Sunday 7 July 2024

BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT …   (Phạm Thanh Giao / Facebook)

 



BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT …  

Giao Thanh Pham

6-7-2024  19:36  

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid02zpMZAK6gdhUMxmCkDRD6g9Hq1NvzwgewrRc3GcXU3TeS7M7EkBeSwSNiWTwRGkCal

 

BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT …

 

Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn là câu nói mà người dân miền Nam Việt Nam trước năm 1975 xử dụng nhiều nhất, từ gia đình đến học đường, từ hàng xóm láng giềng đến xã hội, trong việc hướng dẫn, dạy dỗ và giáo dục con cái, ngay từ những ngày còn thơ dại cho đến tuổi lập gia đình ra ở riêng. Thời đó, ông bà, cha mẹ, thầy cô và ngay cả các chú bác lớn tuổi ở hàng xóm, đều đặt vấn đề “lễ phép” lên trên hết, đi trước luôn cả học vấn, đủ để thấy sự quan trọng của nó được đặt nặng đến cỡ nào.

 

Lại nữa, ngôn ngữ tiếng Việt còn rắc rối hơn bất kỳ thứ ngôn ngữ nào trên thế giới vì cách sắp xếp các đại từ (pronouns) để xử dụng hàng ngày. Nó quá đa dạng, nó quá phức tạp, đến độ người ngoại quốc khi bắt đầu học tiếng Việt đều ngớ ra, nhức đầu vì sự rắc rối của nó. Những từ ngữ mà người ta xưng hộ với nhau dựa trên giới tính nam nữ, dựa trên độ tuổi hoặc mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, chứ không hề đơn giản kiểu “ngộ với nị hoặc you với me” như ở tiếng Hoa và tiếng Anh.

 

Trong “hầu hết các gia đình người Việt”, thời nào cũng vậy, ngày xưa hay ngày nay cũng thế, trẻ con được dạy dỗ ngay từ thuở còn thơ ấu, cách thức phân biệt để xưng hô với người đối diện, từ anh chị đến cô chú, từ cha mẹ đến ông bà, từ người thân đến người lạ, dựa trên những “giáo điều” kể trên, lâu ngày nó nhập vào tâm khảm, nó in vào trí óc, để rồi khi chúng ra đường, chúng biết mọi cách xưng hô với người đối diện, cả người thân quen lẫn kẻ xa lạ.

 

Những câu nhắc nhở “chào ông, chào bà đi con”, “chào cô chào chú đi con” liên tục được người lớn chỉ bảo cho đến khi đứa trẻ ghi lòng tạc dạ mới thôi. Cái đó mới đích thực là VĂN HÓA VIỆT và cái đó mới cần được bảo tồn hơn bao giờ hết ở đất Mỹ, nơi mà có tới … 90% các cháu thuộc thế hệ thứ 3 là những đứa con lai.

 

Thông thường, người lớn hơn mình vài tuổi thì phải gọi bằng anh bằng chị, lớn hơn độ từ 15 đến 20 tuổi, thì mình phải thưa với họ bằng cô hay chú, dì hay dượng và mình xưng bằng con hay cháu tùy vùng miền. Những người lớn tuổi hơn cha mẹ mình, lễ phép mình phải gọi họ bằng bác và những người lớn tuổi cỡ ông bà mình, hoặc con cái của họ tầm tuổi của cha mẹ mình, thì bắt buộc phải thưa bằng ông bằng bà, ngoại trừ những mối liên qua đến gia đình và dòng tộc thì tuổi tác cách biệt không được tính.

 

Có một luật trừ duy nhất trong cách xưng hô của tiếng Việt bỏ qua những “thủ tục” xưng hô kể trên, đó là mối liên quan giữa hai người qua tình yêu hay tình vợ chồng. Một cô gái có thể trẻ hơn người yêu hai ba chục tuổi, vẫn có thể “anh anh em em ngọt sớt” mặc dù nghe nó hơi kỳ kỳ. Cũng thế, một anh giai trẻ hơn bà già người tình của mình đôi ba chục tuổi, cũng vẫn “anh anh em em ngọt như mía” cũng không có gì là lạ.

 

Có nhiều trường hợp, ông chồng già gần đến tuổi phải mặc tã, vẫn có thể anh anh, em em với một bé mới ngoài 20 và ngược lại nhưng thường là phải có nhiều tiền, nên mới có những lời đàm tiếu. Ngày xưa, việc chồng già ẵm được cô vợ trẻ là chuyện khá thường tình nhưng ngày nay việc anh giai chưa tới 30 nắm tay bà già ngoài 6 bó đi làm giấy hôn thú cũng chả thiếu và đấy chính là luật trừ trong cách xưng hô của nền Văn Hóa Việt.

 

Khi một đứa trẻ xưng hô không phải phép hoặc ăn nói hỗn hào, ngay cả khi nó nổi nóng vì bất cứ lẽ gì, thì cả cha mẹ chúng cũng bị người đời lên án là “đồ cái thứ mất dậy, đồ cái thứ cha mẹ không biết dậy con” vân vân.

 

Ngang tầm tuổi nhau thì mày tao hoặc thằng này con nọ thì còn may ra chấp nhận được. Vậy mà những từ ngữ một số người xử dụng để gọi người khác hoặc để thóa mạ người khác, những người xa lạ, những người chả có tí liên quan hay ảnh hưởng gì đến họ, lớn hơn họ gần 2 chục tuổi (trên Phây Búc), mới thật là … bó tay. Không lẽ họ không biết là, qua ngôn ngữ, qua lời nói, qua cách cư xử của một người, người ta có thể đoán ra được sự giáo dục của gia đình, của học đường và của xã hội nơi người đó sinh ra và lớn lên hay sao?

 

Chẳng phải là người Việt ở Mỹ vẫn thường chê bai đám trẻ trong nước sau này như thế hay sao?

 

Chẳng phải người đời thường dùng chính lời ăn tiếng nói của một người ngoài xã hội, để đo nhân cách và phẩm giá của người đó hay sao?

 

Chẳng lẽ cha mẹ họ đã quá … sơ sài hay lơ là trong việc giáo dục con cái?

 

Chẳng lẽ họ đã đánh mất cái nền văn hóa … trước 1975 mà họ vẫn thường tự hào?

 

Chẳng lẽ khi núp sau cái màn hình lên Phây Búc, cái mặt nạ nhân cách của họ bị rơi xuống một cách … vô tình?

 

Thế thì làm sao họ giữ gìn hay bảo tồn được Văn Hóa Việt?

 

Họ không nhớ cái câu “Sóng Trước Đổ Đâu, Sóng Sau Đổ Đó” hay sao?

 

Thế thì làm sao họ dạy bảo và giáo dục được con cái họ?

.

 

HÌNH : https://www.facebook.com/photo?fbid=26667791982808152&set=a.508054802541894

TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN

 

.

44 BÌNH LUẬN   

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats