Monday, 9 September 2024

BANGLADESH KÊU GỌI ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH TÁI ĐỊNH CƯ CHO NGƯỜI ROHINGYA (Reuters)

 



Bangladesh kêu gọi đẩy nhanh quá trình tái định cư cho người Rohingya

Reuters

09/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7776072.html

 

Người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus, hôm 8/9 đã kêu gọi đẩy nhanh quá trình tái định cư người Hồi giáo Rohingya đang sống tại quốc gia Nam Á này, trong bối cảnh có một làn sóng người tị nạn mới chạy trốn khỏi tình trạng bạo lực leo thang ở bang Rakhine của Myanmar.

 

https://gdb.voanews.com/eb684052-4a0e-48c1-b716-50d325338bee_w1023_r1_s.jpg

Người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.

 

Khoảng 8.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh trong những tháng gần đây, khi giao tranh leo thang giữa chính quyền quân sự cầm quyền Myanmar và Quân đội Arakan, một lực lượng dân quân hùng mạnh được thành lập từ cộng đồng Phật giáo chiếm đa số ở quốc gia này.

 

Những người mới đến này làm tăng thêm con số hơn một triệu người tị nạn Rohingya đang sống trong các trại tị nạn quá tải ở quận Cox's Bazar của Bangladesh, phần lớn trong số họ chạy trốn khỏi cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo ở Myanmar vào năm 2017. Những người tị nạn Rohingya có rất ít hy vọng trở về quê hương, nơi họ phần lớn bị từ chối quyền công dân và các quyền cơ bản khác.

 

Lời kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực tái định cư được đưa ra trong cuộc họp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong đó ông Yunus, Cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời, nói rằng "quy trình tái định cư phải dễ dàng, đều đặn và suôn sẻ".

 

Abdusattor Esoev, người đứng đầu IOM tại Bangladesh, nói rằng việc tái định cư người Rohingya sang các nước thứ ba đã được nối lại vào năm 2022 sau 12 năm gián đoạn, nhưng chỉ tăng tốc trong năm nay, một tuyên bố từ văn phòng Cố vấn trưởng cho biết.

 

Washington đã tái khẳng định cam kết tái định cư hàng nghìn người Rohingya tại Hoa Kỳ, nhưng quá trình này vẫn chưa được đẩy nhanh, tuyên bố cho biết.

 

Làn sóng bạo lực gần đây là tồi tệ nhất mà người Rohingya phải đối mặt kể từ chiến dịch do quân đội Myanmar lãnh đạo năm 2017, mà Liên Hợp Quốc mô tả là có ý định diệt chủng.

 

Bộ trưởng Ngoại giao trên thực tế của Bangladesh, Mohammad Touhid Hossain, nói với Reuters vào tháng trước rằng Bangladesh không thể tiếp nhận thêm người tị nạn Rohingya và kêu gọi Ấn Độ cùng các nước khác tiếp nhận thêm những người chạy trốn bạo lực.

 

Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế gây thêm áp lực lên Quân đội Arakan để chấm dứt các cuộc tấn công vào người Rohingya ở bang Rakhine.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats