Friday, 19 July 2024

LÃNH TỤ VIỆT NAM QUA ĐỜI (David Brown   |   Asia Sentinel)

 



 

Lãnh tụ Việt Nam qua đời

David Brown   |   Asia Sentinel

Song phan, dịch

19/07/2024

https://baotiengdan.com/2024/07/19/lanh-tu-viet-nam-qua-doi/

 

Kết thúc cuộc thập tự chinh cải cách?

 

Như Asia Sentinel đã đưa tin trước đó hôm nay, ngày 18 tháng 7, một thông cáo công bố ngày 18 tháng 7 gợi ý khá mạnh rằng nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, đang hấp hối. Kể từ đó có tin ông Trọng, người giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2011, đã qua đời.

 

Sau khi lật đổ một kẻ thách thức vào đêm trước đại hội đảng năm 2016 và bất chấp việc bị đột quỵ vào giữa năm 2019, Trọng đã thực thi quyền lực không bị đối chọi cho đến những tháng gần đây.

 

Câu chuyện ban đầu của chúng tôi bắt đầu ở đây. Mùa xuân này, có thông tin cho rằng Trọng đang điều trị trong phòng ICU (chăm sóc đặc biệt) của Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội và qua đêm ở đó “phòng khi” cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Ông đã bỏ qua, không gặp một số nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm vào đầu năm nay và vào năm 2023 đã hủy chuyến thăm Hoa Kỳ theo kế hoạch. Ảnh của ông Trọng và Vladimir Putin chụp ngày 20/6 trong chuyến thăm ngắn ngủi của Putin cho thấy ông ngồi sụp xuống ghế; không ngạc nhiên khi bức ảnh này của Sputnik News không được truyền thông Việt Nam đăng lại.

 

Thông cáo do các cơ quan cao nhất của đảng đưa ra là chưa từng có. “Để đồng chí Tổng Bí thư tập trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Báo chí Việt Nam (dĩ nhiên) đưa tin rằng khi nhận nhiệm vụ này, ông Tô Lâm bày tỏ sự quyết tâm vững chắc, tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng và “hành vi tiêu cực” của đảng viên.

 

Nhiệm kỳ tổng bí thư lâu dài của Trọng đã được đánh dấu bằng một chiến dịch không mệt mỏi nhằm thanh lọc những kẻ chệch hướng, ra khỏi đảng cầm quyền (duy nhất) của Việt Nam. Ông được mọi người thừa nhận là một người liêm chính không tì vết. Như Asia Sentinel đã tường thuật vào năm 2022, “Trọng là người thực sự ấn tượng, một nhà lãnh đạo lâu năm không có dấu vết về tầm vóc lớn. Dáng vẻ kiểu già cả và lối sống khiêm tốn của ông dễ ngộ nhận; ông rất sắt đá. Trong một thập kỷ, ông không hề tỏ ra thương xót khi các đối thủ nặng ký của đảng, thậm chí cả đồng chí lâu năm, bị phát hiện đã đổi chác ân sủng lấy tiền hoặc – có lẽ tệ hơn – bị phát hiện đang ấp ủ những nghi ngờ về học thuyết Marxist-Leninist”.

 

Trong câu chuyện đó, chúng tôi nhận xét rằng “Trong thời đại đầy hoài nghi, [Trọng] là một người có lòng tin thật sự, chưa bao giờ dao động trong niềm tin của mình rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội – kiểu Lenin, trong đó một đảng tiên phong ‘hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân’ mới có thể đưa Việt Nam tới ‘một kiểu xã hội mới có chất lượng’… có thể khai thác một cách tích cực sự sáng tạo, sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của người dân”.

 

“Trọng đã kết luận… rằng Đảng cũng phải chứng minh tính chính đáng về mặt đạo đức của mình bằng cách loại bỏ những kẻ trục lợi và tụt hậu. Trọng nói với Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10 năm 2016: “Một số lượng lớn cán bộ đã xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, và lối sống”. Những cán bộ này còn đi xa hơn tới mức “đòi ‘đa nguyên’, kêu gọi ‘phân quyền’ và [ca ngợi] ‘xã hội dân sự’. … ​​Họ lợi dụng truyền thông và mạng xã hội để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng”.

 

Sáu năm sau, theo thống kê của Tổng Bí thư, gần 17.000 vụ tham nhũng hoặc lạm dụng chức vụ đã bị truy tố, [và] 175.000 đảng viên bị kỷ luật hoặc trừng phạt. Suy ngẫm từ sự kiện hai Phó thủ tướng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị bãi chức vào đầu năm 2023, chúng tôi suy đoán rằng, Trọng đã cảm thấy mình không còn nhiều thời gian.

 

Bây giờ rõ ràng là khi Trọng bị chậm đi vì bệnh nặng, Tô Lâm, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công an, đã nắm lấy cơ hội để gạt sang một bên những ai có ý muốn kế nhiệm Trọng làm lãnh đạo đảng. Từng người một, ông liên kết những ứng viên tiềm năng cho vị trí này với những vụ bê bối kéo dài cả thập kỷ hay lâu hơn. Bị vấy bẩn bởi những bằng chứng do các điều tra viên cảnh sát đưa ra, Võ Văn Thưởng, người kế nhiệm của Phúc trong vị trí Chủ tịch nước (và được cho là người kế nhiệm ưa chuộng của Trọng), và sau đó là người đứng đầu Quốc hội sáng giá, Vương Đình Huệ, đã làm đơn xin từ bỏ hết các chức vụ nhà nước và đảng và “được cho nghỉ hưu”. Những người khác theo sau. Giờ đây chỉ còn một trở ngại duy nhất cản trở Bộ trưởng Lâm thăng tiến lên chức vụ cao nhất của đảng: Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Cả Lâm và Chính đều đã có thời gian làm việc đáng kể trong Bộ Công an, nhưng điều đó không khiến họ trở thành đồng minh. Chính rời Bộ Công an vào năm 2011 để đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh rồi giữ chức vụ chủ chốt trong Ban Bí thư trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng 5 năm 2021. Trong khi đó, Lâm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an từ năm 2010 đến năm 2016, và sau đó giữ chức Bộ trưởng cho đến khi được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 5 năm 2024. Rõ ràng, Lâm đã có cơ hội tuyệt vời để xây dựng lại Bộ Công An – đặc biệt là bộ phận thu thập thông tin tình báo – ngay từ đầu, và được cho là đã làm chính điều đó.

 

Đối với Nguyễn Phú Trọng, việc canh giờ chết đã bắt đầu. Bản tin nói về việc Trọng được miễn công việc thường lệ để tập trung hồi phục sức khỏe cũng cho biết Trọng đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng. Giải thưởng cao nhất của Việt Nam thường được trao sau khi đã mất.

 

---------

Tác giả: David Brown là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề ở Việt Nam

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats