Saturday, 13 July 2024

CÁC NHÀ KHOA HỌC NHẸ NHÕM VÌ PHE CỰC HỮU THẤT BẠI TRONG CUỘC BẦU CỬ Ở PHÁP (Barbara Casassus / phantichkinhte123.com)

 



Các nhà khoa học nhẹ nhõm vì phe cực hữu thất bại trong cuộc bầu cử ở Pháp    

Barbara Casassus

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch 

12.7.2024

https://www.phantichkinhte123.com/2024/07/cac-nha-khoa-hoc-nhe-nhom-vi-phe-cuc-huu-that-bai-trong-cuoc-bau-cu-o-phap.html#more

 

Do không có đảng nào giành được đa số phiếu nên tác động của cuộc bỏ phiếu đối với việc nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEicBFOlSjxjNUqyNKpjdA9Xm-rrFSBDzm7St8EHE2QsucbViBSOvytH3ObFRi5ODL3f4xOnM1Pb94F4nSJqRzZNSsDnT-LpDC65-KP9aEv5k5Z_4eWScxX7rI2Kq2QpU5Lx20_5OsNDfH1UGRGBqiF3GwBbux2SEGd4Bqe3_w49KQqo-7kU3tDv4QlzPuY/w545-h349/thumb.webp

Một cuộc mít tinh vào đêm bầu cử ở Nantes, Pháp. Ảnh: Loic Venance/AFP qua Getty

 

Các nhà khoa học ở Pháp nhẹ nhõm khi đảng cánh hữu National Rally (RN) thua cuộc trong cuộc bầu cử quốc hội ngày hôm qua. Nhưng việc không có người chiến thắng hoàn toàn bộc lộ sự bất trắc cho các nhà khoa học, và nhiều người không nghĩ rằng chính phủ mới sẽ tạo ra sự khác biệt tích cực cho nghiên cứu và giáo dục đại học.

 

Đảng National Rally được kỳ vọng sẽ giành được đa số phiếu sau khi giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 30 tháng 6, và các nhà khoa học đã lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu, hạn chế nhập cư và đưa chủ nghĩa hoài nghi về biến đổi khí hậu vào hạ viện Pháp, tức Quốc hội nước này. Nhưng bất ngờ thay, đảng này đã giành vị trí thứ ba trong cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày hôm qua, xếp sau đảng cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NPF) và trung dung Ensemble — một liên minh bao gồm đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron. Không ai trong hai đảng dẫn đầu giành được lượng phiếu đa số tuyệt đối và giờ đây họ phải đàm phán để thành lập chính phủ.

 

“Chúng ta đã tránh được một thảm họa”, Alain Fischer, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Pháp tại Paris, cho biết. “Giờ đây, ta có thể hy vọng rằng các nhà khoa học quốc tế sẽ tiếp tục làm việc tại Pháp”. Nhưng ông nói thêm rằng vẫn chưa rõ liệu kết quả này có thực sự là chiến thắng cho các nhà nghiên cứu hay không. “Tuy chưa biết ai sẽ điều hành, nhưng tôi không mong đợi sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách đối với chúng tôi. Khoa học và giáo dục đã vắng bóng trong các chiến dịch bầu cử quốc hội châu Âu và Pháp, và những hạn chế về ngân sách có nghĩa là việc nghiên cứu sẽ không được ưu tiên”.

 

 

Nỗi sợ cực hữu

 

Tháng trước, Macron đã triệu tập một cuộc bầu cử bất thường cho Quốc hội sau khi đảng của ông và các đồng minh gánh thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử nghị viện Liên minh châu Âu. Các nhà khoa học đã lên tiếng về những tác động nếu phe cực hữu chiến thắng. Một bài xã luận trên tờ báo Le Monde, được ký bởi những người đoạt giải Nobel và hàng trăm nhà khoa học khác, đã cảnh báo về các hạn chế đối với thị thực cho các nhà nghiên cứu và sinh viên, cũng như các mối đe dọa đối với quyền tự do học thuật, bên cạnh các vấn đề khác.

 

“Đảng RN là mối nguy cho lĩnh vực của chúng tôi trong suốt một thời gian dài,” vị Bộ trưởng nghiên cứu sắp mãn nhiệm Sylvie Retailleau cho biết. “Bạn chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra với giáo dục đại học và nghiên cứu ở Hungary và Ba Lan sau khi phe cực hữu giành được quyền lực ở đó.” Các trường đại học của Hungary càng ngày càng kém tự chủ trong vài năm qua.

 

Viễn cảnh chiến thắng của RN đặt ra “mối đe dọa đối với sự hợp tác quốc tế và nguồn tài trợ, bao gồm cả quyền kiểm soát các quỹ”, Retailleau nói thêm. “Cô lập không phải là phương án. Chúng ta không thể hoạt động nếu không có sự lưu thông tự do của các nhà nghiên cứu, sinh viên và ý tưởng”.

 

RN kêu gọi tăng chi tiêu công nhanh chóng trong ngắn hạn, điều "sẽ bóp nghẹt nghiên cứu và các khoản đầu tư khác. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một số chính trị gia RN công khai hoài nghi về biến đổi khí hậu", Retailleau cho hay.

 

 

Lạc quan thận trọng

 

Kết quả của cuộc bầu cử ngày hôm qua đã xoa dịu một vài nỗi sợ hãi trên. “Bộ nghiên cứu có thể sẽ tiếp tục tồn tại, trong khi nó gần như chắc chắn sẽ biến mất nếu RN thắng cử”, Patrick Lemaire, chủ tịch Liên minh các Hiệp hội học thuật Pháp tại Rennes, Pháp, cho biết.

Lemaire cho rằng khoa học sẽ phát triển tốt hơn với sự lãnh đạo mới so với thời kỳ của đảng Phục hưng tiền nhiệm. Với việc đảng NPF giành được nhiều ghế nhất, chính phủ mới có thể tập trung nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi năng lượng và môi trường, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục đại học tốt hơn so với người tiền nhiệm, ông nói thêm. Lemaire cũng hy vọng rằng chính phủ sẽ sử dụng kiến thức khoa học để đưa ra các chính sách công.

 

Các nhà nghiên cứu khác thì ít lạc quan hơn. Boris Gralak, tổng thư ký của Nghiệp đoàn Các nhà nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp, đã lo rằng kết quả bầu cử còn tệ hơn hiện giờ, nhưng vẫn không có nhiều hy vọng vào khoa học Pháp trong những năm tới. Ông cho biết: “Hai mươi năm trước, tất cả các nước công nghiệp lớn đều hiểu được nhu cầu đầu tư vào nghiên cứu”. “Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng chi tiêu, nhưng Pháp thì không. Tác động của việc này bắt đầu rõ dần từ 10 năm trước và nếu không hành động quyết liệt, số lượng ấn phẩm, nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Pháp sẽ còn tiếp tục giảm”.

 

“Chính phủ mới, không chiếm trọn được đa số ghế, sẽ có những ưu tiên ngắn hạn khác.”

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-024-02260-5

 

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

 

Nguồn: Scientists relieved by far-right defeat in French election — but they still face uncertaintyNature, 08 July 202

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats