Saturday, 4 May 2024

CẤM TIKTOK, SINH VIÊN BIỂU TÌNH VÀ BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Cấm TikTok, sinh viên biểu tình và bầu cử tổng thống Mỹ

Hiếu Chân/Người Việt

May 3, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/cam-tiktok-sinh-vien-bieu-tinh-va-bau-cu-tong-thong-my/

 

Đúng như dự đoán, Quốc Hội Mỹ đã thông qua và Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Tư tuần trước đã ký ban hành đạo luật lưỡng đảng buộc công ty ByteDance của Trung Quốc phải thoái vốn khỏi mạng xã hội TikTok, nhượng quyền sở hữu cho một nhà đầu tư Mỹ hoặc mạng này bị cấm tại Mỹ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/05/Bieu-Tinh-Columbia-BL-1536x1024.jpg

Sinh viên Đại Học Columbia biểu tình chống Israel hôm 1 Tháng Năm tại New York City. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

 

Hành động của Washington có thể gây ra tranh tụng pháp lý và chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất xấu đến mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt giữa hai cường quốc. Nhưng liệu luật mới này có hiệu quả?

 

 

TikTok định hướng dư luận như thế nào?

 

Như chúng tôi đã thưa với bạn đọc trước đây (bài TikTok có gì mà ầm ĩ vậy?), từ chỗ không ai biết, chỉ sau vài năm mạng chia sẻ video ngắn TikTok đã lớn mạnh, thu hút hơn một tỷ người sử dụng, trong đó có 170 triệu người Mỹ trẻ và gây sóng gió cả trên chính trường lẫn trong dư luận Mỹ.

 

Là một sản phẩm công nghệ của Trung Quốc mô phỏng mạng YouTube của Google ở trình độ đơn giản hơn, từ khi xuất hiện TikTok đã gây nghi ngờ về khả năng đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) sử dụng nó để thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ, quảng bá các quan điểm có lợi cho Bắc Kinh, phát tán tin giả và tác động đến dư luận Mỹ theo hướng chống chính phủ Hoa Kỳ.

 

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kết thúc ngày 1 Tháng Năm, 2024, ghi nhận khoảng 58% số người được hỏi đồng ý với nhận định rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng TikTok để “gây ảnh hưởng dư luận Mỹ” và khoảng 13% không đồng ý, theo VOA ngày 2 Tháng Năm.

 

Điểm trừ là cuộc khảo sát chưa quan tâm đầy đủ tới ý kiến của lớp trẻ là thành phần chính trong số người sử dụng TikTok ở Mỹ. Ở lứa tuổi 18-39, gồm chủ yếu là sinh viên, viên chức, chỉ khoảng 40% số người ủng hộ lệnh cấm TikTok trong khi ở lứa tuổi trên 40, tỷ lệ ủng hộ lệnh cấm lên tới 60%. Trên báo chí, nhiều sinh viên Mỹ nói rằng, TikTok đã trở thành một phần không thể thiếu trong khuôn viên đại học (campus) và họ phẫn nộ khi hầu hết các trường đại học Mỹ cấm truy cập TikTok từ mạng wifi của trường.

 

Dẫu vậy, việc Trung Quốc sử dụng TikTok để ảnh hưởng dư luận Mỹ là có thật và rất nghiêm trọng. Ông Christopher Wray, giám đốc CIA, và các nhà lập pháp lưỡng đảng đều coi TikTok là một mối nguy cho an ninh quốc gia. Một ví dụ nổi bật là trong cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas của Palestine đang diễn ra, TikTok thường xuyên lan truyền tới thanh niên Mỹ các luận điểm bài Do Thái, ủng hộ Palestine, thậm chí ủng hộ bọn khủng bố Hamas.

 

Có bằng chứng cho thấy thuật toán (algorithm) và quy tắc vận hành của TikTok nhắm tới kiểm duyệt các nội dung ủng hộ Israel đồng thời khuếch đại quan điểm ủng hộ Palestine. Nhà nghiên cứu Anthony Goldbloom của Eurasia Group ghi nhận trên mạng X, nếu một người bỏ ra 30 phút mỗi ngày để dùng TikTok thì nguy cơ người đó nhiễm tư tưởng bài Do Thái tăng thêm 17%.

 

Nghiên cứu của nhiều trường đại học Mỹ cũng cho thấy TikTok định hình nội dung các bài đăng theo chính sách của đảng CSTQ, cấm hoặc xóa tất cả những thông tin liên quan tới vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 hoặc phản đối Nga xâm lược Ukraine hiện nay…

 

Liệu TikTok có góp phần kích động phong trào biểu tình phản đối chính phủ của sinh viên hàng chục trường đại học Mỹ suốt tuần qua hay không? Các sinh viên biểu tình đưa yêu sách ủng hộ Palestine, chống Israel, chống chính sách viện trợ Israel của chính quyền Biden và đòi các trường đại học Mỹ chấm dứt hợp tác với các công ty và trường học Israel. Biểu tình biến thành xung đột bạo lực ở đại học Columbia (New York), đại học UCLA (California)… gây phẫn nộ trong dư luận và tác động tai hại tới chiến dịch tái tranh cử của ông Joe Biden đảng Dân Chủ. Mối liên hệ giữa Trung Quốc, mạng TikTok với các vụ biểu tình hiện nay chắc chắn sẽ được các cơ quan công lực và tình báo điều tra.

 

 

Cấm TikTok, đúng nhưng chưa đủ

 

Cấm TikTok do vậy là một quyết định đúng đắn và là một trong số ít các chính sách được cả hai đảng ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực thi đạo luật này sẽ không dễ dàng một phần vì, theo thiển ý của chúng tôi, luật không đủ mạnh, không dứt khoát nên không sớm có hiệu quả như mong đợi.

 

Luật cho phép công ty ByteDance (chủ sở hữu TikTok) 270 ngày để thi hành, hoặc thoái vốn hoặc bị cấm. Thời hạn cuối cùng là ngày 19 Tháng Giêng, 2025, một ngày trước khi tổng thống Mỹ mới được bầu tuyên thệ nhậm chức. Luật còn cho phép tổng thống được kéo dài thời hạn thêm 90 ngày, tới cuối Tháng Tư, 2025. Từ nay đến ngày đó là thời kỳ tranh tụng pháp lý, đàm phán mua bán dằng dai và phức tạp, và trong một năm đó mạng TikTok vẫn được hoạt động không bị cản trở.

 

Công ty ByteDance cho biết họ sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện (TCPV) để xin hủy lệnh cấm. Theo tam quyền phân lập, TCPV không có quyền hủy một đạo luật đã được Quốc Hội thông qua nhưng có quyền đánh giá đạo luật đó có vi phạm Hiến Pháp hay không. Nếu bị TCPV tuyên bố “vi hiến” đạo luật sẽ bị ngăn chặn thi hành. Trong trường hợp TikTok, căn cứ pháp lý chính sẽ là Tu Chính Án số 1, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ.

 

Hồi Tháng Tám, 2020, Tổng Thống Donald Trump khi đó đã ký một sắc lệnh cấm sử dụng TikTok khắp nước Mỹ vì lý do an ninh quốc gia nhưng lệnh của ông Trump bị tòa án ngăn chặn với lý do vi phạm Tu Chính Án số 1.

 

Tháng Năm, 2023, Thống Đốc Greg Gianforte của Montana ký luật cấm TikTok trên toàn tiểu bang nhưng một thẩm phán liên bang đã chặn luật đó vì cho rằng nó vi phạm Tu Chính Án số 1. Theo các vị thẩm phán này chỉ Quốc Hội Mỹ mới có quyền điều chỉnh quan hệ thương mại với nước ngoài. Và bây giờ Quốc Hội đã ra tay bằng đạo luật H.R. 8038 thì chưa biết các thẩm phán của TCPV sẽ phản ứng ra sao.

 

Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, việc ByteDance viện dẫn Tu Chính Án số 1 để phản đối một đạo luật lưỡng đảng dựa trên an ninh quốc gia sẽ không thành công mà chỉ có thể “câu giờ,” chờ sang nhiệm kỳ của một tổng thống mới.

 

Tìm một nhà đầu tư Mỹ bỏ vốn mua lại quyền sở hữu của ByteDance ở mạng TikTok không phải là dễ. Theo phân tích của The Wall Street Journal, hiện TikTok có giá thay đổi trong khoảng $20 tỷ đến $100 tỷ, tùy vào việc ByteDance có nhượng bản quyền “thuật toán gây nghiện” và cơ sở dữ liệu người dùng của TikTok hay không, bán toàn bộ mạng TikTok toàn cầu hay chỉ bộ phận hoạt động ở Mỹ. Ở mức thấp nhất, $20 tỷ, vẫn không dễ tìm được người mua ngoài các tập đoàn công nghệ lớn ở Silicon Valley như Apple, Google hoặc Facebook. Các “ông lớn” công nghệ này không thiếu tiền nhưng không thể thâu tóm TikTok vì sẽ vướng vào luật chống độc quyền của Mỹ. Không có người mua có nghĩa là TikTok sẽ bị cấm hẳn. 

 

 

Cơ may nào cho Trung Quốc?

 

Còn có vấn đề đảng CSTQ có cho phép ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hay không. Cho đến nay, lập trường chính thức của Bắc Kinh là cấm bán TikTok cho nhà đầu tư Mỹ, nhưng những người thạo tin cho biết đang có một cuộc tranh luận bí mật trong nội bộ đảng CSTQ về vấn đề này mà chưa ngã ngũ vì phải chờ quyết định cuối cùng của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình.

 

Trung Quốc thường phản đối rất gay gắt những chính sách của Mỹ nhắm vào các công ty của họ, nhưng lần này phản ứng của Bắc Kinh khá dè dặt. Họ không còn giở thủ đoạn ăn miếng trả miếng vì các mạng xã hội lớn của Mỹ như YouTube, Facebook, X,… đã bị Bắc Kinh cấm tiệt nhiều năm trước; bây giờ họ chỉ có thể làm khó các mạng nhỏ lẻ như Whatsapp, Thread, Signal không có nhiều người sử dụng và không có ảnh hưởng đáng kể.

 

Nếu Trung Quốc ra đòn trả đũa vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Tesla, Microsoft hoặc Apple thì có nguy cơ gây lo sợ cho các nhà đầu tư quốc tế vào lúc Bắc Kinh đang ra sức mời gọi vốn liếng và công nghệ để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu.

 

Cơ may của Trung Quốc nằm ở chỗ ông Biden có thể thất bại và ông Trump có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ cuối năm nay.

 

Hồi đầu Tháng Ba, 2024, từ một người chống TikTok, ông Trump đã quay ngoắt 180 độ khi lên tiếng phản đối dự luật cấm TikTok lúc đó đang được thảo luận tại Hạ Viện. Ông Trump cho rằng cấm TikTok là tạo điều kiện thuận lợi cho Facebook, mạng xã hội mà ông căm ghét, đồng thời ông thay đổi quan điểm sau khi gặp tỷ phú Jeff Yass, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng Hòa, cũng là cổ đông sở hữu 15% cổ phần của công ty ByteDance. Nếu đắc cử cuối năm nay, ông Trump sẽ “nương tay” với TikTok, trì hoãn việc thực thi đạo luật mà ông Biden mới ký, hay ông sẽ dùng nó làm con bài tẩy để buộc ông Tập Cận Bình phải nhượng bộ ở một số lĩnh vực khác trong quan hệ giữa hai nước? Đây là chuyện chưa biết trước được.

 

Có điều, như nghiên cứu của một số trường đại học cho thấy, TikTok là “quả bom hẹn giờ” (Tik-Tok-ing Timebomb); rủi ro mà nó gây ra cho an ninh quốc gia của Mỹ là một thực tế mà vụ biểu tình chống Israel  bùng ra ở các trường đại học hiện nay là hiện tượng không thể bỏ qua. Đối phó với một nguy cơ nhãn tiền như vậy, người Mỹ cần phải có một quyết định dứt khoát và mạnh mẽ, cấm là cấm, không “on-đơ” gì cả. Không thể chiều theo sở thích của một đám đông người trẻ mà tỏ ra lưỡng lự trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, một đối thủ mà theo khảo sát của Pew Research Center “có 42% người Mỹ cho rằng Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ, mức cao nhất kể từ năm 2021. [kn]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats