Friday, 19 July 2024

BÌNH LUẬN VỀ DI SẢN CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Tạ Duy Anh - Dương Quốc Chính / Báo Tiếng Dân)

 



Bình luận về di sản của ông Nguyễn Phú Trọng

Tạ Duy Anh

19/07/2024

https://baotiengdan.com/2024/07/19/binh-luan-ve-di-san-cua-ong-nguyen-phu-trong/

 

MẤY LỜI VỀ ÔNG

 

Bất cứ ai rồi cũng đến lúc phải chết. Sự lập trình này của Tạo Hóa, thực ra lại mang tính nhân đạo: Nó khiến cuộc sống luôn tái sinh và nó đảm bảo sự kiêu ngạo quyền lực của con người trở thành vô nghĩa.

 

Cho dù là Hoàng Đế hay một người hầu, khi đã vĩnh viễn nằm xuống, thì đều chỉ còn là những cái xác lạnh lẽo. Và như thiên hạ vẫn nói “Cái quan, định luận” họ đều không còn bất cứ một quyền lực nào trước những phán xét của thế gian.

 

Cũng bắt đầu là một người già, lại hay ốm yếu, tôi hiểu cái giá to lớn phải trả cho mỗi ngày sống. Vì thế, khi nghe tin ông đang ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, tự nhiên tôi cảm thấy một nỗi buồn đau day dứt, nỗi buồn đau thuần túy con người. Ông là ai, làm gì…, không còn quan trọng nữa.

 

Những việc còn lại gắn với tên ông, từ giờ thuộc về lịch sử.

 

Khi ông ở đỉnh cao quyền lực, tôi đã mạo muội gửi đến ông vài lời tâm huyết dưới dạng thư ngỏ (khá nghịch nhĩ), trong đó có lời thỉnh cầu ông hãy dùng quyền lực tuyệt đối của mình ra lệnh thả hết những người bất đồng chính kiến đang bị tù đày, bởi vì “Thưa Giáo sư, họ đều là những hiền tài của đất nước. Họ yêu nước theo cách riêng của họ”. Và “Bao dung phải là nguyên tắc chính trị quan trọng của một thể chế tốt”.

 

Không bao giờ tôi biết những lời của tôi có đến được với ông hay không. Tôi tin là không. Bao quanh ông dày đặc các sự vụ luôn quá sức một người tám mươi tuổi.

 

Có câu “Không ai là vĩ nhân, anh hùng trong thời của mình”. Nhưng có thể khẳng định, về mặt CON NGƯỜI, ông là một cụ già đáng kính trọng.

 

Dù biết chẳng còn hy vọng gì, vẫn xin cầu nguyện thêm sức cho ông!

 

                                                      ***

 

Dương Quốc Chính: TRIỆU NGƯỜI VUI, TRIỆU NGƯỜI BUỒN

 

Mình đánh giá ông ấy đã để lại một di sản lớn với vị thế không kém gì TBT Lê Duẩn, thậm chí còn có phần nổi bật hơn. Dưới triều đại này, đã có những sự kiện kinh thiên động địa mà chưa từng có kể từ khi lập quốc. Như việc thay Chủ tịch nước như thay áo.

 

Khi ông Lê Duẩn chết, lịch sử Việt Nam đã lật sang một trang mới, có lẽ là tốt đẹp hơn về mặt tổng thể, nhưng cũng có phần xấu đi về đạo đức xã hội. Vì nền kinh tế con la (lừa lai ngựa) đã có đủ tật xấu của cả hai loài. Ông ấy chính là người có tham vọng xóa đi những khuyết tật đó của thể chế, nhưng có lẽ đã không thành công, sự nghiệp đó vẫn mãi dở dang, nhưng cũng làm không ít người nể phục và kính trọng.

 

Mặt khác, vì là người kiên định CNCS, ông có lẽ là người Mohican cuối cùng của chế độ, nên ông cũng bị không ít người căm ghét. Cái chết của ông có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn.

 

Mình không tin là còn ai tương tự nữa. Chính vì không còn ai, nên sau cái chết này, có lẽ sẽ có nhiều biến động về chính sách. Hi vọng là sẽ tốt hơn trước. Lịch sử sẽ sang trang kể từ đây.

 

Mình không vui, không buồn, nhưng tâm tư về tương lai bất định, vì lẽ thường, lịch sử sang trang đều phải trải qua những trở ngại. Thế hệ 7x về trước chắc hẳn còn nhớ những năm tháng gian khổ (cỡ 5-7 năm) sau khi ông Lê Duẩn chết, thì sự thay đổi mới đi vào guồng ổn định dần.

 

Ai sẽ là Nguyễn Văn Linh tiếp theo?

 

.

418 BÌNH LUẬN   

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats