Sunday 26 February 2023

ĐỔI TÊN ĐƯỜNG Ở TP.HCM : HẬU QUẢ TỪ 'ÁP ĐẶT NHÃN QUAN LỊCH SỬ MỘT CHIỀU'? (BBC News Tiếng Việt)

 



Đổi tên đường ở TP HCM: Hậu quả từ 'áp đặt nhãn quan lịch sử một chiều'?    

BBC News Tiếng Việt

24 tháng 2 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2q9dny6zv5o

 

Việc hàng loạt con đường bị cho là đặt sai tên, trùng lặp trên địa bàn TP HCM hiện nay một lần nữa khiến một số chuyên gia đưa ý kiến tranh luận và người dân thành phố không khỏi băn khoăn.

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7abc/live/db904f50-b365-11ed-a8d4-6da11089b8a7.jpg

Đường Lê Thánh Tôn nằm trong danh sách đề xuất cần đổi tên ở TP HCM

 

Câu chuyện đổi tên đường không đơn giản chỉ là thay tấm biển ghi tên mới, mà còn ảnh hưởng tới đời sống cư dân và hơn hết là truyền lại giá trị lịch sử, nét đẹp văn hoá dân tộc cho thế hệ sau.

 

BBC News Tiếng Việt đã tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu và chuyên gia sử học về vấn đề này.

 

Tranh cãi việc đổi 400 tên đường ở TP HCM – Bài 1

Sao không đem các nhân vật văn học đặt tên phố ở Việt Nam?

 

.

Từ cách đặt tên đường ở Sài Gòn trước năm 1975

 

Thời Pháp thuộc, hầu hết các tên đường ở Sài Gòn đều mang tên của những sĩ quan người Pháp.

 

Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập Ủy ban đổi tên đường đô thành và thay tên các con đường này sang tiếng Việt.

 

Trao đổi với BBC, nhà sử học Đinh Kim Phúc nhận định: “Tên đường phố ở Sài Gòn trước năm 1975 được đặt hết sức logic, khoa học và có giá trị giáo dục lịch sử, văn hoá và nhân văn”.

 

Từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, tên đường phố được quy hoạch theo cụm, theo khu vực, thể hiện chiều dài văn minh lịch sử của nước Việt 4000 năm văn hiến.

 

Cửa ngõ Bến xe Miền Tây có các đường Hồng Bàng, Hùng Vương, An Dương Vương, Bà Triệu... rồi đến Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Triệu Quang Phục... tiếp đến là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Chiêu Hoàng...

 

Càng tiến về trung tâm, các tên đường được đặt theo các nhân vật gần hơn với mốc thời gian hiện đại.

 

Khu vực Bến Thành, quận 1 là tên của những chí sĩ chống Pháp của Việt Nam Quốc dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Phó Đức Chính, Ký Con, Nguyễn Khắc Nhu...

 

Trong khi đó, khu vực quận 3 có một cụm tên võ tướng triều Tây Sơn như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhiệm… và các nhà văn hoá, thi sĩ nổi tiếng như Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan…

 

Bờ sông Sài Gòn thì được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử để ghi nhớ những chiến công lịch sử thời nhà Trần vào thế kỷ 13.

 

.

Đến cách đặt tên đường ở TP HCM sau năm 1975

 

Sau sự kiện 30/4/1975, hàng loạt tên đường cũ từ thời Việt Nam Cộng Hoà đã bị bỏ và đổi thành tên khác.

 

Những cái tên nhân vật như như Gia Long, Minh Mạng… hay lý tưởng cao đẹp Tự Do, Công Lý… chỉ còn trong ký ức của người dân.

 

Chủ nghĩa nào đã làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975?'

Bi hài kịch trong xã hội Việt Nam thời hậu cộng sản'

 

Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Hoàng Hưng đánh giá rằng việc đổi lại tên đường ở TP HCM sau năm 1975 là không khoa học, xuất phát từ ý tưởng chính trị nhiều hơn.

 

“Theo tôi nhớ là khi đó có một Hội đồng đặt tên đường bao gồm tất cả đại diện của các cơ quan đoàn thể, bao gồm Hội Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... Mỗi một cơ quan đoàn thể đó có được vài suất tên, nên họ lấy những tên nhân vật từ đoàn hội đó mà không quen thuộc với toàn thể quần chúng nhân dân. Rất lộn xộn và buồn cười”.

 

Theo ông Hưng đó là lý do khiến những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá bị mất tên, thay bằng những người mà không ai biết là ai cả, không ai hiểu những người đó có công tích gì, hoặc chỉ có những công tích rất ngắn hạn trong giai đoạn mấy năm.

 

“Riêng việc lấy những nhân vật có thành tích nhất thời trong một giai đoạn chiến tranh thay những nhân vật lịch sử thì tôi không tán thành. Có những nhân vật như anh du kích đánh vài chiếc xe tăng hay những cán bộ đoàn thanh niên hi sinh trong chiến tranh, tất nhiên là cũng nên công nhận sự hi sinh đẹp đẽ của họ, nhưng nên cân nhắc người nào có đóng góp lớn, ảnh hưởng tới lịch sử... Điều đó rất khập khiễng khi so sánh với công tích lịch sử dài hơi của những nhân vật kia”, ông Hưng nói.

 

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng do sự nhận thức ấu trĩ về vấn đề bên thắng cuộc - bên thua cuộc, dẫn đến việc xoá sạch các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá đã nằm sâu trong tâm khảm của người dân vùng miền, thay bằng những cái tên xa lạ và không gắn được với đời sống văn hoá của cư dân.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/766/cpsprodpb/d3fd/live/00a2dc30-b367-11ed-8a04-87f55bfcceee.png

Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Hoàng Hưng

 

.

Tiêu chí nào chọn tên cho đường phố?

 

Một ví dụ đều được nhà sử học Đinh Kim Phúc và nhà nghiên cứu Hoàng Hưng đưa ra là tên đường theo các triều vua Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đều bị bỏ đi sau năm 1975.

 

“Những nhân vật này bị thành kiến, nhưng thực tế là nhiều vị vua, chúa nhà Nguyễn đã có công trạng mở đất, xây dựng đất nước trong một giai đoạn dài, có nhiều công tích nên cần giữ lại tên của họ”, ông Hưng nói với BBC.

 

Còn theo ông Phúc, để xét ai có công ai có tội thì phải đặt họ vào hoàn cảnh mà họ sống thời bấy giờ, cống hiến của họ đối với lịch sử dân tộc khi họ còn sinh thời, chứ đừng đem quan điểm hiện nay của thế kỷ 21 đòi hỏi nhân vật đó phục vụ gì cho chúng ta.

 

“Không có chúa Nguyễn thì đất nước Việt Nam hiện nay có hình chữ S hay không, có bờ cõi như hiện nay hay không. Chúng ta phải đặt vào tổng thể của sự phát triển của dân tộc chứ đừng vì sự yêu ghét, lập trường hay thoả mãn khẩu vị của một ai đó mà làm sai lệch tên đường phố như ngày hôm nay.”

 

Theo quan điểm của ông Phúc, cần xét đến việc Gia Long có công gì đối với đất nước khi mà trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay. “Chúng ta vẫn ca ngợi Gia Long đã đặt viên ngọc tức là Hoàng Sa lên vương miện của người, là xác lập chủ quyền lãnh thổ. Nhưng mặt khác chúng ta mạt sát Gia Long là bán nước thì cuộc đấu tranh giành chủ quyền lãnh thổ như thế nào?”

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/620/cpsprodpb/218f/live/98c0d0d0-b367-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Tiến sĩ lịch sử Đinh Kim Phúc

 

Nhà sử học nêu thêm một ví dụ về Phan Thanh Giản, suy cho cùng thì vị danh sĩ triều Nguyễn này có công hay có tội?

 

Ông cho rằng: “Việc ông ta cầm chén thuốc độc tự sát thì bản thân ông đã thấy mình có công hay có tội đối với đất nước. Nhưng cả cuộc đời của cụ Phan và những suy tư của cụ đến cuối đời trước tình hình đất nước có đáng trân trọng hay không, và di sản cụ Phan để lại có đáng học tập hay không? Đó là vấn đề đáng bàn chứ không phải vì cụ mở thành, giao thành cho Pháp mà chúng ta mãi mãi lên án cụ Phan.”

 

Xét về các danh nhân văn hoá, các chuyên gia cho rằng cái cần xem không phải là người đó đóng góp được gì cho cuộc đấu tranh giai cấp, mà phải xem sự nghiệp văn chương, âm nhạc của người đó có sánh tầm với sự nghiệp âm nhạc của dân tộc, hoặc thế giới hay không.

 

Không thể vì một người có vài bài thơ được dạy trong trường phổ thông, vài bài nhạc được một cộng đồng dân cư nào đó yêu thích rồi được đặt tên đường.

 

Ông Phúc chia sẻ rằng bản thân ông rất thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng ông không đồng ý đem tên Trịnh Công Sơn để đặt tên đường. Vì so sánh như thế là khập khiễng so với bao nhiêu nhà văn hoá như Phạm Duy, hay Tố Hữu… những người có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống văn nghệ Việt Nam.

 

Nhà thơ Hoàng Hưng đồng ý và cho rằng dấu ấn và tầm ảnh hưởng của nhạc sĩ Phạm Duy đối với quần chúng, xã hội là không phải bàn cãi, nhưng vì bị định kiến chống cách mạng, tư tưởng chính trị chi phối nên không có tên đường của nhân vật này.

 

.

Có áp nhãn quan lịch sử một chiều vào tên đường phố?

 

Nhà sử học Đinh Kim Phúc cũng cho rằng vấn đề đặt tên đường không phải chỉ ở riêng TP HCM mà có thể nói đây là vấn nạn của các tỉnh thành trên cả nước.

 

“Mặc dù chính phủ đã có chỉ thị, quy định về vấn đề đặt tên đường, rồi có Hội đồng đặt tên đường trực thuộc Hội đồng Nhân dân ở các địa phương, nhưng việc đặt tên đường vẫn hết sức bất cập”, nhà sử học nêu ý kiến.

 

Ông đặt câu hỏi: “Ở đâu cũng có Hội đồng đặt tên đường, nhưng những người có chuyên môn chuyên về lịch sử văn hoá dân tộc hay lịch sử văn minh thế giới có hiểu hết được người, địa danh mà mình sẽ biểu quyết đặt tên đường hay không. Hay họ chỉ có quyền phát biểu rồi một người nào đó không có kiến thức về văn hoá lịch sử được quyền đặt ai bỏ ai, thành ra mới trở thành vấn nạn như hiện nay?”

 

Theo chuyên gia này, các Hội đồng đặt tên đường được lập ra phải bao gồm tất cả các nhà khoa học có chuyên môn, có nghiên cứu và có đề án thuyết minh cho từng tên đường phố, chứ không phải vào nghe dăm ba tiếng đồng hồ rồi giơ tay biểu quyết theo một khẩu vị của ai đó.

 

Ngoài ra, ông Phúc cũng chỉ ra vấn đề người ta viện cớ không đủ quỹ tên đường để lấy tên cán bộ cao cấp hoặc nguyên thủ quốc gia qua đời vì tuổi già đặt cho tên đường bất chấp người đó có phải là nhân vật lịch sử hay danh nhân văn hoá hay không.

 

“Tôi cho rằng đó là nguỵ biện. Theo tôi cống hiến của một người chiến sĩ cách mạng không ai qua được một người liệt sĩ. Trong số hơn 40.000 tên liệt sĩ ở Củ Chi tha hồ để chọn vào quỹ tên đường, đừng đem cha mẹ mình ra để mà đặt tên”, ông Phúc bức xúc.

 

“Đừng bao giờ có quan điểm nay tôi đặt tên đường cho anh để mai đây anh đặt tên đường cho tôi. Đừng tham nhũng trong vấn đề đặt tên đường phố như đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Cũng đừng vì quan điểm của bên thắng trận mà chúng ta tạo ra hiềm khích cho một dân tộc, tạo ra sự nghi kỵ. Khi đó giá trị giáo dục lịch sử, giáo dục văn hoá bằng không, thậm chí còn gây nguy hại, kéo dài sự chia rẽ của dân tộc này sau gần 50 năm chấm dứt chiến tranh”, là kết luận của nhà sử học.

 

--------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Tranh cãi việc đổi 400 tên đường ở TP HCM – Bài 1

21 tháng 2 năm 2023

.

Những ai xứng đáng để đặt tên đường ở Việt Nam?

2 tháng 12 năm 2019

.

Đi tìm bản chất vụ tranh cãi về Alexandre de Rhodes

8 tháng 12 năm 2019

.

Vì sao chính quyền Việt Nam e ngại các biểu tượng VNCH?

28 tháng 4 năm 2021

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats