Monday 27 February 2023

TÂM SỰ THÁNG HAI về VIỆT NAM và UKRAINE (Võ Ngọc Ánh / BBC News)

 



 

Tâm sự tháng Hai về Việt Nam và Ukraine

Võ Ngọc Ánh

Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Washington, Hoa Kỳ

27 tháng 2, 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce73jk731lno

 

Trong tháng Hai, người Việt và người Ukraine đang có những kỷ niệm buồn.

 

Tháng 2/1975, phán đoán sai trong việc phòng thủ ở Cao Nguyên Trung Phần đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa hai tháng sau đó.

 

Tháng 2/1979, 32 sư đoàn của Trung Quốc đồng loạt tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, gây nên nhiều chết chóc và tàn phá.

 

Và tháng Hai năm nay là tròn một năm Putin gây cho Ukraine nhiều đau khổ. Hàng ngàn người Ukraine hy sinh trước sự xâm lược của Nga, hàng triệu người rời nhà tránh bom đạn, cơ sở hạ tầng đất nước bị tàn phá bởi họng súng của Nga.

 

Nhưng Ukraine không bị nước Nga đè bẹp, bởi họ đang chiến đấu trong ý chí để tồn tại và hướng đến một xã hội dân chủ.

 

.

Tin vào cuộc chiến chính nghĩa

 

Một năm trước tôi đã có những đêm mất ngủ cùng Ukraine. Tỉnh dậy lúc 1, 2 giờ sáng chỉ để cầm điện thoại lên đọc BBC, New York Time, CNN… trong sự lo lắng, thủ đô Kyiv có bị đoàn chiến xa của Nga đè bẹp.

 

Đó là thời điểm tôi nói chuyện nhiều với những người bạn Ukraine quen trước đó. Tôi có mặt ở một số cuộc vận động quyên góp do cộng đồng Ukraine ở các thành phố lân cận tôi ở tổ chức như sự cảm thông.

 

Và rồi, có những đêm tôi mang sự háo hức, vui mừng vào giấc ngủ trước sức phản công của quân Ukraine vào mùa thu năm ngoái.

 

Tôi có những đồng cảm với tình cảnh của Ukraine do người Nga gây ra. Vì dòng máu Việt đang chảy trong tôi qua vô số lần bị Trung Quốc xua quân xâm chiếm với cái lý của kẻ mạnh.

 

Việt Nam xây dựng nền tự chủ với lịch sử bị các triều đại của Trung Quốc đô hộ trong 1000 năm. Hơn 1000 độc lập sau đó, ở thế kỷ nào các triều đại phong kiến phương Bắc cũng đưa quân xâm lược hòng bắt người Việt phải quy phục.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/83a6/live/4bead7c0-b6ae-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Một đơn vị pháo của Quân đội Việt Nam tại tỉnh Lạng Sơn đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lấn của Trung Quốc dọc biên giới dài 230 km giữa hai nước ngày 23/2/1979

 

Đây cũng là cách hành xử của nước Nga to lớn nhưng chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đế quốc, chiếm đất các nước cạnh mình.

 

Nằm cạnh một nước Nga hung hăng, với tham vọng thống trị, áp đặt là bi kịch của Ukraine trong quá khứ và hiện tại.

 

Putin liên tục cầm quyền từ đầu thế kỷ 21 đến nay. Ông không ngừng thể hiện để trở thành như Peter Đại đế đầu thế kỷ 18, hoặc gần hơn như Stalin dùng bạo lực để áp đặt chủ nghĩa cộng sản tại nhiều quốc gia.

 

Trong đầu những người cầm quyền ở Trung Quốc và Nga chỉ muốn đồng hóa, đặt ‘vòng kim cô’ lên đầu những ‘hàng xóm’ nhỏ hơn.

 

Trước sự to lớn của Trung Quốc, trong quá khứ người Việt không ít lần thất thủ, bị đô hộ. Nhưng lịch sử cho thấy người Việt luôn đánh đuổi được quân xâm lược. Bởi người Việt có chính nghĩa trong cuộc chiến bảo vệ độc lập quốc gia.

 

Nói về tinh thần dân tộc của người Việt, Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô đại cáo sau khi Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh của Trung Quốc:

 

“Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt đời nào cũng có”

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7653/live/839ad300-b6ae-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Camera an ninh ghi lại hình ảnh thời điểm các lực lượng Nga vượt chốt, từ vùng Crimea bị chiếm đóng tiến vào miền nam Ukraine

 

Ở phía đông châu Âu, vào tháng Hai năm ngoái, Putin đưa hơn 100 ngàn quân xâm lược Ukraine với lý do xóa bỏ chính quyền tân phát xít ở Ukraine.

 

Lý do Nga đưa ra không được một quốc gia có dân chủ và các định chế quốc tế nào chấp nhận.

 

Bất chấp quân số đông, khí tài hiện đại của người Nga, Ukraine đã chặn bước tiến quân xâm lược, phá hủy ý đồ tiêu diệt chính quyền Kyiv của quân Nga trong vòng ba ngày.

 

Cũng như quân Trung Quốc vào tháng 2/1979, quân Nga hôm nay không ngại giết dân, phá hoại cơ sở hạ tầng hòng gây tổn thất lớn nhất, và gieo nỗi sợ trong dân.

 

Nhưng sức kháng cự của Ukraine làm thế giới từ nghi ngờ ban đầu đến thán phục.

 

Rồi Ukraine từng bước giành thắng lợi trên chiến trường. Đó là nhờ ý thức dân tộc tránh không bị lệ thuộc vào một quốc gia độc tài. Cũng không thể bỏ qua sự giúp sức về vũ khí, kinh tế, ngoại giao… của đa số các nước phát triển nhất trên thế giới.

 

Ukraine có được điều này bởi họ chiến đấu bằng ý chí và con tim để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập của mình và quyền tự quyết của mình.

 

Thái độ một đảng viên Cộng sản

 

Ngày 23/2 vừa rồi, Việt Nam lần thứ năm đi ngược lại việc lên án hành động Nga xâm lược Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chính quyền cộng sản Việt Nam cho thấy họ nghiêng về sự bao che cho hành động xâm lược của Putin. Cả năm lần bỏ phiếu, Việt Nam như cái bóng của Trung Quốc.

 

Thái độ của chính quyền cũng thường là suy nghĩ của nhiều đảng viên cộng sản.

 

Dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, tôi đi Việt Nam có dịp gặp và nói chuyện với một cán bộ bậc trung của chính quyền Việt Nam mới về hưu.

 

Câu chuyện của tôi với anh rồi cũng đến cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc Ukraine.

 

Dù anh cho rằng hành động của người Nga là không được, nhưng anh cũng lên án Ukraine và cả Tổng thống Zelensky.

 

Theo anh, để Ukraine phải chịu cảnh Nga đưa quân xâm lược là lỗi của Zelensky. Nga và Ukraine là hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng. Ukraine ở trong thế giới Nga để tránh một cuộc chiến vẫn hay hơn tìm đến văn minh phương Tây.

 

Không biết anh có nhớ Putin đã đưa đội quân hung hãn để sáp nhập Crimea vào nước Nga hồi năm 2014 hay không? Không biết anh có thấy chính nước Nga là tác nhân, kẻ chống lưng, gây xáo trộn, sự nổi loạn của người Nga ở miền Đông của Ukraine?

 

Như để làm sáng tỏ hơn nhận định của mình, anh nói rằng cha ông ta trong quá khứ vẫn nhìn nhận Trung Quốc như Thiên triều, cống nộp theo định kỳ để bảo vệ sự độc lập và tránh chiến tranh. “Thần phục giả vờ, độc lập thật sự” là thái độ khôn ngoan của các triều đại Việt Nam với Trung Quốc.

 

Tôi không nghĩ tiêu chuẩn của thế kỷ 19 trở về trước mà con cháu đời sau nghĩ ra để biện hộ cho cha ông lại phù hợp trong bang giao giữa các quốc gia ở thời đại bây giờ. Có chăng đó là mong muốn của kẻ mạnh như Nga và Trung Quốc.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/40d4/live/745df4c0-b6af-11ed-89f4-f3657d2bfa3b.jpg

Người dân Mỹ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam

 

 

Sử dụng có trách nhiệm nguồn tài trợ

 

Cách đây bốn năm tôi có gặp một cựu sĩ quan tình báo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang định cư tại tiểu bang Minesota, Mỹ. Biện hộ cho việc cho hành động mà tôi gọi tham nhũng trong chiến tranh Việt Nam, ông nói, “Sỹ quan tụi tôi lúc đó chỉ lấy tiền của Mỹ bỏ túi chứ đâu lấy tiền thuế của người dân, nên không thể gọi việc làm này là tham nhũng.”

 

Trong chiến tranh Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa nhận được sự tài trợ không nhỏ của Mỹ và nhiều nước đồng minh khác. Nhưng số tiền tài trợ này nhiều khi không được sử dụng đúng mục đích.

 

Nhiều chuyện kể, tư liệu, lịch sử cho thấy việc tham nhũng trong chính quyền và quân đội của Việt Nam Cộng hòa lúc đó là khá phổ biến.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ ngày 30/4/1975, nhưng tham nhũng trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa khiến đồng minh Mỹ thấy khó thể bao bọc mãi là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của miền Nam, trong chiến tranh Việt Nam.

 

Tôi tin, Ukraine không thể bỏ qua bài học đắt giá của Việt Nam Cộng hòa với đồng minh Mỹ trước đây.

 

Phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ, Tổng thống Zelensky đã đảm bảo: “Tiền của các bạn không phải là từ thiện. Đó là một khoản đầu tư vào nền dân chủ và an ninh toàn cầu mà chúng tôi xử lý theo cách có trách nhiệm nhất.”

 

Đến thời điểm này, Ukraine đã cho thấy cam kết đúng lời của Tổng thống Zelensky. Hay ít ra chưa có vụ tham nhũng, hoặc sử dụng không đúng mục đích nào được phát giác tại Ukraine với tiền tài trợ từ các nền dân chủ.

 

Dù vậy, tại Mỹ nhiều tiếng nói lên tiếng kêu gọi thành lập một ủy ban để giám sát việc tài trợ của Mỹ cho Ukraine để đảm bảo nó được sử dụng đúng mục đích.

 

Đây là điều tôi nghĩ, Tổng thống Joe Biden khó thể làm lơ trước việc suy giảm sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với cuộc chiến của Ukraine. Thành lập ủy ban này còn là sự tiếp sức để Tổng thống Biden tuyên bố tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai.

 

Còn người Ukraine rõ ràng đã hiểu được, không một đội quân xâm lược nào đối xử tử tế với người dân quốc gia vừa bị họ đè bẹp. Có chăng là sự tô điểm, ban ơn cho những kẻ đã phản bội lại dân tộc, cộng tác với quân xâm lăng.

 

--------------------------------

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Võ Ngọc Ánh đang sinh sống tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

 

.

TIN LIÊN QUAN

 

Số phận của Putin gắn liền với cuộc chiến của Nga ở Ukraine ra sao?

24 tháng 2 năm 2023

.

Chiến tranh Việt Nam: Người Mỹ xâm lược hay 'chỉ can thiệp'?

8 tháng 5 năm 2021

.

Cuộc chiến 17/2/1979: Mạng xã hội VN có nhiều ý kiến mạnh mẽ

17 tháng 2 năm 2022

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats