Nhà
báo Hoàng Hải Vân - “Nghe qua thì thấy ông rất khoan dung, nhưng thực tế không
phải vậy”
Lúc
khuya, có một bạn Facebook gửi cho tôi một ảnh chụp bài viết của nhà báo Hoàng
Hải Vân nói về sư Minh Tuệ, tôi nhờ anh chụp toàn bộ bài viết ấy giúp tôi, vì
tôi đã bị tác giả này block cách đây 2 năm, sau khi tôi phản biện bài ông ấy viết
về nhà văn Nguyên Ngọc. Câu trích ở tiêu đề trên là mượn chính lời nhà báo
Hoàng Hải Vân khi ông nói về tu sĩ Minh Tuệ.
Đọc
xong, tôi tóm tắt bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân trong một câu, như sau: Có
một đám đông u tối và hung hãn đang ngưỡng mộ một kẻ đạo đức giả (là Minh Tuệ).
Để
chứng minh cái “đạo đức giả” ấy của ông Minh Tuệ, nhà báo Hoàng Hải Vân dẫn ra
3 ví dụ. Một là việc Minh Tuệ nói rằng mình bị đánh ở Quảng Nam nhưng lại không
nói rõ ai đánh. Và Hoàng Hải Vân nhận định: “Nghe qua thì thấy ông rất khoan
dung, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu thực sự khoan dung thì ông không nên nhắc
chuyện ông bị đánh, còn nếu phải chỉ ra thì ông nên chỉ đúng người đánh, một
người hay hai người cụ thể, để dân chúng còn lại của tỉnh kia không thấy lời
ông làm họ bị tổn thương”. Ví dụ thứ hai là việc ông Minh Tuệ kể lại một lần đi
khất thực nhưng qua một huyện mà không ai cho ông đồ ăn. Và Minh Tuệ cũng nhắc
tên cái huyện ấy. Và Hoàng Hải Vân cũng nhận định về Minh Tuệ, bằng một câu hỏi
tu từ: “Để cho người ta thấy cái huyện kia kỳ thị với Phật giáo chăng?”. Ví dụ
thứ ba, để chứng minh rằng ông Minh Tuệ là một kẻ đạo đức giả, tác giả Hoàng Hải
Vân dẫn ra câu nói của ông Minh Tuệ về Chú Đại bi. Theo tác giả này, ông Minh
Tuệ tự biết rõ sức ảnh hưởng của mình, nên việc ông phủ nhận Chú Đại bi là nhằm
xúi dục dân chúng tẩy chay một số kinh sách Phật giáo (chứ chẳng phải từ bi gì
với ma quỷ cả).
Thú
thực, tôi không muốn bình luận gì thêm nữa về mấy ví dụ cũng như các kết luận
kèm theo mà nhà báo Hoàng Hải Vân đã nêu ra, vì chúng quá phiến diện, ấu trĩ và
có phần ma mãnh nữa. Nhưng đành phải nói cho rõ. Trong một clip, sư Minh Tuệ có
kể về việc bị đánh ở Quảng Nam, khi có người nhìn thấy miệng ông máu me thì hỏi
và ông bảo rằng do có cái mụt trong miệng. Sau đó ông mới hối hận vì dù đó là
lòng tốt nhưng lại phạm giới nói dối, nên ông đi tìm người kia để nói lại.
Nhưng tìm không thấy, sau này khi có người khác hỏi đến những trắc trở trên đường
khất thực thì ông mới nhắc lại việc bị đánh này một lần nữa, với mong muốn rằng
người từng bị ông nói dối kia sẽ nghe được, và cũng là để “sám hối” cái hành vi
nói dối thủa nọ của mình. Nhà báo Hoàng Hải Vân không biết rõ câu chuyện hay chỉ
đang cố tình nói “một nửa sự thật”? Điều này chắc chỉ ông tự trả lời được. Tuy
nhiên, dù thế nào thì lời phán xét của vị nhà báo này cũng là ngụy biện. Đi
trên đường và bị người lạ đánh, sau này nhắc lại thì nếu có muốn “chỉ mặt đặt
tên” thì cũng đâu biết ai để mà nói cho rõ? Và ông nói rằng bị đánh ở Quảng Nam
thì đó là một lời nói thật, ông đâu bịa đặt gì. Còn chỉ vì một người ở Quảng
Nam đánh ông mà thiên hạ ghét cả tỉnh Quang Nam, thì đó là lỗi của thiên hạ,
sao ông quản được!
Hai
ví dụ còn lại thì tôi không muốn phân tích nữa, vì thấy thừa thãi rồi. Ông
Hoàng Hải Vân cần nhớ, các clip ghi lại những lời trên của ông Minh Tuệ là lúc
ông chưa nổi tiếng, chưa mấy ai biết ông cả, ông chỉ đang lầm lũi một mình trên
đường. Nên, Hoàng Hải Vân vu cho ông rằng ông biết sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng
của bản thân nên cố tình dùng “sức mạnh” ấy để đám đông chửi cả tỉnh, cả huyện
hay phế bỏ kinh sách Phật giáo, thì đó là một sự suy diễn vô căn cứ và ác ý, nhằm
gán tội cho một người vô tư.
Nhà
báo Hoàng Hải Vân không biết hay biết mà cố tình không nhắc tới một điều rất
quan trọng trong giới của người tu hành, đó là không nói dối? Sư Minh Tuệ, khi
có người hỏi thì nói, và biết gì nói nấy, nói đúng sự thật. Về sau này, lúc đã
có nhiều người biết đến ông thì cũng đồng thời có vô số câu hỏi được đặt cho
ông. Chúng ta biết là trong số đó, rất nhiêu câu lặp đi lặp lại, có không ít
câu hỏi ngây ngô, nhưng ông vẫn nhiệt tình trả lời. Nhà báo Hoàng Hải Vân không
nhìn ra trong đó sự vô tư, lòng nhiệt thành và trong sáng của một con người, lại
đi quy kết cho ông có mưu đồ/ ý đồ xấu?
Một
điều nữa mà hình như nhà báo Hoàng Hải Vân cũng vờ như không biết đến, đó là việc
ông Minh Tuệ đã luôn lặp đi lặp lại rằng, ông chỉ là một người bình thường đang
đi “tập học” theo lời Phật dạy. Ông luôn khẳng định rằng mình chưa chứng đắc gì
cả, chưa phải là thánh là thần gì hết. Thậm chí mỗi khi có người xin quy y thì
ông liền xua tay, nói hãy tự mình hướng tâm đến Phật mà quy y, ông không nhận
là thầy, cũng không thu nạp đệ tử. Ông cũng từ chối “thuyết pháp”, những gì ông
chia sẻ chỉ là từ kinh nghiệm và học hỏi của bản thân, biết gì nói nấy, nói như
các cuộc trò chuyện bên đường thế thôi. Như thế, việc thiên hạ kính trọng ông,
ngưỡng mộ ông, sùng bái ông, đó là việc của thiên hạ, sao nhà báo lại quy trách
nhiệm cho ông như thể ông cố tình toan tính và thao túng cái “đám đông” ấy? Nhà
báo Hoàng Hải Vân không thấy đã nhiều lần ông Minh Tuệ kêu gọi mọi người “hãy về
làm công việc của mình” sao? Nhà báo cũng không thấy không ít lần ông đã phải
băng suối, vượt đèo để tìm sự yên tĩnh sao? Tôi tin là một người đã theo dõi kỹ
và cố tìm ra những chi tiết nhỏ nhặt như trên để phê phán Minh Tuệ, nhà báo
không thể không biết tất cả những điều này.
Trên
đây là chân dung Minh Tuệ, một kẻ đạo đức giả và có mưu đồ, trong cái nhìn của
nhà báo Hoàng Hải Vân – cái chân dung đã tạo nên “một đám đông quyền lực thật
đáng sợ”. Bây giờ nói đến cái “đám đông” này. Nhà báo Hoàng Hải Vân nhắc lại một
cái tút (status) của ông Lê Kiên Thành để chứng minh điều đã nói về cái đám
đông ấy, tút bị “nhiều người xông vào chửi te tua, phải gỡ tút xuống”. Tác giả
viết “Lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà làm “chuẩn mực” để công kích sư
sãi và công kích những ý kiến không đồng thuận với vị hành giả, không những rất
trái với Phật pháp mà còn tạo ra sự nguy hiểm về quyền con người trong xã hội”.
Một
lần nữa tôi lại phải lặp lại câu hỏi đã nêu trên, rằng nhà báo Hoàng Hải Vân
không biết hay biết mà cố tình nói khác đi? Người ta phê phán một cái tút là vì
nội dung của tút đó chứa đựng nhiều sai lầm trong tư duy và nhận thức, chứ
không phải vì họ “Lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà làm “chuẩn mực”. Cũng
thế, dân chúng chỉ trích một số sư sãi vì chính hành vi của những vị ấy chứ đâu
phải vì “lấy hành vi của vị hành giả hạnh đầu đà làm “chuẩn mực”? Chẳng lẽ nhà
báo Hoàng Hải Vân không thấy những phát ngôn xàm xí hoặc tào lao hoặc độc hại của
những vị ấy? Chẳng lẽ những cúng nhà, cúng vong, trục vong, thỉnh linh thức,
v.v. và v.v. không đáng phê phán? Chẳng lẽ nhà báo không biết rằng trước khi
ông Minh Tuệ xuất hiện, thì từ nhiều năm nay cộng đồng đã luôn phê phán và gọi
những người khoác áo tu ấy là xàm tăng, ma tăng? Biết, vậy tại sao ông lại lái
sang việc cho rằng cộng đồng lấy sư Minh Tuệ làm chuẩn mực nên mới có những sự
chỉ trích ấy? Chẳng lẽ nhà báo không biết rằng chính các vị kia đã tự đăng đàn
chửi bới người tu hạnh đầu đà trong khi ông ấy không hề nói gì đến họ và cũng
không hề nói lại tiếng nào? Chẳng lẽ ông không hề hay biết rằng chính giáo hội
mà các vị kia đang là thành viên cũng “chịu không thấu” mà buộc phải ban ra các
án phạt?
Tôi
vẫn không tài nào lý giải được là tại sao, với những thông tin đã được trưng ra
trước ánh sáng và luôn chiếm sóng trên truyền thông như thế nhưng một nhà báo
suốt ngày ở trên mạng lại không hề hay biết. Vậy rốt cuộc, sự thật là ông không
biết hay rất biết nhưng vì một lý do khó nói nào đó mà đã lơ đi và lái câu chuyện
sang hướng khác?
Điều
khó hiểu nhất là cái băn khoăn sau đây của nhà báo Hoàng Hải Vân: “Điều bất thường
là một số giáo sĩ tôn giáo khác cũng ca ngợi vị hành giả hạnh đầu đà”. Xưa nay,
các tu sĩ ở các tôn giáo khác nhau thể hiện lòng tôn trọng dành cho nhau vốn
không hiếm, nếu không nói là rất nhiều. Nhìn rộng hơn, Việt Nam từ thời Trung Đại
tam giáo đã “đồng nguyên”, nghĩa là hòa hợp và chung sống một cách nhuần nhuyễn.
Khi đạo Công giáo vào sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, thì cùng hòa vào với đời sống
tinh thần Việt, góp phần làm nên văn hóa Việt Nam. Trên thế giới, ngoài vài tôn
giáo cực đoan, thì cơ bản các tôn giáo vẫn chung sống trong hòa bình. Nhà báo
Hoàng Hải Vân không những không thấy điều đó mà còn tưởng tượng ra rằng họ “ca
ngợi vị hành giả này để gián tiếp bài bác Phật giáo với tư cách là một Giáo hội”,
“quy kết nhà nước xâm phạm tự do tôn giáo”. Cố tình không thấy sự thật, không
thấy tinh thần hòa hợp tôn giáo rất tốt đẹp mà chính nhà nước cũng đang tuyên
ngôn và kêu gọi, để lái câu chuyện sang hướng “chống phá” đó là bài nghe rất
quen, nhưng cũng rất vụng, không xứng đáng với ngòi bút “điêu luyện” của nhà
báo Hoàng Hải Vân.
Mở
đầu thì nhà báo Hoàng Hải Vân viết rằng “Có ngàn vạn con đường hướng Phật, mọi
con đường hướng Phật cũng như mọi pháp mang đến sự thiện lương cho con người
tôi đều tôn trọng. Tôi cũng tuyệt đối tôn trọng sự ngưỡng mộ của mọi người đối
với vị hành giả khất thực hạnh đầu đà”; thế nhưng, đọc hết bài viết của ông thì
người ta chẳng hề thấy một sự tôn trọng nào, ngược lại chỉ thấy trong mắt ông
hiện lên toàn người xấu, nếu không u mê thì cũng hung hãn, nếu không âm mưu thì
cũng có ý đồ. Trong mắt ông, người khất sĩ vô sản kia và “đám” dân đang phê
phán những kẻ dối tu đều là người xấu cả. Vậy rốt cuộc, với ông, ai mới là người
tốt?
Cổ
xúy, bảo vệ sự lương thiện, lên tiếng góp ý và phê phán những cái sai, cái xấu,
đó là tinh thần trách nhiệm mà bất cứ người cầm bút tử tế nào cũng cần lấy làm
tôn chỉ.
Nhưng
thật khó hiểu. Ông Minh Tuệ, một kẻ tứ cố vô thân, chỉ có manh áo rách và cái
lõi nồi cơm điện, "ngủ lang" bên gốc cây, nhà hoang, nghĩa địa, một
người đã luôn lặp lại, rằng bản thân chỉ là phàm phu đang đi tập học, ông hết sức
“biết thân biết phận” và khiêm tốn, sống không hại đến ai, không nói xấu ai, một
mực luôn chúc cho người khác được “hạnh phúc tốt đẹp” dù họ có đánh có chửi
mình, nhưng sao lại có lắm kẻ ghen ghét, đố kỵ đến thế? Không những vậy, người
thô lỗ thì lồng lộn tức tối, hỏa bốc ra miệng không kìm được lời; kẻ ranh mãnh
thì dùng bút sắt bọc nhung, đâm người bằng chữ nghĩa không biết ghê tay. Thật lạ
lùng!
Thái
Hạo
No comments:
Post a Comment