Tuesday 28 May 2024

VIỆT NAM : GIỜ LÀM CAO, NĂNG SUẤT CÓ CAO? (BBC News Tiếng Việt)

 



Việt Nam: giờ làm cao, năng suất có cao?

BBC News Tiếng Việt

27 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd119xzz5kro

 

Năng suất lao động của Việt Nam nằm trong nhóm thấp trong khi số giờ làm việc thì thuộc nhóm cao. Trong bối cảnh đó, giảm giờ làm có hợp lý?

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6c8d/live/a62ee160-1bdc-11ef-baa7-25d483663b8e.jpg

So với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam có năng suất lao động thấp. Trong khi đó, số giờ làm việc của người Việt Nam ở mức cao.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ở Hà Nội vào sáng 26/5. Tại đây, thành viên công đoàn đã kiến nghị chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc - đã đề nghị chính phủ lên kế hoạch giảm giờ làm như trên để "phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực đồng thời tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc hạnh phúc gia đình".

Bên cạnh đó, ông Tú đề nghị chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, đồng thời đơn giản hóa và linh hoạt hóa quy trình nhập khẩu.

Ông cũng mong chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp nhằm chăm lo cho người lao động.

Hiện nay, Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm bình thường của người lao động không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần đối với thời giờ làm việc bình thường.

Trường hợp làm việc theo tuần, thời gian làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.

Thời gian làm việc tiêu chuẩn của khối nhà nước là 40 giờ/tuần.

Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân từng nói tại diễn đàn Quốc hội về Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 10/2019:

"Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9-10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc. Không có điều đó đâu, trên thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi."

Ông Nhân cũng nhận định, muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ và giảm giờ làm.

Ông T.K. Trần, một nhà quan sát các hoạt động nghiệp đoàn, công nhân và người lao động từ Đức, nhận xét với BBC News Tiếng Việt vào tháng 4/2022 rằng:

"Ở những quốc gia khác, xu hướng tiến bộ chung là giảm giờ làm, đồng thời tăng lương để đời sống hạnh phúc hơn, đáng sống hơn."

Ông cũng khẳng định việc thúc đẩy người lao động làm nhiều hơn nữa, bất kể những vấn đề về sức khỏe, gia đình, sẽ mang lại những tác động tiêu cực.

"Trong tương lai, điều này sẽ gây ra những gánh nặng về chi phí y tế, khi sự kiệt sức gây ra nhiều bệnh tật; về tệ nạn xã hội, khi thế hệ nối tiếp lớn lên là những đứa trẻ hiện nay không được bố mẹ có thì giờ săn sóc dạy dỗ."

Trong một chia sẻ khác đến BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2023, chuyên gia về hoạt động nghiệp đoàn T.K. Trần nhấn mạnh:

"Những quyền lợi chính đáng chung cho mọi người lao động như giảm giờ làm, thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay xuống 40 giờ/tuần không thể do một tổ chức đại diện người lao động của một doanh nghiệp riêng lẻ đòi hỏi mà phải do sự đấu tranh của một tổ chức độc lập liên kết ngành nghề hay liên kết quốc gia thì mới có cơ hội thành công."

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/ed9a/live/349a2a70-1b35-11ef-80aa-699d54c46324.png

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”

 

Trở lại với “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, đồng tình với ông Đặng Tuấn Tú, bà Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội thuộc Tổng Công ty May 10, cũng cho rằng giảm giờ làm là cần thiết để chăm sóc gia đình, con cái cũng như tái tạo sức lao động.

Cũng trong diễn đàn hôm 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp "tăng năng suất lao động, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động".

 

·        Công đoàn VN làm gì để tăng tiền lương cho người lao động?

24 tháng 12 năm 2022

·        Tranh chấp lao động: Một bản án bất lợi cho người lao động trở thành 'án lệ'

3 tháng 5 năm 2024

·        Việt Nam: Công đoàn độc lập sẽ có tương lai?

14 tháng 7 năm 2020

 

 

Năng suất và giờ làm của Việt Nam so với các nước lân cận

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d1c5/live/e76456d0-1b49-11ef-a13a-0b8c563da930.jpg

Công nhân đang may quần áo ở Tổng Công ty May 10

 

Vậy năng suất lao động và số giờ làm của Việt Nam đang ở mức nào so với các nước trong khu vực?

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), trong giai đoạn 2021 - 2022, mức tăng năng suất lao động bình quân ở Việt Nam là 4%/năm tính theo sức mua tương đương (PPP), gấp đôi mức bình quân chung của thế giới.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau mức tăng 5,8% của Singapore.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Chính thừa nhận dù có cải thiện nhưng năng suất lao động Việt Nam vẫn ở mức thấp. Tỉ lệ tăng trong giai đoạn 2021 - 2023 thấp hơn so với mục tiêu 5,5%/năm.

Bên cạnh đó, năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với các quốc gia lân cận khi tính theo giá trị tuyệt đối.

Cụ thể, chỉ số này năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Ngược lại với năng suất lao động, theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2019, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực.

Cụ thể, không tính thời gian nghỉ lễ, tổng thời gian làm việc mỗi năm tại Việt Nam lên đến 2.320 giờ, vượt xa các quốc gia láng giềng như Indonesia (thấp hơn Việt Nam 440 giờ), Campuchia (184 giờ) và Singapore (176 giờ).

Số giờ làm việc trung bình của người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước thấp nhất, khoảng 42 giờ/tuần, trong khi con số này ở khu vực FDI lại cao nhất, lên đến 51 giờ/tuần.

Số ngày nghỉ phép khởi điểm ở Việt Nam ở mức trung bình, với 12 ngày, xếp sau Lào, Campuchia và Indonesia nhưng cao hơn Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.

Về số ngày nghỉ lễ tết hiện hành, Việt Nam có 11 ngày, tương đương với Singapore và thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Vào năm 2019, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảnh báo rằng việc giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam, bao gồm giảm xuất khẩu 20 tỷ USD/năm, giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,5% và suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng đề xuất giảm giờ làm nên được xem xét kỹ lưỡng, tránh khiến gia tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - vào năm 2019 đã đánh giá rằng Việt Nam nên giữ nguyên tổng giờ làm việc trong tuần ở mức 48 giờ và đợi đến khi nền kinh tế phát triển hơn mới xem xét giảm xuống 44 giờ/tuần.

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng làm việc ít giờ hơn mỗi tuần khiến mọi người làm việc hiệu quả hơn. Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Stanford cho thấy năng suất giảm mạnh sau khi tăng thời gian làm việc lên mức 50 giờ mỗi tuần. Một số chuyên gia cho rằng 35 giờ/tuần là lượng thời gian làm việc tối ưu.

“Năng lượng của bạn không thể duy trì được trong tám giờ liền. Rất khó để dồn sự tập trung trong một khoảng thời gian dài. Do đó, điều này khiến bạn làm việc kém hiệu quả," John Trougakos - giảng viên chuyên về hành vi tổ chức tại Đại học Toronto (Canada) - trả lời BBC.

 

 

Các nước cân bằng tốt nhất giữa công việc và cuộc sống

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/29f7/live/2e783e50-1b5f-11ef-80aa-699d54c46324.png

Tây Ban Nha nổi tiếng với văn hóa làm việc thoải mái với nhiều người địa phương ưu tiên thời gian để giải trí

 

Các phóng viên BBC đã xem xét báo cáo của công ty chuyên về nhân sự Remote về sự công bằng trong công việc và cuộc sống trên toàn cầu năm 2023 cũng như dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để chọn ra 5 quốc gia có sự cân bằng tốt nhất.

 

·        New Zealand: 26 tuần nghỉ thai sản được trả lương, 32 ngày phép hằng năm, khi bị bệnh được trả tối thiểu 80% lương. Người dân New Zealand dành ra 14,9 giờ mỗi ngày để chăm lo đời sống cá nhân.

·        Tây Ban Nha: làm việc trung bình 37,8 giờ mỗi tuần, 26 ngày nghỉ phép hằng năm. Theo dữ liệu của OECD, ngoại trừ Pháp và Ý, người lao động ở Tây Ban Nha dành nhiều thời gian nhất trong ngày để giải trí và chăm sóc cá nhân.

·        Đan Mạch: 36 ngày nghỉ phép mỗi năm, được trả 100% lương khi nghỉ bệnh. Người lao động dành 15,7 giờ mỗi ngày cho thời gian cá nhân và giải trí, nhiều hơn mức trung bình của OECD.

·        Pháp: 36 ngày nghỉ phép hằng năm, chỉ 8% số lao động ở Pháp làm việc hơn 50 giờ/tuần. Họ dành đến 16,2 giờ mỗi ngày cho đời sống cá nhân.

·        Ý: 3% lao động làm việc trên 50 giờ/tuần. Số liệu của OECD cho thấy lao động ở Ý dành tới 16,5 giờ mỗi ngày để giải trí và chăm sóc cá nhân, nhiều hơn 1,5 giờ so với mức trung bình của OECD.

 

-----------------------

Tin liên quan

·         

Việt Nam bắt thêm một nhà cải cách công đoàn, ông Vũ Minh Tiến?

21 tháng 5 năm 2024

·         

Việt Nam lên kế hoạch cải cách công đoàn, công ty nước ngoài lo lắng

27 tháng 2 năm 2024

·         

Chỉ thị mật của Bộ Chính trị: Việt Nam không thực tâm thực thi công ước quốc tế về công đoàn

11 tháng 3 năm 2024

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats