Monday, 16 September 2024

DI DÂN HAITI “ĂN THỊT CHÓ MÈO” : NGUỒN GỐC VÀ Ý ĐỒ CÁO BUỘC PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC CỦA TRUMP (Thu Hằng / RFI)

 



Di dân Haiti “ăn thịt chó, mèo” : Nguồn gốc và ý đồ cáo buộc phân biệt chủng tộc của Trump

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 15/09/2024 - 13:43

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240915-di-d%C3%A2n-haiti-an-thit-cho-meo-nguon-goc-cao-buoc-phan-biet-chung-toc-cua-trump

 

Trong cuộc tranh luận ngày 10/09/2024 với đối thủ đảng Dân Chủ Kamala Harris, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định người nhập cư Haiti ăn thịt chó, mèo. Cáo buộc của ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa tiếp tục bị chỉ trích, chế nhạo trên mạng xã hội với những bài hát chế giễu hoặc ảnh “hot dog” là một chú chó xinh nằm giữa bánh kẹp. Nhưng đâu là nguồn gốc của tin người nhập cư Haiti trộm chó, mèo để ăn thịt ? Và tại sao lại nhắm vào người nhập cư Haiti ?

 

HÌNH :

Ảnh chụp màn hình thông điệp trên mạng X của House Judiciary GOP bảo vệ vịt và mèo ở bang Ohio, sau phát biểu ngày 10/09/2024 của Donald Trump cáo buộc vô căn cứ người nhập cư Haiti ăn trộm chó mèo để ăn thịt. © Capture d'écran - X

 

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu chắc như đinh đóng cột : “Ở Springfield, họ ăn thịt chó, những người (nhập cư) đến, họ ăn thịt mèo. Họ ăn thú cưng của người dân. Đó là những gì đang xảy ra ở đất nước chúng ta”. Thêm một thuyết âm mưu mới nhắm vào người nhập cư Haiti trong bối cảnh hai ứng cử viên cạnh tranh sát nút trong kỳ bầu cử tổng thống và nhập cư là một trong những chủ đề gây tranh cãi và thu hút cử tri.

 

 

Tin đồn từ mạng xã hội

 

Trong bài viết ngày 11/09, nhật báo Pháp Le Figaro dẫn lại thông tin từ trang kiểm chứng thông tin Politifact, cho biết tin đồn này dựa vào một bài đăng trên mạng xã hội Facebook ngày 06/09 liên quan đến Springfield, bang Ohio, nơi có gần 15.000 người gốc Haiti đến sống tại thành phố có khoảng 58.000 dân, chủ yếu là người da trắng, từ đợt đại dịch Covid-19.

 

Một người viết trên mạng xã hội, không trích nguồn rằng: “Springfield là một thành phố nhỏ ở Ohio. Cách đây bốn năm, thành phố có 60.000 dân. Dưới thời (Kamala) Harris và (Joe) Biden, 20.000 người Haiti được đưa đến thành phố. Ngày nay, vịt và vật nuôi trong nhà biến mất”. Dưới phần bình luận là ảnh chụp màn hình lời kể, viết trong một nhóm kín, của một phụ nữ sống ở Springfield : “Một người hàng xóm của tôi bảo rằng một cô bạn của con gái bà ấy bị mất mèo. […] Khi đi làm về […] cô ấy nhìn sang một ngôi nhà nơi có người Haiti sống. Cô ấy thấy con mèo của mình treo trên cây, như trong tiệm thịt. Họ treo nó lên để ăn”

 

Bài đăng này đã bị xóa nhưng rất nhiều thành viên cốt cán của đảng Cộng Hòa đã lan truyền. JD Vance, thượng nghị sĩ bang Ohio và là ứng viên phó tổng thống Mỹ, khẳng định trên mạng X : “Hiện giờ có nhiều lời kể lại rằng nhiều người đã thấy vật nuôi của họ bị trộm và bị những người không nên có mặt ở đất nước này (Mỹ) ăn thịt. Sa hoàng đường biên giới của chúng ta đâu rồi ?”. Tin nhắn dẫn “lời của những người được nghe kể lại rằng một người đó bị như vậy” đã được 11 triệu lượt xem trên mạng X, thậm chí Elon Musk, ông chủ tỉ phú của mạng X, ủng hộ Donald Trump cũng đăng lại thông tin theo “tin đồn”.

 

Trả lời trang Rolling Stones, một người phát ngôn của JD Vance khẳng định ông dựa vào “rất nhiều cuộc gọi và thư từ trong vài tuần qua từ phía những người dân đang lo lắng ở Springfield” để đưa ra cáo buộc đó. Tuy nhiên, trên đài CBS News, chính quyền địa phương kịch liệt bác bỏ thông tin là có đơn kiện liên quan đến sự kiện như vậy. Trong một thông cáo, cảnh sát địa phương khẳng định : “Chúng tôi muốn nói rõ rằng không có thông tin đáng tin cậy hoặc tuyên bố cụ thể nào về việc thú nuôi bị người nhập cư ngược đãi, làm bị thương hoặc lạm dụng”.

 

 

Kỳ thị người Haiti để tấn công chính sách di dân của Biden-Harris

 

Người nhập cư Haiti bị coi là “những kẻ sát nhân” và “khủng bố”. Phe ủng hộ cựu tổng thống Mỹ cáo buộc ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris muốn biến Mỹ thành “trại tị nạn”. Theo AFP, rất nhiều người trong cộng đồng Haiti ở đây sống hợp pháp và được hưởng quy chế bảo vệ, rất nhiều người đã sống ở Mỹ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, họ bị cáo buộc là được chính phủ liên bang đưa xe bus chở đến Springfield và sống nhờ trợ cấp.

 

Chiến dịch thù hận nhắm vào người nước ngoài của Trump nằm trong truyền thống “kỳ thị” người Haiti tại Mỹ. Trả lời đài RFI ngày 14/09, nhà chính trị học Sébastien Nicolas, giải thích về nguồn gốc của sự kỳ thị này :

 

“Những phát biểu của Donald Trump về người Haiti không có gì là mới vì nó ăn sâu trong cả một lịch sử gắn liền với tư tưởng phân biệt chủng tộc. Cần phải biết rằng sau cuộc Cách mạng Haiti và đất nước được độc lập năm 1804, bắt đầu xuất hiện một lập luận kỳ thị về lãnh thổ, trước tiên là hợp pháp hóa chế độ nô lệ ở Mỹ bằng cách coi Haiti là một quốc gia suy tàn, đồi bại. Đó là cách để cố cho thấy rằng cuối cùng, những người bị coi là da đen không có khả năng tự trị.

 

Sau đó, theo dòng lịch sử khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc xuất hiện ở Hoa Kỳ và một lần nữa Haiti lại bị nhắc đến ở Mỹ để hợp thức hóa hiện tượng phân biệt chủng tộc, theo diễn giải : Người ta sẽ theo dõi xem khi để những người da đen điều hành chính phủ, nhìn xem họ làm thế nào, vì thế mà phải duy trì hệ thống đã được triển khai đó. Cuối cũng phát biểu mà chúng ta thấy ở Donald Trump là di sản trực tiếp từ sự đối lập giữa những công dân da trắng, những người Samari tốt bụng và những người bị coi là nguyên thủy và hoang dã”.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Cuộc tranh luận lộ rõ khác biệt tầm nhìn giữa Trump và Harris

 

MỸ - BIỂU TÌNH

Mỹ: Cộng đồng người Haiti vẫn "sốc" vì tổng thống Trump

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats