Wednesday, 8 May 2024

GIỚI 'QUÝ TỘC ĐỎ' TRUNG QUỐC BỊ THANH TRỪNG NHƯ THẾ NÀO? (The Economist)

 



Giới 'quý tộc đỏ' Trung Quốc đã bị thanh trừng như thế nào?

The Economist  

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

07/05/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/05/07/gioi-quy-toc-do-trung-quoc-da-bi-thanh-trung-nhu-the-nao/

 

Các quý tộc đỏ của Trung Quốc Cộng sản hiện đại cư xử rất giống với các quý tộc máu xanh của thế giới phương Tây thời trung cổ. Nhóm ưu tú này khác biệt bởi dòng máu di truyền: họ bao gồm hậu duệ của những nhà cách mạng đã chiến đấu bên cạnh Mao Trạch Đông và con cái của các lãnh đạo Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản lên tiếp quản vào năm 1949. Vì địa vị xã hội cao của họ, những quý tộc đỏ này đôi khi được gọi là “thái tử” — được hưởng đặc quyền tiếp cận và ảnh hưởng trong mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc. Nhận thức về địa vị của mình đôi khi có thể khiến họ có ý thức về nghĩa vụ quý tộc.

 

Đây là một nhóm cực kỳ độc quyền – và đại diện tiêu biểu nhất của nó chính là Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chủ tịch nước. Là con trai của Tập Trọng Huân, một thành viên trong thế hệ những người sát cánh với Mao, ông Tập bị tách biệt khỏi xã hội bình thường ngay từ khi sinh ra: rất có thể ông được sinh ra trong khu đặc biệt của một bệnh viện ở Bắc Kinh dành riêng cho hàng ngũ lãnh đạo Đảng. Ông lớn lên trong một khu nhà dành riêng cho các nhân vật cấp cao trong đảng. Ông được nhận vào Đại học Thanh Hoa không phải vì thành tích mà vì lý lịch của mình.

 

Ông Tập bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình ở vị trí thư ký cho một lãnh đạo trong Quân ủy Trung ương, một vị trí mơ ước đối với một người chưa thể hiện được tài năng và năng lực gì. Ông sau đó tiếp tục được Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị chu đáo, một lần nữa vì huyết thống của mình, và thăng tiến đều đặn trong hàng ngũ của Đảng. “Quyền lực phải được trao lại cho con cháu chúng ta; nếu không, sau này mồ của chúng ta sẽ bị đào lên,” cựu phó thủ tướng Trần Vân từng nói với Đặng Tiểu Bình sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ông Tập được ưu tiên trên con đường sự nghiệp của mình, và cứ hai hoặc ba năm lại được thăng chức một lần – trong suốt khoảng thời gian 30 năm. Đối với một cán bộ bình thường, nếu được thăng chức mỗi 5 năm đã là may mắn lắm rồi.

 

Trên con đường ông Tập tiến lên vai trò lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhóm quý tộc đỏ là chỗ dựa vững chắc nhất cho ông. Tuy nhiên, mối quan hệ trở nên phức tạp sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, và với những nỗ lực sau đó nhằm củng cố quyền kiểm soát.

Trong quá khứ, đã có sự chia sẻ quyền lực ngầm giữa các gia tộc đỏ nổi tiếng. Điều này cho phép một số người gây ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ lên một số tỉnh, một số ngành công nghiệp chính, hay thậm chí là cả hai. Chẳng hạn, người ta hiểu rõ trong một số bộ phận nhất định của xã hội Trung Quốc rằng gia đình Diệp Kiếm Anh “sở hữu” Quảng Đông, gia đình Vương Chấn “kiểm soát” Tân Cương, và gia đình Lý Bằng nắm quyền kiểm soát ngành điện lực. Sự sắp xếp độc quyền này đã mang lại lợi nhuận tài chính khổng lồ cho một số gia tộc.

 

Ông Tập vốn coi các gia đình danh giá khác là mối đe dọa tiềm tàng đối với nền cai trị độc tài của ông. Bạn có thể lập luận rằng chỉ có giới quý tộc đỏ, với nguồn lực và quyền lợi huyết thống của mình, mới đủ sức cùng nhau dựng nên một cuộc chiến để lật đổ ông Tập.

Đáp lại, ông Tập đã xử lý nghiêm khắc các quý tộc đỏ đã thể hiện sự phản đối hoặc lên tiếng chỉ trích ông – trong số đó có Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên Bộ Chính trị và bí thư đảng ủy Trùng Khánh, người bị bỏ tù vì tham vọng chính trị của mình; và Nhậm Chí Cường, cựu giám đốc một công ty bất động sản nhà nước, người đang thụ án 18 năm tù vì công khai chỉ trích ông Tập, chẳng hạn như gọi ông là “thằng hề không mặc quần áo.” Ông Tập cũng đã “khuyến khích” các quý tộc đỏ khác rút lui khỏi vai trò lãnh đạo cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân.

 

Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc các hoàng đế dùng quan lại từ giai cấp nông dân để cân bằng với quan lại từ tầng lớp quý tộc. Ông Tập cũng vậy. Để tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của mình và tiếp tục nới lỏng quyền lực chính trị lâu dài của tầng lớp quý tộc đỏ, ông đã liên tục nâng các quan chức từ bên ngoài dòng máu đỏ lên các chức năng quyền lực trung tâm của Đảng. Trong cơ cấu hiện tại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên, không một người nào có thể được coi là có dòng dõi quý tộc đỏ. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây.

 

Ngoài việc mất đi đặc quyền chính trị, giới quý tộc đỏ còn phải chịu những tổn thất kinh tế đáng kể dưới thời ông Tập. Với tư cách là những chủ sở hữu tài sản lớn của Trung Quốc, giới quý tộc đỏ đã phải gánh chịu một phần thiệt hại nặng nề của chứng khoán Trung Quốc trong những năm gần đây.

 

Của cải mà các gia tộc đỏ tích lũy được trong những thập niên gần đây, cả trong và ngoài nước, là một phần quan trọng trong quyền lực của họ. Tiền bạc để ở nước ngoài cũng là bảo hiểm cho họ nếu mọi việc không suôn sẻ ở Trung Quốc. Vì vậy, cách ông Tập chọn xử lý những tài sản đó – và mức độ mà ông sẵn sàng tịch thu chúng để giữ cho các quý tộc đỏ phải phục tùng – có tầm quan trọng rất lớn đối với họ.

 

Việc tịch thu tài sản như một cách để hạ bệ những nhân vật có quyền lực chính trị hoặc có ảnh hưởng về mặt tài chính đã được sử dụng trong suốt lịch sử Trung Quốc, kể cả bởi ĐCSTQ kể từ khi lên nắm quyền vào năm 1949. Ông Tập đã nhắm tới một số tỷ phú đỏ. Một trường hợp điển hình gần đây là sự sụp đổ của Ngô Tiểu Huy, nhà sáng lập Tập đoàn Bảo hiểm Anbang và là cháu rể của Đặng Tiểu Bình. Hồi năm 2018, ông này đã bị kết án 18 năm tù và bị tước toàn bộ cổ phần trong công ty do mình thành lập.

 

Hơn nữa, những hạn chế đã được đặt ra đối với việc tạo ra của cải mới của giới quý tộc đỏ. Ví dụ, việc Ant Group của Alibaba hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào phút chót hồi năm 2020 đã ngăn cản nhiều gia đình đỏ kiếm tiền từ cổ phần của họ. Có tin đồn rằng lệnh hủy bỏ đến từ cấp cao nhất của chính quyền.

 

Mạng lưới ảnh hưởng của giới quý tộc đỏ, trải dài khắp bộ máy quan liêu, lực lượng vũ trang, và doanh nghiệp, đã bị xoay vòng suốt bảy thập niên kể từ khi ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc. Họ tiếp tục được hưởng các đặc quyền — bao gồm quyền tham gia vào các cuộc tụ họp có chủ đề chính trị — và vẫn là một nhóm gắn kết và có ảnh hưởng. Nhưng quyền lực của họ đã bị một người trong số họ làm suy yếu. Sau một thập niên quyền lực được tập trung thông qua chiến dịch “chống tham nhũng” của ông Tập, các gia tộc giờ đây không còn đủ mạnh để gây ra mối đe dọa chính trị nghiêm trọng cho ông. Thời hoàng kim của họ đã qua.

 

------------------------

Desmond Shum là tác giả của cuốn “Red Roulette: An Insider’s Story of Wealth, Power, Corruption and Vengeance in Today’s China” (2021).

 

Nguồn: “Desmond Shum on how Xi Jinping beat down China’s red aristocrats”, The Economist, 24/04/2024.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats