Tuesday 2 July 2024

TRUMP ĐƯỢC MIỄN TỐ MỘT SỐ TỘI TRẠNG HÌNH SỰ (Người Việt Online)

 



Trump được miễn tố một số tội trạng hình sự

Nguoi Viet Online

July 1, 2024

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/dang-cap-nhat-toi-cao-phap-vien-tra-lai-toa-cap-duoi-vu-trump-doi-mien-to/

 

WASHINGTON, DC (NV) – Hôm Thứ Hai, 1 Tháng Bảy, Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết rằng cựu Tổng Thống Donald Trump được miễn truy tố hình sự trong vụ xét xử một số hành động đấu tranh để lật đổ kết quả bầu cử năm 2020, làm các nỗ lực đưa Trump ra xét xử tại Washington thêm phức tạp liên quan tới các tội trạng hình sự cho rằng ông gian lận để bám víu quyền lực, theo tờ Politico.

 

Phán quyết với tỷ lệ 6-3, chia rẽ tòa án theo đường lối tư tưởng, lập tức bác bỏ một số cáo buộc nổi trội mà công tố viên đặc biệt Jack Smith đưa ra nhằm chống lại Trump, gồm có các cáo buộc rằng Trump rắp tâm biến Bộ Tư Pháp dưới quyền điều hành của ông thành võ khí để bịa đặt hoặc tuyên truyền các cáo buộc huyễn hoặc về tình trạng gian lận cử tri.

 

Tuy nhiên, ý kiến ​​này cũng để lại nhiều vấn đề còn tồn đọng, đưa vụ án trở lại tòa án Washington, tiếp tục xét xử nhằm tiến hành các thủ tục tiếp theo. Tại đó, Thẩm Phán Tòa Sơ Thẩm Tanya Chutkan đang phải xem xét các cáo buộc với mục đích tách các hành vi chính thức của Trump — vốn là những hành động mà ông thực hiện với tư cách là tổng thống — rạch ròi với các hành vi cá nhân, lúc ông còn là ứng cử viên tổng thống. Tiến trình phân tích hành vi của Trump có thể tiếp tục làm vụ án đình hoãn thêm nhiều tháng và có thể chờ tới qua Ngày Bầu Cử vào Tháng Mười Một mới có thể tiếp tục xét xử.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/07/GettyImages-2159564493-1536x1024.jpg

Người biểu tình trước Tối Cao Pháp Viện hôm 1 Tháng Bảy, 2024, ở Washington, DC sau phán quyết miễn tố một số tội trạng cho cựu Tổng Thống Donald Trump (Hình: DREW ANGERER/AFP/Getty Images)

 

Chánh Án John Roberts đưa ra ý kiến tuyên bố rằng các vị tổng thống tiền nhiệm có quyền miễn truy tố hình sự “tuyệt đối” trước các hành động nằm trong “quyền hạn hiến pháp cốt lõi” của họ.

 

“Các hành vi không chính thức thì không có quyền miễn truy tố,” Roberts viết.

 

Trump liền hớn hở trước phán quyết này. “Chiến thắng lớn cho Hiến Pháp và nền dân chủ Hoa Kỳ, thật tự hào được làm một người Mỹ!” ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Thách thức trước mắt cho Thẩm Phán Chutkan: Ý kiến ​​của Tối Cao Pháp Viện không mấy rõ ràng khi nói tới phạm vi hiệu lực của quyền được miễn truy tố của Trump, với các hành vi liên quan tới chức vụ của ông, nhưng nằm ngoài các quyền hạn nhất định của tổng thống theo Hiến Pháp. Khối đa số tại Tối Cao Pháp Viện cho biết những hành vi tương tự có thể được miễn truy tố, nhưng không giải quyết triệt để câu hỏi đó.

 

Sự lấp lửng đó để ngỏ câu hỏi rằng, liệu các âm mưu của Trump và Phó Tổng Thống lúc bấy giờ là Mike Pence, trong những hành động dẫn tới vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Giêng 2021, có được tính là hành động “chính thức” hay không – và vì thế mà được miễn truy tố – hay liệu các hành vi đó vẫn là một phần của vụ án hình sự chống lại Trump. Trump gây áp lực buộc Pence từ chối chứng nhận kết quả bầu cử ngày 6 Tháng Giêng — một nỗ lực mà Pence bác bỏ vì cho là bất hợp pháp. Công tố viên đặc biệt cáo buộc rằng chiến dịch gây áp lực của Trump là một khía cạnh thuộc hành vi lạm dụng quyền lực rộng rãi và bất hợp pháp.

 

Tối Cao Pháp Viện cũng để cho Thẩm Phán Chutkan đưa ra phán quyết tương tự về những nỗ lực của Trump nhằm ép buộc các viên chức chính phủ lật đổ kết quả bầu cử được chứng nhận.

 

Ý kiến ​​này là bằng chứng mới nhất cho thấy Tối Cao Pháp Viện vô cùng bất hòa, với ba thẩm phán theo chủ nghĩa tự do lên án phán quyết miễn truy tố là “không cách nào bênh vực được.”

 

“Phán quyết của khối đa số sẽ gây ra hậu quả thê thảm cho chức vụ tổng thống và nền dân chủ Hoa Kỳ,” Thẩm Phán Sonia Sotomayor viết, cùng với các Thẩm Phán Elena Kagan và Ketanji Brown Jackson.

 

Ý kiến do khối ​​đa số của Roberts đưa ra, tuyên bố rằng “hệ thống quyền lực rạch ròi do những Người Lập Quốc vạch ra lúc nào cũng đòi hỏi chính phủ phải có Cơ Quan Hành Pháp độc lập, tràn trề nhiệt huyết.” Do đó, như Roberts đã viết, các cựu tổng thống “có thể không bị truy tố” vì căn nguyên của hành vi đến từ các nhiệm vụ theo hiến pháp.

 

“Các hành động không chính thức thì không được miễn truy tố nhưng không phải hành động nào của Tổng Thống cũng là chính thức,” Roberts viết. “Tổng Thống không giẫm đạp lên luật pháp. Nhưng Quốc Hội cũng không được hình sự hóa hành vi của Tổng Thống khi thực thi trách nhiệm của cơ quan hành pháp theo Hiến Pháp.”

 

Roberts nhấn mạnh rằng quyết định này không phải chỉ dành cho riêng Trump và ông cho biết đừng ai coi phán quyết của tòa án là thiên vị. “Tất cả những ai làm việc tại Phòng Bầu Dục đều có quyền miễn truy tố như nhau, bất kể vị thế chính trị, chính sách hay thuộc đảng phái nào,” ông viết.

 

Dõng dạc đọc to ý kiến ​​bất đồng của mình trong khoảng 25 phút, Thẩm Phán Sotomayor nhấn mạnh rằng khối đa số không thực hiện tầm nhìn của những người khai quốc mà đang đi chệch hướng.

 

“Thiệt hại rành rành trước mắt. Mối quan hệ giữa Tổng Thống và những người mà ông phục vụ đã thay đổi vĩnh viễn. Trong tất cả những lần sử dụng quyền lực chính thức, Tổng Thống nay sẽ như một ông vua không coi luật pháp ra gì,” bà viết. “Việc khối đa số chỉ tập trung vào dã tâm táo bạo và quyết liệt của Tổng Thống đã bỏ qua nhu cầu cấp thiết về trách nhiệm giải trình và kiềm chế. Những người lập quốc chưa bao giờ cứng nhắc như vậy.”

 

Phán quyết này rõ ràng là dồn quyết định về cách thức ưu tiên án trọng án khinh để xét xử — ít nhất là cho tới hiện tại — cho Thẩm Phán Chutkan gồng gánh, người được Obama bổ nhiệm vào tòa án liên bang tại Washington. Bà từng ám chỉ vào Tháng Giêng rằng, nếu các tòa án thượng thẩm trả lại vụ án cho bà và cho phép tiến hành xét xử, bà dự tính cho bên bào chữa của Trump ít nhất khoảng ba tháng để chuẩn bị cho phiên tòa. Bà có toàn quyền quyết định rằng liệu có nên xét xử cũng như chừng nào thì nên đưa phiên tòa trở lại quỹ đạo, nhưng giờ đây bà sẽ phải quyết định cách giải quyết yêu cầu của Tối Cao Pháp Viện, đó là bà phải tiến hành phân tích cẩn thận các cáo buộc, và có lẽ là cả bằng chứng.

 

Phát ngôn viên đại diện cho công tố viên đặc biệt Smith từ chối bình luận về phán quyết của Tối Cao Pháp Viện.

 

Trump từng tuyên bố rằng ông có “quyền miễn truy tố của tổng thống” trước bốn trọng tội do cố vấn đặc biệt Smith đưa ra, tố cáo cựu tổng thống âm mưu phá hoại tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình và tước đoạt quyền bầu cử của hàng triệu cử tri trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020.

 

Trump cho rằng nỗ lực nhằm lật ngược cuộc bầu cử là một phần trong nhiệm vụ chính thức của ông với tư cách là tổng thống — và ông nói rằng các tổng thống tiền nhiệm cũng không thể bị truy tố vì bất kỳ hành vi nào có tính cách “chính thức” tương tự. Smith phản bác rằng luận điệu miễn truy tố của Trump sẽ là điều đáng nguyền rủa với những người lập quốc và sẽ làm cho phép tổng thống giẫm đạp lên luật pháp.

 

Hai tòa án cấp dưới đứng về phía Smith, nhưng Tối Cao Pháp Viện — nơi có khối đa số bảo thủ lớn với sáu thẩm phán, trong đó có ba người được Trump bổ nhiệm — đồng ý suy xét vấn đề này. Nhiều tháng qua, trong lúc các thẩm phán nghiền ngẫm vụ án, tất cả các thủ tục xét xử liên quan tới các cáo buộc bầu cử liên bang đều bị đình trệ.

 

Vụ án chậm trễ chừng nào mọi sự càng hệ trọng chừng đó, vì nếu Trump thắng cử, ông có thể sử dụng quyền hạn của mình với tư cách là tổng thống để lật đổ vụ án. Ông có thể làm điều tương tự với vụ truy tố liên bang khác do Smith khởi xướng — vụ án tại Florida, tố cáo Trump tàng trữ hồ sơ tuyệt mật và cản trở công lý.

 

Con trai cả của Trump, Donald Trump Jr. cho rằng phán quyết của Tòa Tối Cao là “đúng đắn” trong bài đăng trên mạng xã hội X, nhưng ông không nghĩ rằng điều này sẽ chấm dứt những thách thức pháp lý đối với cha của ông. (TTHN)

 

Tin đăng lúc 10:46 ET, cập nhật lúc 12:49 ET.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats