Monday, 9 September 2024

ĐÔI DÒNG VỀ CƠN BÃO QUANH NAM SINH CHU NGỌC QUANG VINH (Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng | Báo Tiếng Dân)

 



Đôi dòng về cơn bão quanh nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh

Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng

09/09/2024

https://baotiengdan.com/2024/09/09/doi-dong-ve-con-bao-quanh-nam-sinh-chu-ngoc-quang-vinh/

 

Việc em học sinh Chu Ngọc Quang Vinh bày tỏ quan điểm của mình trước hiện trạng giáo dục ở Việt Nam và ý kiến trái chiều về đảng, đã bị dư luận “lề phải” đánh hội đồng cả tuần qua, là “Chuyện thường ngày” ở xứ Đông Lào này.

 

Với các thành phần “ngự lâm quân” của đảng, đây chính là dịp tốt để họ thể hiện khả năng tác chiến, cũng như để chứng tỏ lập trường kiên định trước tổ chức mà họ tôn sùng và hưởng lộc. Đây cũng là thành quả của đường lối tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” của đảng kể từ khi cướp được chính quyền năm 1945, làm cho người dân cảm thấy phải mang ơn Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản.

 

Ngay từ khi nhà nước VNDCCH ra đời, người dân đã được làm quen với ca khúc “Biết ơn cụ Hồ Chí Minh, của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ. Theo thời gian, sự tuyên truyền bài bản về công ơn Đảng, Bác luôn được đề cao một cách tinh vi qua nhiều ngả, trong đó qua con đường văn hóa văn nghệ với các bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân”, “Vừng trời đông”, “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”“Đảng là mẹ hiền”

 

Còn thế hệ mầm non của đất nước, sau khi chào đời đã phải làm quen với các bài hát “Nhanh bước nhanh nhi đồng” hoặc “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, cùng các phong trào thi đua đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” trong trường học.

 

Từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970, câu nói mở đầu của người dân miền Bắc trong giao tiếp luôn là: “Ơn Đảng, ơn Chính phủ” hoặc “Ơn Đảng, ơn Bác Hồ, cuộc sống của chúng tôi mới có được như ngày nay!”.

 

Cách đây 55 năm sau khi Hồ Chí Minh “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin”, chiều hướng ca ngợi vị “cha già dân tộc” này còn cao hơn nữa. Người dân miền Bắc lứa tuổi từ 70 trở lên chắc không quên bài hát của nhạc sĩ Lê Lan viết về công ơn Hồ  Chí Minh trong những ngày đất nước có quốc tang, với ca từ mở đầu như sau: “Như dòng sông mang phù sa bốn mùa xanh một màu đất nước. Người là ánh nắng ban mai cho hoa thơm ngát hương, ngàn đời sau ghi ơn sâu nghĩa nặng …”

 

Bài hát trên được xếp vào danh sách một trong những bài hát hay nhất về Hồ Chí Minh trong dịp ông qua đời, thế nhưng không lâu sau đó nó đã bị cấm, không được các phương tiện truyền thông truyền tải nữa. Theo thông tin vỉa hè lúc đó, bài hát này bị giới chuyên môn phát hiện có giai điệu từ bài hát ca ngợi tướng Vasili Ivanovich Chapaev của Hồng quân Liên Xô, được thêm mắm muối và gia vị vào để ca ngợi ông Hồ.

 

Hồi đó, đạo văn và đạo nhạc ở miền Bắc là chuyện nhỏ. Trong “Đêm giữa ban ngày”, nhà văn Vũ Thư Hiên từng viết về chuyện ông phát hiện ông Hồ và Trường Chinh đã đạo văn như thế nào. Thế nhưng, việc “đạo” bài hát trên của tác giả lại là tội khi quân, bởi “công ơn trời biển” của “Cha già dân tộc” chỉ tương đương với công lao của một vị tướng, là không thể chấp nhận được!

 

Kết quả là, tác giả Lê Lan đã bị khai trừ Đảng và bị buộc rời khỏi Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2012, sau khi xét “công, tội” của ông, nhạc sĩ Lê Lan được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

 

Bác và Đảng thời đấy được coi như một thứ gì đó rất đỗi thiêng liêng và bất khả xâm phạm, như một dạng Tử Cấm Thành, dân thường chỉ được ngó đến với sự sùng bái và tôn kính. Đó chính là đường lối tuyên truyền nhất quán của đảng, để đảng có được tính chính danh trong lãnh đạo và buộc người dân rơi vào sự hàm ơn, đồng hóa các luồng tư tưởng, để dễ định hướng và “chăn dắt” đám đông.

 

Thời đó, học sinh cuối cấp phổ thông thường phải làm những bài văn nghị luận, phân tích những lời hay ý đẹp của ông Hồ, để rút ra những bài học cho cuộc đời mình. Thầy giáo dạy văn, đồng thời là chủ nhiệm lớp của chúng tôi, từng nhắc nhở học sinh rằng phải hết sức cẩn thận câu chữ trong việc bình luận những bài văn dạng này.

 

Để cho lời răn dạy của mình có tính thuyết phục, thầy kể rằng, trong một đợt đi chấm thi môn văn ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ, có một bài văn bị đánh trượt chỉ vì phần kết luận, học sinh đó đánh giá Hồ Chí Minh là con người vĩ đại sau đức chúa Giê-su. Sau đó, học sinh này đã được hội đồng chấm thi châm chước, do em là con chiên xứ Đạo, theo lời thầy kể.

 

Trong chiến tranh, các tân binh ngoài việc luyện tập kỹ năng chiến đấu, họ còn phải liên tục học chính trị để nâng cao ý chí chiến đấu, qua lòng căm thù giặc và sự biết ơn Đảng, ơn Bác. Trung đội của chúng tôi có một người lính trực tính, trong lúc giải lao đã vô tình buột miệng: “Bố mẹ tao cũng phải làm bỏ mẹ mới có miếng ăn, chứ có ai cho được cục c*t nào nào đâu mà lúc nào cũng bắt phải mang ơn với huệ!”

 

Không hiểu bằng cách nào mà lời nói này lọt đến tai vị cán bộ đại đội, nên toàn đơn vị đã có cuộc họp bất thường với những con mắt mang hình viên đạn, chĩa vào người lính trẻ đứng chịu tội trước hàng quân, để những người lính khác đã được mớm lời trước, thay nhau lên lớp cho người lính này biết rằng phải biết ơn như thế nào. Cuối cùng anh chàng này phải chịu hình thức kỷ luật nặng, nhưng may mắn cho người lính này, anh có cha từng là lính Điện Biên, nên không phải nhận mức kỷ luật cao nhất. Tuy vậy, lý lịch quân nhân của anh đã bị bôi đen, nên anh mãi là lính quèn trong những năm dài của chiến tranh.

 

Với sự tuyên truyền giáo dục như vậy, kể cả những sự ví von vô cùng khập khiễng như lời bài hát “Bác Hồ – Người cho em tất cả”, ví Hồ Chí Minh như Đấng Tạo Hóa của thế giới này, của đất nước này, cũng như những câu chuyện về ông Hồ được “nhà Hồ Học” Hoàng Chí Bảo thêu dệt một cách công phu giữa dân dã và huyễn hoặc, những thế hệ công dân xứ Đông Lào không ngấm được lòng biết ơn Đảng, ơn Bác vào từng đường gân thớ thịt, mới là chuyện lạ.

 

Tính theo thời gian, Chu Ngọc Quang Vinh là thế hệ thứ ba đã được Đảng và Nhà nước tận tình chăm lo đào tạo để trở thành “con người mới Xã hội Chủ nghĩa”, một xã hội mà trong đó đạt được sự đồng thuận về tư tưởng đến mức: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

 

Vậy có buồn không khi Chu Ngọc Quang Vinh, là người cũng thừa hưởng một môi trường dưỡng dục như vậy, lại đột nhiên “biến đổi gen”, trở thành con cừu đen giữa đàn cừu trắng?

 

Tuy nhiên, nếu đảng thật sự “sáng suốt” như lời họ tuyên truyền, thay vì chủ trương và ủng hộ những kẻ tấn công em Chu Ngọc Quang Vinh, họ nên nhận ra rằng, cho dù cậu thanh niên mới lớn này đã mài đũng quần “dưới mái trường XHCN”, nhưng em học sinh ấy, cũng như đa số thanh niên hiện nay đang nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” như lời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng than thở.

 

Và nếu thật sự sáng suốt, đảng Cộng sản Việt Nam cần thay đổi hướng tiếp cận và giải quyết vấn đề đối với những chú cừu bị “biến đổi gen” này, thay vì cho lực lượng “Hồng Vệ binh” tấn công, chỉ gây phản ứng ngược, trái với mong muốn của đảng và nhà nước này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats