Khi cuộc chiến Ukraine bước vào năm thứ hai
27/02/23
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/27944-khi-cu-c-chi-n-ukraine-bu-c-vao-nam-th-hai
Đảng Cộng Sản đã gây quá nhiều thảm họa cho đất nước
ta và đang làm chúng ta mất đi một cơ hội lớn khó có thể tìm lại. Nguy cơ ngay
trước mắt là Việt Nam có thể không còn được hưởng những ưu đãi của các thị trường
Mỹ và Châu Âu vào giữa lúc mà kinh tế Việt Nam đã rất chao đảo, một cuộc khủng
hoảng lớn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
https://live.staticflickr.com/65535/52713152632_f9166f87ea.jpg
Ukraine đã chặn đứng cuộc tấn công ồ ạt của Nga
và khiến cả thế giới kinh ngạc
Cuộc chiến Ukraine vừa bước vào năm thứ hai.
Giữa những thông tin và bình luận dồn dập hàng ngày từ suốt một năm qua có lẽ
chúng ta cần một cái nhìn thật bao quát. Càng cần vì cuộc chiến này sẽ thay đổi
hẳn và một cách nhanh chóng bối cảnh chính trị thế giới và nước ta.
Ukraine sẽ vươn lên trong khi Nga gục xuống
Điều đầu tiên cần được nhấn mạnh là cuộc chiến
Ukraine đã chỉ trở thành một khúc quanh lịch sử trọng đại của thế giới vì người
Ukraine. Nếu tất cả diễn ra như Putin dự định thì cuộc xâm lăng Ukraine đã chỉ
là một cuộc "hành quân đặc biệt" như Putin gọi nó và thế giới dân chủ
chỉ có thể lên án với sự phẫn nộ bất lực trước một sự đã rồi. Putin tin là có
thể chiếm được thủ đô Kyiv trong một vài ngày và sau đó chinh phục cả nước
Ukraine để thiết lập một chính quyền bù nhìn tay sai trong một vài tuần. Không
chỉ một mình Putin tin như vậy. Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Pháp
Emmanuel Macron cũng đã đề nghị giúp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chạy
trốn. Tình hình đã thay đổi hẳn
nhờ sự dũng cảm của quân và dân Ukraine. Họ đã chặn đứng cuộc tấn công ồ ạt của
Nga và khiến cả thế giới kinh ngạc.
Phản ứng oanh liệt của
quân dân Ukraine đáng lẽ đã có thể biết trước. Lịch sử quan hệ giữa Ukraine –Đế
Quốc Nga, Liên Xô cũng như Liên Bang Nga của Putin- từ ba thế kỷ gần đây đã chỉ
là chiến tranh và thù hận (1). Chỉ riêng trong 27 năm của
nửa đầu thế kỷ 20, từ 1918 đến 1945, người Ukraine đã ba lần nổi dậy chống Liên
Xô đòi độc lập và khoảng 15 triệu người Ukraine, một nửa dân số vào lúc đó, đã
thiệt mạng, 3 triệu người khác đã bị Stalin lưu đày sang Siberia. Người Ukraine
không bao giờ tháo chạy trước quân Nga, bởi vì khi họ đối diện với Nga thì sự
căm thù và phẫn nộ còn lớn hơn nỗi sợ, kể cả cái chết. Điều thực sự mới là lần
này họ đã có kinh nghiệm chiến đấu kể từ năm 2014 khi Nga tấn công lấn chiếm
bán đảo Crimea và vùng Donbas, hơn thế nữa họ còn được Mỹ và Châu Âu yểm trợ.
Điểm quan trọng nhất vào
lúc này là cuộc xâm lăng của Nga đã thất bại. Tất cả vấn đề chỉ còn là cuộc chiến
này còn kéo dài bao lâu và sẽ kết thúc như thế nào. Không thể khác, chiến tranh rất tốn kém và với một tổng sản lượng nội địa
(GDP) chưa tới 2% GDP thế giới, Nga không có khả năng để thách thức khối 54 nước
ủng hộ Ukraine với trọng lượng kinh tế lớn gấp 40 lần. Hơn nữa sau một năm chiến
tranh vũ khí của Nga còn chứng tỏ phẩm chất rất kém so với những vũ khí mà
Ukraine được cung cấp, quân đội Nga cũng đã chứng tỏ là thiếu cả huấn luyện lẫn
tổ chức và kỷ luật. Đạo quân chiến đấu khá nhất của Nga là đám lính đánh thuê
Wagner gồm toàn trộm cướp và tội phạm. Ngoại trừ hành động tự sát là dùng vũ
khí nguyên tử ngày càng ít khả năng xảy ra, hy vọng duy nhất của Putin là kéo dài cuộc chiến cho đến lúc mà Mỹ và
Châu Âu mất kiên nhẫn và bỏ cuộc. Hy vọng này rất mong
manh vì có mọi triển vọng là Nga sẽ kiệt sức hoặc Putin sẽ bị hạ bệ trước khi sự
kiên nhẫn của khối NATO bị suy giảm. Cho đến nay quyết tâm của Mỹ và các đồng
minh chỉ tăng lên chứ không giảm đi như hai hội nghị tại Bruxelles và Munich vừa
qua đã chứng tỏ.
Nhưng Putin
còn kéo dài được cuộc chiến này bao lâu nữa ? Chỉ
có một vài nhà bình luận tỏ ý lo ngại rằng cuộc chiến này còn có thể tiếp tục
sau năm 2023. Lý do chính của những người này là kinh tế Nga có vẻ vẫn chưa
chao đảo vì những biện pháp trừng phạt kinh tế. Họ dựa trên các số liệu mà Ngân
Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vừa cung cấp, theo đó kinh tế
Nga chỉ suy thoái nhẹ (-2,1%) năm 2022 và sẽ tăng trưởng trong năm 2023 (0,3%)
và năm 2024 (2,1%). Những con số này đã lập tức bị các nhóm chuyên gia kinh tế,
như nhóm nghiên cứu của Đại học Yale, đánh giá là sai một cách lố bịch. WB cũng
như IMF chỉ là những định chế điều hành chứ không phải là những cơ quan nghiên
cứu. Cả hai chỉ lấy lại những con số do Viện Thống Kê Nga (Rosstat) cung cấp và
Rosstat chỉ cung cấp những con số vừa ý Putin. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt
đầu, trong một năm qua, Putin đã thay thế ba lần giám đốc Rosstat.
Thực tế là kinh tế Nga không chỉ suy thoái mà
còn rất bi đát. Nga đang mất 500 triệu USD mỗi ngày về xuất khẩu nhiên liệu (chủ
yếu do không bán được khí đốt và phải hạ giá dầu đối với Trung Quốc và Ấn Độ) ;
hơn 1.000 công ty lớn đã ngưng hoạt động, tất cả các ngành công nghiệp đều sa
sút năng, riêng ngành ôtô đã chết ; gần 3 triệu người Nga thuộc giới khá giả và
có kỹ năng đã bỏ nước ra đi. Liên bang Nga sẽ gục ngã, có thể tan vỡ, sau cuộc
chiến này bởi vì nó chỉ có thể thất bại nhưng lại không thể ngừng cuộc chiến do
bị thống trị bởi một kẻ độc tài mà sự nghiệp và tính mạng bắt buộc phải tiếp tục
cuộc chiến tới cùng dù cuộc chiến chỉ khiến Nga kiệt quệ thêm một cách nhanh
chóng.
Một cách gián tiếp nhưng hùng hồn chính Putin
cũng đã nhìn nhận thất bại. Từ cuối năm 2022 sau khi không còn sức để giao chiến
với quân đội Ukraine nữa, Nga đã dùng tên lửa tầm xa để bắn vào các thành phố
và các cơ sở hạ tầng dân sự. Hành động này nhắm gây kinh hoàng cho dân chúng
Ukraine nhưng cũng là một thú nhận yếu kém ; nó đã chỉ khiến Putin bị thế giới
lên án như một tên côn đồ nhưng hoàn toàn không gây được kinh hoàng cho người
Ukraine, trái lại còn khiến họ quyết tâm hơn. Trong bài diễn văn trước lưỡng viện
quốc hội Nga ngày 21/02/2023 vừa qua, để đánh dấu một năm chiến tranh Ukraine,
Putin đã nói những điều ngược hẳn với sự thực. Thí dụ như Ukraine đã xâm lăng
Nga chứ Nga chỉ tự vệ ; Ukraine âm mưu chế tạo bom nguyên tử để tấn công Nga ;
Phương Tây âm mưu xóa bỏ nước Nga ; Phương Tây đang phá hủy dân chủ và đạo đức,
khuyến khích ấu dâm và hôn nhân đồng tính v.v. Toàn là những bịa đặt trắng trợn
không chỉ sai sự thực mà còn ngược hẳn với sự thực. Đó là một thú nhận tuyệt vọng,
những người lạc quan và tin tưởng không có lý do nào để đảo ngược thực tế như vậy.
Đất nước Ukraine tuy bị tàn phá nhưng sẽ chiến
thắng và sẽ được giúp đỡ để phục hồi và vươn lên, còn Nga sẽ ngã gục mà không
có người vực dậy. Người Ukraine chiến đấu để khẳng định căn cước và chủ quyền của
họ nhưng do bối cảnh đặc biệt của thế giới họ cũng đồng thời tạo ra một thay đổi
rất lớn cho thế giới.
https://live.staticflickr.com/65535/52714095625_8a8ee46609.jpg
Cuộc xâm lăng Ukraine vì vậy cũng là cuộc chiến tự vệ
của độc tài và bóng tối chống lại tự do, nhân quyền và ánh sáng.
.
Làn sóng dân chủ thứ tư
Các lý do khiến Putin phát động cuộc xâm lăng
thô bạo này đã được nhận diện. Trước hết là di sản lịch sử Nga. Vùng đất chung
quanh Nga cho tới nay là một thế giới riêng biệt bao la, xa xôi, băng giá với một
văn hóa riêng và những giá trị riêng. Tại đây quan hệ giữa các dân tộc gần như
chỉ là chiến tranh và chinh phục. Bành trướng là nghĩa vụ của các vua chúa, sự
tàn bạo là quy luật. Trong lịch sử của Nga chưa có bạo chúa nào dù hung ác tới
đâu bị lên án là tàn bạo và cũng chưa có một lãnh tụ nào được ca tụng là nhân hậu
; chinh phục và chiến thắng là tiêu chuẩn để đánh giá một thủ lãnh. Với di sản
văn hóa đó không có gì đáng ngạc nhiên khi Putin muốn phục hồi lại Đế quốc Nga
hay Liên Xô. Sau đó là tham vọng cá nhân. Putin đã cầm quyền 23 năm và đã sửa đổi
hiến pháp để còn có thể cầm quyền thêm 13 năm nữa, một kỷ lục mà ít Nga hoàng
nào có được. Ông ta có tham vọng được nhớ tới như một Peter Đại đế khác.
Nhưng còn một lý do quan trọng hơn nhiều.
Putin liên tục nhắc lại rằng cuộc xâm lăng Ukraine là một cuộc chiến tự vệ của
Nga. Ông ta có lý nhưng đó chỉ là lý của kẻ tăm tối, sống trong đêm đen và coi
ánh sáng là một đe dọa. Putin lên án khối NATO là bành trướng, đang tiến sát lại
và bao vây Nga. Đúng như vậy. Chung quanh Nga, chế độ độc tài Belarus đang lung
lay, Kazakhstan từ bỏ chế độ độc tài Nursultan Nazarbaiev và đang dần dần chuyển
hóa về dân chủ ; ba nước Georgia, Armenia và Ukraine đã dứt khoát chọn lựa dân
chủ. Nhưng đó không phải là vì chính sách bành trướng của NATO -trái lại NATO
đã nhiều lần nhắc lại là sẽ không kết nạp các nước này- mà chỉ là do tiến hóa tự
nhiên của nhân loại về tự do, dân chủ và phẩm giá con người mà Putin không hiểu
hoặc cố tình không muốn hiểu.
Thế giới đang sống một
làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư bắt đầu từ năm 2010 với Mùa Xuân Ả
Rập. Làn sóng này đang dâng lên khắp nơi chứ không phải chỉ ở Đông Âu. Cuộc xâm
lăng Ukraine vì vậy cũng là cuộc chiến tự vệ của độc tài và bóng tối chống lại
tự do, nhân quyền và ánh sáng. Cuộc chiến Ukraine vì vậy đánh dấu một cột mốc lớn
của thế giới. Liên bang Nga sẽ thất bại và sụp đổ sau đó, làn sóng dân chủ thứ
tư sẽ tràn tới Nga, thành trì chống dân chủ kiên cố nhất sẽ bị khuất phục. Các
chế độ độc tài còn lại sẽ hoảng loạn.
Đặc biệt là Trung Quốc sẽ rất cô lập vào đúng
lúc đang khủng hoảng về mọi mặt kinh tế, chính trị, môi trường và cả dân số. Tiến
trình sụp đổ của Trung Quốc thực ra đã bắt đầu rồi. Chúng ta sẽ không bao giờ
nhấn mạnh đủ rằng tiến tới tự do và dân chủ là cuộc hành trình không thể quay
ngược lại của nhân loại. Đế quốc Trung Hoa (được gọi là Trung Quốc từ năm 1911
dù chưa bao giờ là một nước và về bản chất vẫn là một đế quốc) đặt nền tảng
trên độc tài và chuyên chính với ý thức hệ Khổng Giáo rồi với phiên bản cải tiến
của nó là chủ nghĩa cộng sản. Kinh nghiệm của lịch sử thế giới cho thấy là khi
một ý thức hệ bi đào thải, hay yếu đi, thì đế quốc lấy nó làm nền tảng cũng phải
sụp đổ theo. Trung Quốc vì vậy không thể tiếp tục tồn tại với cùng một lãnh thổ
và dân số sau làn sóng dân chủ thứ tư này. Cuộc chiến Ukraine chỉ khiến sự sụp
đổ gia tăng vận tốc.
https://live.staticflickr.com/65535/52714151633_3239670440.jpg
Liên bang Nga sẽ thất bại và sụp đổ sau đó, làn sóng
dân chủ thứ tư sẽ tràn tới Nga, thành trì chống dân chủ kiên cố nhất sẽ bị khuất
phục. Các chế độ độc tài còn lại sẽ hoảng loạn.
.
Đã đến lúc
Điều cần được báo động là nhiều người Việt Nam
vẫn chưa ý thức rằng cuộc chiến Ukraine và kết thúc của nó sẽ có ảnh hưởng lớn
và nhanh chóng lên lịch sử Việt Nam.
Chế độ cộng sản Việt Nam là một trong những chế độ độc tài ngoan cố và
mù quáng nhất và cũng là một trong những chế độ tồi dở nhất. Từ gần một nửa thế kỷ qua, kể từ ngày đất nước
thống nhất dưới chế độ cộng sản, Việt Nam, không có được một phát minh khoa học
kỹ thuật nào, không một sáng kiến kinh doanh lành mạnh nào ngoài móc ngoặc quyền
thế, không một sáng tạo văn học, nghệ thuật và thi ca. Chỉ có kỷ lục phá thai,
môi trường và đạo đức suy đồi, chính quyền ngày càng tham nhũng và gian trá.
Tuy vậy những người cầm quyền không hề biết xấu hổ, ông tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng còn không ngừng khoe khoang.
Trong những năm gần đây vì sự kiện Trung Quốc
trở thành một đe dọa đối với thế giới và đặc biệt là trên Biển Đông, Việt Nam
đã được nhìn như một đối trọng tiềm năng cần thiết và được ưu đãi, kinh tế Việt
Nam vì vậy đã có được mức tăng trưởng khả quan sau nhiều năm trì trệ. Vào năm
2019 Việt Nam được coi là một trong những nước có cơ hội thuận lợi nhất vì là
điểm đến của các công ty đa quốc rời Trung Quốc. Nhưng rồi dịch Covid làm khựng
lại vận hội này và cuộc chiến Ukraine đã giáng cho nó một đòn ơn huệ. Thái độ của
chính quyền cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến này đã gây thất vọng lớn, chế độ
cộng sản Việt Nam đã để lộ chân tướng của một chư hầu ngoan ngoãn của Bắc Kinh
vào đúng lúc Trung Quốc bị nhận diện như một đe dọa cho dân chủ và hòa bình. Làm sao những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt
Nam có thể không hiểu rằng các công ty đa quốc không rời Trung Quốc để chỉ di
chuyển đến một nước chư hầu của Trung Quốc ? Đảng
Cộng Sản đã gây quá nhiều thảm họa cho đất nước ta và đang làm chúng ta mất đi
một cơ hội lớn khó có thể tìm lại. Nguy cơ ngay trước mắt là Việt Nam có thể
không còn được hưởng những ưu đãi của các thị trường Mỹ và Châu Âu vào giữa lúc
mà kinh tế Việt Nam đã rất chao đảo, một cuộc khủng hoảng lớn có thể bùng nổ bất
cứ lúc nào.
Tuy vậy Đảng Cộng Sản và ông tổng bí thư vẫn tỏ
ra yên tâm vì vẫn tin là còn chỗ dựa Trung Quốc mà không biết rằng Trung Quốc
không còn là chỗ dựa nữa. Về bản chất Trung Quốc không phải là một quốc gia mà
là một đế quốc ; sự suy sụp của một đế quốc rất phức tạp và có thể kéo dài khá
lâu nhưng một đặc tính chung của các đế quốc là ngay khi bắt đầu tiến trình sụp
đổ, chúng bắt buộc phải co cụm lại và không còn là một đe dọa hay một chỗ dựa
cho bất cứ ai. Tiến trình sụp đổ của Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ dồn dập sau cuộc
chiến Ukraine. Các nước dân chủ không còn cần tranh thủ Việt Nam, trái lại
chính Việt Nam phải tranh thủ cảm tình và sự hợp tác của thế giới dân chủ.
Đã đến lúc mọi người Việt Nam, dù ở cương vị
nào, phải khẩn cấp cùng nhau suy nghĩ để đạt tới đồng thuận về một dự án dân chủ
cho đất nước.
Nguyễn Gia Kiểng
(27/02/2023)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, Những
gì cần biết nhất khi
cuộc chiến Ukraine bước vào giai đoạn mới ?, Thông Luận, 18/08/2022
==========================================
XEM THÊM
Tròn một năm Nga xâm lược Ukraine (24/2/2022—24/2/2023)
24/02/23
https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/27923-tron-m-t-nam-nga-xam-lu-c-ukraine-24-2-2022-24-2-2023
No comments:
Post a Comment