Wednesday 25 September 2024

CHỦ NGHĨA NÀO LÀ ĐIỂM ĐẾN CUỐI CÙNG CỦA NHÂN LOẠI? (Phạm Minh Phụng  |  Luật Khoa tạp chí)

 



Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?

Phạm Minh Phụng  |  Luật Khoa tạp chí

Sep 17, 2024
https://www.luatkhoa.com/2024/09/chu-nghia-nao-la-dich-den-cuoi-cung-cua-nhan-loai/

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/09/Bi-a--o-c-sa-ch---Na-m-2024-1.jpg

Quyển sách "The End of History and the Last Man". Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

 

Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and the Last Man" của nhà nghiên cứu chính trị, triết gia Francis Fukuyama (Đại học Stanford, Mỹ). [1] Tựa đề của cuốn này thường được dịch là "Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng".

 

Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1992, tiếp nối tiểu luận nổi tiếng có tên "The end of history" của cùng tác giả vào năm 1989. Cuốn sách này cũng gây nhiều tranh cãi khi Fukuyama lập luận rằng nền dân chủ tự do sẽ là điểm kết thúc của quá trình phát triển chính trị và lịch sử, hay còn gọi là "sự cáo chung của lịch sử". Đối với Fukuyama, lịch sử là một khát vọng, lý tưởng, chứ không phải chỉ đơn thuần miêu tả những gì đang xảy ra.

Fukuyama đưa ra lập luận của mình trong bối cảnh chế độ cộng sản thoái trào và nền dân chủ bắt đầu phát triển ở nhiều quốc gia, đặc biệt là sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.

 

Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, quan điểm của Fukuyama bị nhiều người chỉ trích, nhất là khi thế giới chứng kiến hiện tượng suy thoái của các nền dân chủ trên thế giới (democratic recession), ngày càng nhiều quốc gia trở lại chế độ độc tài hoặc gặp thách thức trong việc duy trì nền dân chủ. Một số học giả cho rằng quan điểm của Fukuyama về lịch sử thực chất cũng chỉ là phản ánh góc nhìn bảo thủ của riêng ông. [2]

 

Ở bài này, người viết sẽ tóm tắt những nội dung chính của cuốn sách và giải thích vì sao nhiều dự đoán của Fukuyama vẫn có giá trị cho đến ngày nay.

 

Trong phần đầu của cuốn sách, Fukuyama phân tích khái niệm "sự cáo chung của lịch sử". Ông lập luận rằng nền dân chủ tự do là điểm đích cuối cùng của sự phát triển chính trị vì nó đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến văn hóa và tri thức. Chưa kể, nó có những yếu tố để đảm bảo cho cuộc sống ý nghĩa, an toàn, đó là tự do, công lý, sự giàu có và sự tôn trọng cá nhân.

 

Fukuyama cho rằng nền dân chủ tự do là hình mẫu lý tưởng tối ưu. Góc nhìn này của ông được lấy cảm hứng từ Immanuel Kant và Georg Wilhelm Friedrich Hegel, khác với quan điểm của Karl Marx và nhiều triết gia tả khuynh trước năm 1980, những người cho rằng chủ nghĩa cộng sản mới là điểm đích cuối cùng của nhân loại vì nó hứa hẹn chấm dứt đấu tranh giai cấp.

 

Sự gia tăng số lượng các quốc gia dân chủ và việc các chế độ cộng sản phải mở cửa kinh tế (như Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới) đã phần nào chứng minh kết luận của Fukuyama.

 

Mặc dù nêu nhiều ưu điểm của nền dân chủ tự do, nhưng Fukuyama cũng dự báo nền dân chủ có thể khiến công dân trở nên thờ ơ về chính trị và gây ra sự phân hóa trong xã hội, nhất là khi con người cảm thấy thiếu sự công nhận từ cộng đồng mà họ đang sống (thymos).

 

Khi đó, chế độ độc tài có thể hấp dẫn hơn vì nó thường đưa ra các mục tiêu chính cho con người. Ví dụ, chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn công bằng giữa các giai cấp, chủ nghĩa phát xít khẳng định sự ưu việt của một dân tộc, v.v.

 

Trong quyển sách này, Fukuyama dành nhiều trang giới thiệu khái niệm "con người cuối cùng" (the Last Man), để miêu tả trạng thái của những cá nhân sống trong nền dân chủ tự do, nơi mà họ có thể cảm thấy thiếu mục đích và động lực. 

 

Fukuyama cũng nhận thấy rằng sự nổi lên của chủ nghĩa xã hội hoặc sự ủng hộ của nhiều người đối với các chế độ độc tài phần nào đó đã phản ánh sự thất vọng với nền dân chủ hiện tại. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát vào năm 2018 ở Úc cho thấy 63% sinh viên đại học ủng hộ chủ nghĩa xã hội và tổ chức Fraser tại Anh vào năm 2023 cũng phát hiện rằng 53% thanh niên từ 18 - 34 tuổi có quan điểm tương tự. [3] [4]

 

Ông cũng dự đoán chính xác rằng xã hội sẽ có sự phân hóa sâu sắc dựa trên dân tộc, tôn giáo, giới tính, v.v. Chúng ta có thể thấy cựu tổng thống Donald Trump đã thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào năm 2016 vì bà Hillary Clinton chỉ kêu gọi các nhóm thiểu số (như người da đen, phụ nữ) và bỏ qua các khu vực khác. [5] [6] Hay gần đây hơn, cuộc bạo loạn tại Southport (30/7 - 5/8) ở Anh có nguồn cơn từ làn sóng bài Hồi giáo, v.v. [7]

 

Nhưng nếu vậy, có phải chủ nghĩa cộng sản đang lật ngược thế cờ không?

 

Không hẳn.

 

Fukuyama giải thích rằng nền dân chủ sẽ không dễ dàng bị phá vỡ một sớm một chiều vì các vấn đề như tội phạm, nghèo đói, v.v. Trong khi đó, các chế độ độc tài không có giải pháp nào hoàn hảo để xử lý vấn đề khủng hoảng lãnh đạo (bad emperor problem). [8]

 

Fukuyama nhấn mạnh việc duy trì và phát triển nền dân chủ là một thách thức lớn, nhưng khó khăn có thể được giải quyết bằng cách giảm bạo lực và cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhóm xã hội.

 

Nếu chúng ta giữ vững niềm tin vào tự do, công lý và nhân phẩm, thì nền dân chủ sẽ chiến thắng. Nói cách khác, chính chúng ta sẽ quyết định khi nào lịch sử kết thúc.

 

-----------------------------

Đọc thêm:

‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin

 Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” mang đến cái nhìn sâu sắc về việc Trung Quốc đã cải cách chủ nghĩa Lênin trong thời đại số hóa, còn được gọi là Chủ nghĩa Lênin 2.0.

Luật Khoa tạp chí           Ái Thư

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats