Monday, 6 May 2024

TẬP CẬN BÌNH ĐẦU TƯ 'ĐỒ CHƠI' NGUYÊN TỬ ĐỂ LÀM GÌ? (Trúc Phương / Người Việt)

 



Tập Cận Bình đầu tư ‘đồ chơi’ nguyên tử để làm gì?

Trúc Phương/Người Việt

May 5, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tap-can-binh-dau-tu-do-choi-nguyen-tu-de-lam-gi/

 

Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí nguyên tử. Theo ước tính của Ngũ Giác Đài, dưới thời Chủ Tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang trên đà sở hữu 1,000 đầu đạn nguyên tử vào năm 2030, tăng từ mức 200 đầu đạn vào năm 2019. Việc tăng cường kho vũ khí nguyên tử, kết hợp với việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đã gây ra mối lo ngại sâu sắc ở Washington.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/Trung-Quoc-Nguyen-Tu-1536x1022.jpg

Truyền thông Trung Quốc chiếu cảnh Chủ Tịch Tập Cận Bình đi thăm một căn cứ Hải Quân ở tỉnh Sơn Đông hôm 23 Tháng Tư, 2024. (Hình minh họa: WANG ZHAO/AFP via Getty Images)

 

Tháng Ba năm 2024, Đô Đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, cảnh báo: “Chúng ta chưa đối mặt với mối đe dọa nào như thế này kể từ Thế Chiến Thứ Hai.”

 

Trung Quốc không chỉ đơn giản mở rộng kho vũ khí nguyên tử cho các mục đích kỹ thuật quân sự; mà họ tin rằng, vũ khí nguyên tử mang lại cho họ đòn bẩy địa chính trị lớn hơn.

Theo quan điểm Bắc Kinh, căng thẳng gia tăng với Washington là kết quả của sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ – một hệ quả của sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc chứ không phải là bất kỳ sự thay đổi nào trong hành vi của nước này.

Washington cảm thấy bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc và ngày càng trở nên thù địch với Bắc Kinh, theo suy nghĩ này, và do vậy, Washington luôn phát triển các chiến lược ngăn chặn Trung Quốc nhằm duy trì sự thống trị địa chính trị của Mỹ.

 

Luôn tin rằng Mỹ có tâm lý “thù địch” với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Tập Cận Bình coi vũ khí nguyên tử có ý nghĩa địa chính trị to lớn. Sự dốc sức vào đầu tư chiến lược xây dựng vũ khí nguyên tử của Tập Cận Bình phản ánh sự khác biệt so với quan điểm của Mỹ.

 

Thay vì nhằm đạt được các mục tiêu quân sự được xác định rõ ràng, chẳng hạn ngăn chặn kẻ thù thực hiện các hoạt động quân sự cụ thể, Bắc Kinh coi vũ khí nguyên tử là biểu tượng của sức mạnh quân sự và tin rằng chúng có ảnh hưởng đặc biệt đến nhận thức của đối thủ về cán cân quyền lực. Khái niệm này củng cố điều mà các quan chức Trung Quốc gọi là sứ mệnh “đối trọng chiến lược” (“strategic counterbalance”).

 

Tập Cận Bình từ lâu luôn tin vào giá trị của việc cân bằng chiến lược bằng việc phô trương sức mạnh vũ khí nguyên tử. Ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập nhận xét rằng Nga đã đúng khi ưu tiên phát triển năng lực nguyên tử ngay cả khi nền kinh tế nước này suy thoái. Hành động của Moscow phù hợp với quan điểm của Tập rằng sức mạnh kho vũ khí nguyên tử của một quốc gia sẽ định hình cách tiếp cận tổng thể của đối thủ đối với mối quan hệ song phương.

 

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng vũ khí nguyên tử sở hữu sức mạnh áp chế sâu rộng có lẽ là sản phẩm của… trực giác hơn là logic. Cần nhắc lại, sức mạnh nguyên tử đáng gờm của Moscow thời Chiến Tranh Lạnh đã không ngăn cản Washington tìm cách làm suy yếu Liên Xô, thông qua đòn lật đổ bằng kinh tế và việc thực hiện các chiến lược chiến tranh chính trị. Dù vậy, trong cuộc chạy đua giành quyền lực với Mỹ, Trung Quốc tin rằng họ có thể khắc phục sự mất cân bằng đối trọng với Mỹ bằng cách phô trương sức mạnh dữ dội hơn.

 

Trung Quốc lập luận rằng Liên Xô, nhờ đầu tư mạnh vào vũ khí nguyên tử, đã thành công trong việc thay đổi chiến lược nguyên tử của Mỹ thời Chiến Tranh Lạnh. Bằng cách tăng cường đáng kể khả năng vũ khí nguyên tử những năm 1960 và 1970, Moscow đã gây áp lực buộc Washington phải từ bỏ chính sách trả đũa và đe dọa tấn công Liên Xô bằng vũ khí nguyên tử. Nói cách khác, Washington trở nên biết kiềm chế hơn. Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng bằng chính sách nguyên tử, giúp Trung Quốc có thế đứng mạnh hơn khi tham gia các cuộc thảo luận về những vấn đề an ninh và kiểm soát vũ khí.


Ngay trong ngôn từ, chính sách nguyên tử Trung Quốc đã có dấu hiệu khác thường so với luận điệu những năm trước. Ngày 16 Tháng Tư 2013, khi công bố Sách Trắng Quốc Phòng, Trung Quốc không còn đề cập chính sách “không ra tay trước” (việc sử dụng vũ khí nguyên tử) đồng thời nhấn mạnh sự sẵn sàng phản đòn bằng vũ khí nguyên tử nếu bị tấn công bằng nguyên tử. Đây là một chuyển biến mới trong lập trường Bắc Kinh.

 

Năm 1964, sau khi thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố “không bao giờ trong bất kỳ thời điểm nào hoặc bất kỳ trường hợp nào Trung Quốc sử dụng vũ khí nguyên tử trước.” Cam kết trên đã xuất hiện trong tất cả Sách Trắng Quốc Phòng (công bố mỗi hai năm) kể từ lần đầu tiên “bạch thư” này xuất hiện năm 1998 cho đến năm 2011…

 

Tháng Mười Hai năm 2012, ngay sau khi lên ghế tổng bí thư, Tập Cận Bình đã chọn Quân Đoàn 2 Pháo Binh (nơi chịu trách nhiệm quản lý kho vũ khí nguyên tử), chứ không phải bất kỳ binh chủng nào khác, làm nơi ra mắt. Trong cuộc gặp, Tập nói rằng vũ khí nguyên tử sẽ mang lại hậu thuẫn chiến lược cho vị thế cường quốc của Trung Quốc. Đáng chú ý hơn, Tập cũng không đề cập đến chính sách “không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử” trong các cuộc xung đột. Thái độ trên cho thấy Tập bắt đầu xem trọng và thậm chí ngầm nâng sức mạnh nguyên tử lên một vị trí mới, khác hẳn những người tiền nhiệm.

 

Sự chuyển dịch này khiến người ta nhớ lại “thái độ nguyên tử” của Trung Quốc qua lời thiếu tướng Chu Thành Hổ.

 

Năm 2005, khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, họ Chu nói: “Nếu Mỹ bắn tên lửa và các loại vũ khí dẫn đường vào mục tiêu nào đó thuộc lãnh thổ Trung Quốc, tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải đáp trả bằng vũ khí nguyên tử… Chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị tinh thần trước cảnh tất cả thành phố phía Đông của Tây An bị (Mỹ) hủy diệt; và dĩ nhiên người Mỹ cũng phải chuẩn bị nhìn cảnh hàng trăm thành phố của họ bị Trung Quốc nghiền nát!”

 

Đó không là lần đầu tiên mà một viên tướng Trung Quốc dọa san bằng một phần nước Mỹ thành bình địa. Năm 1995, tướng Hùng Quang Giai cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ cho Los Angeles nếm mùi thương đau bằng vũ khí nguyên tử nếu Washington bảo vệ Đài Bắc trong trường hợp nổ ra chiến tranh Đài Loan-Hoa Lục…

 

Có thể nói thêm rằng, Trung Quốc đã nghiên cứu vũ khí nguyên tử từ rất lâu, với sự giúp đỡ Liên Xô (giai đoạn trước thập niên 1960, khi quan hệ hai bên còn nồng ấm). Ngày 16 Tháng Mười 1964, họ thực hiện vụ thử vũ khí nguyên tử đầu tiên và sau đó tiến hành vụ thử bom hydro đầu tiên năm 1967. Các cuộc thử nghiệm tiếp tục được thực hiện cho đến lần cuối cùng vào ngày 29 Tháng Bảy 1996 (thời điểm mà Bắc Kinh ký Hiệp Ước Cấm Thử Toàn Diện -CTBT). Đó là vụ thử lần thứ 22 trong lòng đất và lần thử thứ 45 tính tổng cộng…

 

Tháng Chín 2020, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tung ra báo cáo thường niên China Military Power Report, cho biết, Trung Quốc sở hữu ít nhất 200 đầu đạn nguyên tử.

 

Theo chuyên san Bulletin of the Atomic Scientists (Chicago, Illinois) trong công bố Tháng Mười Hai, 2020, Trung Quốc có 350 đầu đạn nguyên tử. Và theo khảo sát mới nhất của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm, Trung Quốc hiện có 320 đầu đạn nguyên tử nhưng một nguồn thân tín với quân đội Trung Quốc cho biết kho vũ khí nguyên tử nước này đã lên đến 1,000 đầu đạn.

 

Phần mình, Mỹ hiện có 5,800 đầu đạn nguyên tử và 3,800 trong số này ở tình trạng hoạt động (active). Nga có 6,400 với 4,300 đầu đạn trong tình trạng hoạt động.

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats