Sunday, 15 September 2024

CHÓ HÙA - CHUYỆN ĐỜI NAY (Nam Gia / Blog RFA)

 



Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 3)

Nam Gia   |  Blog RFA

Thứ Năm, 09/12/2024 - 02:24 — nam gia

https://www.rfavietnam.com/node/8155

 

Dạo vài ba năm gần đây, trên mạng xã hội, người ta bắt gặp câu "nhờ 500 anh em..." cho một việc gì đó cần huy động để tấn công người khác khi gặp chuyện, mà người nhờ cậy cho là bị xúc phạm phẩm giá - danh dự hoặc để cùng làm những chuyện mang tính cá nhơn v.v... . Tưởng chuyện vui đùa chốc lát nhưng cái "500 anh em" đó lại truyền nhiễm như một bịnh dịch, để trở thành "bầy chó hùa" (!).

 

Trong các nghề chuyên môn, giới nghệ sĩ thường nhận lãnh hậu quả "chó hùa" nhiều nhứt. Ngày 23 tháng Tám năm 2024, báo Người Lao Động cho biết, ca sĩ Tóc Tiên bộc bạch [1] "... Tiên chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức chống phá quê hương mình. Sự tham gia của Tiên vào các sự kiện đó chỉ đơn thuần là những màn trình diễn phục vụ nghệ thuật cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại với các bài hát hoàn toàn về tình yêu đôi lứa...". Cùng ngày, trang báo Công Thương có bài [2] "Phan Đinh Tùng nói gì về việc hát trước cờ ba sọc?", trong đó nói rõ, nam ca sĩ này xin lỗi về việc không cố tình hát dưới Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Trang Công Thương còn cho biết thêm "... Mấy ngày qua, vụ việc ca sĩ Phan Đinh Tùng biểu diễn tại Mỹ mà đằng sau có cờ ba sọc khiến mạng xã hội vô cùng bức xúc...". Không chỉ hai ca sĩ này, nghệ sĩ hề Việt Hương và ca sĩ Phạm Khánh Hưng cũng "tự động và tự nguyện" xin lỗi về việc này (!).

 

Trước đó, vợ chồng nghệ sĩ Quốc Nghiệp - Ngọc Mai chỉ vì một hình ảnh có lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cũng bị "bầm dập" hoặc nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ vì cái huy hiệu anh đeo trên ngực, gọi là "huy hiệu lạ" đã bị phạt 27,5 triệu đồng và bị cấm biểu diễn trong 9 tháng theo quyết định, do bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký vào ngày 10 tháng Bảy năm 2024.

 

Tất cả những dẫn chứng trên, đều xuất phát từ cái gọi là "dư luận bức xúc" (?!). Người quan sát không hiểu "dư luận" từ đâu mà vu vơ - vớ vẩn như vậy. Còn cơ quan công quyền kỷ luật ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, dựa trên Nghị định 38/2021/NĐ-CP ban hành ngày 29/3/2021, vốn chỉ "QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA VÀ QUẢNG CÁO", không có một điều khoản nào nói về "tính chính trị", kể cả cái huy hiệu đã được xác định là "huy hiệu lạ" hoàn toàn mù mờ không ai hiểu "lạ là lạ làm sao" (?!). Hóa ra, UBND TPHCM xử phạt chỉ vì... "dư luận bức xúc" (!). Đây là cách làm việc "chánh trị hóa nghệ thuật", vốn càng khiến cho giới nghệ sĩ "mất ăn mất ngủ", lẽ ra họ không đáng phải gánh chịu.

 

Gọi "dư luận bức xúc" cho... sang nhưng thực chất "lũ chó hùa" đã thành công, ít nhứt đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Yêu ghét cá nhơn được "pháp luật hóa", tưởng rằng xã hội bình an nhưng nó chính là điểm khởi đầu của một xã hội tao loạn. Bởi khi chính trị chen vô và chiếm trọn đời sống dân sự, lúc đó, bất cứ kẻ nào cũng được và chỉ cần "nhờ 500 anh em", cùng đồng loạt nhân danh "yêu nước" và "chống bọn phản động" tấn công một cá nhơn là... xong! Thử hỏi, có bất cứ nhà nước nào trên toàn thế giới  đặt ra "tiêu chuẩn yêu nước" để người dân tuân theo? Yêu nước? Không có một dân tộc nào trên toàn cầu không yêu nơi họ được sanh ra và lớn lên. "Yêu nước kiểu chó hùa" là một thứ nhập nhằng, nhằm cố tình dùng đám đông ô hợp - hung hãn để hãm hại người đang bị ghét dơ bằng cách để bụng, rồi soi mói, rình mò từ những cặp mắt cú vọ - như thời "Cải Cách Ruộng Đất" và bọn "Cách Mạng Ba Mươi Tháng Tư" một thuở - để đạt được sự khoái trá của "một lũ chó hùa" mà thôi!

 

Người dân co cụm và e dè trước nạn "chó hùa" đã đành. Người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, với sự sợ hãi bám đầy trong tâm tưởng cùng mỗi câu nhạc hát lên, mỗi bộ trang phục phải rụt rè, mỗi hành vi đứng dưới "cờ này cờ kia" cũng dễ dàng tạo ra "tai bay vạ gió" v.v... Như vậy "hồn nghệ thuật" có còn chỗ nào trong giới nghệ sĩ, để thỏa sức cống hiến đam mê cho khán giả?

 

Khi "lũ chó hùa" thành công có nghĩa, việc toa rập hãm hại người khác đã được nhà nước CHXNCNVN công nhận gián tiếp. Vậy thử hỏi, còn gì là "thượng tôn pháp luật"?

 

Thói tánh "chó hùa" khiến con người ta mất hết liêm sỉ - "dục thùng rác" danh dự, biến con người ngày càng trở nên ti tiện và hèn đớn. Thói tánh "chó hùa" khiến con người ta bất phân phải trái  - không kể tình thâm, chỉ cần thỏa mãn bản thân. Thói tánh "chó hùa" nảy nở tràn lan, tức là tự thân mình biến thành nô lệ mà không hay biết, vì chỉ biết "sủa hùa" theo con chó đầu đàn. Đã là nô lệ tức không phân biệt trắng - đen, không màng lễ giáo, đánh mất lương tri. Đã là nô lệ tức chỉ tuân lịnh chủ nô một cách tuyệt đối. Xã hội hỗn loạn từ đây mà ra.

 

Một xã hội dung chứa nạn "chó hùa" lan tràn là một xã hội tan nát nhơn tâm. Một xã hội tan nát nhơn tâm đừng bao giờ nghĩ về "đoàn kết".

 

Một nhà nước để  mặc nhiên cho "bọn chó hùa" sanh con đẻ cái ngập tràn và thậm chí đồng lõa với "lũ chó hùa" bằng những quyết định xử phạt phi đạo lý - vô pháp luật, tức là chính tay nhà nước đó đã trực tiếp đẩy người dân của mình vào hố nô lệ.

 

[1] https://nld.com.vn/toc-tien-len-tieng-xin-loi-ve-nhung-sai-sot-trong-qua...

 

[2] https://congthuong.vn/phan-dinh-tung-noi-gi-ve-viec-hat-truoc-co-ba-soc-...

 

[3] https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dam-vinh-hung-co-bi-phat-neu-luu-die...

 

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-38-2021-ND-CP-xu...

 

nam gia's blog

 

 

                                                       *****

 

Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 2)

Nam Gia   |  Blog RFA

Thứ Năm, 09/05/2024 - 02:20 — nam gia

 https://www.rfavietnam.com/node/8152

 

"Chó hùa" - Chuyện Đời Nay

 

Ngót nghét 70 năm từ thuở đó, thói tánh này không hề "nguôi ngoai" chút nào với bản chất lưu manh - côn đồ, vốn có của dòng máu "dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay”.

 

Có lẽ cũng nên phân biệt "Chó hùa" với các băng đảng ăn cướp vào lúc bấy giờ, như: Bạch Hải Đường hay Đại Cathay v.v... Bởi những người này đều được gọi là "tướng cướp", vốn dĩ vẫn có tranh giành địa bàn và thanh toán lẫn nhau nhưng họ không có thói "Chó hùa" và đặc biệt không bao giờ hiếp đáp người cô thế. Do đó, trước 1975, người dân miền Nam hầu như không có thói tánh "Chó hùa", bởi những mâu thuẫn xảy ra giữa chòm xóm, đều được giải quyết êm đẹp đúng nghĩa "tối lửa tắt đèn có nhau". Còn trong trường học, thế hệ chúng tôi đều hiểu, mọi xích mích phải được thầy - cô phân giải, trên tinh thần "học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau"  (Học Sinh Hành Khúc - nhạc sĩ Lê Thương)

 

Người dân sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hầu hết đều sống bằng đạo đức thật và tuân thủ pháp luật. Người lớn thì như vậy. Còn con nít đang độ tuổi đi học cũng luôn được dạy dỗ về lễ giáo, song song với học chữ. Trường học cũng như trường đời, người dân miền Nam luôn biết phân biệt phải trái và cư xử với nhau bằng tình nghĩa. Thêm vô đó, trong trường học không hề có bóng dáng đảng phái - đoàn thanh niên - đội thiếu niên tiền phong - đội sao đỏ - hội cha mẹ phụ huynh học sinh v.v... Tại công sở cho tới các bịnh viện - công ty hay hãng xưởng v.v... không có bóng dáng đảng phái đã đành, cũng không hề xuất hiện những màn "đấu tố" - Đây chính là nguồn cội cho thói tánh "Chó hùa" lan truyền và lây nhiễm. 

 

Sau 1975, cả miền Nam bàng hoàng chết lặng khi Việt Nam Cộng Hòa sập đổ... Kể từ thuở ấy, người người đều xanh mặt - trắng mắt và tập quen dần, để sống theo "văn hóa XHCN" được du nhập vào, cùng cuộc di cư lặng lẽ nhưng ồ ạt của người Bắc sau 1975. Thế cho nên, người đời mới đặt tên "Bắc 54" để phân biệt với "Bắc 75" là vậy. Cũng cần nói cho rõ: Bắc 54 là "dân chạy giặc", họ vô Nam sống hòa đồng và thấm đẫm về "GIẶC". Còn Bắc 75 là "Bên Thắng Cuộc", họ vào Nam bằng tinh thần "Mỹ đã cút - Ngụy đã nhào" với "chiến lợi phẩm" là dải đất từ vĩ tuyến 17 trở vô cực Nam, trở thành "di sản" do ông cha họ trao truyền, từ cái gọi là... "chiến thắng" (!) Do đó, ứng xứ trong đời sống, người Bắc 54 cũng khác rất xa người Bắc 75.

 

Nói cho ngay, những năm đầu sau 1975, thói tánh "Chó hùa" đã có "đất sống", nó được thể hiện bằng những trận chửi rủa không tiếc lời về "văn hóa phẩm đồi trụy", cùng với việc sởn tóc - cắt quần ống loe của thanh niên Sài Gòn thời đó và nhiều biểu hiện dữ dội ghê gớm khác, khiến cho "ngụy dân Sài Gòn" cúi mặt mà đi, trên những vỉa hè mưa xối xả tựa như những dòng lệ tuôn trào từ những thân phận vong quốc...

 

Rồi hình hài "Chó hùa" với khái niệm "Cách mạng Ba Mươi Tháng Tư" cũng dần rơi vào quên lãng, do những cơn đói kèm cúp điện triền miên kéo dài. Cái đói làm người ta lo đi kiếm miếng bỏ bụng cho mình và gia đình, chẳng còn ai đủ hơi sức để... "sủa hùa" (!).

 

Coi vậy mà thời bị Mỹ cấm vận, nghèo đói thì có nghèo đói thiệt nhưng con người không đến nỗi nào, dù đều chung sống dưới "sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng" (!).

 

Hậu cấm vận - thoạt đầu ai cũng hí hửng và mừng rỡ - mới đó đã ngót nghét 30 năm... Rồi người dân xứ thiên đàng cũng tiếp cận gần như tất cả, những gì tân tiến nhứt - hiện đại nhứt của thế giới. Đặc biệt, từ khi internet có mặt tại đây, ai ai cũng hứng khởi với "sự lợi hại" truyền thông. Rồi Facebook xuất hiện vào năm 2006, mới đó cũng gần 20 năm rồi... Kéo theo facebook là các mạng xã hội khác cũng du nhập vô... 

 

Thoạt đầu, không mấy ai còn nhớ đến thói "Chó hùa" gây kinh hoàng một thuở nhưng thói tánh ghê gớm này ngày càng sanh sôi nảy nở, đến mức gây thất điên bát đảo. Mới nhứt là câu chuyện cậu học trò Chu Ngọc Quang Vinh gây sóng gió trên khắp báo chí và mạng xã hội về "tội vô ơn" với Đảng Cộng sản Việt Nam bằng phát ngôn "Đảng là thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân" (!). Dĩ nhiên vô vàn người nhân danh"yêu nước - ơn đảng" đồng loạt nhào vô xỉa xói không tiếc lời và quyết lòng tẩy chay bằng mọi cách cậu học trò tội nghiệp! Họ muốn gì? Họ muốn cô lập một cậu học trò, nói thẳng théc ra, họ muốn tước bỏ hết mọi cơ hội tiếp cận của cậu bé với đời sống xã hội và để "dạy" cho cậu bé ngẫm nghĩ và thấm thía về "sự vô ơn" trong cái bụng đói cùng manh áo rách của ông cha họ, từ thuở "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ..."! Vô số người khác phải rùng mình sởn óc khi biết tin này, bởi Cải Cách Ruộng Đất và Nhân Văn Giai Phẩm cùng thảm nạn "Đấu Tố" với thói tánh "Chó hùa" đang đội mồ sống dậy...

 

Xã hội xứ thiên đàng, tròm trèm trăm năm "đời ta có đảng" những tưởng văn minh hơn - nhơn ái hơn nhưng có lẽ, hầu hết người ta vẫn đang trong quá trình "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" chăng? Chỉ tiếc, loại "bùn tàn ác" vẫn đặc kẹo và nhão nhoẹt, còn người dân xứ thiên đàng vẫn đang loi ngoi lóp ngóp chòi đạp hoài, mà chưa hề thoát khỏi vũng lầy của thảm nạn... NHỒI SỌ.

 

Trang fanpage của RFA cho hay [*]: "Công an Yên Bái nói đã giải thích cho học sinh Chu Ngọc Quang Vinh nhận thức rõ về Đảng". Thiệt kỳ! Cậu học trò tội nghiệp này, dù 100%  "nhận thức rõ về Đảng" cũng đâu chắc giúp cho cậu bé thoát khỏi nạn "Chó hùa" vẫn đang tiếp diễn?

 

Điều đáng để cho Bộ Công an - Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch - Bộ Giáo dục làm là chấm dứt thói tánh "Chó hùa" trong dân chúng. Bởi chưa dẹp được nọc độc "Chó hùa", chắc chắn tương lai "bịnh dại tinh thần" sẽ gia tăng nhanh chóng. Một xã hội bình an - văn minh - thượng tôn pháp luật, hẳn nhiên không thể đầy nhóc "người bị bịnh dại tinh thần"...

 

 [*] https://www.facebook.com/RFAVietnam/posts/pfbid0tA1De5HApQGjVMiqvyZZrq1y...

 

nam gia's blog

 

 

                                                             *****

 

 

Chó hùa - Chuyện đời nay (phần 1)

Nam Gia   |  Blog RFA

Thứ Ba, 09/03/2024 - 02:59 — nam gia

https://www.rfavietnam.com/node/8150

 

"Chó hùa" - Chuyện Đời Xưa

 

Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) sanh tại Vĩnh Long vào năm 1837 và mất năm 1898, thọ 62 tuổi. Có thể gọi ông Petrus Ký là ông Tổ của nghề báo tại Việt Nam, với tờ Gia Định Báo phát hành ngày 18/4/1865 (cách đây tròm trèm 160 năm) tại Sài Gòn và là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

 

Ông Petrus Ký là một nhà chính trị - học giả - nhà văn - nhà ngôn ngữ học - nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng khác, ông Trương Vĩnh Ký có tập truyện "Chuyện Đời Xưa" (sáng tác năm 1886) với lối viết dung dị - hào sảng - nhẹ nhàng mà thâm thúy. Trong đó có câu chuyện với chữ "chó hùa". Trích đăng dưới đây [1]:

 

Con chó với con gà.

 

Con chó đi gặp con gà trống mới chào, rồi nói: Tôi trông cho gặp anh một chuyến mà hỏi một chuyện. Con chó mới hỏi: Trời phú tính cho anh hay, chớ phải chơi sao! Sao lại biết canh ba, lại khi gần sáng dậy mà gáy, ngày ngày cũng vậy. Con gà nói: Cái là trời đã phú tánh hễ tới chừng thì gáy.

 

Rồi con gà mới hỏi: Còn như anh làm sao anh biết có người ta đi mà sủa?

 

– Vốn cái tâm tôi thuộc đất: hễ động đất thì động tới tâm tôi, nên tôi biết.

– Mà khi anh nằm dưới đất thì làm vậy, chớ như khi anh nằm trên ván thì biết sao được mà sủa?

– Chừng tôi ở trên ván, nghe chúng sủa, thì tôi bắt chước sủa hùa theo mà thôi.

 

                                                      *****

 

Cho nên, vô số người biết chữ "chó hùa" nhưng chưa chắc nhiều người biết do ông Trương Vĩnh Ký, vốn là người đầu tiên đặt ra chữ này. Đứng trước những câu chữ quá nổi tiếng, cũng nên đi tìm gốc gác, để tránh hời hợt và không để mang tiếng ăn cắp như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy mà không màng về tác giả sáng tác theo đúng nguyên tắc của "người có ăn học", bởi câu nói "Đời người sống có một lần..." vốn trong tác phẩm Thép Đã Tôi Thế Đấy mà nhiều nhà văn - nhà giáo - nhà báo vẫn lặng im. Đó là điều nên đáng hổ thẹn!

 

Ngót nghét gần 150 năm trước, trong khi ông Petrus Ký bình dân với tên gọi "chó hùa" từ năm 1886, thì ông Phan Khôi - cách đây cũng gần 100 năm tròn - với bài bình luận [2] "Luận Về Khí Tiết" đăng trên báo Hữu Thanh vào năm 1923 diễn giải văn hoa hơn về chữ "chó hùa". Trích dưới đây: 

 

Ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ
(Phan Khôi, Luận về khí tiết, báo Hữu Thanh, năm 1923)

 

Sĩ phong nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê Trung Hưng về sau. Lúc bấy giờ các Vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hóa nên cái tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ Vua Lê để tránh tiếng phản quân, thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi. Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.

 

Một người như thế thì trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế thì người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa, quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi. Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hạt giống bị ẩm, không còn nứt lên được. Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở dưới lên, làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ, ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản(ngưng trích)

 

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 21 tháng Tám năm 2015 có bài "Cách mạng Tháng Tám trong ký ức của người Can Lộc, Hà Tĩnh" ôn lại "lịch sử hào hùng", thoát thai để sanh ra "nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", trong có đoạn: "15h ngày 16/8/1945 lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc đồn huyện Can Lộc - nơi cướp chính quyền đầu tiên ở Hà Tĩnh trong Cách mạng tháng Tám. Những ký ức vẹn nguyên trong trí nhớ của cụ ông 100 tuổi đã nói lên khí thế hào hùng thời ấy, khi mà “dân đói thì đói nhưng nghe nói cướp chính quyền thì đi ngay” [3].

 

Trong phân tách thói tánh "chó hùa" của ông Phan Khôi về thời "vua Lê chúa Trịnh" so với bài ca ngợi "Cách mạng Tháng Tám" của báo Đại Đoàn Kết, người đọc nhận thấy có một điểm chung căn bản nhứt - dù cách nhau đến vài trăm năm -  "cướp" (!). Thế mới vỡ lẽ rằng: Chỉ có bọn giặc cướp mới thích thú và xiển dương thói tánh "chó hùa" (!)

 

Sau khi ông Hồ Chí Minh đường đường chính chính trở thành nguyên thủ của "nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", nào ai có ngờ thảm nạn Cải Cách Ruộng Đất diễn ra, gây bàng hoàng nhơn tâm bằng màn "đấu tố", đi kèm dòng máu "chó hùa" trỗi dậy mạnh mẽ, gây tán đởm kinh hồn của thuở "Trí Phú Địa Hào - đào tận gốc, trốc tận rễ". Rất đáng kinh khiếp và vô cùng hoảng sợ! Bởi thói tánh "chó hùa" chà đạp phẩm giá con người đến tận cùng, trước khi người Cộng Sản Bắc Việt ra tay giết chết cái gọi là "đồng bào" của họ. Thói "chó hùa" khiến xã hội miền Bắc lặng ngắt như tờ, người người nghi kỵ lẫn nhau, tình thâm máu mủ còn tệ bạc hơn "ao nước lã". Từ đại thảm nạn đó, sản sinh ra một xã hội bầy hầy - nhớp nhúa, tựa như một vũng lầy khổng lồ và sâu hoắm, nhấn chìm hàng triệu con người vô trỏng, buộc hàng chục triệu người dân miền Bắc phải câm lặng giữa đêm đen hoặc biến thành "chó hùa"! Ai dám nói không sợ thói "cho hùa"?!...

(Còn nữa)

 

[1] https://lichsusite.wordpress.com/2016/11/26/ve-chu-cho-hua/ 

 

[2] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/vuong_tri_nhan-thoi_hu_tat_xa...

 

[3] https://daidoanket.vn/cach-mang-thang-tam-trong-ky-uc-cua-nguoi-can-loc-...

 

nam gia's blog

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats