Wednesday 29 May 2024

TỪ 'ĐẢNG TRỊ' ĐẾN 'CÔNG AN TRỊ' (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Từ ‘đảng trị’ đến ‘công an trị’

Hiếu Chân/Người Việt

May 28, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-dang-tri-den-cong-an-tri/

 

Với việc sắp xếp lại “tứ trụ,” đưa ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, vào ghế chủ tịch nhà nước, đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã hoàn tất quá trình thay đổi chế độ từ độc tài “đảng trị” sang độc tài “công an trị.” Điều đó có ý nghĩa gì với vận mệnh của đất nước?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/A1-To-Lam-cong-an-tri-1536x1024.jpg

Ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, vào ghế chủ tịch nhà nước, đảng Cộng Sản Việt Nam đã hoàn tất quá trình thay đổi chế độ từ độc tài “đảng trị” sang độc tài “công an trị.” (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

 

Chủ Tịch Nước Tô Lâm – trên danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia – là một đại tướng công an; Thủ Tướng Phạm Minh Chính – đứng đầu chính phủ – cũng là một trung tướng công an, lên lon cùng lúc với ông Tô Lâm, từng là thứ trưởng Công An phụ trách tình báo.

 

Trong danh sách Bộ Chính Trị – cơ quan nắm quyền lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước hiện có 16 ủy viên – người ta thấy công an cũng chiếm tỷ lệ áp đảo; gồm năm viên tướng: Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Phan Đình Trạc, Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Hòa Bình, chưa kể một ủy viên trẻ, ông Lê Minh Hưng, tuy bản thân không là công an nhưng là con của một đại tướng, cựu bộ trưởng Công An và tiến thân chủ yếu nhờ thế lực của thân phụ.

 

Trong Bộ Chính Trị còn có ba viên tướng quân đội, gồm các ông Phan Văn Giang, Lương Cường và Nguyễn Trọng Nghĩa. Tính chung, những người cầm súng, cả súng dài (quân đội) và súng ngắn (công an) chiếm đến già nửa lực lượng lãnh đạo chóp bu, quyết định mọi chính sách, đường lối của đất nước cả về kinh tế, đối ngoại và an sinh xã hội. Không có ai là nhà kinh tế hoặc quản trị kinh tế-xã hội có tiếng tăm được người dân và thế giới bên ngoài biết tới.

 

                                                          ***

Ở thời bình, một cơ cấu lãnh đạo cấp cao như vậy là phi lý. Nó chỉ chứng tỏ mục đích tối hậu của đảng CSVN là bảo vệ sự cai trị của đảng, sự tồn vong của chế độ hơn là phát triển đất nước. Thật ra từ khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành lập năm 1946 đến 1992, Việt Nam dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN đã luôn là “nhà nước chuyên chính vô sản,” bắt đầu trên một nửa nước ở miền Bắc rồi trên toàn đất nước sau năm 1975.

 

Chuyên chính vô sản, tiếng Anh gọi là “proletarian dictatorship,” là một thể chế cai trị bằng bạo lực, cưỡng bức; và để thi hành bạo lực nhà nước cần có một lực lượng công an chìm nổi hùng mạnh, kiểm soát được mọi mặt đời sống của người dân và bóp chết mọi biểu hiện phản kháng. Cơ quan Stasi của Đông Đức, KGB của Liên Xô là những mẫu mực của guồng máy an ninh mật vụ khét tiếng ở các nước Cộng Sản cho đến khi chế độ tàn bạo này cáo chung ở Đông Âu.

 

Nhưng trong chế độ độc tài đảng trị, công an dù hung bạo đến đâu cũng chỉ là “công cụ” trong bàn tay điều khiển của đảng, của các quan chức chính trị đầu não; bản thân công an chưa phải là lực lượng thống trị. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu cái gọi là “đổi mới,” bắt đầu có sự phân biệt vai trò giữa đảng và nhà nước, hướng tới xây dựng một nhà nước vận hành theo luật thay vì theo các nghị quyết của đảng. Công an trở về đúng cái vai trò hiến định của nó là thực thi pháp luật, dù là luật rừng, cho đến cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư…

 

                                                   ***

Học bài từ ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng của đảng CSVN đã cố quay ngược bánh xe lịch sử, trở về với “chuyên chính vô sản” bằng việc tái lập các cơ quan “chuyên chính” như Ban Nội Chính Trung Ương để can thiệp trực tiếp vào các hoạt động tư pháp, ấn định các bản án trước khi tòa mở phiên xét xử, đồng thời mở rộng vai trò, quyền lực của Bộ Công An đến mức gần như vô hạn, sử dụng guồng máy công an làm “thanh kiếm và lá chắn” để triệt hạ các đối thủ trong chiến dịch “đốt lò.” Cán bộ công an và con cái họ được hưởng những đặc quyền đặc lợi mà các ngành khác mơ cũng không thấy được.

 

Quân số của Bộ Công An phình to, số công an mang quân hàm cấp tướng nhiều như heo con, đặc biệt là dưới thời Bộ Trưởng Tô Lâm từ năm 2016 đến nay. Tuy chính phủ Việt Nam không công bố con số chính xác về số lượng công an chính quy nhưng vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam lâu năm, ở Úc, số công an chính quy và lực lượng bán quân sự trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công An năm 2013 là khoảng 6.7 triệu người. Một đạo luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được Quốc Hội Việt Nam thông qua cuối năm ngoái và có hiệu lực vào ngày 1 Tháng Bảy năm nay sẽ làm cho lực lượng này tăng thêm 1.5 triệu người.

 

Quân số tăng thì chi phí cũng tăng. Hiện Bộ Công An là ngành tiêu tốn nhiều tiền thứ hai, chỉ sau Bộ Quốc Phòng. Dự toán ngân sách năm 2024 của chính phủ Việt Nam dự tính sẽ chi cho ngành này 113,000 tỷ đồng (tương đương $4.5 tỷ), tăng thêm 14,000 tỷ đồng so với ngân sách năm 2023 và bằng 16.5 lần so với ngân sách chi cho ngành y tế.

 

Từ một “công cụ” của đảng CSVN, nỗ lực “còn đảng, còn mình,” Bộ Công An dưới quyền ông Tô Lâm đã nhanh chóng biến thành một thứ “kiêu binh” đứng trên luật pháp, coi thường đảng cầm quyền và khống chế cả các quan chức cao cấp nhất trong Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương.

 

Những cuộc đấu đá gần đây cho thấy, ông Tô Lâm đã sử dụng guồng máy công an để triệt hạ ít nhất năm ủy viên Bộ Chính Trị, hai trong bốn “tứ trụ,” cả thường trực Ban Bí Thư và trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương đảng CSVN.

 

Các nhân vật hét ra lửa mửa ra khói như cựu Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, cựu Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng nhanh chóng cởi giáp quy hàng chỉ vài ngày sau khi đàn em thân tín bị công an tóm cho thấy quyền lực của ông Tô Lâm và Bộ Công An khủng khiếp tới mức nào. Quyền lực của ông Tô Lâm đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng hay nói cách khác, phù thủy đã bị âm binh hại, đảng trị đã chuyển thành công an trị.

 

Bây giờ thì ông Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, về danh nghĩa là người đứng đầu nhà nước. Cùng với ông thủ tướng gốc công an, ông Tô Lâm đang tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị,” theo nhận xét của Tiến Sĩ Bill Hayton thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hoàng Gia Anh (Chatham House). Nhà báo Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, một tổ chức phi chính phủ vận động nhân quyền cho Việt Nam, đánh giá: “Với việc ông Tô Lâm làm chủ tịch nước, Việt Nam đã trở thành một nhà nước ‘công an trị.’”

 

                                                            ***

Chế độ công an trị, còn gọi là “nhà nước cảnh sát” (police state) là thể chế chính trị của một quốc gia mà chính phủ của nó dùng lực lượng công an cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán, kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân. Trong thể chế công an trị, pháp luật chỉ là ý muốn của nhóm cầm quyền tôn sùng bạo lực. Việc kiểm soát chính trị trong nhà nước cảnh sát thường được tiến hành bởi lực lượng mật vụ, hoạt động bên ngoài phạm vi mà một nhà nước hiến định cho phép.

 

Dưới chính thể công an trị, người dân bị tước đoạt các quyền tự do căn bản, nhất là quyền tự do ngôn luận (biểu đạt) và tự do tôn giáo. Nhà nước công an trị Việt Nam đã cài vào hình luật nhiều điều khoản mơ hồ và phi lý như “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 331), “tội tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 117) và ban hành những đạo luật khắc nghiệt như Luật An Ninh Mạng để công an dễ dàng bắt bớ, giam cầm và trừng trị những người mà họ cho là có khả năng chống đối.

 

Trước đây, công an chỉ nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến nổi bật như ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Phạm Chí Dũng, bà Phạm Đoan Trang nhưng gần đây họ không tha những nhà hoạt động môi trường và cả những chuyên gia trong guồng máy nhà nước. Không chỉ lộng hành ở trong nước, họ còn tung quân ra nước ngoài, bắt cóc những người mà họ cho là đe dọa đảng của họ, đưa về nước giam giữ, tra tấn.

 

Trong cuộc đàn áp về chính trị, nhà nước công an trị còn dùng mọi cách để kiểm soát ý nghĩ và hành động của họ. Gần đây, Bộ Công An có những quy định quái gở như liên tục thay đổi mẫu sổ thông hành, thẻ căn cước, biển số xe, số định danh cá nhân… gây rất nhiều phiền toái cho dân và tốn kém công quỹ; ít ai hiểu được họ đang nỗ lực lợi dụng tiến bộ công nghệ vào việc quản lý, kiểm soát mọi người trong một “xã hội kỹ thuật số” trong đó nhất cử nhất động của công dân đều được theo dõi, ghi lại trong những kho dữ liệu khổng lồ (Big Data) để không ai thoát được tầm ngắm của họ.

 

Công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ ở trong nước gần như bị triệt tiêu mà không có khả năng hồi phục trước những thủ đoạn và chính sách tàn bạo nói trên của nhà nước công an trị.

 

                                                         ***

Trong thể chế công an trị, phát triển kinh tế xã hội là thứ yếu, nhà nước Việt Nam sẵn sàng hy sinh những cơ hội phát triển vì mục tiêu an ninh chính trị. Mải lao vào các cuộc đấu đá quyền lực, cả guồng máy đảng và chính phủ hầu như chẳng ai quan tâm tới đời sống người dân và hiện tình kinh tế đất nước.

 

Có người nói cuộc “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng có tác dụng phụ là làm cho các quan chức sợ trách nhiệm, không chịu làm việc, không dám quyết định vì sợ sai. Tình trạng đó phổ biến đến mức trở thành một “nạn dịch.” Hậu quả là những vấn đề nóng của nền kinh tế như thiếu điện cho sản xuất công nghiệp, sập hầm làm ách tắc đường hỏa xa, hạn hán và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thị trường địa ốc và thị trường vàng hỗn loạn, hàng chục ngàn doanh nghiệp chết yểu, hàng vạn công nhân mất việc… thì chẳng thấy ai giải quyết hoặc đề ra giải pháp…

 

Các nhà đầu tư nước ngoài, có thời rủ nhau vào Việt Nam làm ăn do tin vào cái gọi là “sự ổn định chính trị” của nước này, bây giờ bắt đầu hoảng sợ trước những vụ đấu đá và viễn cảnh một nhà nước công an trị hành xử không theo pháp luật. Theo một bản tin của Reuters ngày 17 Tháng Năm, các nhà đầu tư đã bán tháo và rút vốn khoảng $2 tỷ khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2023 – thời điểm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị mất chức, mở màn chiến dịch thanh trừng kéo dài đến hôm nay. Reuters cũng cho biết Việt Nam đã bỏ lỡ ít nhất $2.5 tỷ viện trợ trong ba năm qua và có thể mất thêm $1 tỷ nữa do những sự trì trệ của bộ máy hành chính.

 

Điều rất đáng tiếc là sự thất vọng, lo ngại và hoảng sợ của nhà đầu tư xảy ra vào lúc Việt Nam có cơ hội để được tư bản quốc tế lựa chọn làm điểm đến thay thế Trung Quốc trong cuộc thương chiến ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc. Thay vì Việt Nam, các nhà đầu tư có uy tín đã chuyển sang Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Phúc bất trùng lai, những cơ hội vàng như vậy không có nhiều và để cơ hội vuột khỏi tay là một thất bại thảm hại của đảng CSVN và nhà nước công an trị. [qd]






No comments:

Post a Comment

View My Stats