Thursday, 30 May 2024

10 MÔN PHÁI VÕ THUẬT ĐƯỢC DIỄN VIÊN NỔI TIẾNG PHỔ BIẾN QUA ĐIỆN ẢNH (Thiện Lê / Người Việt)

 



10 môn phái võ được diễn viên nổi tiếng phổ biến qua điện ảnh  

Thiện Lê/Người Việt

May 30, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/giai-tri/10-mon-phai-vo-duoc-dien-vien-noi-tieng-pho-bien-qua-dien-anh/

 

HOLLYWOOD, California (NV) – Khi nhắc đến những diễn viên đóng phim võ thuật, ai cũng nhớ đến nhiều môn võ khác nhau, và diễn viên nào cũng có cách thể hiện đặc biệt. Tuy hầu hết ai cũng thể hiện nhiều loại võ trên màn ảnh, nhưng những tên tuổi lớn nhất của phim võ thuật đều có một môn phái gắn liền với tên tuổi của họ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-1-Ly-Tieu-Long-1536x1231.jpg

Cố tài tử và võ sư Lý Tiểu Long, người tạo ra môn phái Jeet Kune Do. (Hình: Warner Brothers/Getty Images)

 

Dưới đây là 10 môn phái võ được 10 diễn viên giúp phổ biến qua điện ảnh.

 

Lý Tiểu Long và môn võ Jeet Kune Do

 

Khi nhắc đến phim võ thuật, không ai không nhớ đến tên tuổi của một huyền thoại trong thể loại này là cố tài tử Lý Tiểu Long (Bruce Lee) và môn võ Jeet Kune Do do chính ông sáng chế.

 

Ông sinh ra ở Hoa Kỳ nhưng lớn lên ở Hồng Kông, và học võ Vịnh Xuân dưới sự hướng dẫn của võ sư lừng danh Diệp Vấn trong tuổi niên thiếu. Trong những năm niên thiếu đó, có nhiều lời đồn về ông đánh nhau ngoài đường rất nhiều, và đó là một phần của kinh nghiệm võ thuật của ông.

 

Lý Tiểu Long chỉ có ba trận đấu được ghi lại trong sử sách là đánh bại nhà vô địch Gary Elms của môn Quyền Anh vào năm 1958, đánh bại võ sĩ đai đen Yoichi Nakachi của môn võ Karate chỉ trong vòng 11 giây vào năm 1960, và đánh bại võ sư Kung Fu Wong Jack-man vào năm 1964.

 

Với nhiều kinh nghiệm về nhiều môn võ, ông sáng chế ra môn phái Jeet Kune Do, có sự kết hợp giữ Vịnh Xuân, dưỡng sinh, quyền Anh và võ thuật đường phố. Môn phái này tập trung vào cản các đòn thế của đối thủ rồi đánh trả.

 

Tuy nhiên, Jeet Kune Do chưa được chính thức biến thành một môn phái đàng hoàng vì Lý Tiểu Long qua đời ở tuổi 32, nhưng ảnh hưởng của phái võ này hiện hữu trong nhiều phương tiện truyền thông, từ phim ảnh cho đến truyện tranh và các trò chơi điện tử.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-2-Chan-Tu-Dan-1536x1024.jpg

Chân Tử Đan, người đóng võ sư Diệp Vấn, giúp võ Vịnh Xuân phổ biến. (Hình: Mike Windle/Getty Images)

 

Chân Tử Đan và môn võ Vịnh Xuân

 

Các diễn viên người Hồng Kông có rất nhiều ảnh hưởng đối với phim võ thuật ở khắp thế giới, và một người tạo ra được ảnh hưởng đó là tài tử Chân Tử Đan (Donnie Yen) với môn võ Vịnh Xuân.

 

Ông đóng vai cố võ sư Diệp Vấn trong bốn phần của dòng phim “Ip Man” (Diệp Vấn) vô cùng nổi tiếng ngay cả ở các nước Tây Âu, giúp nhiều người biết đến phái võ Vịnh Xuân hơn.

Vịnh Xuân là một môn phái thuộc võ Kung Fu, có nguồn gốc ở miền Nam Trung Quốc, có đặc điểm là để tự vệ bằng những đòn thế ngắn nhưng rất nhanh và có độ chính xác cao. Không chỉ vậy, phái võ này còn biết cách phản lại sức mạnh của đối thủ, và Chân Tử Đan thể hiện xuất sắc mọi đặc điểm của Vịnh Xuân trong phim.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-3-Chuck-Norris-1536x1047.jpg

Chuck Norris, tài tử và võ sĩ người Mỹ giúp Karate phổ biến. (Hình: Topkick Productions/Getty Images)

 

Chuck Norris và môn võ Karate

 

Với nhiều tên tuổi có tiếng trong phim võ thuật là người Á Châu, nhưng một người Mỹ nổi bật là tài tử Chuck Norris, chinh phục khán giả qua môn võ Karate.

 

Trước khi thành công trên màn ảnh của Hollywood, Chuck Norris từng là một võ sĩ có nhiều thành tích như thắng nhiều giải đấu võ, sau đó còn tạo ra một môn phái riêng gọi là Chun Kuk Do. Không chỉ vậy, ông từng là một lính Không Quân Hoa Kỳ.

 

Về kinh nghiệm võ thuật, Karate của tài tử Norris kết hợp nhiều môn phái lại như Taekwondo và Tang Soo Do của Nam Hàn với Karate kiểu truyền thống và Judo của Nhật.
Trong nhiều năm, ông thể hiện rất nhiều đòn thế đầy mạnh mẽ trên màn ảnh, chinh phục hàng triệu khán giả, và luôn được so sánh ngang hàng với cả Lý Tiểu Long.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-4-Cynthia-Rothrock-1536x864.jpg

Cynthia Rothrock, người được gọi là nữ hoàng phim võ thuật và giúp Tang Soo Do phổ biến. (Hình: Facebook Cynthia Rothrock)

 

Cynthia Rothrock và môn võ Tang Soo Do

 

Với đa số tên tuổi của phim võ thuật là nam giới, một phụ nữ gầy dựng được danh tiếng là Cynthia Rothrock với môn võ Tang Soo Doo của Nam Hàn.

 

Tuy là người Mỹ, nhưng minh tinh Rothrock gầy dựng được tên tuổi nhờ xuất hiện trong phim Hồng Kông vào thập niên 1980 và chinh phục được khán giả khắp thế giới qua những đòn thế của môn phái Tang Soo Do của Nam Hàn.

 

Môn võ này kết hợp đặc điểm của nhiều môn phái khác như Karate, Taekkyeon, Subak và có cả võ thuật của Trung Quốc. Môn võ này trải qua nhiều thay đổi, và hiện nay trở thành một loại võ Karate riêng của người Nam Hàn, còn được cả quân đội sử dụng.

 

Không chỉ có Tang Soo Do, Cynthia Rothrock còn cho khán giả thấy được khả năng trong nhiều môn võ khác vì bà có đai đen của nhiều môn phái, trong đó có Taekwondo, Wu Shu, Thiếu Lâm Tự và Kung Fu.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-5-Iko-Uwais-1536x1076.jpg

Diễn viên và võ sĩ Uko Uwais, người đưa sự nguy hiểm của võ Silat vào Hollywood. (Hình: Rodin Eckenroth/Getty Images)

 

Iko Uwais và môn võ Silat

 

Võ thuật của Đông Nam Á ít khi nào được khán giả Tây Âu chú ý đến, nhưng diễn viên Iko Uwais thành công trong việc chứng minh được sự nguy hiểm của môn võ Silat của người Indonesia.

 

Anh là cháu nội của ông H. Achmad Bunawar, người sáng lập môn phái Silat nổi tiếng ở Jakarta, nên được đào tạo từ nhỏ và mang môn võ của gia đình vào điện ảnh.

 

Silat có những đòn thế vừa uyển chuyển vừa nguy hiểm, còn là môn võ sử dụng toàn bộ cơ thể để đấm đá hay vật lộn với đối thủ. Không chỉ vậy, môn võ này được coi là võ thực tế nhất để đánh nhau ngoài đường hay để tự vệ.

 

Nhờ tác phẩm “The Raid,” khán giả khắp thế giới hiểu được sự lợi hại và những nét độc đáo của môn võ Silat, và Hollywood bắt đầu đưa Silat vào các phim hành động như “John Wick 3” của năm 2019 có nhân vật chính gặp nhiều nguy hiểm khi đối đầu với hai sát thủ sử dụng võ Silat của Indonesia.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-6-Jean-Claude-Van-Damme-1536x994.jpg

Tài tử Jean-Claude Van Damme (trái) và những đòn thế của môn Quyền Cước trong phim. (Hình: Trimark/Getty Images)

 

Jean-Claude Van Damme và môn võ Quyền Cước

 

Tên tuổi của Jean-Claude Van Damme thì không hề xa lạ với khán giả khắp thế giới, và danh tiếng của ông luôn đi cùng với võ Quyền Cước.

 

Từ nhỏ, tài tử Van Damme được đào tạo võ Karate, sau đó học thêm môn võ Quyền Cước là môn võ kết hợp những cú đấm mạnh mẽ của Quyền Anh với những cú đá đầy nguy hiểm.

Với trình độ đai đen hai đẳng của Karate, tài tử Van Damme từng tham gia nhiều cuộc thi Quyền Cước trước khi xuất hiện trên màn ảnh của Hollywood. Trong từng phim, ông lúc nào cũng đánh bại đối thủ bằng những cú đá vừa nhanh vừa mạnh mẽ, thể hiện hết được khả năng võ thuật trên màn ảnh.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-7-Luu-Gia-Huy-scaled.jpg

Tài tử Lưu Gia Huy, người có tên tuổi gắn liền với môn phái Hồng Gia Quyền. (Hình: Evan Agostini/Getty Images)

 

Lưu Gia Huy và môn võ Hồng Gia Quyền

 

Một tên tuổi mà ít ai nhớ đến nhưng là một biểu tượng của phim Kung Fu là tài tử Lưu Gia Huy (Gordon Liu) với môn phái Hồng Gia Quyền.

 

Ông từng học Hồng Gia Quyền tại trường do cha của nhà làm phim và võ sư Lưu Gia Lương sáng lập. Đây là một nhánh của võ Thiếu Lâm Tự có nguồn gốc ở Phúc Kiến và xuất hiện vào thế kỷ 17, được coi là một môn phái tiêu biểu nhất của võ Thiếu Lâm Tự. Môn phái này còn được lan truyền qua nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

 

Lưu Gia Huy biết nhiều môn võ, giúp ông khởi đầu sự nghiệp bằng đóng thế trong những cảnh mạo hiểm, sau đó gầy dựng được tên tuổi qua “The 36th Chamber of Shaolin,” rồi còn xuất hiện trong phim “Kill Bill” đầy thành công của đạo diễn lừng danh Quentin Tarantino.

Không chỉ vậy, ông thể hiện được môn phái Hồng Gia Quyền qua mấy lần đóng vai võ sư Hoàng Phi Hồng, một tên tuổi gắn liền với môn phái đó.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-8-Ly-Lien-Kiet-1536x994.jpg

Lý Liên Kiệt (phải) đưa võ Wu Shu lên màn ảnh của Hollywood. (Hình: Columbia Pictures/Getty Images)

 

Lý Liên Kiệt và môn võ Wu Shu

 

Một tên tuổi nổi tiếng khắp thế giới nhờ võ thuật Trung Quốc là Lý Liên Kiệt (Jet Li), và môn võ giúp ông có được danh tiếng là Wu Shu.

 

Lý Liên Kiệt xuất hiện trong không biết bao nhiêu phim võ thuật từ Trung Quốc, Hồng Kông đến cả Hollywood. Trong mọi phim, ông đều thể hiện xuất sắc kỹ năng trong võ Wu Shu.

Đây là một môn võ đầy truyền thống của Trung Quốc, kết hợp nhiều yếu tố của Thiếu Lâm Tự, Võ Đang và Dưỡng Sinh. Wu Shu không chỉ có tập luyện các bài quyền, mà còn có những cuộc thi đấu cho các võ sĩ va chạm thoải mái.

 

Trước khi trở thành ngôi sao điện ảnh, Lý Liên Kiệt từng vô địch giải Wu Shu toàn quốc của Trung Quốc năm lần vào thập niên 1970, sau đó quyết định rút lui khỏi sự nghiệp võ thuật chuyên nghiệp chỉ ở tuổi 18 để theo đuổi điện ảnh, và tìm được không biết bao nhiêu thành công.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-9-Tony-Jaa-1536x1024.jpg

Tony Jaa, người đưa nhiều đòn thế nguy hiểm của Muay Thai vào Hollywood. (Hình: Brent Lewin/Getty Images for Paramount Pictures)

 

Tony Jaa và môn võ Muay Thai

 

Một môn võ khác của Đông Nam Á tuy được nhiều người biết đến nhưng không được đưa vào điện ảnh nhiều là Muay Thai của Thái Lan. Môn võ này được diễn viên Tony Jaa giúp tìm được thành công trong phim ảnh.

 

Diễn viên người Thái Lan 48 tuổi này khởi đầu sự nghiệp trong vai trò đóng thế cho các phim về võ Muay Thai. Đến năm 2003, ông mới bắt đầu gầy dựng được tên tuổi qua đóng vai chính cho phim “Ong-Bak: Muay Thai Warrior,” và từ đó trở thành một tên tuổi quen thuộc với nhiều phim hành động, có cả phim của Hollywood.

 

Muay Thai là môn võ vô cùng nguy hiểm, vừa có đấm đá như nhiều võ khác, nhưng biết tận dụng những đòn thế từ khuỷu tay và đầu gối, lại còn có những cách vật lộn với đối thủ đầy mạnh mẽ. Nhờ diễn xuất của Tony Jaa trong nhiều phim, khán giả khắp thế giới hiểu được sự mạnh mẽ của Muay Thai, và tìm hiểu về môn võ đó nhiều hơn.

 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/CN-Vo-thuat-10-Thanh-Long-1536x1047.jpg

Thành Long nổi tiếng nhờ võ thuật chỉ có thể gọi là Kung Fu. (Hình: Touchstone Pictures/Getty Images)

 

Thành Long và môn võ Kung Fu

 

Với rất nhiều kinh nghiệm trong nhiều môn phái, không ai có thể nói được Thành Long (Jackie Chan) nổi tiếng nhờ một môn võ nào, và chỉ có thể nói đơn giản là ông thành công nhờ Kung Fu. Khả năng thể hiện võ thuật kết hợp với diễn xuất hài hước giúp ông trở thành một diễn viên nổi tiếng khắp thế giới.

 

Thành Long học võ từ nhỏ, có nhiều kinh nghiệm trong Thiếu Lâm Tự của cả hai miền Nam và Bắc Trung Quốc, Vịnh Xuân và Hapkido. Ông mang những kinh nghiệm đó lên màn ảnh và chinh phục khán giả khắp nơi trong hơn sáu thập niên.

 

Tài năng trong võ thuật còn giúp ông tự đóng mọi cảnh mạo hiểm trong phim, kết hợp điều đó với diễn xuất hài hước rất tài tình. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: le.thien@nguoi-viet.com





No comments:

Post a Comment

View My Stats