Saturday 25 February 2023

24-02-2023, ĐÚNG MỘT NĂM TỪ NGÀY PUTIN ĐEM QUÂN TRÀN SANG XÂM LƯỢC UKRAINA (Phan Châu Thành)

 



24-02-2023, đúng 1 năm từ ngày Putin đem quân tràn sang xâm lược Ukraina  

Phan Châu Thành

24-02-2023  19:54   

https://www.facebook.com/chau.t.phan/posts/pfbid0zhdeB6di6C3ge3ZKNsvpgQZrSb9GehGtJH6TE6xzqWij41N58s61DQyejrd6rJS9l

 

5h sáng ngày này năm trước, Putin hạ lệnh cho một đám lính ô hợp, hung hãn tràn sang Ukraina, bắt đầu một cuộc chiến đẫm máu, tới nay đã cướp đi mạng sống của cả trăm ngàn người ở cả hai bên, cũng như thay đổi cuộc sống của hàng triệu người khác ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả mình.

 

Buổi sáng hôm đó đi làm, khi có cậu bạn Ukraina quen nói là phải xin nghỉ, để lái xe lên biên giới đón người thân di tản sang, cá nhân mình còn chưa hình dung nổi vấn đề gì đã xảy ra, cho tới buổi chiều, khi cậu ý trở về, phờ phạc, đề nghị bọn mình hỗ trợ: "bởi trên biên giới có hàng chục ngàn người, toàn đàn bà trẻ con đang xếp hàng chờ dưới giá lạnh. Họ phải xếp hàng 7-8h dưới thời tiết âm -8 độ, tội lắm. Tôi sẽ quay lại biên giới đem chè, cà phê cho họ. Hãy giúp tôi". Thế là chuyến xe đầu tiên lên đường, mang theo những thứ cơ bản nhất.

 

Những hình ảnh gửi về từ đêm đó khiến mình giật mình: hàng đoàn người, toàn phụ nữ, người già, trẻ em... bồng bế kéo nhau đi chạy loạn trong đêm tối, mà Zosin là một cửa khẩu nhỏ, làng mạc, trạm xăng gần nhất ở cách đó khá xa. Ngay lập tức, mình đưa sự việc lên trang Uwaga của cộng đồng người Việt đề nghị giúp đỡ và như thường lệ, được sự quan tâm của nhiều người. Thế là rủ nhau đi mua lều trại, gom đồ... đưa lên.

 

"Lều của chúng ta" ra đời từ đó, bắt đầu với nồi cháo to đùng của chị Thủy Lễ (Hoangtuden Le) và bạn bè - nhóm tình nguyện viên đầu tiên của người Việt kéo nhau lên chi viện cho các bạn Ukraina. Thời tiết khắc nghiệt tới mức, lúc đầu, mọi người định phân công mỗi nhóm ở trên đó 2 ngày, rồi nhóm khác lên thay, nhưng bởi quá lạnh, chỉ gần 1 ngày là phải rút về để bảo đảm sức khỏe. Vậy mà người di tản phải xếp hàng dài tới 16km ở phía bên kia.

 

Thế là hạ xuống mỗi nhóm tình nguyện mỗi ngày, lập lịch, phân công công việc. Hàng vạn chiếc bánh mỳ kẹp đã được làm để mang lên đó phát cho tiện, không thể không nói tới công của Bao Anh Nguyen cùng rất nhiều bạn khác, tự rủ nhau làm rồi mang qua. Không có sự hỗ trợ quý báu đó, thật không biết phải xoay xở thế nào.

 

Căn lều trở thành nơi người tỵ nạn, nhất là trẻ em, có thể nghỉ sau khi phải xếp hàng nhiều giờ, uống một cốc trà hay cà phê nóng, ăn một cái gì đó, tự lấy những gì mình thiếu... để rồi tiếp tục cuộc hành trình, nhưng là "một miếng khi đói..." vào thời điểm đó. Phải trải qua mới thấy họ khổ thế nào.

 

Người tỵ nạn đổ sang ngày càng nhiều, đứng đầy biên giới, không biết đi đâu, về đâu, trong đó có cả nhiều người Việt. Thấy vậy, nhiều người Ba Lan tình nguyện mang xe riêng, chạy lên biên giới, chờ đón những người hoàn toàn không quen biết, rồi cho họ "đi nhờ" tới nơi nào họ muốn hoặc cho ở nhờ. Trong số đó cũng lại có nhiều người Việt.

 

Thời kỳ này cực kỳ vất vả cho người đi đón, mà cũng cực kỳ là cảm động. Có những bạn sáng đi làm, chiều về ăn qua loa, rồi xách xe phóng thẳng lên biên giới cách nhà 300km, chờ điện thoại tới quá nửa đêm để đón người, chở họ về Warszawa, lo cho họ vào nơi tạm trú, rồi quay lại đi làm. Hầu như không ngủ. Mà liên tục. Có những tin nhắn: "Anh, em mới cãi nhau với vợ, vợ em không cho em đi, đập vỡ cả bồn rửa mặt !" - "Thế thôi, ở nhà đi !" - "Dạ không, em phải đi chứ, cãi nhau làm lành sau, nhưng người ta chờ, tội họ !"

 

Điện thoại của bọn mình cũng "cháy", kêu suốt ngày đêm, đủ các thứ chuyện, nên hầu như cũng thức cùng các bạn - mà trong suốt cả tháng liền - nên đi đâu cũng như gật gù.

 

Người Việt đổ sang ngày càng nhiều, lớ nga lớ ngớ ở biên giới, đi lạc tùm lum, rồi mất liên lạc, rồi lo, tìm... các kiểu. Hue Chi Ha Thi nảy ra ý kiến là nên tổ chức các điểm đón tiếp, lo toan cho họ ở các cửa khẩu ngay tại biên giới. Thế là cùng với chú Nam Do, một loạt các bạn trẻ, biết tiếng Ba Lan, được vận động để lên đường. Các bạn ý bỏ công sức, thời gian bám trụ phục vụ mọi người - quỹ mình đóng góp kinh phí - phối hợp với đội "Taxi không đồng" đi đón - nhờ đó hàng trăm người nhờ được đón tiếp, chuyển giao nhịp nhàng - mãi đến khi tình hình ổn định và chính phủ Ba Lan thiết lập xong các hệ thống tiếp nhận người tỵ nạn, khi đó mới "được về".

 

Người Việt tự lập ra các trung tâm tiếp nhận để đón người Việt trong 2 ngôi chùa Nhân Hòa và Thiên Phúc, rồi ở các công ty lớn có chỗ Pitaya, Asian Foods... hay tản về các nhà người Việt khác đồng ý cho ở tạm, có lúc số lượng lên tới cả mấy trăm người/ngày. Ơn trời, dù rất đông nhưng không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng.

 

Rồi đáp ứng nguyện vọng của nhiều người muốn sang Đức hay đi các nước phương Tây, song song với nhiều tổ chức hội đoàn khác, bọn mình lại lo xe họ lên đường. Đang giữa lúc "cháy xe bus", thuê không nổi thì Trời gửi xuống cho bạn My Tran cùng cả cty Eat Happy. Không có các bạn, trong giai đoạn đó, mình cũng không biết xoay xở kiểu gì - 5 chuyến xe, gần 300 con người được đưa tới nơi cần đến.

 

Người tỵ nạn vừa đi vãn thì các bạn tình nguyện người Ukraina tới đề nghị hỗ trợ cho họ lương thực, thực phẩm... bởi cái gì cũng thiếu. "Ở Lviv, trẻ con mồ côi cũng đổ về các trại mồ côi, cần gấp". May quá, đúng ngành dọc, nên cũng lo được. Một hệ thống tình nguyện viên lái xe chở hàng lên biên giới, sang xe cho người Ukraina được thiết lập, để họ mang tới các vùng cần. Tất cả đều xúm tay vào làm, không chỉ người Việt, người Ba Lan, người Ukraina mà còn cả cảnh sát, biên phòng, cứu hỏa, thuế vụ... đều giúp đỡ, xe hỗ trợ nhân đạo vượt biên tùm lum chẳng cần giấy phép, thậm chí có cả cảnh sát dẹp đường. Thời gian này, cty "Lee & Partner" là bị mình "hành" nhiều nhất, khi phải liên tục hỗ trợ cho mình các chuyến xe miễn phí lên biên giới - mà không than thở câu nào.

 

Có những lúc, công việc nhiều làm không nổi, kinh nghiệm thì chưa có đủ, công tác tổ chức còn chưa hoàn thiện, lanh tanh bành. Nhớ mãi việc anh Philong Mai bảo: "để anh kêu gọi mọi người nữa" nhưng quá biết thực lực của cộng đồng người Việt tại Mỹ, mình đề nghị anh chuyển qua cho những hội đoàn chuyên nghiệp hơn, bởi biết là kham không nổi - làm nhiều quá mà khả năng chưa đủ sẽ dễ dẫn tới nhầm lẫn, lung tung, nếu nhỡ thất lạc thì lại phụ lòng mọi người - thành ra làm đủ khả năng thôi, quá e rằng lại hỏng.

 

Giữa tháng 4, thấy tình hình có vẻ tạm thời ổn định, 2 tình nguyện viên Lương Thành, Anh Dung Nguyen cùng mình đánh một chuyến xe sang Ukraina, điều chủ yếu là muốn tận mắt thấy được tình hình, được trải nghiệm "để mà thấu hiểu". Đó là một chuyến xe đáng nhớ, khi trọng tải xe chỉ 1,5 tấn nhưng chất tới dễ đến 4 tấn thực phẩm, vừa đi vừa bò bởi nhồi càng nhiều càng tốt, giúp được thêm tý nào hay tý ấy.

 

Chuyến đi cho mình mở mắt ra nhiều, hiểu được quyết tâm của người Ukraina muốn thoát Nga, biết được rằng "đây là cơ hội duy nhất để gia nhập được EU, hãy làm sao để đừng làm hỏng". Mình cũng nhận thấy được sự lo lắng, đăm chiêu trước cuộc chiến, nhưng cũng thấy sự nồng hậu, đón tiếp nhiệt tình của người Ukraina khi biết bọn mình sang "hỗ trợ nhân đạo", dù họ chẳng trực tiếp nhận từ bọn mình bất cứ cái gì.

 

Rồi chuyến thứ hai qua Kyiv, tới Bucha, Irpin... để nhìn tận mắt những dấu tích chiến tranh: nhà cửa, cầu đường bị tàn phá, xe tăng Nga cháy nham nhở, hay vô tình lọt vào giữa bãi mìn... càng làm mình hiểu thêm về cuộc chiến này, càng nhận ra rằng: nếu muốn cuộc chiến này kết thúc sớm, cần phải giúp Ukraina nhiều hơn.

 

Cứ thế, thấm thoắt thoi đưa, 54 chuyến xe chính thức lên đường, khoảng 8-10 chuyến xe "tự phát" của phía Ukraina sang không báo trước, có gì lấy nấy, cùng 15 chuyến xe cá nhân... chuyển tới khắp mọi chiến trường, làng mạc, thành phố... những nơi mà tình nguyện viên có thể liên lạc được. Hơn 210 tấn thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế, quần áo, chăn gối, mũ găng, nước tăng lực, máy phát điện... cùng rất rất nhiều những thứ không kể ra hết nổi đã được chuyển tới tay những người cần. Hàng hỗ trợ của người Việt đã có mặt ở mọi chiến trường, ngay cả những nơi gian nan nhất: Kherson, Kharkiv, Bakhmut, Slovyansk, Izium, Mykolaiv, Zaporizhzhia và nhiều nhiều nơi khác nữa

 

Để hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ như vậy, không thể không nói tới sự đóng góp của hàng ngàn người từ khắp mọi nơi trên thế giới: Việt Nam, Ba Lan, Đức, Tiệp, Na Uy, Hungaria, Đan Mạch, Mỹ, Pháp, Ý... cùng nhiều nơi mà mình nhớ không xuể nổi. Số lượng tình nguyện viên trực tiếp tham gia công tác cứu trợ cũng lên tới cả ngàn - đáng tiếc, mình không thể kể tên từng bạn ra đây, bởi sẽ không đủ chỗ, nhưng Thu Ha Do - cảm ơn chị - rồi các anh Mai Hải, Trinh Nguyen Ba, Hanny Nguyen, Nguyễn Mai Anh, Phạm Hồng Thiện, Lê Hoài Anh, Dam Hoang, Anhtuan Trinh, Vu Hoi Khanh, Đỗ Thị Bao, Trịnh Hải, Ngân Nguyên, Dung Choros, Dang Hong Son, Cát Võ, Hoang Hung, Dang Liliana, Van Anh Ha... cùng rất rất nhiều người nữa - không có các anh chị, nhiều lúc em chắc dễ bỏ luôn

 

Thực tế những gì chúng ra đã và đang làm là một công trình xây dựng "tình người với người" của người Việt, mà không ai có thể thực hiện được, nếu không phải là sự chung tay của cả vạn con người. Thay mặt tất cả những người đã nhận được sự trợ giúp từ khắp nơi tại Ukraina, xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn.

 

Một năm trôi qua và sẽ vẫn còn tiếp tục.

 

Từ người Việt, cùng tình yêu.

------

 

P.s. Một điều mình quên chưa nhắc tới, là việc do quá ngán ngẩm với sự dối trá của Putin và truyền thông Nga, mình quyết định bỏ thời gian ngồi điểm tin từ nhiều nguồn cho mọi người.

 

365 ngày, hơn 250 bản tin ra đời tốn mất của mình khoảng 700h làm việc. Tuy chỉ là một cá nhân, nhưng việc cố gắng gần sự thật nhất có thể khiến mình cũng hỗ trợ được nhiều người và có thêm nhiều bạn mới.

 

Mệt, nhưng vui, vui nhất là nếu hôm nào định lười không viết là nhạc phụ phu nhân lại ra hỏi: "Ơ, thế hôm nay không viết tin à ?"

 

Cảm ơn các bạn.

 

Hình : https://www.facebook.com/chau.t.phan/posts/pfbid0zhdeB6di6C3ge3ZKNsvpgQZrSb9GehGtJH6TE6xzqWij41N58s61DQyejrd6rJS9l

 

 

148 BÌNH LUẬN    

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats