Monday, 6 May 2024

'ĐÒN HỒI MÃ THƯƠNG' CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Trần Hiếu Chân / Blog RFA)

 



‘Đòn hồi mã thương’ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bình luận của Blogger Trần Hiếu Chân
2024.05.06

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html

 

Lời nguyền ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Trọng vừa tuyên bố có thể bị phản đòn! Không có vùng cấm nhưng liệu ‘có vùng né’? Vụ AVG rồi đây Tòa án có dám hồi tố? Công an sang Đức bắt Trịnh Xuân Thanh làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm”?

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html/@@images/b160556e-5430-410b-a8ec-39158d3efee9.jpeg

Các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ trái qua): Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2023   (AFP)

 

Không vùng cấm, nhưng có vùng né

 

Chiều 4/5/2024, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn Bộ Công an cho biết quan điểm của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, liên quan đến những đại án gần đây được dư luận quan tâm. Trung tướng Công an Tô Ân Xô chia sẻ: ‘Khi lãnh đạo Ban chuyên án báo cáo Tổng Bí thư về một số vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng Bí thư đã khen ngợi Bộ Công an quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực’. Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm, Tổng bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (1). Mấy điểm này tuy không hoàn toàn mới nhưng khá nổi bật trong thông điệp của TBT. Một số giới quan sát cả trong lẫn ngoài nước vốn đang đặt vấn đề, sau mấy vụ đại án và với bối cảnh sự ra đi liên tiếp của ‘Tam trụ’: ông Phúc, ông Thưởng và ông Huệ, liệu cái lò của ông Trọng có giảm bớt nhiệt chút nào không? Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang chênh vênh? Một khi ‘Tam Tứ trụ’ đều ra đi cả thì có ‘vỡ bình’ không?

 

Chia sẻ của tướng Tô Ân Xô có phải là câu trả lời gián tiếp (được chuyển qua Bộ Công an) của Tổng bí thư cho mọi băn khoăn? Đấu tranh chống tham nhũng tới đây sẽ không thuyên giảm, sẽ phải ‘tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn theo tinh thần thượng tôn pháp luật…’ (2). Ý quyết tâm, quyết liệt thì chẳng có gì mới, nhưng lần đầu tiên, người dân được nghe Đảng trưởng nhắc đến ‘tinh thần thượng tôn pháp luật’. Tuyên bố có ý nghĩa ‘lên giây cót’ này của TBT có thể là ‘đòn hồi mã thương’ bí truyền (Giả vờ lui binh để nhử đối thủ rồi bất ngờ quay ngựa phóng thương để phản kích). Bởi vì suốt thời gian gần đây, dư luận thấy ông Trọng hầu như hoàn toàn im lặng, trước những lãnh đạo vừa ‘bị trảm’ mà dư luận coi đó là ‘con cưng’, là ‘thợ ruột’, là những ‘hạt giống đỏ’ TBT gieo trồng bao lâu nay. Thậm chí dư luận còn cho đó là những ‘thái tử’ đã được ông chọn để trao lại ‘vương quyền’. Nhưng không, Tổng Trọng như muốn cho mọi người biết, ông đã vào tuổi ‘Trượng Triều’, tức là tuổi có quyền cầm gậy đi vào Triều đình mà không ai có quyền ngăn cản. Huống hồ giờ đây chính ông đang là ‘Hoàng thượng’ mà phải chịu nghe những ‘lời ong tiếng ve’, rằng kế sách chống tham nhũng thất bại, rằng ông bị kẻ khác tiếm quyền, thao túng chính trường... Cho nên ông phải lên tiếng, cho dù chỉ là gián tiếp qua Bộ Công an.

 

Nhưng lời nguyền ‘thượng tôn pháp luật’ của ông Trọng có thể bị phản đòn! Không có vùng cấm nhưng lại có ‘nhiều vùng né’, thưa Tổng bí thư! Vụ AVG mà tại đó ông Tô Lâm, lúc bấy giờ mới giữ hàm Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng đã ký ba công văn, đóng dấu ‘Tuyệt Mật’ để lấp liếm sự việc. Các bên liên quan đã nâng khống giá trị trong hợp đồng chuyển nhượng, chênh lệch bảy ngàn tỷ VND để chia nhau (3). Vụ này liệu rồi đây có bị hồi tố không, thưa TBT? Rồi còn vụ Bộ trưởng Công an Tô Lâm bay sang Đức, bắt nghi can Trịnh Xuân Thanh trên đất bạn, làm hỏng quan hệ Đức – Việt, ai chịu trách nhiệm? (4)? Đấy là chưa nói đồng giao trong cả nước bấy lâu nay đang công khai giễu nhại lực lượng ‘còn Đảng còn mình’, tức là đối với những công an từng ‘bắn nhầm dê, bế nhầm dân’. Trong lực lượng công an không thiếu những kẻ đạo tặc, bắt cóc trẻ con để vòi tiền chuộc, hoặc rủ nhau đi săn dê của dân về làm mồi nhậu (5). Trong khi Đại tướng Tô Lâm nói công an phấn đấu người dân đi ngủ không cần đóng cửa, thì vẫn theo báo cáo của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hàng năm vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng (6).

 

 

Cuộc đấu đá giữa các phe phái…

 

Vẫn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ nói trên, một đại án khác đang ló dạng. Trung tướng Tô Ân Xô cho hay cũng vào chiều 4/5, mở rộng điều tra vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan; tuy là ngày lễ 30/4, Cơ quan CO3 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) vẫn ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam đối với ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng (siêu Bộ) – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Mai Tiến Dũng bị bắt để điều tra về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ (7). Từ đại án đến tiểu án, tội danh chỉ gói gọn trong mấy từ cô đọng ấy thôi, nhưng nó phản ánh bản chất của hệ thống. Từng bị đề nghị thu hồi, dự án khu đô thị Đại Ninh sau đó được tiếp tục thực hiện khi Thanh tra Chính phủ sửa đổi kết luận điều tra. Đây là ‘siêu’ dự án đã khiến nhiều lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vướng vòng lao lý. Như một ‘vết dầu loang’, lần này, nó lại ‘chảy’ ngược lên thượng tầng Ba Đình. Theo những nguồn tin không thể tiết lộ danh tính, vụ đại án mang tên Đại Ninh, không biết có phải vì cùng có hai chữ ‘Đại’, nhưng vụ này đang và sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy trong việc chọn cả Chủ tịch nước lẫn Chủ tịch Quốc hội.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/counter-offense-trick-by-party-chief-05062024121812.html/000_cl89q-1.jpg/@@images/ad2cd6f0-cfc7-4575-871b-eee0deee38e2.jpeg

Cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại họp báo ở Hà Nội hôm 30/6/2016. AFP

 

Trở lại với dư luận ở Hà Nội từ đầu tuần trước đã râm ran về việc, tại kỳ họp hôm 2/5 vừa qua, bà Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, kiêm Trưởng Ban Tổ chức TW, sẽ được Đảng cử vào ngồi chiếc ghế trống do ông Vương Đình Huệ để lại. Nhưng điều này không xẩy ra đã đành, mà người ‘Phó thứ Nhất’ của ông Huệ, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng không được 500 đại biểu đưa ra bầu để thay ông Huệ như tin đồn. Vậy là hai chiếc ghế của Tứ trụ, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đến nay vẫn để trống. Điều lạ lùng nữa là chỉ có một mẩu tin vắn về cuộc bỏ phiếu kín mà không có bất cứ bức ảnh nào đi kèm, nghĩa là báo chí Nhà nước cũng không được ‘tiếp cận hiện trường’. Dư luận còn nhớ, tại cuộc họp bất thường lần thứ sáu kỳ trước (ngày 21/3), bà Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, tuy chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng (tức là cấp bậc về Đảng thấp hơn vị trí của ông Mẫn), vậy mà bà Xuân vẫn được cử vào ghế Quyền Chủ tịch nước (8). Trong khi ông Mẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng chỉ ‘được phân công điều hành’ các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội.

 

Tại sao chức danh Chủ tịch nước chưa kiện toàn mà bà Võ Thị Ánh Xuân, cấp bậc Đảng thấp hơn, vẫn được ngồi vào ghế ‘quyền Chủ tịch’ nước? Còn ông Trần Thanh Mẫn, xin nhắc lại là có cương vị Đảng cao hơn, thì vẫn chưa được cử làm ‘Quyền Chủ tịch Quốc hội’? Bản chất của vấn đề ở đây phải chăng là, các bên liên quan vẫn chưa thỏa thuận được với nhau, người của ai ngồi vào ghế nào. Bởi vì, hai chiếc ghế của bà Mai để lại, cho đến nay, Tổng Trọng vẫn chưa tìm được người đủ tin cậy để mà trám vào. Khi hai cái ghế quan trọng ấy vẫn còn ‘bấp bênh’ chưa biết nên trao cho ai, thì ông Trọng chưa thể ‘gật’ để bà Trương Thị Mai bỏ lại hai vị trí ấy, để ngồi vào ghể Chủ tịch Quốc hội. Cuộc thương lượng giữa các phe phái, do đó, vẫn còn đang tiếp tục cho đến 20/5 tới đây, Quốc hội sẽ bước vào kỳ họp chính thức. Cuộc mặc cả giữa các phe được phóng sự của VOA ngày 3/5 phản ánh: ‘Sự ra đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người thứ 3 trong ‘Tứ trụ’ Việt Nam phải từ chức giữa nhiệm kỳ chỉ trong hơn một năm, đang cho thấy sự khủng hoảng về người kế nhiệm lãnh đạo Đảng và phản ánh sự leo thang đáng báo động của chủ nghĩa thân hữu (cronyism – mà thực chất là chủ nghĩa băng đảng) cũng như đấu đá nội bộ, theo nhận định của giới quan sát và truyền thông quốc tế’ (9).

_____________

Tham khảo:

(1 và 2) https://vtv.vn/phap-luat/khong-co-ngoai-le-trong-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-20240504195110696.htm

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50613569

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/second-accomplice-in-trinh-xuan-thanh-abduction-case-is-sentenced-to-five-years-in-prison-01312023094754.html

(5) https://vietnamthoibao.org/vntb-to-lam-muon-dan-ngu-khong-dong-cua-nhung-cong-an-thi-ban-nham-de-be-nham-dan/

(6) https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2023-kho-khan-ve-kinh-te-lam-tang-dieu-kien-phat-sinh-toi-pham-139868.html

(7) https://vietnamnet.vn/sai-pham-o-sieu-du-an-dai-ninh-3-600-ha-khien-nhieu-quan-chuc-bi-bat-2277241.html

(8) https://baochinhphu.vn/ba-vo-thi-anh-xuan-giu-quyen-chu-tich-nuoc-102240321121216671.htm

(9) https://www.voatiengviet.com/a/tro-choi-vuong-quyen-vuong-dinh-hue-va-chinh-truong-viet-nam-trong-con-mat-quoc-te/7596211.html

 

------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats