Sunday, 5 May 2024

ĐỌC VÀ NHẬN ĐỊNH "CUỘC XÂM LĂNG VỀ VĂN HÓA VÀ TƯ TƯỞNG CỦA ĐẾ QUỐC MỸ...." (Nguyễn Văn Lục / Đàn Chim Việt Online)

 



 

Đọc và nhận định “Cuộc Xâm Lăng Về Văn Hóa Và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ...”

 Nguyễn Văn Lục

25/04/2024

https://www.danchimviet.info/doc-va-nhan-dinh-cuoc-xam-lang-ve-van-hoa-va-tu-tuong-cua-de-quoc-my/04/2024/31413/

 

Hình : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2024/04/Obraz2-4-1.png

 

Phê phán cuốn Cuộc Xâm Lăng Về Văn Hóa Và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ Tại Miền Nam Việt Nam của Lữ Phương (1)

 

Sách lược của miền Bắc là muốn tiêu diệt và xóa trắng toàn bộ Văn Học miền Nam vì nó biểu hiện một thứ văn hóa “phản động” so với nền Văn Học XHCN. Cho nên ngay trước khi chiếm được miền Nam thì trên các tạp chí miền Bắc như Học Tập, tạp chí Văn Học, Văn Nghệ, v.v… đã có hơn 200 bài viết theo chính sách này.

 

Đó là những chuyện trước 1975.

 

Nhưng đến sau 1975, chiến dịch “truy lùng tàn dư văn hóa Mỹ ngụy” càng trở nên ác liệt như Lê Duẩn trong Đại Hội 5 đã chỉ thị:

 

“Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.”

 

Ngày 26/06/1976, ban Chấp HànhTrung Ương Đảng ra thêm chỉ thị:

 

“Việc xây dựng nền Văn Hóa mới được tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ văn hóa nô dịch, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động.”

 

Trích Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 779, nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 2000.

 

Họ đã nhìn với định kiến về Văn học miền Nam như thế này: Nô dịch, lai căng, đồi trụy và cực kỳ phản động..

 

Đội ngũ những người có trách nhiệm xóa bỏ tàn dư văn hóa “ngụy” gồm có: Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Trần Văn Giàu, Trần Trọng Đăng Đàn và đặc biệt có Lữ Phương. Phụ họa thêm vào đây, có những nhà Văn như Bảo Ninh, trong truyện ngắn Rửa Tay Gác Kiếm đã khinh miệt văn học miền Nam bằng thứ ngôn ngữ không phải nhà văn như sau:

 

“Chỉ có mỗi mình Tú, một tay mọt sách, nguyên sinh viên trường Tổng Hợp là không ngại rúc vào đó, ngụp lặn lục tìm trong bụi, tha về phòng một bao tải nặng chịch những cuốn tiểu thuyết chưa bị mối xông. Nhưng bởi tất cả đều rặt một nòi thối tha mục nát văn chương chống cộng, chữ nghĩa tối tăm mờ ám, nội dung láo toét, ít ai kiên nhẫn đọc nổi quá nửa trang, chất giấy lại không hợp để vấn thuốc và khổ thì quá nhỏ để gói bọc một thứ gì, thành thử đống sách của Tú chẳng mấy ai buồn ngó, dù rằng nó cứ vơi đi.

 

Người ta thấy các mẩu vụn của những Chu Tử, những Xuân Vũ, những gì gì đó nữa quanh chỗ đựng điếu cày và trong nhà bếp, trong nhà cầu.”

 

Trích Hà Nội lúc không giờ, Bảo Ninh, trang 83, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002

 

Cuốn sách của Bảo Ninh in năm 2002, sau gần 30 năm mà còn có thứ ngôn ngữ thiếu Văn hóa như thế của một nhà văn khá nổi tiếng với tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh.

 

Đọc thấy thật mất dạy quá.

 

Sự đố kỵ và khinh miệt văn học miền Nam là có thật do thiếu hiểu biết. Nhưng dần dần do có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu, nhiều nhà văn miền Bắc hiểu rằng văn học miền Nam nó có chỗ đứng riêng của nó, có những giá trị không thể phủ nhận. Đó là công việc đáng ghi nhớ của trang Talawas đã giới thiệu và in lại những tác phẩm Văn Học miền Nam trước 1975.

 

Và cũng kể từ sau 1975, số phận sách vở miền Nam giống như số phận Người miền Nam vậy. Sách vở miền Nam cũng phải trốn nhui, trốn nhủi mà giá trị lúc này chỉ là những cân giấy vụn dùng để gói hàng.

 

Lời trần tình Của Lữ Phương về Vai trò “đọc và phân loại sách” sau 1975.

 

Trong bài viết Nói thêm một lần để không nói nữa, Lữ Phương cho biết ông được đảng giao phó cho bộ phận “đọc và phân loại sách” xuất bản ở miền Nam trước ngày 30-4-1975. Lữ Phương viết:

 

“Công việc tôi đảm nhận chỉ là một phần trong sự khởi đầu của một chính sách cải tạo xã hội theo đường lối cộng sản. Đó là kết quả tất yếu của một quan niệm chiến thắng về một cuộc chiến tranh. (…) Vì lý do đó, tôi thấy chẳng cần gì phải chối bỏ rằng tôi làm công việc “phân loại sách” nói trên là do sự phân công của Đảng Cộng Sản mà lúc bấy giờ tôi vẫn còn tin tưởng. Nhưng một mặt khác, trên phương diện cá nhân, tôi có thể khẳng định công việc mà tôi đảm nhận đó hoàn toàn không phải là một thứ “chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước với trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75” và tôi đã đấu tranh quyết liệt với những đồng chí của tôi vào lúc bấy giờ để đòi thực hiện- là phải phân biệt rạch ròi những kẻ chủ mưu với những nạn nhân.(…) để tránh dựa vào những tiêu chuẩn mơ hồ như khẩu hiệu hành động gọi là (bài trừ văn hóa phản động đồi trụy) có thể dẫn dẫn đến những lạm dụng khi xử lý trong thời ký tiếp quản, lộn xộn, rối ren.”

 

Tôi còn đấu tranh cho chủ trương này ngay từ khi tôi ra miền Bắc trị bệnh (từ tháng 4/1974) trong một cuộc họp chung do Nguyễn Hữu Thọ chủ trì để góp ý “Chương trình hành động 10 điểm của CPCMLTCHMNVN” lúc tình hình chiến sự đã lan tới Huế, vì đó là Sinh mệnh của cả một nền văn học. Tức khắc đề nghị ấy bị gạt đi, nhường cho sự giơ tay “nhất trí” của hội nghị để sau đó mấy hôm, qua chị Dương Quỳnh Hoa, tôi mới biết được rằng cuộc họp ấy chỉ là hình thức, cái gọi là chương trình 10 điểm đó Bộ chính trị đã duyệt và gửi đến các đài phát thanh để chuẩn bị phát tối hôm đó rồi! Có thể tôi ngây thơ về chính trị nhưng với tư cách là một “thứ trưởng” trong chính phủ Cách Mạng ở miền Nam, tôi vẫn cho rằng việc xử sự của mình đã mang được một ý nghĩa nhân cách, ít nhất không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn với vai trò “chậu kiểng” được giao cho.

 

Khi về Nam, trong một buổi họp của Thành Ủy TP Hồ Chí Minh bàn về “bài trừ văn hóa phản động đồi trụy,” (do ông Võ Văn Kiệt chủ trì) và trong khi trình bày tôi đã phản đối ý kiến của đại diện Ban Tuyên Huấn Thành Ủy lúc bấy giờ cho rằng không cần phân loại cho rắc rối ..

Tôi đã thuyết trình và chia sách đọc ra làm 5 loại trong đó tập trung chú ý loại A có “nội dung chống Cộng” trực tiếp và loại B “Kích dâm”, còn tất cả những loại khác như C, “tinh thần lãng mạn hoặc ủy mị tiêu cực”, D “phê phán hiện thực có nội dung dân chủ nhân đạo” và E, các loại sách khoa học kỹ Thuật tôn giáo… thì không được đụng tới.

 

Tất cả những gì tôi góp phần vào cái gọi là chính sách cải tạo văn hóa ở miền Nam sau 30 tháng tư, 75 chỉ có vậy, và chỉ có như vậy mà thôi”

 

Trích trong Nói thêm một lần để không nói nữa, truy cập 01/2010

 

XEM TIẾP >>>>>   






No comments:

Post a Comment

View My Stats