năm bình thường
hóa quan hệ vào năm 2025.
Sau đó,
ông Lâm nhắc đến các thành tựu kinh tế, ngoại giao mà Việt Nam đã đạt được
trong thời gian qua cũng như chỗ đứng hiện nay của Việt Nam trên trường quốc tế.
"Con
đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền
văn minh nhân loại," ông Lâm nói, đồng thời khẳng định truyền thống của
người Việt Nam là "giàu vì bạn".
Tổng Bí
thư Tô Lâm cũng nói lại về cam kết của Việt Nam đối với các vấn đề chung của thế
giới, chẳng hạn như về môi trường.
"Mặc
dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát
thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050," ông Lâm nhấn mạnh.
Trong phần
tiếp theo của bài phát biểu, ông Lâm quay lại với chủ đề quan hệ Việt-Mỹ, khẳng
định rằng từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã muốn "hợp tác đầy đủ"
với Mỹ.
"Từ cựu
thù, hai nước đã trở thành đối tác, Đối tác toàn diện và nay là Đối tác chiến
lược toàn diện," ông phát biểu.
Ông cũng
nhắc lại chuyến
thăm lịch sử vào tháng 7/2015 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng
7/2015, ông Nguyễn Phú Trọng trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu
tiên thăm Hoa Kỳ và được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp đón ở Phòng Bầu Dục -
nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia.
Đây là điều
đặc biệt "lạ" đối với cả ngành ngoại giao Mỹ, khi mà Tổng thống Mỹ tiếp
lãnh đạo một đảng chính trị theo nghi thức nguyên thủ. Chuyến thăm này đã làm
thay đổi hẳn cách giao thiệp giữa lãnh đạo hai nước, được nhiều nhà quan sát
coi là sự thừa nhận từ phía Mỹ về tính chính danh của Đảng Cộng sản và người đứng
đầu đảng này.
"Sau
gần 30 năm bình thường hóa, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã
có những bước tiến mạnh mẽ vượt ngoài khả năng tưởng tượng của cả những người lạc
quan nhất," ông Lâm phát biểu.
Ở cuối bài
phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục ủng hộ
mạnh mẽ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Phần
hỏi đáp của ông Tô Lâm và Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng
Giáo
sư Nguyễn Thị Liên Hằng và Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi nói chuyện hôm 23/9. Ảnh
chụp màn hình từ chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.
Trong phần
tiếp theo của chương trình, ông Tô Lâm đã giao lưu và trả lời câu hỏi của giáo
sư và sinh viên Đại học Columbia.
Người điều
phối trong phần tọa đàm này là Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông
Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia. Bà giảng dạy về lịch sử mối quan hệ Mỹ-Đông
Á.
Bà Hằng là
tổng biên tập 3 cuốn Cambridge History of the Vietnam War (Tạm dịch: Cambridge Lịch sử: Chiến
tranh Việt Nam) dự kiến ra mắt vào cuối tháng 9/2024 và là đồng chủ biên bộ
sách Cambridge
Studies in U.S. Foreign Relations (Tạm dịch: Nghiên cứu của Cambridge về
Quan hệ Đối ngoại Mỹ ).
Cuốn Hanoi’s War: An
International History of War for Peace in Vietnam (Tạm dịch: Chiến tranh của
Hà Nội: Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh vì Hòa bình ở Việt Nam) của bà đã giành
được nhiều giải thưởng danh giá tại Mỹ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của bà Hằng
từng bị các "hội nhóm cờ đỏ" tại Việt Nam tố cáo là xuyên tạc lịch sử.
Báo Nhân
Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2015 từng có bài viết Đừng nhân
danh khoa học để xuyên tạc lịch sử với nội dung lên án cuốn sách Hanoi’s
War.
Trước khi
đặt câu hỏi cho Tổng Bí thư Tô Lâm, Giáo sư Liên Hằng giới thiệu mình là nhà sử
học về Chiến tranh Việt Nam và được sinh vào giai đoạn cuối của cuộc chiến này.
Trong câu
hỏi đầu tiên dành cho ông Tô Lâm, bà Hằng nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt rằng ngày 30/4 là một sự kiện khiến triệu
người vui nhưng cũng triệu người buồn.
Giáo sư Hằng
nhận định câu nói này rất ấn tượng vì điều đó cho thấy chính phủ Việt Nam nhận
thức được sự mất mát của cả những người từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng
hòa.
"Dưới
sự lãnh đạo của mình, ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hòa giải giữa những người Việt
Nam?" Giáo sự Liên Hằng hỏi.
Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết dù chiến tranh đã đi qua gần 50 năm, nhưng
quá khứ sẽ không bị lãng quên. Tuy vậy, việc quan trọng là rút ra bài học từ
quá khứ để hướng tới tương lai hòa bình và ổn định.
Ông Lâm
không đề cập gì đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc trong câu trả lời của
mình.
Gần
nửa thế kỷ sau khi chiến tranh chấm dứt, trong khi hòa giải giữa Việt Nam và cựu
thù Mỹ có những bước tiến rõ rệt, việc hòa giải giữa
những người Việt từng đứng hai bờ chiến tuyến vẫn còn nhiều trắc
trở.
Trong câu
hỏi thứ hai, bà Liên Hằng hỏi vị lãnh đạo Việt Nam rằng ông sẽ đưa ra lời
khuyên gì cho các lãnh đạo Mỹ để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng
giữa hai nước gia tăng và có thể trở thành cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 21.
Trả lời
câu hỏi này, ông Lâm nói rằng Việt Nam tiếp cận các nước khác với thiện chí, dựa
trên sự hiểu biết, tôn trọng lợi ích hợp pháp lẫn nhau.
Ông khẳng
định nếu các quốc gia chăm chú lắng nghe nhau, nuôi dưỡng văn hóa đối thoại và
thử đặt mình vào vị trí của người khác thì không có vấn đề nào là không thể vượt
qua.
Vị lãnh đạo
nói rằng nếu các nước có tình hữu nghị khăng khít và hành xử thân thiện với
nhau thì có thể đạt được sự thịnh vượng.
"Nếu
ông học lớp của tôi thì ông hẳn được điểm A+,” Giáo sư Liên Hằng cười và nhận
xét về câu trả lời của ông Tô Lâm.
Đáng chú
ý, trong phần trả lời của ông Lâm lẫn bài phát biểu, ông dùng cụm từ "chiến
tranh ở Việt Nam" và "cuộc chiến ở Việt Nam" để nói về Chiến
tranh Việt Nam chứ không dùng cụm "cuộc kháng chiến chống Mỹ" như
truyền thông trong nước hay sử dụng.
Hỏi
đáp với sinh viên Đại học Columbia
Một
sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi cho ông Tô Lâm tại sự kiện. Ảnh chụp màn hình từ
chương trình trực tiếp của Đại học Columbia.
Sau phần tọa
đàm với Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, ông Tô Lâm lắng nghe và trả lời các câu hỏi
đến từ các sinh viên Đại học Columbia, trong đó có một số sinh viên đến từ Việt
Nam.
Các câu hỏi
tập trung về chính sách và ngoại giao của Việt Nam, bao gồm cả câu hỏi về Biển
Đông.
Chia sẻ với
các sinh viên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết Việt Nam hiện nay
đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế để hợp với thời đại. Trọng tâm là chuyển
đổi số cũng như các tiến bộ khoa học, công nghệ khác để áp dụng cho xã hội và
tái xây dựng mô hình tăng trưởng, qua đó tối ưu năng suất và tính cạnh tranh.
Về vấn đề
Biển Đông, ông Tô Lâm nói rằng đây là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm của
nhiều nước vì có tuyến thương mại hàng hải quan trọng và Việt Nam tuân thủ các
cam kết, thỏa thuận liên quan tới khu vực này.
Vị tổng bí
thư, chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam theo đuổi sự hòa bình, ổn định và hợp tác
với các nước trong khu vực để đạt được mục tiêu đó.
Ông
cũng thừa nhận rằng có tồn tại xung đột, mâu thuẫn trên Biển Đông và cách tốt
nhất để giải quyết là thông qua đối thoại, hợp tác. Ông Lâm khẳng định Việt Nam
lên án các hành động không tuân thủ luật pháp quốc tế và đe dọa nước khác trên
biển.
Kết thúc
chương trình, Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng nói chuyến thăm Đại học Columbia là
một sự kiện lịch sử vì ông Lâm là nhà lãnh đạo cộng sản đầu tiên tới phát biểu
tại đại học này.
"Tôi
đã nói với sinh viên mình rằng nếu bất kỳ ai muốn lấy bằng tiến sĩ, thì đây
[chuyến thăm của ông Tô Lâm] chính là đề tài cho bạn," bà Hằng cười và
nói.
Tiếng
nói phản đối
Sự kiện Đại
học Columbia mời ông Lâm tới nói chuyện được coi là "lịch sử", nhưng
trong lòng nước Mỹ cũng có những cách nhìn khác.
Hôm 23/9,
tổ chức Young America's Foundation - một tổ chức chính trị cánh hữu nổi tiếng của
Mỹ - đã đăng tải bài
viết nói về buổi nói chuyện của ông Tô Lâm tại Đại học Columbia.
Bài viết
cho rằng việc mời ông Tô Lâm đến phát biểu cho thấy sự thiếu quan tâm của một
trường đại học hàng đầu như Đại học Columbia đối với các vấn đề như quyền và
các nguyên tắc cho phép các nền dân chủ tự do thành công.
Trước đó,
trong lá thư gửi tới Tiến sĩ Katrina Armstrong - quyền Hiệu trưởng Đại học
Columbia, Dân biểu Michelle Steel bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng khi Đại học
Columbia "quảng bá" cho ông Tô Lâm.
Bà Steel
cho rằng kể từ khi ông Lâm lên nắm chức tổng bí thư, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
tăng cường áp dụng mô hình đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vị dân biểu
cũng lấy việc kết án nhà báo Phan Vân Bách và việc bỏ tù ông Bùi Tuấn Lâm để
làm ví dụ.
Bài viết
trên trang web của Young America's Foundation đồng tình với Dân biểu Michelle
Steel rằng việc tiếp đón ông Tô Lâm là một ví dụ về sự "thiếu minh bạch về
mặt đạo đức" của Đại học Columbia vì "không thể thúc đẩy sự tự do
ngôn luận và biểu đạt trong khuôn viên trường trong khi chào đón một trong những
nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất của chủ nghĩa độc tài".
Bài viết
cũng cho rằng đây không phải lần đầu Đại học Columbia "thể hiện sự yêu mến"
đối với những kẻ chuyên quyền. Trong năm học 2007-2008, trường đã mời và sau đó
tiếp đón ông Mahmoud
Ahmadinejad - tổng thống Iran khi đó.
Trên thực
tế, các câu hỏi đặt ra cho ông Tô Lâm tại Đại học Columbia đã không đề cập đến
các vấn đề như nhân quyền, tự do biểu đạt, các vụ bắt giữ cụ thể, các làn sóng
dân tộc chủ nghĩa cực đoan gần đây nhằm vào các tổ chức của Mỹ, như vụ vu khống
và cáo buộc trường Đại học
Fulbright Việt Nam ươm mầm cho cách mạng màu.
-------------------
Tin
liên quan
·
Ông Tô Lâm gặp ông
Joe Biden: Đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?
23 tháng 9
năm 2024
·
Vì sao ông Tô Lâm
trả tự do hai tù nhân nổi tiếng trước khi sang Mỹ?
22 tháng 9
năm 2024
·
Ông Tô Lâm đi Mỹ: Gần
100 trí thức kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức
22 tháng 9
năm 2024
·
Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Tô Lâm đi Mỹ, chuyến công du 'củng cố quyền lực mềm'
19 tháng 9
năm 2024
·
Mỹ tìm cách loại
Trung Quốc ra khỏi kế hoạch lắp cáp dưới biển của Việt Nam
19 tháng 9
năm 2024
·
Vì sao Đảng cần cân
bằng quyền lực giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng?
9 tháng 9
năm 2024
No comments:
Post a Comment