NỘI DUNG :
Jens
Stoltenberg : "NATO phải chuẩn bị đối đầu lâu dài với Nga"
Minh Anh - RFI
.
Giúp
Ukraina chống xâm lược Nga: Phương Tây ‘‘bị cô lập’’
Trọng Thành - RFI
.
Pháp
trước nhu cầu "khẩn cấp" tái lập các kho đạn dược
Thanh Hà - RFI
.
=================================================
.
Jens
Stoltenberg : "NATO phải chuẩn bị đối đầu lâu dài với Nga"
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 17/02/2023 - 10:25
Còn một tuần nữa là đúng một năm ngày Nga phát động « chiến
dịch quân sự đặc biệt » xâm lược Ukraina, hôm qua, 16/02/2023,
Jens Stoltenberg, tổng thư ký Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương - NATO, cho rằng
khối này « phải sẵn sàng cho một cuộc đọ sức dài hơi với Nga ».
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg trong cuộc họp
báo nhân cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng NATO, Bruxelles, Bỉ, ngày
15/02/2023. REUTERS - JOHANNA GERON
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng
cho AFP, lãnh đạo khối liên minh quân sự lớn nhất hành tinh còn khẳng định thêm
rằng việc Nga khởi động cuộc chiến vào ngày 24/02/2022 « không là một
ngạc nhiên cho NATO », bởi vì « điều đó đã được biết trước ».
Ông lấy làm tiếc là nhiều lãnh đạo quốc gia đã
phớt lờ cảnh báo của NATO và luôn giữ hy vọng tới cùng rằng Matxcơva sẽ không
phiêu lưu lao vào một cuộc tấn công toàn diện.
Cũng theo ông Jens Stoltenberg, châu Âu sẽ khó
có được hòa bình, khi mà « tổng thống Putin muốn một châu Âu khác, một
châu Âu mà ở đó ông ấy có thể kiểm soát các nước láng giềng, ông ấy có thể quyết
định những gì các nước đó có thể làm ». Do vậy, « NATO phải sẵn
sàng cho dài hạn. Cuộc đối đầu này có thể sẽ kéo dài trong rất nhiều năm. »
Cũng theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Israel Eli
Cohen, hôm qua, đã đến Kiev. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi chiến tranh Ukraina
nổ ra, một bộ trưởng Nhà nước Do Thái có chuyến thăm Ukraina. Ngoại trưởng
Israel bày tỏ tình liên đới và ủng hộ « quyền chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ Ukraina ».
Ngoài ra, ông Eli Cohen
thông báo chính thức mở lại đại sứ quán Israel tại Kiev, một cử chỉ ngoại giao
mạnh mẽ, trong khi cho đến
lúc này, Israel luôn cẩn trọng thể hiện lập trường trung lập trong cuộc xung đột
này.
Trong nỗ lực kềm hãm cỗ máy chiến tranh của
Nga, Hoa Kỳ và các đồng minh chuẩn bị thông qua một gói trừng phạt mới nhắm vào
Matxcơva nhân đúng một năm Nga xâm lược Ukraina, 24/02/2022, theo như lời một
quan chức cao cấp Mỹ.
============================================
.
.
Giúp
Ukraina chống xâm lược Nga: Phương Tây ‘‘bị cô lập’’
Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 17/02/2023 - 16:15
Cuộc đọ sức giữa chính phủ và nghiệp đoàn về dự án
cải tổ hưu trí chuẩn bị bước sang hồi quyết liệt là chủ đề chính của nhiều báo
Pháp hôm nay, trước kỳ nghỉ cuối tháng 2. Nhật báo Liberation gọi ngày biểu
tình toàn quốc thứ 5 hôm qua 16/02/2023, và cuộc thảo luận cuối cùng về dự luật
hưu trí tại Hạ Viện, hôm nay 17/02, là ‘‘hồi còi nghỉ giữa hai hiệp đấu’’.
https://s.rfi.fr/media/display/7a858466-a887-11ed-84d8-005056a90321/w:980/p:16x9/000_338U94P.webp
Tổng thống Ukraiana Volodymyr Zelensky (T) và đồng nhiệm Pháp Emmanuel
Macron tại sân bay Vélizy-Villacoublay, trước khi đi Bruxelles, ngày
09/02/2023. AFP - MOHAMMED BADRA
Cuộc kháng chiến Ukraina chống xâm lược Nga là
một chủ đề thời sự chính khác. Vận động thêm hậu thuẫn quốc tế cho Ukraina sẽ
là chủ đề trọng tâm của Hội nghị An ninh quốc tế Munich, Đức, khai mạc hôm nay,
và kéo dài đến ngày 19/02. Tuy nhiên tình hình không khả quan. Nhật báo Công
Giáo La Croix chạy tựa trang nhất như một lời báo động có vẻ bi quan ‘‘Chiến
tranh Ukraina: Các nước phương Tây bị cô lập’’.
Phương Tây phải thuyết phục được dân trong nước
Tuy nhiên, báo động không phải để gây sợ hãi,
mà để đối mặt với thực tại. Điều mà La Croix lo ngại là từ vài tuần nay, trong
nội bộ châu Âu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy sự ‘‘mệt mỏi’’ của các đồng minh
phương Tây của Ukraina. Nhiều nước châu Âu tỏ ra chần chừ trong việc đáp ứng
nhu cầu về vũ khí của Ukraina. Công luận trong nước ủng hộ cuộc kháng chiến của
Ukraina tại Mỹ và châu Âu sụt giảm. Hiện tại chỉ còn 48% người Mỹ ủng hộ
cung cấp vũ khí cho Ukraina so với 60% hồi tháng 5/2022. Tỉ lệ ủng hộ tài chính
cũng sụt giảm. Đây là điều đáng sợ bởi cuộc chiến chống xâm lăng Nga là
lâu dài, hậu thuẫn cũng cần dài hơn.
Báo động thực trạng để huyến khích hành động
kiên quyết hơn. Xã luận La Croix nhan đề ‘‘Thuyết phục’’ nhấn mạnh đến thách thức
đầu tiên với các nước phương Tây là thuyết phục được chính công luận nước mình.
Theo La Croix, ‘‘các lãnh đạo châu Âu đã bị đẩy vào chân tường. Họ biết rằng
trong cục diện địa chính trị toàn cầu hiện nay, không có thế lực nào khác hơn
có thể hỗ trợ Kiev ngoài họ. Họ hiểu rằng Vladimir Putin hiểu điều này… và đang
rất hài lòng. Nhưng họ cũng hiểu rõ rằng – đối với tương lai của châu lục – ‘nước
Nga không thể và không được phép chiến thắng’, như điều mà tổng thống Pháp đã
nói trực tiếp với tổng thống Ukraina’’.
Các lãnh đạo các nước châu Âu cần noi gương
kiên quyết của tổng thống Ukraina. ‘‘Chúng tôi chiến đấu không chỉ để bảo vệ
lãnh thổ riêng của chúng tôi, mà chúng tôi còn bảo vệ ngôi nhà chung châu Âu’’
là tuyên bố dứt khoát của ông Zelensky.
Hố sâu ngăn cách giữa ‘‘phương Tây và phần còn lại
của thế giới’’
Hội nghị về An ninh quốc tế Munich diễn ra
ngay trước một giai đoạn mới của cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraina. Cũng
trong số báo hôm nay, hồ sơ chính của La Croix muốn làm rõ hơn việc phương Tây
bị cô lập như thế nào trong nỗ lực hậu thuẫn Ukraina. La Croix nhận xét: ‘‘Sự ủng
hộ của Trung Quốc đối với Nga và thái độ oán thán bất hợp tác (với phương Tây)
của nhiều nước đang phát triển báo hiệu sự cáo chung của một trật tự thế giới
dưới sự thống trị của các cường quốc phương Tây’’.
Vấn đề không chỉ liên quan đến Ukraina mà là
thế lực của phương Tây trên phạm vi toàn cầu. Cách nay 16 năm, cũng tại Hội nghị
Munich, tổng thống Nga Putin đã có một bài diễn văn 20 phút khiến cử tọa lạnh
gáy, thách thức trực tiếp trật tự thế giới hậu chiến tranh Lạnh, do Hoa Kỳ thống
trị, với sự bành trướng của khối NATO về phía đông. Vào thời điểm đó, ‘‘thái độ
hung hãn’’ của ông Putin gây sốc, nhưng không khiến các nước phương Tây quan
tâm thực sự. 16 năm sau, sự trở lại của
chiến tranh cường độ cao ngay tại châu Âu đã ‘‘phá tan ảo ảnh về một châu Âu thịnh
vượng dựa trên khí đốt giá rẻ của Nga, buôn bán với Trung Quốc, và dựa vào Mỹ để
được bảo đảm an ninh’’.
Ảo tưởng tan vỡ, phương Tây cần đến một cách ứng
xử thực tế hơn nhiều.La Croix chú ý đến bản báo cáo của ban tổ chức, công bố
hôm trước ngày khai mạc hội nghị. Ngôn từ đã thay đổi. Giờ đây không còn là sự
đối đầu giữa khối ‘‘các quốc gia dân chủ’’ và ‘‘các nước độc tài’’, các diễn đạt
mang đậm dấu ấn của trật tự quốc tế do phương Tây thống trị, dựa trên các tiêu
chuẩn thuần túy phương Tây. Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga phơi bày ra trước
toàn thể thế giới sự thật trần trụi: đó là một khoảng cách lớn giữa ‘‘phương
Tây và phần còn lại của thế giới’’.
Theo cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Jean-Marie Guehenno, đông đảo các nước phía Nam vẫn gắn bó với Hiến chương Liên
Hiệp Quốc và một trật tự pháp lý quốc tế, nhưng ‘‘hoài nghi khả năng của các nước
phương Tây trong việc bảo vệ các quy tắc’’. Họ không quên là chính nước Mỹ và đồng
minh đã từng nhiều lần chà đạp lên các quy tắc, cụ thể là tại Irak. Việc có các
đối trọng với quyền lực của nước Mỹ không làm nhiều nước bất bình, mà ngược lại.
Cuộc chiến Ukraina thúc đẩy một thế giới dựa trên
luật pháp?
Hội nghị An ninh Munich với sự tham dự của hơn
450 nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và phi chính
phủ, giới chuyên gia, doanh nghiệp, truyền thông, và xã hội dân sự, là một cơ hội
cho việc thuyết phục. Phương Tây cần mở rộng liên minh để việc hậu thuẫn
Ukraina thu hút được thêm các nước tham gia.
La Croix cảnh báo, thế giới đang thay đổi mạnh
mẽ, và sẽ không còn gì như trước. Theo quan điểm của cựu phó tổng thư ký Liên Hiệp
Quốc Jean-Marie Guehenno, ‘‘tính trung tâm chiến lược của châu Âu đối với thế
giới đang sắp chấm dứt’’.
Cuộc chiến tranh tại Ukraina với việc Nga
ngang nhiên chà đạp Hiến chương Liên Hiệp Quốc buộc cộng đồng quốc tế đặt ra những
câu hỏi triệt để: Liệu cuộc chiến tranh này là chỉ dấu cho thấy thế giới đang
bước vào giai đoạn mà quan hệ quốc tế giờ đây ‘‘chỉ thuần túy dựa trên tương
quan sức mạnh ?’’ Hay ngược lại, đây là một xúc tác cho phép hướng đến các
nỗ lực mới nhằm xây dựng một thế giới dựa trên luật pháp ?’’. Vấn đề hiện
tại đang hoàn toàn để ngỏ.
Vương Nghị đến châu Âu nhưng không ghé Bruxelles
Nga không được mời đến hội nghị Munich, nhưng
hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Les Echos
có bài ‘‘Bắc Kinh muốn làm ấm quan hệ với châu Âu’’. Gọi là muốn làm ấm quan hệ
với châu Âu nhưng lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc không đến Bruxelles. Nhật báo
kinh tế Pháp nhấn mạnh đến dấu hiệu nói trên, cho thấy ‘‘hố sâu ngăn cách’’ giữa
Trung Quốc và khối 27 nước. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc
không tới ‘‘thủ đô châu Âu’’ trong một chuyến công du châu Âu kể từ năm 2020.
Ngoài Nga, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đến Pháp, Ý, Hungari và Đức, quốc gia
chủ nhà hội nghị Munich.
Pháp là chặng đầu tiên của vòng công du châu
Âu của Vương Nghị. Kết quả hợp tác chỉ dừng ở một số tuyên bố chung chung của
lãnh đạo ngoại giao hai bên. Trong lúc Paris hy vọng Bắc Kinh gây áp lực với
Nga trở lại bàn đàm phán, lập trường chính thức của Trung Quốc vẫn là duy trì
chính sách nước đôi, không tỏ ra quá hậu thuẫn Nga, và cũng không công khai vi
phạm các trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga.
Châu Phi, địa bàn cạnh tranh mới giữa Ukraina và
Nga
Về phía khối nước ủng hộ Nga, La Croix, có bài
về Nam Phi chuẩn bị tập trận với Nga và Trung Quốc. Ngược lại, nhật báo Công
Giáo cũng cho biết Israel bắt đầu thay đổi quan điểm với Nga, nhích thêm một bước
sang hướng ủng hộ Ukraina. Trong khi đó, Liberation có bài về châu Phi đang trở
thành địa bàn cạnh tranh giữa Nga và Ukraina. Cấp lương thực miễn phí cho châu
Phi là phương tiện mà chính quyền Kiev sử dụng để chinh phục công luận nhiều nước
châu Phi, cho đến nay vẫn còn lưỡng lự trong việc lên án cuộc xâm lăng Nga.
Nga: Chuẩn bị giai đoạn hậu Putin
Về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, les Echos có
bài phỏng vấn đáng chú ý với hai chuyên gia về Đông Âu, cho biết ‘‘tại Nga việc
xem xét chuẩn bị giai đoạn hậu Putin đang bắt đầu’’.Theo nhà chính trị học Anna
Colin Lebedev, chuyên về Nga và Ukraina, việc trỗi dậy của một thế hệ chính trị
gia mới là điều rất khó khăn do chính quyền Putin kiểm soát chặt chẽ mọi hình
thức đối lập. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh kéo dài và đầy bất trắc tại Ukraina
khiến giới tinh hoa Nga bị phân hóa, với nhiều tính toán khác nhau.
Theo chuyên gia Anna Colin Lebedev, giới tinh
hoa Nga ‘‘đang cân nhắc giữa các cái giá được mất của việc tiếp tục chiến
tranh, từ vị trí của mỗi người.’’ Không kể các tập đoàn của giới tài phiệt hoàn
toàn nằm trong tay của Putin, giới lãnh đạo cấp bộ, thống đốc tỉnh, lãnh đạo
các thành phố, ban ngành đều đang phải cân nhắc lại viễn cảnh hành động tương
lai, do việc quân đội Nga ‘‘bị sa lầy trên chiến trường’’.
Việc nước Nga có nguy cơ rơi vào tình trạng bất
ổn định kéo dài, chấm dứt những thập niên thịnh vượng vừa qua là nguyên nhân chủ
yếu khiến một bộ phận giới tinh hoa muốn chuẩn bị cho thời hậu Putin. Ngược lại,
phe ủng hộ Putin cũng còn mạnh, theo chuyên gia Anna Colin Lebedev. Đó là các
thành phần ‘‘được hưởng lợi nhờ chiến tranh’’, có liên hệ mật thiết với giới
quân sự, và những người được đề đạt vào các vị trí lãnh đạo tại các vùng đất mới
chiếm đóng. Chuyên gia Anna Colin Lebedev lưu ý là, bất chấp các nguồn lực to lớn
về tài chính, tích lũy từ nhiều thập niên nhờ thu nhập dầu khí, thế cân bằng lực
lượng giữa hai nhóm, nhóm thua thiệt do chiến tranh và nhóm hưởng lợi nhờ chiến
tranh hiện ‘‘đang thay đổi mạnh’’.
Đối lập Miến Điện bám vào rừng, giới dân chủ Iran cần
thêm hậu thuẫn
Về thời sự châu Á, Liberation có bài nói đến
cuộc kháng chiến chống tập đoàn quân sự Miến Điện đang ngày một bám chắc vào
các vùng rừng núi. Le Monde chú ý đến nguy cơ phong trào phản kháng tại Iran sẽ
hụt hơi, nếu không có sự hậu thuẫn thực sự, qua góc nhìn của nhà xã hội Farhad
Khorokhavar, giám đốc nghiên cứu danh dự của Trường Cao đẳng về các Khoa học xã
hội (EHESS).
Chống cải cách hưu trí: Thời gian nghỉ giữa 2 hiệp
Trở lại nước Pháp, phong trào phản kháng chống
dự luật cải cách hưu trí là hồ sơ trang nhất Liberation. Nhật báo thiên tả chạy
tựa: Hưu trí : ‘‘Cần thét lên mạnh mẽ hơn’’. Hàng tít như một khẩu hiệu
tranh đấu, trên nền hình ảnh đoạn giữa của một đoàn biểu tình, đang chuyển động
hướng về phía trước.
Phong trào phản kháng chống dự luật hưu trí của
chính phủ mới đang ở chặng giữa. Ngày hành động toàn quốc thứ 5 hôm qua quả là
ít người tham gia hơn, nhưng theo nhật báo thiên tả, nhưng viễn cảnh về các biện
pháp mạnh như ‘‘bãi công kéo dài và ngăn chặn, gây tắc nghẽn dự kiến bắt đầu từ
ngày 07/03 đã ở trong đầu tất cả mọi người’’. Ngày biểu tình toàn quốc thứ 5
hôm qua 16/02 và cuộc thảo luận cuối cùng về dự luật hưu trí tại Hạ Viện, hôm
nay 17/02, được Liberation coi là ‘‘hồi còi báo nghỉ giữa hai hiệp đấu’’.
Sơ kết: Chính phủ vụng về, cực tả hung hăng, cực hữu
âm thầm
‘‘Nghỉ giữa hiệp’’ là tựa đề bài xã luận
Liberation. Theo Liberation thời gian ngơi nghỉ ngắn này là dịp để rút ra vài
nhận xét về tương quan lực lượng. Về phía chính phủ, Liberation cho rằng chính
phủ đã coi thường trận chiến về công luận nên đã bị mất điểm trong thời gian,
nhiều yếu tố chủ chốt trong dự án cải cách để thể hiện rõ sự thiếu chuẩn bị,
thiếu chuyên nghiệp, ví dụ như chủ đề xem xét lại lương hưu của những người thu
nhập thấp. Trong tình trạng hiện nay, khó có thể khẳng định dự luật cải cách
này là một văn bản quan trọng của nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron.
Ngược lại các đảng phái đối lập cánh tả cũng
không giành được lợi thế. Lỗi chính là do ‘’chiến thuật đánh du kích’’, của
lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất, với việc đưa ra quá nhiều đề nghị sửa đổi để
cản chân liên đảng cầm quyền, đã khiến không có thời gian dành cho vấn đề trọng
tâm. Nhiều nghị sĩ cánh tả cũng bị chỉ trích là đã có thái độ hung hăng trong
thảo luận tại nghị trường, khiến nghị trường bị nhiều người ví với ‘‘không khí
hỗn loạn trong sân chơi trường mẫu giáo’’, tương phản hoàn toàn với không khí
trật tự, nghiêm túc của các cuộc tuần hành trên đường phố.
‘‘Hiệp hai’’: Vai trò quyết định của các nghiệp
đoàn
Đảng cánh hữu LR cũng không giành được lợi thế
trong cuộc đọ sức thời gian qua. Đáng chú ý là đảng cánh hữu Tập Hợp Dân Tộc
(RN) tỏ ra im lặng, nhưng có thể sẽ là bên ngồi yên hưởng lợi, trong cuộc khủng
hoảng, khi tất cả các đảng phái chính trị khác đều đã sứt đầu mẻ trán trong các
cuộc đọ sức.
Nhật báo thiên tả có bài nhấn mạnh đến sức mạnh
của đường phố. Vai trò của các nghiệp đoàn sẽ có ý nghĩa quyết định trong hiệp
hai của trận đấu, hứa hẹn sẽ đầy thách thức.
13 hiệp hội y tế Pháp chống luật trợ tử
Nhật báo thiên hữu Le Figaro số ra hôm nay
không quan tâm nhiều đến cuộc cải cách hưu trí đang gây đối đầu dữ dội. Le
Figaro dành trang nhất cho chủ đề giới bác sĩ phản đối việc chính quyền mở đường
cho việc thông luật về trợ tử. Văn bản phản đối được ký kết bởi 13 hiệp hội
ngành y, đại diện cho 800.000 nhân viên y tế. Lý do chủ yếu được đưa ra là việc
phản đối tham gia hành động trợ tử là ngược lại với tôn chỉ cứu người của ngành
y.
=============================================
.
.
Pháp trước nhu cầu "khẩn cấp" tái lập các
kho đạn dược
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 17/02/2023 - 14:13
Thêm một báo động đáng lo ngại về khả năng phòng thủ
của Pháp. Paris « bắt buộc phải khẩn cấp » tái lập,
bổ sung các kho đạn dược, và « hoạch định một chiến lược mới » từ
các khâu sản xuất đến tích trữ các thiết bị quân sự trong bối cảnh xung đột
Ukraina và tình hình thế giới hiện nay. Trên đây là kết luận từ hai bản báo cáo
của Hạ Viện Pháp công bố hôm 15/02/2023.
Ảnh minh họa : Quân nhân Anh chuẩn bị đạn pháo tự hành AS-90 trong đợt Huấn
luyện mùa đông của NATO kéo dài 2 tuần, có Pháp, Estonia, Đan Mạch và Anh tham
gia, gần Tapa, Estonia, ngày 07/02/2023. AP - Sergei Grits
Vào lúc công luận tập trung vào những tranh
cãi không hồi kết của dự luật cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp, Ủy ban Quốc
Phòng của Hạ Viện cách nay hai ngày công bố hai bản báo cáo đáng lo ngại về khả
năng phòng thủ quốc gia. Báo cáo thứ nhất liên quan đến « tình trạng
các kho đạn dược » còn văn bản thứ nhì tập trung vào « các
phương tiện phòng thủ địa đối không » của Pháp. Cả hai đang trong
tình trạng « báo động » sau 3 thập niên « thiếu
đầu tư » nghiêm trọng.
Về kho đạn dược, tác giả bản báo cáo là các
dân biểu Vincent Bru và Julien Rancoule lưu ý : Sau khi bức tường Berlin sụp
đổ, Pháp cũng như rất nhiều các nước phương Tây khác đã yên tâm thấy viễn cảnh
chiến tranh bị đẩy lùi vào bóng tối. Trang bị và dự trữ đạn dược đã trở thành một « biến
số » và ngân sách được điều chỉnh tùy theo hoàn cảnh. Số lượng đạn
dược hiện có đương nhiên là một « bí mật quốc gia »,
nhưng theo báo cáo của Hạ Viện, thì quá ít để Pháp có thể đảm nhiệm vai trò một
cường quốc quân sự.
Tương tự, các khả năng phòng thủ « địa
đối không » cũng bị mai một. Những căng thẳng địa chính trị trên
thế giới và nhất là chiến tranh Ukraina buộc nước Pháp phải suy tính lại. Thực
ra Pháp có trong tay nhiều công cụ mà các báo cáo viên đánh giá là khá « đầy
đủ và đa dạng ». Quân đội Pháp có từ tên lửa tầm ngắn đến tầm trung và
tầm xa, nhưng với một « khối lượng quá ít để cầm cự một cách
lâu dài trong trường hợp xảy ra xung đột ở cường độ cao ».
Mặt khác, Pháp tương đối bị chậm trễ trong
lĩnh vực sản xuất drone, mà hiệu quả của loại vũ khí này đã được chứng minh qua
các cuộc xung đột từ ở Ukraina đến vùng Thượng Karabakh.
Thêm một khó khăn khác
liên quan đến thời gian cần thiết để bổ sung đầy đủ các kho đạn dược và tên lửa
cho nước Pháp. Hiện nay, mỗi ngày Ukraina cần từ 5 đến 6 ngàn quả đạn đại bác để
chống chọi với 20 ngàn từ phía Nga bắn sang. Pháp là một trong số các nước
phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraina, nhưng cần từ 10 đến 20 tháng, tùy theo
khối lượng, để sản xuất đạn đại bác cỡ 155 ly. Các tập đoàn sản xuất vũ khí
Pháp cũng cần khoảng 24 tháng để chế tạo tên lửa tầm trung ; cần từ 4 đến
5 năm để chế tạo tên lửa chống hạm Exocet… Điều đó cho thấy khâu sản xuất đòi hỏi
nhiều thời gian và thời gian cần thiết này, theo các tác giả bản báo cáo của Hạ
Viện Pháp, « sẽ rất dài » trong trường hợp nổ ra chiến
tranh.
Trên phương diện « chiến lược »,
các báo cáo chỉ ra rằng Pháp cần nhanh chóng « tăng cường nền
tảng công nghiệp và kỹ thuật » trong lĩnh vực sản xuất vũ khí đạn
được. Thứ nhất, khâu sản xuất đòi hỏi nhiều thời gian, và các tập đoàn của Pháp
cần « được bảo đảm có được đơn đặt hàng một cách lâu dài ».
Bằng chứng cụ thể là từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, ngày 24/02/2022 cho tới
nay, các nhà máy sản xuất vũ khí của Pháp vẫn chưa hoạt động « hết
công suất ».
Thứ hai là cần đưa các cơ sở sản xuất về lại
lãnh thổ Pháp. Có như vậy mới mong bảo đảm « tính tự chủ ».
Các tác giả nêu ra hai thí dụ : Các nhà sản xuất Pháp đang phải nhập khẩu
thuốc súng của Đức và lệ thuộc vào chíp điện tử chủ yếu là của Đài Loan. Trong
trường hợp hàng không về kịp, chuỗi sản xuất của Pháp lại bị chậm trễ thêm. Do
vậy, Pháp cũng cần hạn chế tối đa mức độ lệ thuộc vào một số nguyên vật liệu
mang tính chiến lược, bao gồm từ kim loại hiếm đến linh kiện bán dẫn, chíp điện
tử…
Hai báo cáo của Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện Pháp
so sánh tình trạng thiếu hụt đạn dược hiện nay với khủng hoảng khẩu trang hồi
mùa xuân 2020 để đối phó với dịch Covid vừa qua. Cảnh nước Pháp trông đợi từng
chuyến bay chở khẩu trang nhập từ Trung Quốc cách nay ba năm cho thấy « giới
hạn của những tính toán thuần túy về mặt tài chính » với lập luận
đơn giản rằng « tích lũy » đạn dược hay những sản phẩm
mang tính chiến lược là việc làm « không cần thiết ».
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Phương
Tây trước áp lực đáp ứng nhu cầu vũ khí đạn dược cho Ukraina
CHIẾN
TRANH UKRAINA - VIỆN TRỢ
Anh
Quốc thông báo viện trợ thêm đạn dược cho Ukraina
Pháp
: Tổng thống Macron giới thiệu dự luật chương trình quân sự 2024-2030
No comments:
Post a Comment