Hiếu Chân/Người Việt
September
13, 2024 : 11:32 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/khi-bao-lu-di-qua/
Những
ngày này tâm trạng của người viết rất buồn đau khi chứng kiến cảnh bão lụt tàn
phá ở quê nhà. Sinh ra và lớn lên ở miền đất “trời hành cơn lụt mỗi năm khiến
đau thương dâng tràn” (Phạm Duy) nên chúng tôi không lạ chuyện lũ lụt, nhà
trôi, người chết. Nhưng thảm họa đang xảy ra ở các tỉnh miền Bắc vượt quá sức
tưởng tượng, và công nghệ truyền thông hiện đại đưa những hình ảnh đau thương
vào tận chiếc máy điện thoại trong túi áo, nên đôi lúc không cầm được nước mắt.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/09/A1-Bao-lu-Viet-Nam-1536x1024.jpg
Tang
thương ngay khi cơn bão Yagi đi qua. Trong hình là những chiếc quan tài xếp chồng
lên nhau dành cho các nạn nhân của trận lũ quét xảy ra hôm 10 Tháng Chín ở thôn
Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đã vùi lấp toàn bộ 37 gia
đình với 158 người đang sinh sống. (Hình: STR/AFP via Getty Images)
Theo
truyền thông trong nước, đến 13 Tháng Sáu đã có tới 233 người chết, hơn 100 người
“mất tích” và 823 người bị thương vì bão lũ. Số thương vong còn tăng lên nữa vì
nhiều người có thể còn bị vùi dưới đất đá hoặc trong các thôn làng bị nước lũ
cô lập chưa ai đến tiếp cứu được. Tang thương nhất là nhiều bản làng vùng núi
các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên… bị núi lở chôn vùi tất cả
dân cư, nhà cửa, gia súc gia cầm.
Hôm
nay các lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm nạn nhân và các đoàn thiện nguyện
cả nước vẫn tiếp tục đổ về vùng lũ, nỗ lực tiếp cứu, giúp đỡ những mảnh đời bất
hạnh. Cơn bão số 3, tên quốc tế là Yagi, chắc sẽ được ghi vào sách sử như thảm
họa thiên nhiên tàn phá nặng nề nhất, sánh ngang với trận lụt chết chóc năm
Giáp Thìn 1964 mà chúng tôi được chứng kiến khi còn nhỏ.
Tuy
vậy, cơn bão đi qua không chỉ gây chết chóc mà còn làm lộ ra bao nhiêu chuyện
đau lòng trong một xã hội nhiễu nhương và giả trá. Bão lũ là thiên tai nhưng ở
đây những tổn thất nhân mạng và tài sản có phần lớn là do nhân tai, do cách tổ
chức và điều hành xã hội vô trách nhiệm của nhà cầm quyền.
***
Ngay
khi cơn bão vừa đến đã có hàng vạn cây xanh đô thị bị bật gốc, đè chết người đi
đường, đập bẹp xe hơi đậu trên đường phố; riêng thủ đô Hà Nội đã có hơn 15,000
cây bị bật gốc. Ai cũng ngỡ ngàng và tức giận khi thấy vô số cây bị bão đánh
ngã đều không có rễ cái, hay rễ cọc, mà chỉ bám rất cạn vào mặt đất, nhiều gốc
cây vẫn còn nằm nguyên trong bao nhựa hay bao lưới! Không cần là dân trong nghề
cũng biết trước khi đặt cây vào hố trồng, người trồng phải tháo bỏ bao nhựa
dùng để bó gốc khi vận chuyển cây; trồng cây mà để nguyên bao nhựa bó gốc, rễ
cây không phát triển được, là cách làm hết sức vô trách nhiệm và gian trá. Trồng
cây trên phố do các công ty cây xanh của nhà nước thực hiện, theo các “dự án”
được nhiều cấp chính quyền phê duyệt với chi phí rất lớn. Cơn bão đi qua đã lật
mặt lối làm ăn gian xảo, “sống chết mặc cây tiền thầy bỏ túi” đó!
Bão
Yagi đổ vào miền Bắc Việt Nam sau khi đã quần thảo nhiều ngày trên Biển Đông,
đã tàn phá miền Bắc Philippines và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Không chỉ các cơ
quan dự báo khí tượng mà nhiều người đã thông báo trên mạng xã hội chính xác đường
đi của cơn bão, cường độ và tai hại mà nó có thể gây ra. Và cũng như mọi cơn
bão nhiệt đới, bão Yagi sẽ tan khi đổ bộ vào đất liền Bắc Việt, cuồng phong sẽ
được thay bằng những trận mưa xối xả mà giới chuyên môn gọi là “hoàn lưu” bão.
Xưa
nay, thiệt hại do bão một phần do cuồng phong nhưng phần lớn là do hoàn lưu bão
gây mưa to, ngập lụt, lở núi, chôn vùi đường sá nhà cửa. Nằm bên bờ Thái Bình
Dương, Việt Nam hứng chịu mỗi năm từ 10 đến 15 cơn bão nhiệt đới nên không thể
nói nhà cầm quyền và người dân bị bất ngờ trước sức tàn phá của lũ. Có điều,
trong tuần qua nhà cầm quyền chỉ đôn đốc dân ven biển di tản để tránh bão mà
không di tản dân các vùng núi sẽ bị lũ quét và lở đất đe dọa.
Hoàn
lưu của bão Yagi đổ hàng tỷ mét khối nước xuống vùi đồi núi phía Bắc, là nơi mà
rừng nguyên sinh đã hoàn toàn bị đốn sạch, bị biến thành “đồ gỗ” quý hiếm trong
những dinh thự lộng lẫy của các quan chức và đại gia trọc phú. Đồi trọc không
còn rừng, không còn rễ cây giữ nước là nơi sinh lũ ống, lũ quét các kiểu tai hại
khôn lường.
Đây
cũng là vùng có rất nhiều nhà máy thủy điện lớn nhỏ như thủy điện Hòa Bình, Sơn
La đến vô số các “thủy điện nhỏ,” công suất phát điện chỉ vài megawatt (MW) đến
vài chục MW. Các nhà máy thủy điện nhỏ với hồ chứa vài triệu mét khối nước là
những trái bom treo lơ lửng bên trên các thôn làng. Thủy điện nhỏ không chỉ lấy
đi một diện tích rừng khá lớn, để lại hậu quả xấu cho môi trường mà còn không
có khả năng kiểm soát lũ, dẫn tới hiện tượng “lũ chồng lũ:” hồ chứa trên cao xả
nước để tránh vỡ đập, các hồ chứa bên dưới phải xả theo, vùng hạ du phải lãnh đủ
cả nước mưa và nước xả từ các hồ thủy điện.
Hồi
Tháng Sáu, các hồ thủy điện nhỏ ở miền Bắc như Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang,
Trung Sơn, Bắc Hà… đều tích đầy nước, mực nước trong hồ cao hơn mức trung bình
hằng năm từ 109% đến 230%, theo thông tin từ Cục Điều Tiết Điện Lực được báo
Thanh Niên tường thuật. Thế nên khi hoàn lưu bão Yagi ập đến vào đầu Tháng Chín
với lượng mưa trung bình gần 600 mm, các hồ chứa này phải mở hết các cửa xả nước
để tránh vỡ đập. Theo chuyên gia khí tượng Huy Nguyễn: “Đối với miền Trung lượng
mưa như vậy trong 48 giờ là chưa lụt. Nhưng với địa hình đồi núi dốc phía Bắc
đó sẽ là thảm họa.”
Và
thảm họa đã xảy ra như dự báo: nước nhấn chìm nhiều thành phố như Thái Nguyên,
kéo sập cầu Phong Châu; các điểm sạt lở núi nhiều vô số với mật độ dày đặc và
nhiều thôn làng bị vùi lấp dưới đất đá. Thủ phạm gây ra thảm họa không phải do
trời mà chính xác là do nạn phá rừng và xây dựng thủy điện nhỏ, không tôn trọng
quy luật của trời đất. Nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục dung túng nạn phá rừng
và thủy điện vô tội vạ thay vì trồng rừng và phát triển năng lượng tái tạo thì
trong tương lai thảm họa sẽ còn khủng khiếp hơn nữa.
Trung
Quốc – nước láng giềng phương Bắc “cùng chia sẻ tương lai” với Việt Nam cũng là
một thủ phạm. Bão Yagi cũng dội mưa xuống miền rừng núi tỉnh Vân Nam giáp biên
giới và các nhà máy thủy điện của họ cũng phải xả lũ để tránh vỡ đập. Nước lũ từ
Vân Nam theo sông Hồng đổ vào đất Việt càng làm trầm trọng thêm tình hình miền
Bắc.
Ngày
12 Tháng Chín, mưa đã tạnh, nắng đã lên nhưng mực nước các con sông lớn vẫn
chưa xuống vì nước vẫn đổ về từ bên kia biên giới cho dù chính quyền Trung Quốc
đã hứa “hợp tác” để xử lý lũ lụt. Chưa kể, có một số tàu kéo, xà lan chở cát của
Trung Quốc trôi tự do theo dòng nước lũ xuống phía hạ du, gây rủi ro lớn cho cầu
cống, đường sá của Việt Nam mà hậu quả chưa thấy truyền thông trong nước tiết lộ.
***
Người
Việt có truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” và trong những
lúc thiên tai địch họa như thế này, truyền thống đó lại bùng lên. Trên khắp các
mạng truyền thông người ta kêu gọi nhau đi cứu trợ, không đợi chờ tạnh mưa nước
rút. Điểm sáng nhất trong thảm họa bão Yagi chính là tấm lòng thương nhau, đùm
bọc nhau trong hoạn nạn của người dân cả nước. Thôi thì, ai có gì thì giúp nấy:
nhiều xóm làng nổi lửa thức đêm nấu bánh chưng bánh tét, làm cơm nắm gửi ra miền
Bắc, người có phương tiện thì chạy những “chuyến xe 0 đồng” chở lương thực thực
phẩm ra tiếp cứu vùng lũ lụt; chủ các quán ăn, khách sạn dọc các quốc lộ ra Bắc
thông báo sẵn sàng đón tiếp và cơm nước miễn phí cho các đoàn cứu trợ v.v… Thật
không thể kể hết hoạt động sôi nổi của người dân cả nước hướng về miền Bắc, về
những đồng bào đang đói rét trong cơn bão lũ. Và thật xúc động trước nghĩa cử
cao đẹp của người dân bình thường trước nỗi đau của đồng loại.
Có
điều hoạt động cứu trợ nhau của người dân hầu hết là “tự phát,” được thôi thúc
từ lòng nhân ái, nghĩa đồng bào mà không được tổ chức quy củ chặt chẽ, không
chuyên nghiệp cho nên hiệu quả cứu trợ không cao. Cho đến nay, Việt Nam vẫn
chưa có một cơ quan quốc gia chuyên lo ứng phó thảm họa như FEMA (Federal
Emergency Management Agency) của Mỹ dù thiên tai ở Việt Nam xảy ra nhiều không
kém ở Mỹ. Người dân tự cứu nhau là chính!
Trước
kia, các tôn giáo lớn và các nghệ sĩ nổi tiếng thường là “đầu mối” lạc quyên, cứu
trợ khi xảy ra thảm họa vì họ được công chúng tin tưởng. Nhưng gần đây nhà cầm
quyền có chính sách cản trở, ngăn chặn hoạt động thiện nguyện của các tôn giáo,
các tổ chức dân sự để bắt tập trung vào một mối là Mặt Trận Tổ Quốc. Khốn nỗi,
Mặt Trận Tổ Quốc và các chân rết ngoại vi của đảng Cộng Sản như đoàn Thanh
Niên, hội Phụ Nữ… lại không được người dân tin tưởng giao phó tiền bạc để nhờ
chuyển tới tay các nạn nhân. Các tổ chức của đảng và chính quyền hầu như chỉ
huy động được phần đóng góp có tính cưỡng bức từ các cơ quan, doanh nghiệp nhà
nước hoặc từ những người nổi tiếng muốn duy trì quan hệ tốt với chính quyền.
Đáng
lưu ý và đáng buồn là có không ít người lợi dụng nỗi đau của đồng loại để mưu cầu
tiếng tăm, đánh bóng hình ảnh không phải lúc. Khi Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc công
bố bản kết toán ngân hàng (bank statement) tiền cứu trợ bão lụt mà cơ quan này
thu được từ ngày 1 đến ngày 10 Tháng Chín, với 527.8 tỷ đồng ($21 triệu) người
dân “tá hỏa” khi thấy nhiều người nổi tiếng ở Việt Nam đã “khoe lên mạng” số tiền
đóng góp lớn gấp nhiều lần so với số tiền mà họ thực đóng; chẳng hạn như đóng
10,000 đồng (chưa đến 50 cent) mà khoe lên mạng ảnh chụp biên lai chuyển khoản
cứu trợ 100 triệu đồng ($4,067) của một thanh niên “có số má” trên mạng xã hội.
Hành động công bố bản kết toán ngân hàng của Mặt Trận Tổ Quốc bị nhiều luật gia
phản đối vì vi phạm quyền riêng tư của người đóng góp nhưng có thể đây là bước
đầu cơ quan này cố gắng công khai, minh bạch để lấy lại lòng tin của người dân.
Bão
Yagi đã đi qua, nước lũ đang rút dần chỉ còn ngập một số vùng trũng ở Hà Nam,
Ninh Bình. Nhưng tang thương vẫn còn đó, vẫn ám ảnh người sống trong nhiều năm
nữa và những sự thật mà cơn bão phơi ra cần phải được nhắc nhở để không tái diễn.
[qd]
No comments:
Post a Comment