‘Dự Án 2025’ và lựa chọn của cử tri Mỹ
Hiếu Chân/Người Việt
July
12, 2024
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/du-an-2025-va-lua-chon-cua-cu-tri-my/
Trong
cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một sắp tới, cử tri Hoa Kỳ không chỉ bầu một tổng
thống mà còn phải lựa chọn một chính sách điều hành đất nước trong bốn năm tới
– một lựa chọn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của từng người, từng gia đình.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/07/A1-Du-an-Project-2025-1536x1024.jpg
Muốn
biết ông Donald Trump sẽ làm gì sau khi trở lại Tòa Bạch Ốc thì hãy xem “Dự Án
2025.” (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)
Trong
bối cảnh chưa đầy bốn tháng nữa phòng phiếu sẽ mở cửa, Quỹ Di Sản (Heritage
Foundation) đã gây chấn động dư luận khi tung ra một chương trình hành động có
tên “Dự Án 2025” (Project 2025). “Dự Án 2025” là gì, và nó có ảnh hưởng ra sao?
Quỹ
Di Sản và “Dự Án 2025”
Quỹ Di Sản
là một tổ
chức nghiên cứu thành lập năm 1973 tại Washington với sứ mệnh đề ra và quảng bá
các chính sách bảo thủ dựa trên các nguyên tắc tự do kinh doanh, hạn chế quy mô
của chính phủ, bảo đảm tự do cá nhân, tôn trọng hệ giá trị truyền thống của người
Mỹ và xây dựng quốc phòng mạnh. Hoạt động của Quỹ Di Sản gắn liền đảng Cộng
Hòa, là nhà bảo trợ cho Đại Hội Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa sẽ diễn ra vào tuần
sau.
“Dự Án
2025” mà
họ vừa công bố được coi như một kế hoạch cải tổ toàn bộ chính phủ liên bang Hoa
Kỳ trong trường hợp ông Donald Trump và đảng Cộng Hòa giành chiến thắng trong
cuộc bầu cử sắp tới.
Tham
gia soạn thảo dự án có 140 người từng là viên chức trong chính phủ Trump, trong
đó có sáu cựu bộ trưởng của chính quyền Trump; nhiều người trong số họ hy vọng
sẽ có ghế trong chính phủ nếu ông Trump đắc cử lần nữa.
Mục
đích của “Dự Án 2025” là đề ra “nghị trình điều hành và bố trí những người
thích hợp vào đúng chỗ, sẵn sàng thực hiện nghị trình này ngay từ ngày thứ nhất
của chính phủ bảo thủ kế tiếp.” Điều đó hàm ý, muốn biết ông Trump sẽ làm gì
sau khi trở lại Tòa Bạch Ốc thì hãy xem “Dự Án 2025.”
Ông
Kevin Roberts, chủ tịch Quỹ Di Sản, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Hoa
Kỳ “đang trong tiến trình của cuộc Cách Mạng Mỹ lần thứ hai, sẽ không đổ máu nếu
cánh tả cho phép.” Cánh hữu bảo thủ dường như đang rất tin tưởng vào chiến thắng
của họ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ông
Trump nói rằng ông không biết gì về kế hoạch đó. “Tôi không biết gì về ‘Dự Án
2025.’ Tôi chưa từng xem nó. Tôi không biết ai chịu trách nhiệm về nó… và không
liên can gì đến nó,” ông viết trên mạng Truth Social.
Tuy
vậy, giữa “Dự Án 2025” với những chính sách mà ông Trump đã thực hiện trong nhiệm
kỳ đầu cũng như những cam kết mà ông hứa sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ sắp tới
cho thấy có mối sự tương đồng rõ rệt.
Những
điểm chính của “Dự Án 2025”
Trong
900 trang dưới tiêu đề “Thẩm Quyền Lãnh Đạo” (Mandate for Leadership), “Dự Án
2025” đề cập tới mọi lĩnh vực hoạt động của chính phủ và ảnh hưởng tới mọi khía
cạnh đời sống của người dân Mỹ. Để tìm hiểu đầy đủ, bạn đọc nên theo dõi truyền
thông dòng chính của Mỹ nơi có vô số các bài phân tích và bình luận về kế hoạch
khổng lồ này, trong khuôn khổ một bài báo ngắn chúng tôi chỉ xin đề cập một vài
điểm có liên quan trực tiếp tới cuộc sống chúng ta.
Một
khía cạnh sát sườn của người dân Mỹ là thuế khóa. “Dự Án 2025” đề nghị rút biểu
thuế thu nhập xuống còn hai nấc (bracket). Hệ thống thuế của Mỹ hiện có bảy nấc:
10%, 12%, 22%, 24%, 32%, 35% và 37%, cho phép người nghèo đóng thuế thu nhập
liên bang ít hơn người thu nhập trung bình hoặc thu nhập cao. Một người thu nhập
hằng năm $23,200 sẽ đóng thuế 10%, thu nhập tới $94,300 sẽ đóng 12%, còn nếu
thu nhập trên $487,450 thì phải đóng mức cao nhất 37%.
“Dự
Án 2025” cho rằng biểu thuế đó quá phức tạp và họ đề ra biểu thuế hai nấc: 15%
cho thu nhập dưới $168,000 và 30% cho người thu nhập trên $168,000; đồng thời bỏ
hết các khoản khấu trừ (deductions, credits and exclusions).
Chuyên
gia Brendan Duke, giám đốc cấp cao về chính sách kinh tế của Center for
American Progress, phân tích, theo đề nghị của “Dự Án 2025,” đa số các gia đình
nghèo và trung lưu sẽ phải đóng thuế nhiều hơn trong khi người giàu sẽ được giảm
thuế. Ông ước tính, một cặp vợ chồng với hai con nhỏ thu nhập hằng năm dưới
$100,000 sẽ phải đóng thêm $2,600 so với mức thuế hiện hành và nếu tín dụng thuế
cho trẻ em (Child Tax Credit) bị loại bỏ thì họ phải đóng thêm $6,000. Trong
khi đó một cặp vợ chồng với hai con nhỏ thu nhập hằng năm $5 triệu sẽ được giảm
thuế tới $350,000.
Cũng
trong lĩnh vực thuế, “Dự Án 2025” đề nghị giảm thuế lợi tức doanh nghiệp
(corporate tax) từ 21% xuống 18%. Mức 21% hiện hành được áp dụng theo luật Tax
Cuts and Jobs Act (TCJA) mà ông Trump ban hành năm 2017, trước đó doanh nghiệp
phải đóng thuế lợi tức 35%. Thuế lợi tức từ kinh doanh tài chính như cổ phiếu,
trái phiếu (capital gains tax) được đề nghị giảm từ 20% hiện hành xuống 15% – một
đề nghị có lợi cho tầng lớp trung lưu hoặc khá giả trở lên.
Về
giáo dục, “Chính sách liên bang về giáo dục phải bị hạn chế và cuối cùng Bộ
Giáo Dục phải bị xóa bỏ,” dự án viết.
Về
y tế, “Dự Án 2025” đề nghị cấm phá thai trên toàn quốc, tuyệt đối và không có
ngoại lệ, truy tố và xử phạt bất cứ ai gửi thuốc phá thai qua đường bưu điện và
kết tội hình sự bất cứ ai cung cấp dịch vụ phá thai. “Dự Án 2025” đề nghị tổng
thống sắp tới “phải dẫn dắt quốc gia khôi phục lại văn hóa sống của người Mỹ.”
Về
nhập cư, “Dự Án 2025” đề nghị thành lập một “cơ quan tuần tra biên giới và nhập
cư” mới, phục hồi việc xây bức tường biên giới của ông Trump, xây các trại giam
giữ trẻ em và gia đình vượt biên, dùng quân đội trục xuất hàng triệu người đã
sinh sống ở Mỹ bất hợp pháp. “Việc nhập cư bất hợp pháp phải được chấm dứt chứ
không phải giảm nhẹ; biên giới phải bị phong tỏa,” dự án viết.
Về
chính trị, “Dự Án 2025” đề nghị “chính trị hóa” guồng máy công chức liên bang.
Công chức, thay vì phi đảng phái, phải là những người trung thành với các giá
trị bảo thủ để bảo đảm các cơ quan liên bang sẽ thực hiện chương trình nghị sự
của tổng thống mà không có sự phản đối nào từ các công chức chuyên nghiệp.
Bộ
Tư Pháp (DOJ) và các cơ quan thực thi pháp luật phải được đặt dưới quyền kiểm
soát trực tiếp của tổng thống. “Dự Án 2025” kêu gọi một cuộc cải tổ “từ gốc đến
ngọn” Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) và thực hiện các cuộc điều tra bất cứ
người nào, tổ chức nào mà tổng thống không thích. “Đây sẽ là cuộc tấn công tổng
lực vào DOJ và FBI. Nó có nghĩa là Tòa Bạch Ốc kiểm soát chặt DOJ và FBI, làm
suy yếu tính độc lập của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang,” chuyên gia
William Galston, giám đốc nghiên cứu về điều hành của Brookings Institution, nhận
định.
Về
môi trường, dự án kêu gọi xóa bỏ Cơ Quan Đại Dương và Khí Hậu Quốc Gia (NOAA) –
cơ quan dự báo thời tiết và theo dõi biến đổi khí hậu, đóng cửa bộ phận theo
dõi khí hậu của Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) đồng thời đề nghị gia tăng hoạt
động khai thác dầu khí ở Bắc Cực và bãi bỏ các chương trình hỗ trợ, khuyến
khích người dân chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo được.
Trong
phần về quốc phòng do một quan chức lãnh đạo Bộ Quốc Phòng cuối thời Trump trước
đây soạn thảo, “Dự Án 2025” đề nghị chính phủ “xem xét nghiêm túc” việc phục hồi
chính sách quân dịch, bắt buộc mọi thanh niên Mỹ phải tham gia quân đội một số
năm nhất định.
Mối
lo và lựa chọn khó khăn
Trên đây
chỉ là một số điểm chính của “Dự Án 2025,” một chương trình hành động mà ông
Donald Trump có thể sẽ thực hiện nếu ông trở lại Tòa Bạch Ốc đầu năm 2025. Tính
chất khuynh hữu và bảo thủ của nó làm cho những người tự do cảm thấy kinh ngạc
và lo ngại.
Người ta
lo sợ nếu được thực thi, những chính sách này sẽ đưa nước Mỹ đến chế độ độc tài
theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, bài ngoại, làm suy yếu thể chế tam quyền phân
lập đã tồn tại từ ngày lập quốc. Đáng chú ý là những đề nghị của “Dự Án 2025” đều
nghiêng về hướng làm lợi cho người giàu, có hại cho môi trường, có hại cho người
nghèo và thành phần yếu thế trong xã hội.
Một
cuộc khảo sát của Navigator Research ghi nhận, sau khi xem qua các chính sách
trong “Dự Án 2025,” đa số người Mỹ (63%) phản đối và chỉ có 27% ủng hộ; phần lớn
người phản đối (69%) là cử tri độc lập, còn đa số ủng hộ là người Cộng Hòa
(46%).
Trong
một bài trước chúng tôi đã thưa với độc giả về sự trỗi dậy mạnh mẽ của cánh hữu
trong chính trị Pháp, Châu Âu và Mỹ. Nguyên nhân của sự trỗi dậy này cũng đã được
phân tích. Sai lầm của chúng tôi là dự đoán cánh hữu, do đảng Tập Hợp Dân Tộc
(RN) của bà Marine Le Pen đại diện, sẽ thắng trong cuộc bầu cử vòng hai Quốc Hội
Pháp ngày 7 Tháng Bảy vừa qua sau khi đã dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng một
ngày 30 Tháng Sáu. Cử tri Pháp đã có một lựa chọn bất ngờ vào phút chót và đảng
cực hữu của bà Le Pen đã bị rớt xuống hàng thứ ba sau liên minh cánh tả Mặt Trận
Bình Dân Mới và liên minh trung dung của Tổng Thống Emmanuel Macron.
Người
Pháp lo sợ cánh hữu với những chính sách cực đoan, ủng hộ người giàu và bài ngoại
sẽ ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của họ. Người Mỹ cũng đang đứng trước một tình
huống tương tự và có lẽ cũng nên lo ngại như người Pháp khi cân nhắc bỏ phiếu
cuối năm nay.
[qd]
No comments:
Post a Comment