Tuesday 28 May 2024

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ SẼ THĂM CAMPUCHIA : KÉO PHNOM PENH RỜI XA QUỸ ĐẠO BẮC KINH? (BBC News Tiếng Việt)

 



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Campuchia: Kéo Phnom Penh rời xa quỹ đạo Bắc Kinh?

BBC News Tiếng Việt

27 tháng 5 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c4nn0exk0pyo

 

Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Campuchia bị nguội lạnh trong nhiều năm qua, phần lớn xuất phát từ quan hệ ngày càng gần gũi giữa Phnom Penh và Bắc Kinh.

 

Campuchia là quốc gia ASEAN duy nhất Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du sau khi dự đối thoại Shangri-la (từ 31/5 - 2/6) tại Singapore.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/4661/live/18ab9980-1be3-11ef-baa7-25d483663b8e.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 10 vào ngày 16/11/2023 tại thủ đô Jakarta của Indonesia

 

Dự kiến ông Lloyd Austin sẽ đến Campuchia vào ngày 4/6, trước khi đến Pháp để dự kỷ niệm 80 năm D-Day (6/6/1944), ngày quân Đồng minh đổ bộ vào bãi biển Normandy đánh bại Phát xít Đức, giải phóng châu Âu.

 

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên ông Lloyd Austin đến Campuchia kể từ sau khi người con trai cả của ông Hun Sen là ông Hun Manet chính thức lên làm thủ tướng từ tháng 8/2023 sau cuộc tổng tuyển cử không đối thủ.

 

Lần gần nhất mà ông Lloyd Austin đến Campuchia là vào tháng 11/2022 khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 9.

 

Khi đó, về phía Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã tham dự hội nghị.

 

·        Trung Quốc, Campuchia tập trận lớn, Việt Nam lo ngại gì?

15 tháng 5 năm 2024

·        Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu điều tra những người mạt sát ông bằng tiếng Việt trên TikTok

21 tháng 5 năm 2024

·        Kênh đào Phù Nam Techo: ông Hun Sen lên tiếng về thời điểm khởi công

26 tháng 5 năm 2024

 

 

Mỹ có thể kéo Campuchia rời xa Trung Quốc?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/d901/live/e1549910-1bf5-11ef-80aa-699d54c46324.jpg

Tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Rồng Vàng đang diễn ra cùng với Campuchia tại Vịnh Thái Lan. Ảnh chụp ngày 24/5/2024.

 

Quan hệ song phương Mỹ và Campuchia xấu đi liên quan đến một số vấn đề quan trọng, nhưng phần lớn xuất phát từ việc Phnom Penh đang ngày càng chứng tỏ họ là một trong những đồng minh hữu hảo nhất của Bắc Kinh.

 

Ngoài ra, việc Mỹ nhiều lần lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Campuchia đã làm quan hệ hai nước xấu đi.

 

Mỹ cũng quan ngại về khả năng Trung Quốc và Campuchia có thỏa thuận bí mật liên quan đến quân cảng Ream, có vị trí chiến lược quan trọng tại Vịnh Thái Lan.

 

Phản ứng gần đây nhất của Mỹ liên quan đến căn cứ Ream là vào ngày 7/3, khi ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, lên tiếng:

 

"Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân [Ream], cũng như vai trò của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai."

 

Một báo cáo vào ngày 18/4/2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC có hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu tại căn cứ Ream trong hơn 4 tháng, tại một bến tàu mới do Trung Quốc tài trợ và được hoàn tất vào năm 2023, làm dấy lên quan ngại về sự hiện diện quân sự thường trực của Bắc Kinh tại đây.

 

Hồi tháng 2/2024, hai tàu khu trục của lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đã phải cập cảng tự trị Sihanoukville thay vì Ream trong 2 ngày, theo Khmer Times.

 

Hiện Trung Quốc và Campuchia đang tiến hành cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ 6, kéo dài 15 ngày (16 - 30/5) tại Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Quân sự tại tỉnh Kampong Chhnang và căn cứ Ream.

 

Trung Quốc hiện là quốc gia đầu tư hàng đầu tại Campuchia, đổ hàng tỷ đô la vào các cơ sở hạ tầng.

 

Kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, một siêu dự án đang thu hút sự chú ý của Việt Nam và các nước trong khu vực về những tác động tiềm tàng liên quan đến kinh tế, môi trường, sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

 

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.

 

Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu chi tiết về chuyến đi của ông Austin đến Campuchia lần này mà chỉ cho biết sẽ gặp "các quan chức cấp cao".

 

Trong khi đó, báo Financial Times trong bài viết hôm 24/5 đã dẫn nguồn từ ba quan chức Mỹ cho biết ông Austin sẽ gặp Thủ tướng Hun Manet.

 

Financial Times nhận định chuyến đi của ông Lloyd Austin mang theo hy vọng Thủ tướng Hun Manet, một người được đào tạo tại Mỹ, sẽ không để Campuchia ngả vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

 

Ông Lloyd Austin và ông Hun Manet đều tốt nghiệp học viện quân sự danh giá West Point lần lượt vào các năm 1975 và 1999.

 

Đã có nhận định về khả năng quan hệ Mỹ và Campuchia sẽ nồng ấm hơn sau khi ông Hun Sen chuyển giao quyền lực sau 38 năm cầm quyền cho ông Hun Manet.

 

Tuy nhiên, cho đến nay ông Hun Manet dường như vẫn tiếp tục duy trì chính sách của cha mình. Cùng lúc, với vị trí Chủ tịch Thượng viện, ông Hun Sen đang tiếp tục chi phối chính trường Campuchia.

 

Trả lời hãng tin AP hôm thứ Bảy 25/5, ông Chum Sounry, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia, nói chuyến thăm lần này của ông Lloyd Austin sẽ là "một bước đi quan trọng nữa nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao Mỹ - Campuchia".

 

Bình luận về chuyến đi của ông Lloyd Austin hôm 25/5, trên mạng xã hội X, ông Chansambath Bong, nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Quốc gia Úc, nhận định Mỹ có ít cơ hội để khiến Campuchia rời xa quỹ đạo của Trung Quốc, nhưng cũng có cách để giúp mối quan hệ song phương được cải thiện.

 

Theo ông Chansambath Bong, cách tiếp cận cứng rắn liên quan đến căn cứ Ream như trong 3 đến 4 năm qua của Washington chỉ khiến mối quan hệ song phương "ngày càng tệ đi".

 

Ông cho rằng Mỹ, thay vào đó, "nên cho tàu hải quân cập cảng Ream" để củng cố niềm tin và tìm cách tăng cường phối hợp an ninh hàng hải, qua đó cũng "thách thức Campuchia" liên quan đến tuyên bố liên tục trong thời gian qua rằng căn cứ này không phải do Trung Quốc "độc quyền sử dụng".

 

·        Hai tàu chiến Trung Quốc thường trực ở quân cảng Ream, Việt Nam có nên lo?

19 tháng 4 năm 2024

·        Trung Quốc, Campuchia tập trận lớn, Việt Nam lo ngại gì?

15 tháng 5 năm 2024

·        Siêu dự án kênh Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả về Trung Quốc?

18 tháng 3 năm 2024

 

 

Mỹ và Trung Quốc sẽ 'to tiếng' liên quan đến Đài Loan và Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/29eb/live/210f1390-1bed-11ef-80aa-699d54c46324.png

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân và ông Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm hồi tháng 4, lần đầu tiên trong hơn một năm qua. Vấn đề Biển Đông và Đài Loan đã được đề cập.

 

Đối thoại Shangri-La là sự kiện về an ninh quốc phòng thường niên quan trọng diễn ra từ năm 2002 đến nay, với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng, chuyên gia từ hàng chục nước trên thế giới từ châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông, bao gồm Việt Nam.

 

Sự kiện năm nay sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 31/5 đến 2/6, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies - IISS) tổ chức, có nội dung bàn đến những vấn đề an ninh cấp bách của khu vực và cách thức ứng phó.

 

Năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã dẫn đầu đại biểu từ Việt Nam.

 

Một nội dung đáng chú ý trong khuôn khổ sự kiện sẽ là cuộc hội đàm trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân trong bối cảnh Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận "trừng phạt" Đài Loan mang tên "Liên Kiếm - 2024A" (Joint Sword - 2024A) từ 23 - 24/5, chỉ ba ngày sau khi ông Lại Thanh Đức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan.

 

Đây sẽ là cuộc gặp quan trọng giữa quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ và Trung Quốc.

Hồi giữa tháng 5, một quan chức trả lời Reuters với điều kiện ẩn danh rằng mặc dù cuộc gặp này đã được lên kế hoạch, nhưng không loại trừ thay đổi giờ chót.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7689/live/53356ce0-1bdc-11ef-baa7-25d483663b8e.png

Các khu vực diễn tập quân sự của Trung Quốc (bao quanh Đài Loan)

 

Ông Austin và ông Đổng có cuộc điện đàm hồi tháng 4, lần đầu tiên trong hơn một năm qua, trong bối cảnh hai nước tìm cách phục hồi lại mối quan hệ quân sự.

 

Lầu Năm Góc cho biết trong cuộc điện đàm, ông Austin "đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tự do hàng hải được đảm bảo theo luật pháp quốc tế, đặc biệt ở Biển Đông".

 

Về phần mình, ông Đổng nói Trung Quốc và Mỹ nên tìm cách "hòa hợp" và "dần tạo dựng niềm tin lẫn nhau" bằng cách "không xung đột, không đối đầu", tạo dựng mối quan hệ hợp tác và thực chất giữa quân đội hai nước, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

 

Ông Đổng cũng tuyên bố Mỹ nên công nhận lập trường của Trung Quốc về Biển Đông và tôn trọng vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền hàng hải và các lợi ích tại đây.

 

Ông Đổng cũng nhấn mạnh Đài Loan là "cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ.

 

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Đổng sẽ phát biểu về quan điểm của Bắc Kinh đối với an ninh toàn cầu tại Đối thoại Shangri-La và gặp gỡ lãnh đạo các nước.

 

Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc vào ngày 27/5 dẫn lời từ các chuyên gia cho rằng sẽ không tránh khỏi màn "đối đáp gay gắt" về lập trường liên quan đến các vấn đề nóng bỏng như Đài Loan và Biển Đông, và cho biết Trung Quốc sẽ "nêu sự thật về eo biển Đài Loan và Biển Đông" đến cộng đồng quốc tế.

 

·        Báo cáo an ninh 2023 của IISS nói về cách Việt Nam 'xử lý' ngoại giao với các cường quốc

4 tháng 6 năm 2023

·        Trung Quốc, Campuchia tập trận lớn, Việt Nam lo ngại gì?

15 tháng 5 năm 2024

·        Trung Quốc tập trận 'trừng phạt' Đài Loan: Bắc Kinh thù ghét tân Tổng thống Lại Thanh Đức

24 tháng 5 năm 2024

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c893/live/6aee2170-1be0-11ef-baa7-25d483663b8e.jpg

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang trong một cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La vào ngày 10/6/2022.

 

Năm 2023, Đối thoại Shangri-La diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Ông Lý Thượng Phúc, lúc bấy giờ là bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã gặp ông Austin trong khuôn khổ sự kiện.

 

Theo Lầu Năm Góc, hai nhà lãnh đạo quốc phòng có bắt tay bên lề nhưng đã không có các cuộc nói chuyện chi tiết.

 

Thay vào đó, lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã có những màn đấu khẩu gay gắt ngay tại Shangri-la.

 

Ông Austin tuyên bố "quan ngại sâu sắc" về việc Trung Quốc không sẵn lòng tham gia nghiêm túc hơn trong các cơ chế giải quyết khủng hoảng.

 

Trong khi đó, phát biểu trước các phóng viên, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương, Trung tướng Cảnh Kiến Phong cáo buộc Mỹ đang gây bất ổn châu Á-Thái Bình Dương thông qua sự hiện diện quân sự.

 

---------------

Tin liên quan

·         

Việt Nam dịch chuyển sang hệ vũ khí NATO để giảm phụ thuộc Nga?

25 tháng 5 năm 2024

·         

Chủ tịch nước Tô Lâm: Ghế tổng bí thư có dễ dàng?

25 tháng 5 năm 2024

·         

Trung Quốc, Campuchia tập trận lớn, Việt Nam lo ngại gì?

15 tháng 5 năm 2024

·         

Tổng thống Lại Thanh Đức nhậm chức giữa lúc nghị viện rối ren và Trung Quốc gây áp lực

20 tháng 5 năm 2024

·         

Trung Quốc tập trận 'trừng phạt' Đài Loan: Bắc Kinh thù ghét tân Tổng thống Lại Thanh Đức

24 tháng 5 năm 2024

·         

Kênh đào Phù Nam Techo: ông Hun Sen lên tiếng về thời điểm khởi công

26 tháng 5 năm 2024

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats