Tuesday, 24 September 2024

CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM ĐI HOA KỲ : CƠ HỘI ĐỂ THÚC ĐẨY QUAN HỆ MỸ – VIỆT? (Thanh Phương / RFI)

 



Chủ tịch nước Tô Lâm đi Hoa Kỳ: Cơ hội để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt?  

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 23/09/2024 - 13:52

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20240923-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-t%C3%B4-l%C3%A2m-%C4%91i-hoa-k%E1%BB%B3-c%C6%A1-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%83-th%C3%BAc-%C4%91%E1%BA%A9y-quan-h%E1%BB%87-m%E1%BB%B9-vi%E1%BB%87t

 

Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã đến New York cuối tuần qua để dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Theo thông báo của Nhà Trắng, nhân djp này ông Tô Lâm sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ tư 25/09/2024 bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Chuyến đi Hoa Kỳ của ông Tô Lâm liệu có sẽ là cơ hội để thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt, trong bối cảnh vừa có những thay đổi trong thượng tầng lãnh đạo ở Hà Nội?

HÌNH :

Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tô Lâm (P) và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 27/07/2024. AP - Luong Thai Linh

 

Trong bài viết đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 29/08/2024, nhà báo chuyên về châu Á David Hutt cho biết ông nghe nói rằng Việt Nam đã muốn chuyến đi của ông Tô Lâm ở Hoa Kỳ là chuyến thăm cấp nhà nước chính thức. Nhưng cuối cùng thì chuyến đi Hoa Kỳ của ông Tô Lâm chỉ là chuyến đi "làm việc" theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 19/09. Theo David Hutt, Hà Nội có thể sẽ không quá nản lòng với một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi như vậy. Bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Tô Lâm với ông Biden hoặc bà Harris đều phần lớn mang tính biểu tượng, "điều quan trọng là họ gặp nhau". 

 

Trên trang mạng Geopolitical Monitor ngày 18/09/2024, nhà nghiên cứu độc lập James Borton nhận định chuyến đi của ông Tô Lâm tại Hoa Kỳ có thể sẽ giúp làm nổi bật ý nghĩa của thỏa thuận về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã đạt được vào năm ngoái. 

 

Ông Borton nhắc lại tổng thống Joe Biden đã từng ca ngợi mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và cũng đã gởi lời chúc mừng tới chủ tịch nước Tô Lâm khi ông được bầu làm tổng bí thư, bày tỏ “sự lạc quan về chương mới trong sự lãnh đạo của Việt Nam”. Theo tổng thống Biden, chương mới đó là một cơ hội rất tốt để hai nước tăng cường quan hệ chiến lược và hợp tác trong những vấn đề thiết yếu như tăng trưởng kinh tế, an ninh khu vực, thương mại và chống biến đổi khí hậu.

 

Trong bài viết nói trên, nhà nghiên cứu James Borton còn lưu ý phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ, cũng đã nhanh chóng thừa nhận vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực với tư cách là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. Mặc dù có sự khác biệt về hệ thống chính trị và hệ tư tưởng, Hoa Kỳ đã cố xây dựng mối quan hệ dựa trên thiện chí và lòng tin hiện có giữa Hà Nội và Washington.

 

Tuy nhiên, theo ông Borton, nhân quyền vẫn là một chủ đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Việt Nam. Hoa Kỳ thường nêu ra các vấn đề về tự do ngôn luận, quyền lao động và bất đồng chính kiến, trong khi Việt Nam coi đây là những vấn đề nội bộ. Các vấn đề chính trị và nhân quyền vẫn là những điểm bế tắc có thể ảnh hưởng đến bang giao lâu dài.

 

Trước chuyến đi Hoa Kỳ của thăm của ông Tô Lâm, chính phủ Việt Nam đã trả tự do trước thời hạn cho một số nhà hoạt động hàng đầu, đó là ông Trần Huỳnh Duy Thức, nhà hoạt động nhân quyền bị kết án tù 16 năm vào năm 2010 về tội " Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" và bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà hoạt động môi trường đang thọ án 3 năm tù về tội "gian lận thuế" sau khi bị kết án vào năm ngoái. Hành động này có thể báo hiệu những nhượng bộ tiềm tàng của Hà Nội đối với mối quan ngại của Washignton về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. 

 

Ngoài ra còn phải tính đến "yếu tố Trung Quốc". Trước khi đến Hoa Kỳ, ông Tô Lâm đã chọn Trung Quốc để mở chuyến công du ngoại quốc đầu tiên với tư cách tổng bí thư đảng. Đây là chuyện bình thường theo truyền thống ngoại giao của Việt Nam với láng giềng Cộng sản phương bắc. Nhưng trong khi quan hệ Việt-Trung có vẽ rất hữu hảo, thì quan hệ Việt – Mỹ dường như đang gặp vấn đề, nhất là qua việc Washington đã từ chối công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Trả lời RFI qua điện thoại ngày 05/09/2024, tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ, nhận định:

 

"Quan hệ Việt Nam với Mỹ chỉ có thể phát triển bình thường và ổn định khi Việt Nam có thể trấn an Trung Quốc rằng các phát triển trong quan hệ Việt-Mỹ sẽ không làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Do vậy, việc ông Tô Lâm đi thăm Trung Quốc trước khi đi thăm Mỹ là một bước đi cần thiết để tạo tiền đề cho chuyến thăm Mỹ sắp tới, chứ hoàn toàn không thể hiện Việt Nam ngả theo bên này hay bên kia.

 

Rõ ràng là việc Washington từ chối công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường là một bước lùi rất lớn trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, nhất là khi Việt Nam đặt việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là ưu tiên trong quan hệ với Mỹ. Cần phải nói rõ: Việt Nam không được công nhận không phải là do Việt Nam không có nền kinh thế thị trường thực sự, mà là do Mỹ vẫn còn nhiều nghi kỵ đối với chính quyền Cộng sản ở Việt Nam.

 

Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ sẵn sàng công nhận kinh tế thị trường với các nước đồng minh châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan, mặc dù các nước này lúc bấy giờ có nền kinh tế phi thị trường và không có công đoàn độc lập như Mỹ yêu cầu. Mỹ đã cấp quy chế kinh tế thị trường để bảo đảm là các nước này phát triển thần kỳ, nhanh chóng, dưới sự bảo hộ của Mỹ và từ đó có thể giúp Mỹ chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản.

 

Tuy nhiên,Việt Nam hiện tại không nhận được ưu ái đó, do chưa phải là đồng minh của Mỹ, cũng như tiếng nói chống Cộng sản của đại bộ phận cộng đồng người Mỹ gốc Việt vẫn còn rất lớn. Yếu tố ý thức hệ này sẽ là vật cản lớn, song song với các sức ép từ phía Trung Quốc buộc Việt Nam giữ vị trí trung lập trong quan hệ Việt-Mỹ."  

 

Khi tỏ ra quá thân thiện với ông Tập Cận Bình nói riêng và với Bắc Kinh nói chung, thể hiện qua chuyến đi Trung Quốc vừa qua của ông Tô Lâm, liệu Hà Nội có sẽ khiến chính quyền Biden nghi ngờ về thực tâm của Việt Nam muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ? Ngược lại, Hà Nội đã thật sự có sự tin cậy vào Washington, hay vẫn còn ngờ vực về ý đồ thật sự của Mỹ? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang cố giải đáp những câu hỏi đó:

 

"Yếu tố ý thức hệ là một trong những nguyên nhân chính đằng sau việc Mỹ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, và như tôi đã nói thì quan hệ Việt - Mỹ chỉ có thể phát triển bình thường và ổn định khi Việt Nam có thể trấn an Trung Quốc rằng các phát triển trong quan hệ Việt-Mỹ không làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

 

Nếu như so sánh yếu tố ý thức hệ trong quan hệ Việt-Trung trong chuyến thăm vừa qua của ông Tô Lâm  với quan hệ Việt- Mỹ, có thể thấy là Việt Nam và Trung Quốc đều đạt được đồng thuận về việc phải duy trì ổn định chính trị ở mỗi nước. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhu cầu hay lợi ích nào trong việc ủng hộ cách mạng màu hay lật đổ chế độ cộng sản ở Việt Nam, do nếu Việt Nam gặp bất ổn chính trị thì Trung Quốc cũng sẽ bị vạ lây, do là láng giềng với nhau. Trung Quốc vẫn mong muốn Việt Nam phát triển ổn định và trung lập.

 

Trái lại thì Mỹ mặc dù trấn an Việt Nam rằng họ tôn trọng chính quyền Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên việc Mỹ vẫn ủng hộ các tổ chức đối lập với nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục khiến Hà Nội nghi ngờ mục tiêu thật sự của Mỹ. Khác với Trung Quốc, Mỹ không phải chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu cách mạng lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam nổ ra, do Mỹ ở rất xa. 

 

Mỹ không công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường sẽ càng xác nhận với phía Việt Nam là Mỹ vẫn chưa đủ thiện chí để nâng cấp quan hệ hai nước thêm sâu rộng hơn, vì thật ra, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ hiện nay vẫn chưa có thực chất. Ông Tô Lâm thăm Mỹ với vai trò tổng bí thư sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tăng uy tín với chính giới Mỹ. Tuy vây, việc tăng uy tín đó có khiến Mỹ thôi ủng hộ các tổ chức chống nhà nước Việt Nam hay không thì chúng ta chưa thể biết rõ." 

 

Tuy vậy, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu James Borton, chuyến thăm gần đây của bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Washington ngày 09/09/2024 có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ đối tác an ninh đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Chuyến thăm nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực như an ninh hàng hải, hiện đại hóa quốc phòng và hoạt động gìn giữ hòa bình. Chuyến thăm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi cả hai nước cùng chia sẻ mối quan tâm về tự do hàng hải và luật pháp quốc tế.

 

Nhưng với việc hai nước nay đã nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, liệu Việt Nam có thể dựa vào Mỹ nhiều hơn để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang đánh giá về khả năng đó:

 

"Nếu chúng ta nhìn cách Mỹ ủng hộ đồng minh Philippines ở Biển Đông thì sẽ thấy là Mỹ họ cũng ngại bị kéo vào tranh chấp lãnh thổ giữa đồng minh và Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc bắt nạt Philippines từ đầu năm đến nay rất nhiều, nhưng Mỹ đã không có hành động nào cụ thể để bảo vệ đồng minh. Việt Nam nên nhìn qua Philippines để hiểu là sẽ không dễ mà Mỹ can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Trái lại, việc Việt Nam không phải đồng minh với Mỹ lại có lợi cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyển trên biển, khi Trung Quốc im lặng và không bắt nạt Việt Nam, bất chấp Việt Nam đã cải tạo và bồi đắp đảo diện rộng lớn hơn Philippines rất nhiều. Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy là chỉ cần Việt Nam không liên minh với Mỹ thì họ có thể nhân nhượng trên biển, để Việt Nam cũng được có lợi.

 

Chưa kể trong tương lai sắp tới, khi cán cân sức mạnh quân sự trên Biển Đông ngày càng nghiêng về Trung Quốc, Mỹ sẽ càng ngại và càng khó mà hỗ trợ đồng minh và đối tác trong khu vực. Chỉ cần nhìn qua Philippines, Việt Nam nên thấy là quan hệ đồng minh với Mỹ sẽ không giải quyết được cả các vấn đề an ninh nổi cộm hiện nay."

 

Trong bài viết trên trang Geopolitical Monitor, nhà nghiên cứu James Borton nhấn mạnh kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024 sẽ có tác động lớn đến quan hệ quốc tế của Mỹ, ảnh hưởng đến chính sách thuế quan và các hiệp định thương mại. Nếu phó tổng thống Harris đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ-Việt chắc là sẽ không có thay đổi đáng kể. Trong khi đó, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Washington đã rút ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương và thi hành một chính sách thiên về chống toàn cầu hóa và chống tự do mậu dịch. Nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng, quan hệ Mỹ - Việt có sẽ thay đổi nhiều? Liệu chính sách ngoại giao "cây tre" của Việt Nam, giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc đối địch, sẽ còn tác dụng đối với chính quyền Trump 2 hay không? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang nhận định:

 

"Hiện hãy còn quá sớm để đánh giá được chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ 2 đối với Việt Nam. Nhưng có một điểm khá là bất ngờ đối với nhiều học giả, đó là nếu nhìn vào chính sách ngoại giao của tổng thống Trump nghiệm kỳ thứ nhất, thì ông cũng không đi ngược lại những truyền thống ngoại giao của Mỹ đến mức trầm trọng như nhiều người dự đoán. Trong giai đoạn 2017-2021, chính quyền tổng thống Trump vẫn rất sẵn lòng tôn trọng chính sách ngoại giao "cây tre" của Việt Nam và cũng rất  sẵn sàng tăng cường hợp tác quốc phòng với giữa hai nước. vẫn được chính quyền Trump hợp tác và ủng hộ . Do vậy, theo tôi, chính sách ngoại giao « cây tre » của Việt Nam vẫn sẽ hiệu quả đối với chính quyền  Trump 2.

 

Tuy vậy, nếu quan hệ Mỹ-Trung trở nên trầm trọng hơn dưới nhiệm kỳ 2 của tổng thống Trump, rõ ràng là dư địa để Việt Nam có thể sử dụng ngoại giao "cây tre" nhằm cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng hẹp lại."

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats